Khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU: Kinh nghiệm từ Thái Lan
Là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu với giá trị thu về 3,2 tỷ euro (3,75 tỷ USD) mỗi năm, ngành thủy sản đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan cũng như với sinh kế của 2 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này tại 2.500 làng chài trên toàn quốc.
Sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” do các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) tháng 4/2015, Thái Lan đã bắt đầu một cuộc cải cách cơ bản ngành thủy sản, coi đó là một cơ hội để xây dựng lại hình ảnh với nhiều luật, chính sách và chương trình mới.
Tàu đánh cá Thái Lan. Ảnh: Trang web Cục Thủy sản Thái Lan
Nỗ lực không ngừng nghỉ
EC ban hành luật cứng rắn chống lại việc đánh bắt IUU vào năm 2010 nhằm bảo đảm không có sản phẩm thủy, hải sản IUU nào trên thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia có tình trạng đánh bắt IUU trước tiên sẽ bị cảnh báo và bị “áp thẻ vàng cảnh cáo”. Đây là giai đoạn nhận dạng ban đầu, EC sẽ mở một cuộc đối thoại chính thức với quốc gia vi phạm, sau đó theo dõi tình hình khai thác hải sản trong ít nhất sáu tháng. Nếu quốc gia vi phạm chứng minh được sự cải thiện trong các nỗ lực chống đánh bắt IUU, EC sẽ tiếp tục theo dõi sự chuyển biến tích cực cho đến khi “thẻ vàng” được gỡ.
Những nước không có chuyển biến thoả đáng sau thời gian giám sát hoặc bị kết luận “không hợp tác” thì có thể sẽ bị áp “thẻ đỏ”, cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy, hải sản sang EU. Trạng thái cao nhất là bị đưa vào “danh sách đen”, cấm tất cả các sản phẩm thủy sản do các tàu cá hoạt động dưới cờ của quốc gia đó khai thác được. Các công ty thủy sản của EU cũng bị cấm hoạt động tại các quốc gia bị đưa vào “danh sách đen”.
Là đối tác thương mại thủy sản lớn thứ 5 của EU với giá trị thương mại 426 triệu euro trong năm 2016, Thái Lan đã thực hiện trách nhiệm của mình để giải quyết thách thức toàn cầu mang tên IUU một cách nghiêm túc. Quốc gia Đông Nam Á này cải tổ và hiện đại hóa ngành thủy sản, đồng thời xây dựng một khuôn khổ chính sách và luật pháp mới mạnh mẽ để đảm bảo một ngành công nghiệp bền vững, có đạo đức, thân thiện với môi trường và xã hội hơn. Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ “thẻ vàng” cảnh cáo, công nhận tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát kể từ năm 2015.
Chỉ trong vòng 3 năm (2015-2018), Thái Lan đã xây dựng một tương lai mới cho ngành thủy sản thông qua chương trình cải cách sâu rộng nhằm đưa thủy, hải sản của nước này trở nên an toàn hơn, hợp pháp hơn, bền vững hơn và không có IUU nhằm bảo vệ biển cho các thế hệ mai sau.
“Thái Lan không IUU”
Với khẩu hiệu “Thái Lan không IUU”, các nhà chức trách đặt mục tiêu có thể truy xuất nguồn gốc thủy sản “từ biển tới bàn ăn” thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử nâng cao mới. “Thái Lan không IUU” có nghĩa là cá và các sản phẩm thủy sản nhập khẩu và xuất khẩu từ Thái Lan (không chỉ sang EU mà còn đối với tất cả các nước khác) không có nguồn gốc từ các hoạt động đánh bắt IUU, đồng thời cá và sản phẩm thủy sản IUU không thâm nhập vào chuỗi cung ứng của nước này. Từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2018, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 87 triệu euro cho các chương trình chống đánh bắt IUU, trả lương cho đội ngũ gồm 4.000 thanh tra và thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) mới.
Video đang HOT
Hải sản bày bán tại một làng chài ở Thái Lan. Ảnh: Ngọc Quang/Pv TTXVN tại Thái Lan
Theo Cục Thủy sản Thái Lan (DoF), có 8 yếu tố dẫn đến thành công của Thái Lan trong việc đấu tranh với đánh bắt IUU, bao gồm: ban hành các luật mới về thủy sản và biển, tạo khuôn khổ chính sách chiến lược, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống MCS mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động, và chủ động hợp tác quốc tế.
Luật Thủy sản mới của Thái Lan và các quy định liên quan được coi là một trong những luật thủy sản nghiêm khắc nhất trên thế giới, trong đó coi đánh bắt IUU là tội phạm quốc tế và mức phạt cao lên tới 30 triệu baht (780.000 euro) hoặc gấp 5 lần giá trị sản phẩm đánh bắt được.
Kế hoạch Quản lý Nghề cá của Thái Lan (FMP) trong giai đoạn 2015-2019 và Kế hoạch Hành động Quốc gia về IUU (NPOA-IUU) có hiệu lực vào tháng 12/2015. Kể từ đó, chính quyền Thái Lan đã bắt đầu thực hiện FMP nhằm mục đích giảm năng lực đánh bắt và đảm bảo rằng nước này phát triển ngành thủy sản bền vững hơn và có khả năng bảo vệ tốt hơn các nguồn tài nguyên biển. Cục Thủy sản sẽ sớm đề xuất FMP cho giai đoạn tiếp theo, sửa đổi và đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu và biện pháp chính sách tổng thể để Ủy ban Thủy sản Quốc gia phê duyệt. Ngoài ra, Ủy ban Chống đánh bắt IUU, được thành lập vào tháng 4/2018, sẽ điều phối tất cả nỗ lực của các cơ quan Chính phủ Thái Lan nhằm đảm bảo động lực trong hành trình chống đánh bắt IUU và chịu trách nhiệm phát triển chiến lược tổng thể của đất nước để chống đánh bắt IUU.
Thái Lan đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đưa ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện để cho phép kiểm soát và thực thi các hoạt động MCS thông qua Trung tâm Giám sát Nghề cá (FCM) được thành lập năm 2016. Trung tâm này được trang bị hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến để có thể giám sát ở cảng, trên biển và trên không. Hiện tất cả các tàu cá của nước này đều lắp đặt hệ thống định vị giám sát tàu cá. Từ trung tâm, các nhà chức trách sẽ biết được chính xác các tàu cá đang đánh bắt ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái Lan hay đang ở khu vực cấm đánh bắt. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các chủ tàu có thể đăng ký thủ tục xuất nhập cảng cho các tàu cá của gia đình. Với các ứng dụng khác nhau, các chủ tàu sẽ biết tàu của mình đang đánh bắt ở khu vực nào cũng như tra cứu lịch sử đánh bắt của tàu trong 10 ngày qua. Nếu phát hiện tàu đi ra khỏi hải phận của Thái Lan, các chủ tàu sẽ liên lạc với thuyền trưởng để yêu cầu tàu quay trở lại. Ngoài ra, trước khi ra khơi, lao động trên thuyền phải có giấy phép, trong khi thuyền cá phải có giấy phép đánh bắt hợp lệ mới được xuất bến.
Kể từ khi Luật Thủy sản mới có hiệu lực vào năm 2015, Thái Lan đã khởi tố hơn 4.200 vụ đánh bắt IUU. Năm 2018, nước này đã đưa ra mức phạt hơn 100 triệu baht (khoảng 3 triệu euro) đối với một số vi phạm của đội tàu cá ở nước ngoài, đồng thời bắt đầu có các hành động pháp lý đối với các tàu mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu của Thái Lan tham gia đánh bắt IUU.
Thái Lan đã và đang tăng cường hợp tác với các quốc gia khác nhau, bao gồm các quốc gia mà tàu mang cờ, các quốc gia ven biển và các quốc gia có cảng để giải quyết tốt hơn việc đánh bắt IUU. Cục Thủy sản ngày càng đóng vai trò chủ động trong việc khởi xướng hợp tác, cả ở cấp chính thức thông qua việc thiết lập các thỏa thuận song phương và Biên bản Ghi nhớ (MoU) và ở cấp hoạt động thông qua trao đổi thông tin giữa các quan chức. Một ưu tiên chính sách của Chính phủ Thái Lan là thúc đẩy việc thành lập Nhóm đặc nhiệm IUU của ASEAN khi nước này làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2019.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay Thái Lan đã có một hệ thống quản lý đội tàu và tài nguyên bền vững với một đội tàu cá gồm khoảng 37.000 chiếc, trong đó 30% là tàu cá thương mại có dung tích toàn phần từ 10 GT trở lên.
Thái Lan đã cấm tàu cá của nước này ra nước ngoài đánh bắt sau khi bị EC áp “thẻ vàng”, nhưng với những gì đã đạt được Cục Thủy sản đã lên kế hoạch cho phép ít nhất 20 tàu cá được đánh bắt bên ngoài vùng biển của nước này trong năm 2021 theo những quy định chống đánh bắt IUU nghiêm ngặt nhằm khẳng định vị trí là trung tâm sản xuất thực phẩm của thế giới.
Với những thành công được ghi nhận, Cục Thủy sản Thái Lan khẳng định rằng nước này hiện có thể đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm thủy sản được thu hoạch, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu từ Thái Lan không liên quan đến đánh bắt IUU hoặc lao động cưỡng bức. “Chỉ khi hợp tác cùng với nhau, chúng ta mới có thể thành công” – đây cũng chính là thông điệp của Thái Lan với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của mình với các đối tác quốc tế trong việc chống đánh bắt IUU.
Các giải pháp cấp bách để vực dậy ngành thủy sản
Ngành thủy sản cần được ưu tiên tiêm vaccine và các chính sách hỗ trợ để có thể phục hồi.
Ngành thủy sản có vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu các địa phương tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt thì các đơn vị kinh doanh trong ngành này khó có thể trụ lâu thêm và khó phục hồi.
Nhiều công ty thủy sản đề nghị sớm mở lại sản xuất để có thể thu ngoại tệ về từ xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY
Công suất chế biến thủy sản giảm 70%
Một khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa công bố cho thấy tính đến cuối tháng 8-2021, chỉ có khoảng 30%-40% doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam hoạt động được với mô hình "ba tại chỗ". Khoảng 30%-40% đơn vị không đủ điều kiện thực hiện "ba tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy thực hiện "ba tại chỗ".
Đáng chú ý, ngay cả với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được chỉ khoảng 30%-50% tổng số lượng lao động; số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Ước tính, công suất chung của vùng ĐBSCL đã giảm 60%-70%.
Khảo sát cho thấy hiện nay ngành thủy sản hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Thứ nhất, tại các tỉnh, thành phía Nam có khoảng 70% nhà máy phải dừng sản xuất do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh; số nhà máy còn lại thì lượng công nhân đi làm cũng chỉ còn khoảng 20%-40%.
Thứ hai, việc kéo dài thời gian giãn cách liên tục khiến nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn. Thứ ba, các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản khan hiếm, khó tiếp cận do mỗi địa phương có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến DN không thể duy trì sản xuất lâu.
Thứ tư là các công ty vẫn phải chi trả cho lượng nhân công nghỉ dịch, còn với những người làm việc "ba tại chỗ" thì chi phí phải trả lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí ăn ở tại chỗ...
Doanh nghiệp xoay sở để phục hồi
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một đại gia lớn trong ngành thủy sản, cho biết tập đoàn có hai nhà máy: Một nhà máy tại Cà Mau, bình thường có 7.000 công nhân làm việc và một nhà máy tại Hậu Giang, có 6.000 công nhân. Nhưng khi thực hiện "ba tại chỗ", nhà máy tại Cà Mau chỉ còn 1.600 công nhân, nhà máy tại Hậu Giang chỉ còn 1.300 công nhân.
Đáng lo nhất là nhà máy giảm công suất hoạt động thì phải giảm mua tôm, bà con không thả tôm giống nữa nên dự kiến từ tháng 10 đến tháng 12 tới đây sẽ thiếu hụt nguyên liệu xuất khẩu. Như vậy, nếu nới lỏng giãn cách xã hội, sản xuất mở cửa trở lại thì cũng sẽ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.
"Để khắc phục khó khăn trên, hiện chúng tôi đang chuyển đổi theo hướng tăng chế biến tôm có kích cỡ lớn nhằm tăng công suất trong điều kiện thiếu công nhân. Đồng thời, tập đoàn đã khuyến cáo bà con thả mật độ thưa hơn trước đây" - lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thông tin.
Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay hiện nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng phục hồi sản xuất rất khó.
Do vậy, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng nếu TP.HCM nới lỏng giãn cách sau ngày 15-9 thì đây là tín hiệu đáng mừng vì các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là miền Tây có thể sẽ mở cửa theo để đồng bộ. Nếu TP.HCM nới lỏng, mở cửa mà các địa phương khác vẫn siết chặt giãn cách thì vẫn khó cho sản xuất, kinh doanh.
"Vì vậy, nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện phát triển kinh tế không chỉ giúp DN phục hồi sản xuất như trước đây mà còn đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động và ổn định đầu ra tiêu thụ cho nhiều nông sản, người nông dân giảm thiệt hại" - ông Bình nói.
Giải pháp bền vững
Để phục hồi sản xuất một cách bền vững, VASEP và các công ty trong ngành thủy sản đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó, chú ý ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "ba tại chỗ" tại các địa phương trong tháng 9-2021, nhất là lực lượng công nhân ngành thủy sản làm việc trong môi trường khép kín và ẩm ướt rất dễ lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, VASEP đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc quy định sản xuất "ba tại chỗ" sau khi đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì các địa phương nên cho tham gia sản xuất bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Có như vậy mới không làm chuỗi sản xuất, cung ứng ngành thủy sản bị đứt gãy và phục hồi sản xuất được.
Cùng với đó, ngành ngân hàng nên cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý cũng như khoanh nợ, giãn nợ... để DN tái đầu tư phục hồi sản xuất. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về giảm thuế, tiền điện, nước...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết được khâu tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu. Bộ đã tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của các địa phương, DN để trình Chính phủ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải đảm bảo tăng trưởng thủy sản Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vào sáng 4/9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với một số địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến...