Kết quả PISA ảnh hưởng tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp
“Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố” – Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
- Học sinh hiện nay hướng tới sự phát triển toàn diện, nhưng dự thảo thay đổi thi tốt nghiệp THPT lại rút bớt môn thi, điều này có thể dẫn tới tình trạng học lệch các môn?
- Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi như hiện nay mà sử dụng cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%).
Muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể học lệch mà phải nỗ lực học tất cả các môn, nhất là ở lớp 12. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.
Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết kết quả PISA sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp ở các địa phương. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Bộ quy định miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh, vậy tại sao không có tiêu chí xét cho tất cả học sinh mà lại khống chế tỷ lệ?
- Trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi, các trường có thể nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi. Việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc đánh giá nghiêm túc và chịu giám sát từ nhiều phía như học sinh, phụ huynh…
Tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi, khi kỷ cương được thắt chặt.
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây sẽ công bố định kỳ. Kết quả PISA sẽ là căn cứ phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.
- Mối liên hệ giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng là gì, thưa ông?
- Các trường tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức như: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển cùng các hình thức khác để đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào và ngành, nghề đào tạo của trường.
Họ có thể sử dụng kết quả học tập và thi tốt nghiệp ở THPT làm dữ liệu tuyển sinh. Nếu thi tốt nghiệp được tổ chức tốt, độ tin cậy cao, sẽ có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Như vậy, việc tuyển sinh sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp ở mức độ phù hợp, cùng các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn…
Thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng có sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn.
- Theo Bộ, thay đổi trong kiểm tra đánh giá và thi cử có thể làm được ngay. Vậy sau năm 2014, sẽ tiếp tục có những thay đổi gì?
- Để đạt mục tiêu chuyển từ giáo dục coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực thì phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa, kiểm tra – thi – đánh giá. Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang xin ý kiến là phương án của giai đoạn quá độ, dùng cho học sinh học theo chương trình – sách giáo khoa cũ (có đổi mới).
Sẽ có phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hoàn chỉnh khi thế hệ học sinh học chương trình mới đến giai đoạn tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo VNE
Miễn thi tốt nghiệp": Bộ GD&ĐT lên tiếng
"Hiện chúng ta đã có bản dự thảo để xác định tiêu chí miễn thi, rất rõ ràng và có sự giám sát của nhiều bên là học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên... để thực hiện công khai, minh bạch".
Việc miễn thi tốt nghiệp THPT 20% cho học sinh chúng ta giảm được rất nhiều tốn kém cho xã hội. Số 20% học sinh được miễn thi sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ hàng năm cho từng trường ở mỗi địa phương.
Ông Mai Văn Trinh - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Đây là tỷ lệ tối đa cho các Sở GD&ĐT xác định tỷ lệ miễn thi cho học sinh, tuy nhiên căn cứ vào tình hình cụ thể dạy học tại các trường trong phạm vi quản lý của mình mà Sở GD&ĐT địa phương xác định tỷ lệ cho từng trường miễn sao tổng số học sinh miễn thi của các trường không vượt quá tỷ lệ tối đa mà Bộ cho phép."
Theo ông Trinh, chất lượng học sinh của từng trường, từng vùng nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, thành phố và các trường chuyên thì càng có sự chênh lệch, vì vậy chúng ta phải có tiêu chí cụ thể.
Tính trước điều này, Bộ đã có bản dự thảo hướng dẫn xác định một số tiêu chí cơ bản để miễn thi tại các vùng miền. Trên cơ sở đó, địa phương xây dựng một Hội đồng để tiêu chuẩn hóa cụ thể việc miễn thi của địa phương.
Việc xét miễn thi tốt nghiệp sẽ được kiểm tra chéo giữa các thành viên trong Hội đồng thi
Ngoài ra, Sở GD&ĐT địa phương còn xác định các tiêu chí để trên cơ sở đó, rồi xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường trên địa phương mình. Điều này, có sự tham gia, đồng tình của các Hiệu trưởng các trường THPT và Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Phương án miễn thi phải được Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận sau đó phương án này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cho xã hội, phụ huynh học sinh giám sát.
"Về phía nhà trường, Hiệu trưởng các trường thành lập Hội đồng để có phương án miễn thi hiệu quả mà Sở đã công bố đưa ra chỉ tiêu trước đó. Thành phần Hội đồng trong từng nhà trường sẽ có Đảng ủy, Ban Giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên, phụ huynh và học sinh... Như vậy, chúng ta thấy việc này có sự giám sát chéo giữa các thành viên chức năng tham gia của mình." - Ông Trinh phân tích.
Theo ông Trinh, việc dân chủ hóa Hội đồng thi nhà trường sẽ giảm tiêu cực
Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ cũng hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn này của các thầy cô giáo, phụ huynh và của các em trong việc xét 20% số học sinh miễn thi, và giao chỉ tiêu cho từng trường. Điều này dễ xảy ra sự không trung thực, khách quan.
Tuy nhiên, ở đây vai trò của nhà quản lý hết sức quan trọng. Và nó thể hiện ở việc chúng ta đưa ra một quy trình làm ra sao để công khai minh bạch và có sự giám sát chéo của nhiều bên. Trên cơ sở những tiêu chí căn bản xét miễn thi do Bộ đề xuất, thì Sở cụ thể hóa phương án miễn thi và gắn với trách nhiệm của mình trước sau đối với phụ huynh học sinh.
Trên cơ sở các tiêu chí đề ra thì Sở tự cụ thể các phương án của mình, và phương án này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên trang web của các Sở và của trường để lấy ý kiến, để được xã hội, phụ huynh giám sát. Các thành viên trong Hội đồng của nhà trường cũng được công khai để xã hội giám sát...
Với những cách làm này không phải dễ dàng để tiêu cực xảy ra ở địa phương trong việc xét miễn thi 20% số học sinh và chỉ tiêu số học sinh miễn thi ở từng trường, vì tính dân chủ hóa trong từng nhà trường được nâng lên rõ rệt. Tất nhiên đi đôi với đó là vai trò thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng ngành giáo dục sẽ gắt gao và thường xuyên.
"Hiện nay chúng ta đã có bản dự thảo để xác định tiêu chí miễn thi, rất rõ ràng và có sự giám sát của nhiều bên. Đặc biệt có sự giám sát của học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên vì vậy tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ làm được việc này một cách công khai, trung thực và minh bạch..." - ông Trinh nhấn mạnh.
Theo Infonet
Các phương án thi tốt nghiệp THPT: Xem xét ngoại ngữ là môn tự chọn Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đang và sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp về đề án thi tốt nghiệp THPT và chỉ quyết định khi thấy yên tâm về tính khả thi cũng như điều kiện thực hiện. Học sinh lớp 12 đang chờ đợi quyết định...