Kẻ vạch để phụ huynh ‘xếp hàng’ chờ đón con trước cổng trường
Sau thời gian nghỉ phòng chống dịch covid-19, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Q.Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức phân luồng chỗ để xe cho phụ huynh đưa đón con nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc, lộn xộn vào giờ tan học.
Tất cả các trường tiểu học, THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) đều phân luồng, đánh dấu vị trí phụ huynh đỗ xe chờ đón con trước cổng – ẢNH VĂN HUYỀN
Cổng trường giảm ách tắc
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hầu hết các trường tiểu học và THCS của Q.Ba Đình (Hà Nội) đều có kẻ vạch bằng sơn trắng, chia từng hàng trên vỉa hè để phụ huynh đỗ xe đợi đón con, không được đỗ xe dưới lòng đường. Đây cũng là quận đầu tiên tại Hà Nội áp dụng đồng loạt mô hình này ở các nhà trường.
Chị Vũ Thị Tuyên, có con học lớp 7 Trường THCS Phan Chu Trinh, nhận xét: “Trước đây, mạnh ai nấy dừng đỗ xe để chờ đón con mà đường trước cổng trường lại nhỏ nên cả người dân đi qua và phụ huynh đón con đều rất khó khăn trong việc di chuyển”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Minh Chi có con học tại trường cũng cho hay: “Tôi thấy nhà trường phân luồng chỗ để xe cho phụ huynh khá hợp lý, thuận tiện. Điều dễ nhận thấy là nhiều phụ huynh cũng có ý thức hơn, mọi người nhường nhau chỗ để xe đợi đón con”.
Phụ huynh được “phân luồng” để đứng chờ đón con trước cổng Trường THCS Phan Chu Trinh – ẢNH VĂN HUYỀN
Ghi nhận tại Trường THCS Thăng Long, chúng tôi cũng nhận được những chia sẻ tương tự. Chị Lưu Minh Loan, có con học lớp 9 tại trường này, cho rằng: “Việc này rất có ý nghĩa khi nhà trường đón học sinh trở lại sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch Covid-19 nhưng kể cả khi hết dịch thì cũng rất cần duy trì để trở thành nề nếp của mỗi nhà trường và phụ huynh vào giờ đưa đón con”.
Tại Trường THCS Nguyễn Trãi, nhiều phụ huynh cho biết, trước đây chưa có yêu cầu phụ huynh đỗ xe đúng quy định, cổng trường vào giờ tan học có nguy cơ mất an toàn giao thông khá cao. Do xe chờ đón con của phụ huynh đỗ kín cổng trường nền nhiều khi học sinh đi xe đạp ra rất dễ gây ra va chạm.
Video đang HOT
Tại Trường THCS Giảng Võ, nơi có số học sinh cao nhất của Q.Ba Đình nên việc phân luồng như vậy khiến phụ huynh rất đồng tình ủng hộ. Chị Lại Thị Hồng, một phụ huynh, cho biết: “Từ ngày có quy định rõ ràng về chỗ đỗ xe cho phụ huynh, học sinh đi bộ đến trường cũng ra khỏi cổng dễ dàng hơn, các con có bố mẹ đến đón cũng nhanh chóng tìm được chỗ bố mẹ đứng chờ”.
Phụ thuộc vào ý thức phụ huynh
Tuy nhiên, ghi nhận cũng cho thấy hầu hết khu vực trước cổng trường ở Q.Ba Đình đều khá hẹp nên không thể đủ chỗ cho tất cả phụ huynh đến đón con cùng một lúc nên có thời điểm xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc.
Bên cạnh đó, mỗi phụ huynh cũng cần có ý thức hơn trong việc nhanh chóng rời khỏi khu vực đứng chờ sau khi đón được con để người đến sau có chỗ đứng.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cho biết: “Việc tổ chức sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh khi đưa đón học sinh trước cổng trường trên địa bàn quận nhằm đảm bảo trật tự đô thị – an toàn giao thông, cũng như phòng, chống dịch tại khu vực trước cổng các trường học”.
Việc “phân luồng đón con” ở cổng trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của phụ huynh – ẢNH VĂN HUYỀN
Trước khi triển khai, quận đã yêu cầu các trường thông báo và hướng dẫn đến từng phụ huynh học sinh quy định về dừng, đỗ xe gọn gàng, đúng nơi quy định đã được kẻ vạch sắp xếp xe trước cổng trường và giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực để xe khi đưa đón con tại trường. Đồng thời, xây dựng nội quy thực hiện việc dừng đỗ xe tạm thời đối với phụ huynh trong thời gian đưa, đón học sinh.
“Qua thời gian đầu thực hiện, các trường và phụ huynh đều đồng tình rất cao. Tuy nhiên, đây là việc làm mới mẻ nên sẽ phải có thời gian để trở thành thói quen. Thời gian đầu có lực lượng của quận và nhà trường đứng ở cổng trường để hướng dẫn phụ huynh. Chúng tôi mong sẽ thực hiện tốt điều này để đảm bảo an toàn, an ninh trường học và lan tỏa nét đẹp văn hóa ở môi trường học đường”, ông Thuận nói.
Hà Nội bớt môn thi lớp 10, phụ huynh "đỡ được gánh lo"
Việc Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ 4 tuyển sinh vào lớp 10 năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19, khiến không chỉ các học sinh mà cả các phụ huynh như "đỡ đi được một gánh lo".
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã quyết định bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, theo đó thí sinh sẽ chỉ phải thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Quyết định này đã nhận được sự đồng tình của các học sinh, phụ huynh và giáo viên bởi sẽ giảm bớt áp lực học và thi cho học sinh trong điều kiện phải học từ xa do dịch Covid-19.
"Khi biết được thông tin Hà Nội quyết định bỏ bài thi thứ 4 cho các con thì phụ huynh chúng tôi rất vui mừng và như thở phào", chị Phạm Huyền, phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Chị Huyền cho hay, vui, giảm áp lực - có lẽ cũng là tâm trạng chung của các phụ huynh trong lớp con chị. Bởi trước đó, trong group chat của lớp, các phụ huynh có thử làm khảo sát thì đến 100% phụ huynh đồng tình bỏ môn thi thứ 4.
"Thực tế với mặt bằng chung học sinh của Trường THCS Ngô Sĩ Liên thì việc thi môn thứ 4 theo mình cũng không quá khó khăn. Song nhìn các con học hành vất vả, bố mẹ nào cũng xót. Vậy nên đây là một quyết định rất hợp lòng dân".
Phụ huynh sát cánh cùng con ngày thi vào lớp 10. Ảnh: Thanh Hùng
Có con năm nay thi lớp 10, chị Nguyễn Thị Hải Yến, một phụ huynh ở quận Đống Đa chia sẻ vui mừng bởi điều kiện học tập của năm học này khác với các năm học trước. "Nghe thông tin bỏ bớt môn thi, tôi mừng không phải vì con không phải học nữa mà thực tế điều kiện học tập của các con trong bối cảnh dịch Covid-19 là không thuận lợi, khó cho việc tập trung để đạt chất lượng cao nhất".
Chị Yến cảm thấy nhẹ nhàng hơn bởi trước nay vì lo nên con học rất muộn và thường bố mẹ giục mới chịu đi ngủ. "Hôm nào cũng đến 11h đêm, mẹ giục thì mới đi ngủ. Nhiều hôm con học đến muộn hơn. Sau khi có thông tin bớt môn thi thứ 4, thấy thời gian học của con không nhiều thay đổi nhưng thấy tư tưởng thoải mái hơn rõ rệt".
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, phụ huynh có con đang theo học tại Trường THCS Thái Thịnh không khỏi vui mừng: "Khi có quyết định chỉ thi 3 môn và không thi môn thứ 4 thì mọi người từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên đều cảm thấy như thở phảo vì giải tỏa được áp lực trước nay. Đặc biệt các con nhìn thấy được cái mục tiêu cụ thể để tập trung cố gắng. Tôi nghĩ đây là quyết định đúng đắn".
Con gái chị có nguyện vọng vào Trường THPT Kim Liên - một trong những trường công lập không chuyên top 1 và hệ chuyên Sinh của các trường chuyên, nên áp lực không nhỏ.
Chị Vân Anh kể, từ khi có thông tin bớt đi được một môn thi, tâm trạng con có vẻ thoải mái, đỡ căng thẳng hơn.
"Thực ra nếu xét chung mà nói, nếu thi môn thứ 4 thì nước nổi bèo nổi nên tôi không lo chuyện kiến thức vì tất cả các học sinh đều gặp khó như nhau. Xét về tốn kém chi phí thì cũng không đáng kể. Nhưng nhìn các con ôn tập vất vả với khối lượng kiến thức lớn và chủ yếu cảm giác mông lung không biết sẽ thi môn nào nên rất thương. Vì vậy giảm được môn nào hay môn đó và rõ ràng bớt môn đi thì các con có thể tập trung hơn vào 3 môn còn lại", chị Vân Anh nói.
Con gái học đều, chăm và tự giác đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Sinh học. Thế nhưng chị cũng không hề nuối tiếc trong trường hợp nếu môn thứ 4 rơi vào môn Sinh, bởi theo chị xác suất đó là quá ít ỏi. "Con có học lực khá nhưng rất căng thẳng. Nhiều hôm còn tâm sự với mẹ thèm được ngủ", chị Vân Anh kể.
Phụ huynh đón thí sinh thi lớp 10 năm 2019 làm tắc đường kéo dài. Ảnh: Thanh Hùng
Con gái chị là Ngô Minh Nguyệt Khuê chia sẻ: "Vì có thế mạnh môn Sinh nên trước đây em luôn mong rằng môn thứ tư có thể rơi vào môn học này thì mình sẽ có lợi thế. Nhưng dù sao xác suất cũng rất thấp và bỏ hẳn môn thi thứ tư khiến em bớt đi bao áp lực".
Em Lê Văn Thành (học sinh lớp 9 một trường THCS tại Hà Đông) chia sẻ: "Thú thực lúc đọc được những dòng thông tin chỉ thấy 3 môn thi Toán, Văn, Anh, em đã nhảy cẫng lên trong phòng vì vui sướng. Nhóm bạn em còn chát chúc mừng lẫn nhau vì đỡ được một lượng kiến thức lớn phải ôn thi nhiều môn vì trước nay chưa xác định môn thứ 4 là môn nào".
Không chỉ các học sinh, phụ huynh, mà các trường THCS đều cho rằng đây là quyết định đúng đắn của UBND TP Hà Nội để giảm bớt áp lực cho học sinh trước thực tế các em đã nghỉ học quá dài vì dịch Covid-19.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, với các trường THPT công lập không chuyên, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả các trường với 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài mỗi môn là 120 phút. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 60 phút.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.
Ngoài ra học sinh có thể dự tuyển tại các trường THPT ngoài công lập hoặc các trung tâm GDNN-GDTX bằng phương thức xét tuyển.
Năm học 2019-2020, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT 2020- 2021 dự kiến khoảng 90.730 em; trong đó các trường công lập tuyển 66.492 em; trường ngoài công lập tuyển 21.450 em; trường công lập tự chủ tuyển 2.788 em; các trung tâm GDNN-GDTX tuyển 8.043 em và vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 8.473 em.
Thanh Hùng
Hải Phòng không khuyến khích trẻ mầm non đến lớp Hải Phòng cho trẻ mầm non đến trường từ ngày 27/4. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng khuyến khích phụ huynh cho trẻ ở nhà, nếu có điều kiện trông con. Bậc mầm non với đặc thù phải thực hiện bán trú, giáo viên, bảo mẫu "cầm tay chỉ việc", kể cả khi ăn, ngủ khiến các quy định an toàn...