Kết quả GS, PGS: Vì sao khoa học xã hội ít công bố quốc tế?
Kết quả công nhận GS, PGS năm 2016 cho thấy câu chuyện hội nhập quốc tế và khoảng cách giữa lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn còn xa nhau.
Theo thông lệ vài năm nay, mỗi dịp công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng báo cáo tổng kết thành tựu, kết quả hoạt động khoa học của các tân GS, PGS nói riêng, cũng như thông qua đó, thảo luận các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục đại học nước nhà nói chung.
Quốc tế hoá là xu hướng không thể đảo ngược
Bản tổng kết năm nay phản ánh xu thế không thể đảo ngược trong khoa học – giáo dục đại học, đó là vấn đề quốc tế hoá. Bên cạnh đó, bản tổng kết cũng hé lộ sự chênh lệch và khoảng cách giữa hai lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn.
Bản tổng kết gồm 4.665 chữ, 23 lần cụm từ “quốc tế” xuất hiện. Con số tương ứng với ISI, Scopus (2 danh mục tạp chí quốc tế uy tín nhất) lần lượt là 10 và 11.
Những con số này một lần nữa khẳng định quốc tế hoá và việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng trở thành xu hướng chính thống, được thừa nhận trong các chính sách của Nhà nước, cũng như chuẩn mực mà đội ngũ khoa học nước nhà hướng tới.
Cụ thể, 703 tân GS, PGS năm 2016 công bố 2.413 bài trên các tạp chí thuộc ISI, Scopus; trung bình mỗi người công bố 3,4 bài. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành, lĩnh vực.
Các tân GS, PGS ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật có thành tựu khá ấn tượng: 7 tân PGS ngành Toán học công bố được 74 bài ISI, Scopus (trung bình mỗi người 10,6 bài), 23 tân GS, PGS ngành Vật lý công bố được 537 bài ISI, Scopus (trung bình mỗi người 23,3 bài), 19 tân GS, PGS ngành sinh học công bố được 255 bài ISI, Scopus (trung bình mỗi người 13,42 bài).
Ngược lại, kết quả công bố quốc tế của các tân GS, PGS ngành khoa học xã hội và nhân văn còn khá khiêm tốn. Ngành Kinh tế có kết quả tốt nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, con số tương ứng cũng rất khiêm tốn: 31 bài ISI, Scopus trên tổng số 73 tân GS, PGS (trung bình mỗi người 0,42 bài).
Một số ngành như Ngôn ngữ, Luật học… thậm chí các tân GS, PGS còn chưa có công bố quốc tế ISI, Scopus.
Đại diện Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước trao chứng nhận cho các tân giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: TTXVN.
Khác biệt đến từ truyền thống
Video đang HOT
Những kết quả trên không làm bất ngờ cá nhân người viết. Thành tích vượt trội của các tân GS, PGS thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật không phải đột nhiên xuất hiện.
Có nhiều lý do dẫn đến thành tích này, trong đó lý do lịch sử và truyền thống có lẽ quan trọng nhất. Chúng ta đều biết ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật có truyền thống hội nhập quốc tế lâu hơn so với ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Các nhà khoa học thuộc ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật trở về nước sau thời gian học tập, tu nghiệp ở nước ngoài, nhiều người vẫn cố gắng giữ được “nhịp độ” công bố quốc tế đều đặn như trước.
Các chính sách về cấp kinh phí cho đề tài khoa học tự nhiên và kỹ thuật (ví dụ như Quỹ NAFOSTED) cũng có những yêu cầu bắt buộc nhà khoa học phải có công trình công bố quốc tế mới được nghiệm thu.
Trong nhiều trường hợp, khi quy chế Nhà nước hoặc của Nhà trường chưa quy định tường minh, bản thân các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, cũng đã tự đặt ra tiêu chí công bố quốc tế trong hoạt động chuyên môn của mình (ví dụ một số chương trình đào tạo tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật ở nước ta hiện có “luật bất thành văn” nghiên cứu sinh phải có công bố ISI, Scopus mới được tốt nghiệp).
Hướng tới văn hoá công bố quốc tế trong mọi lĩnh vực
Lý do phổ biến được các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn đưa ra về việc thiếu vắng công bố quốc tế là ISI, Scopus không bao hàm hết các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này (như sách chuyên khảo).
Bản thân GS Nhung, trong báo cáo của mình, cũng nhắc đến điều này và là nhận định hoàn toàn chính xác. Với ngành giáo dục, sách chuyên khảo do các nhà xuất bản uy tín như Palgrave, Wiley… ấn hành cũng được tính là kết quả nghiên cứu có chất lượng, bên cạnh các bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus.
Tuy vậy, số lượng ít ỏi ấn phẩm nghiên cứu công bố quốc tế thực sự đang là vấn đề lớn đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thời gian gần đây, một số nhà khoa học thuộc lĩnh vực trên như PGS Phạm Quang Minh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), PGS Vương Xuân Tình (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) cũng thừa nhận điều này.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy Hội đồng ngành đối với từng ngành, lĩnh vực chuyên môn hẹp có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu như với một ngành khoa học nhất định, ISI hay Scopus không phải danh mục phù hợp để đánh giá chất lượng công bố khoa học, thì bản thân Hội đồng của ngành đó, phải đưa ra được một danh mục tạp chí, ấn phẩm khoa học được cho là phù hợp và lý giải được điều đó để những người ngoài ngành hiểu.
Theo thống kê của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, 2 trên 28 hội đồng ngành có 100% ứng viên GS và PGS có bài báo ISI, Scopus là ngành Cơ học và ngành Vật lý. Ngành Cơ học năm nay có 1 GS và 4 PGS còn ngành Vật lý có 5 GS và 18 PGS.
Trong khi đó, 4 hội đồng ngành, 100% ứng viên PGS có bài báo ISI, Scopus là ngành Cơ học, Công nghệ thông tin, Toán học và Vật lý.
10 hội đồng ngành, 100% ứng viên GS có bài báo ISI, Scopus: Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản, Cơ học, Điện – Điện tử – Tự động hóa, Hóa học -Công nghệ thực phẩm, Khoa học Trái đất – Mỏ, Luyện kim, Nông nghiệp – Lâm nghiệp, Sinh học, Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học và Vật lý.
Có 4 trên 28 hội đồng ngành không có công bố quốc tế là Khoa học An ninh, Khoa học quân sự, Văn học và Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao.
Theo Zing
Học khối ngành xã hội và nhân văn có khó xin việc?
Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn đang có xu hướng bị các trường thu hẹp quy mô đào tạo. Một số chuyên gia cho rằng cạnh tranh nghề nghiệp ở khối ngành này khá lớn.
Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, trong số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại các địa phương năm 2013, chỉ 6% học sinh lựa chọn thi khối C. Năm 2015, 15,3% thí sinh đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia.
Thu hẹp dần ngành khoa học xã hội và nhân văn
Liên tiếp những năm qua, số học sinh thi vào các ngành khoa học xã hội ngày càng ít đi, quy mô đào tạo các ngành Văn học, Lịch sử, Triết học cũng thu hẹp dần.
Trước băn khoăn của nhiều học sinh cho rằng học ngành xã hội và nhân văn lạc hậu, lương thấp, thạc sĩ Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Thực tế, có sinh viên ngành Đông phương học đã hưởng lương 7 triệu đồng một tháng từ năm thứ ba tại công ty nước ngoài. Ra trường, cử nhân ngành này có thể nhận lương từ 17 đến 30 triệu đồng.
Thạc sĩ Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Quyên Quyên.
"Tuy nhiên, giờ làm và thời gian đi lại từ 6h sáng đến 21h. Như vậy, đây cũng được gọi là lương cao dù bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thời gian của tuổi thanh xuân", ông Hải nói.
Vị Phó trưởng phòng Đào tạo cũng cho hay một số ngành như Tâm lý học, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành sẽ được trả lương theo tổ chức doanh nghiệp, tùy từng nơi khác nhau.
Một số ngành như Lịch sử, Triết học, Chính trị học chủ yếu làm việc trong cơ quan Nhà nước. Học sinh nên nhờ những người trong nghề tư vấn về chế độ và thu nhập.
Bên cạnh đó, học khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên có thể chuyển đổi công việc sang lĩnh vực liên quan tương đối dễ dàng. Vì vậy, thị trường lao động cạnh tranh lớn, bởi không chỉ có những người học và làm cùng ngành nghề với mình, mà mở rộng thêm ngành nghề khác.
Dự đoán Tâm lý học "lên ngôi"
Cũng theo ý kiến của thạc sĩ Đinh Việt Hải, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN từ ngày 31/12/2015, lĩnh vực Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành sẽ thu hút người lao động từ khu vực các nước Đông Nam Á đến làm việc tại Việt Nam. Bởi vậy, ngành này sẽ có nhiều cạnh tranh hơn.
Sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, nhân viên điều hành, nhà quản lý, hoạch định những chính sách phát triển du lịch Việt Nam, hoặc tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.
Trong số các ngành khoa học xã hội và nhân văn, Tâm lý học được các chuyên gia nhận định có nhiều triển vọng.
Sinh viên sẽ được học về Tâm lý học Quản trị Kinh doanh (hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán về nhân sự, thị trường lao động, tâm lý), hay Tâm lý học lâm sàng.
Trong xã hội công nghiệp, con người bận rộn, năng động hơn, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, nhưng cũng phải đối mặt những hiện tượng tâm lý khác. Vì thế, nhu cầu về lĩnh vực này có thể tăng.
Bên cạnh đó, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học trị liệu sẽ được đẩy mạnh khi Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông, sẽ mở rộng tuyển những người sẽ được đào tạo về ngành này.
TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn (Học viện Thanh thiếu niên) cũng cho rằng sắp tới, mỗi trường đều phải có cán bộ chăm sóc tâm lý cho học sinh. Đây là cơ sở để nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học tiếp tục tăng.
Có nhất thiết phải vào nhà nước?
TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh thị trường lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước ngày càng thu hẹp dần, vì vậy nếu học sinh nghĩ bắt buộc phải vào cơ quan nhà nước là điều khó khăn.
Ông Hà dẫn thông tin theo kế hoạch của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương phải tinh giản tối thiểu 10%, có nơi 20% cán bộ công chức, viên chức từ năm 2015 tới 2021. Vì vậy, việc tuyển bổ sung nhân sự mới rất ít, học sinh hãy thận trọng khi nghĩ đến việc lựa chọn công việc vào nhà nước.
"Những học sinh có gia đình, người quen làm cùng lĩnh vực thuộc cơ quan nhà nước sẽ có nhiều cơ hội hơn", TS Hà nêu quan điểm.
Thạc sĩ Ngô Xuân Hiếu, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Hà Nội gửi thông điệp: "Những học sinh luôn trăn trở mình không phải 'con ông cháu cha', không có nhiều tiền thì không vào nhà nước. Các em đừng nghĩ đến điều đó, hãy nghĩ đến đam mê của mình để lựa chọn ngành nghề phù hợp".
Theo Zing