Khắc phục 12,5 tỷ, ông Nguyễn Bắc Son có cơ hội thoát án tử?
Nếu gia đình ông Son chỉ khắc phục được 12,5 tỷ, trong khi ông Son nhận hối lộ 3 triệu USD thì việc bồi thường này không được coi là đáng kể, không được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Tại phiên xét xử vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu ( AVG), sáng 21/12, luật sư Phạm Công Hùng – bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son thông tin, ông có nhận được đơn của gia đình ông Nguyễn Bắc Son về thực hiện ý kiến của bị cáo, gia đình sẽ nộp khoản tiền mà ông Son muốn để khắc phục hậu quả.
“Gia đình, những người bạn của bị cáo đã tập hợp được con số là 12,5 tỷ đồng và tôi đã xin phép HĐXX thông báo cho gia đình để thực hiện. Trong thời gian chưa vay mượn tiền được, gia đình cam kết sẽ đưa phần tài sản là căn nhà chung của vợ chồng bị cáo Son để đảm bảo thanh toán hết số tiền bị cáo Son yêu cầu. Như vậy, yêu cầu của bị cáo đã được thực hiện”, luật sư Hùng cho biết.
Trước đó, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình tội Nhận hối lộ. Hình phạt chung, VKSND đề nghị HĐXX tuyên với ông Nguyễn Bắc Son là tử hình.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp gia đình bị cáo khắc phục 12,5 tỷ đồng thì ông Nguyễn Bắc Son có cơ hội thoát án tử hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức về tình tiết trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc tác động để người thân bồi thường, khắc phục hậu quả thay, mức bồi thường, khắc phục hậu quả đáng kể thì sẽ được xem xét áp dụng biết tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là: Tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ khắc phục 12,5 tỷ đồng thì chưa đủ căn cứ để xem xét giảm nhẹ tội.
Ông Nguyễn Bắc Son đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ theo quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 với số tiền nhận hối lộ lên đến 3 triệu USD, nếu bị kết tội thì ông Son phải đối mặt với với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Tại điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tử hình nêu rõ, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Video đang HOT
Ngoài ra điều 40 Bộ luật hình sự cũng quy định: Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, căn cứ vào điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 thì nếu ông Son bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ, nhưng trong quá trình thi hành án, ông Son tự nguyện bồi thường khắc phục được 3/4 số tài sản nhận hối lộ, đồng thời có thêm tình tiết là tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được chuyển từ án tử hình sang tù chung thân.
“Việc bồi thường thiệt hại phải là bồi thường toàn bộ hoặc bồi thường một mức độ đáng kể. Nếu số tiền nhận hối lộ khoảng hơn 60 tỷ đồng mà chỉ bồi thường được khoảng 12,5 tỷ đồng hoặc một nửa thì việc bồi thường này không được coi là đáng kể, không được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Nói về việc luật sư Phạm Công Hùng khẳng định “99% là sẽ nộp được đủ số tiền (khắc phục hậu quả) để trình Hội đồng xét xử phiếu nộp tiền vào tuần tới, làm cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét công và tội”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo đề nghị của đại diện viện kiểm sát thì cơ quan này đề nghị tòa án xem xét áp dụng hình phạt tử hình đối với ông Nguyễn Bắc Son với lý do số tiền nhận hối lộ rất lớn, không thành khẩn khai báo, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên nếu trước khi nghị án mà gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son thay mặt bị cáo bồi thường khắc phục hậu quả đáng kể đối với số tiền 3.000.000 USD thì tòa án có thể áp dụng hình phạt có tính chất khoan hồng hơn đối với ông Son là tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Bởi vậy, tòa án sẽ tạo mọi điều kiện để gia đình ông Son có cơ hội bồi thường, khắc phục hậu quả, giảm bớt thiệt hại cho nhà nước và tăng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Bắc Son.
Hải Ninh
Theo kienthuc.net.vn
Mong thoát án tử, Nguyễn Bắc Son bào chữa và hứa hẹn gì?
Thừa nhận hai tội danh VKS cáo buộc, để thoát án tử, tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn đưa ra lý lẽ phủ nhận vai trò chỉ đạo của bản thân, đổ lỗi cho cán bộ chuyên môn. Bị cáo cũng hứa hẹn gia đình sẽ nộp tiền để mong thoát án tử.
Chiều 20/12, phiên tòa xét xử 2 cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT cùng các bị cáo trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục phần tự bào chữa của các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son tiếp tục được cho ngồi tại chỗ tự bào chữa. Bị cáo xin "đưa ra những chứng cứ giải trình" và đề nghị tòa, VKS đánh giá, xem xét những nội dung buộc tội.
Trước HĐXX, bị cáo Son thừa nhận VKS truy tố mình hai tội danh là đúng người đúng tội. Bị cáo Son nói xin mạnh dạn trình bày những bằng chứng cụ thể. Mong VKS châm trước cho, bị cáo chứng minh nếu đúng thì VKS và tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ để bản thân thanh thản, nếu không đúng thì chấp nhận
Tự bào chữa sau đó, bị cáo Son phủ nhận những cáo buộc của VKS về việc bị cáo chỉ đạo MobiFone mua AVG giá 8.900 tỉ đồng và chỉ đạo phải thực hiện dự án ngay trong năm 2015.
Bị cáo Son dẫn chứng: Bộ Công an có văn bản yêu cầu AVG không bán cho doanh nghiệp nước ngoài mà chỉ được bán trong nước, doanh nghiệp nhà nước mua là tốt nhất. Vì thấy khuyến cáo đó là phù hợp, doanh nghiệp của Bộ đang có nhu cầu, nên bị cáo chỉ đạo "anh em nghiên cứu". "Tôi nói đúng tinh thần như thế', bị cáo Son khẳng định.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son hứa hẹn sẽ cùng gia đình nộp lại tiền nhận hối lộ.
Bị cáo cho rằng, nói việc MobiFone đề nghị mua là do bản thân MobiFone, khi có công văn đề nghị bị cáo không yêu cầu bị cáo Phạm Đình Trọng hay Vụ Quản lý doanh nghiệp trình theo hướng cho MobiFone mua. Đây không phải chỉ đạo của bị cáo, bị cáo chỉ ghi xem xét đề xuất!?.
Bị cáo Son cũng phủ nhận việc chỉ đạo MobiFone mua AVG với giá 8.900 tỉ đồng, mà đổ lỗi do bị cáo Phạm Đình Trọng đã đại diện Bộ TT-TT ký văn bản làm MobiFone hiểu nhầm. "Tôi có thư công tác gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp với tinh thần giao nhiệm vụ cho Vụ làm việc với MobiFone để loại 2 tài sản ngoài ngành ra khỏi dự án. Thư của tôi không hề nói về giá mua, tôi chỉ yêu cầu giảm giá".
Bị cáo Son bào chữa: Bị cáo Trọng đứng danh nghĩa đại diện Bộ ký văn bản là không đúng quy định. Việc ký biên bản này dẫn đến MobiFone hiểu lầm Bộ đồng ý mua giá này nên MobiFone không tiếp tục đàm phán nữa. Vì thế đã tạo sự hiểu lầm và quyết giá mua này.
Bị cáo Son cũng phủ nhận việc gợi ý ông Lê Nam Trà để MobiFone mua AVG: "Bản thân tôi chỉ nói có thể xem xét nghiên cứu thêm mua AVG. Tôi chỉ nói xem xét chứ không có chỉ đạo như tinh thần của cáo trạng là định hướng mua AVG. Tôi không định hướng chỉ đạo mua AVG mà chỉ là xem xét nghiên cứu.
Cáo trạng nêu tôi chỉ đạo để lại 2 tài sản này không tính tiền thì tôi đề nghị VKS đối chiếu giám định lại thư của tôi. Trong thư tôi giao Vụ Quản lý doanh nghiệp không có nội dung nào thống nhất giá mua là 8.900 tỉ đồng", bị cáo Son diễn giải.
Bị cáo Son cho rằng bị cáo Phạm Đình Trọng tự thống nhất để MobiFone mua AVG với giá 8.900 tỉ đồng "là trách nhiệm cá nhân của anh Trọng và không phù hợp".
Bị cáo Son cũng khẳng định không chỉ đạo phải thực hiện dự án trong năm 2015. Do nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt nội dung Thủ tướng chấp thuận chủ trương nên đã chuyển cho Thứ trưởng thực hiện theo tinh thần này.
Kết thúc phần trình bày, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết đã được gặp gia đình, vợ con và đã trao đổi việc sớm khắc phục hậu quả. "Trong những ngày tới đây gia đình tôi sẽ cố gắng khắc phục", bị cáo Son khẳng định.
Sáng nay (20/12) đại diện VKSND nhận định, bị cáo Nguyễn Bắc Son với chức vụ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TT-TT), có vai trò quyết định trong thực hiện dự án để MobiFone mua AVG. Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp tất cả quy định của pháp luật, bị cáo đã có hành vi định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới thực hiện sai phạm trong mua cổ phần AVG.
Bị cáo Son giữ vai trò đứng đầu, chỉ đạo mang tính quyết liệt buộc cấp dưới thực hiện. Trong thương vụ MobiFone mua AVG, bị cáo đã hưởng số tiền hối lộ đặc biệt lớn, cao nhất so với các bị cáo khác. Do đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong các bị cáo bị phát hiện.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, hành vi phạm tội của bị cáo Son là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ chân chính. Việc bị cáo Son tại cơ quan điều tra thừa nhận hành vi phạm tội nhưng ra tòa lại phủ nhận, sau đó lại thừa nhận, cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối cải về hành vi của mình, chưa thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hậu quả vụ án, các bị cáo cấp dưới.
Khoản tiền 3 triệu USD mà bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ chưa được nộp lại. Do đó, dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa thể được hưởng các tình tiết khoan hồng mà cần hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Son.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình về tội Nhận hối lộ.
Hà Nhân
Theo baovephapluat.vn
Từ lời khai ông Nguyễn Bắc Son, Bộ Tài chính, KHĐT có trách nhiệm gì? Trong lời khai của bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thấy một số cơ quan chưa làm đúng với trách nhiệm theo nhiệm vụ, quyền hạn. Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại tòa (ảnh TTXVN) Trong lời khai của bị cáo Nguyễn Bắc Son vào chiều qua (18/12), cũng như từng trả...