Kế hoạch Nhật phát tán dịch hạch vào Mỹ năm 1945
Khi Thế chiến II dần đến hồi kết, Nhật từng theo đuổi “Chiến dịch Hoa anh đào ban đêm”, nhằm phát tán bọ chét mang bệnh dịch hạch vào Mỹ.
Với sự ra đời của Nghị định thư Geneva vào năm 1925, trong đó cấm sử dụng các loại khí độc và gây ngạt cùng những vũ khí sinh học khác, chính quyền đế quốc Nhật Bản lại càng tin vào sức mạnh của phương án tác chiến này.
Vì vậy, họ quyết định xây dựng chương trình vũ khí sinh học vào thập niên 1930, đồng thời thành lập sư đoàn chiến tranh sinh học có tên Đơn vị 731 do tướng Shiro Ishii, một nhà vi sinh vật học, chỉ huy.
Sau khi quân Nhật chiếm đóng những vùng đất rộng lớn tại Trung Quốc vào đầu những năm 1930, Đơn vị 731 quyết định xây cơ sở ở thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc khu vực Mãn Châu. 8 ngôi làng bị giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các thí nghiệm sinh học trên dân thường Trung Quốc, gây ra những hoạt động vô nhân đạo nhất thế kỷ 20.
Cơ sở thí nghiệm tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, của Đơn vị 731 thuộc lực lượng đế quốc Nhật trong Thế chiến II. Ảnh: Wikimedia Commons.
Tới tháng 10/1940, lực lượng đế quốc Nhật bắt đầu thử nghiệm chiến tranh dịch hạch. Chúng ném những quả bom chứa bọ chét nhiễm bệnh xuống thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, và Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Qiu Mingxuan, người sống sót sau thảm kịch và trở thành một nhà dịch tễ học, ước tính ít nhất 50.000 cư dân đã thiệt mạng trong các cuộc oanh tạc này.
“Tôi vẫn nhớ sự hoảng loạn của mọi người. Ai cũng đóng cửa kín mít và sợ ra ngoài. Các trường học và cửa hàng ngừng hoạt động. Nhưng đến tháng 12 năm đó, máy bay Nhật gần như ngày nào cũng đến thả bom, khiến chúng tôi không thể duy trì việc phong tỏa. Mọi người chạy về vùng nông thôn và mang theo mầm bệnh”, Qiu kể lại.
Sau hoạt động được đánh giá là thành công tại các đô thị Trung Quốc, “vũ khí tử thần” của Đơn vị 731 được đặt vào trạng thái sẵn sàng cho chuyến đi dài băng qua Thái Bình Dương tới Mỹ.
Ban đầu, Nhật dự định phóng những quả bom khinh khí cầu lớn, dựa vào các luồng gió xoáy để tới Mỹ. Tại thời điểm đó, họ đã thả thành công khoảng 200 bom khinh khí cầu vượt đại dương, giết chết 7 người Mỹ. Washington được cho là đã che giấu các báo cáo về sự việc.
Tuy nhiên, “Chiến dịch Hoa anh đào Đêm” sau đó lại chuyển sang tính toán phương án sử dụng những phi công cảm tử, với đòn tấn công phủ đầu vào California. Toshimi Mizobuchi, người huấn luyện các tân binh của Đơn vị 731, đã lên kế hoạch đưa 20 người, nằm trong số 500 tân binh mới đến Cáp Nhĩ Tân vào năm 1945, lên một tàu ngầm tới bờ biển phía nam bang California, sau đó triển khai máy bay để đưa họ xâm nhập vào thành phố San Diego.
Theo kế hoạch, hàng nghìn con bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch sẽ được rải trên đất Mỹ sau khi các phi công cảm tử lao máy bay xuống đây. Chiến dịch được ấn định vào ngày 22/9/1945.
Đối với nhân chứng Ishio Obata, người được chỉ định làm chỉ huy lực lượng tấn công, nhiệm vụ này gây cảm giác man rợ đến mức nhiều thập kỷ sau ông vẫn khó có thể hồi tưởng lại. “Đó là một ký ức khủng khiếp đến mức tôi không muốn nhớ lại. Tôi không muốn nghĩ về Đơn vị 731. Chiến tranh đã trôi qua hàng chục năm. Xin hãy để tôi im lặng”, ông nói.
May mắn thay, “Chiến dịch Hoa anh đào Đêm” không bao giờ trở thành hiện thực.
Lực lượng đổ bộ đặc biệt của hải quân Nhật đeo mặt nạ phòng độc trong trận chiến tại Thượng Hải, Trung Quốc, hồi tháng 8/1937. Ảnh: Wikimedia Commons.
Một chuyên gia hải quân Nhật Bản tuyên bố lực lượng này sẽ không bao giờ chấp nhận nhiệm vụ, đặc biệt vào nửa sau năm 1945. Khi đó, sứ mệnh bảo vệ các hòn đảo chiến lược của Nhật được đánh giá quan trọng hơn nhiều so với tiến hành tấn công Mỹ.
Video đang HOT
Sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào đầu tháng 8/1945, bằng chứng về những thí nghiệm của Đơn vị 731 cũng lộ diện. Tuy nhiên, Washington vẫn cấp quyền miễn trừ cho Ishii, chỉ huy đơn vị, để đổi lấy những nghiên cứu của ông.
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc “Chiến dịch Hoa anh đào Đêm” đã gần với hiện thực đến mức nào. Trong một cuộc họp quan trọng vào tháng 7/1944, tướng Hideki Tojo của đế quốc Nhật đã bác bỏ kế hoạch sử dụng chiến tranh vi trùng để chống lại Mỹ. Ông nhận thấy Nhật đang rất gần với nguy cơ bị đánh bại, nên việc sử dụng vũ khí sinh học chỉ làm leo thang đòn trả đũa của Mỹ.
Trước khi chết vì ung thư vòm họng vào năm 1959, cuộc sống của tướng Ishii khá yên bình. Nhiều cấp dưới của ông trong bộ máy chỉ huy Đơn vị 731 sau này được nâng lên những vị trí quyền lực lớn hơn trong chính phủ Nhật Bản. Một người từng giữ chức thống đốc Tokyo, người khác là lãnh đạo Hiệp hội Y tế Nhật Bản.
Nhiều thập kỷ sau chiến tranh, khi được hỏi về những hành động man rợ với dân thường trong quá khứ, một bác sĩ thuộc Đơn vị 731 giải thích rằng một số phương pháp thí nghiệm là cần thiết để đảm bảo tính chính xác của nghiên cứu. Với những trường hợp đối tượng thí nghiệm là trẻ em, người này biện minh rằng “có lẽ cha của chúng là gián điệp”. “Trong chiến tranh, bạn phải giành chiến thắng”, y cho hay.
Sự can thiệp của tướng Tojo được cho là giúp ngăn chặn một cuộc thảm sát dân thường Mỹ. Hơn một tuần sau khi đế quốc Nhật đầu hàng, ông đã cố tự sát bằng súng lục, nhưng được cứu sống. Ba năm sau, Tojo bị một tòa án quốc tế xử treo cổ vì phạm tội ác chiến tranh.
Tỉnh "điểm nóng" Covid-19 của TQ từng hứng chịu dịch bệnh khiến 6 vạn người chết ra sao?
Năm 1911, một dịch bệnh chết chóc đã quét qua Trung Quốc, khiến hơn 60.000 người tử vong và thiếu chút nữa trở thành đại dịch. Tỉnh Hắc Long Giang, nơi đang là "điểm nóng" Covid-19 mới tại Trung Quốc là tâm điểm của dịch bệnh nói trên.
Hắc Long Giang - tỉnh có biên giới giáp Nga, đang trở thành "điểm nóng" mới của Trung Quốc trong dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới virus theo ngày gia tăng, chủ yếu đến từ dòng người nhập cảnh.
Năm 1911, bệnh dịch hạch cũng bùng phát mạnh tại tỉnh này. Phong tỏa, kiểm dịch, đeo khẩu trang, che mặt, hạn chế đi lại và nhiều biện pháp đã được Trung Quốc áp dụng vào thời điểm đó nhưng dịch bệnh đã nhanh chóng cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người.
Sau khi dịch hạch được kiểm soát, Trung Quốc đã triệu tập một hội nghị để tìm hiểu về nguyên nhân của dịch bệnh với sự tham gia của các chuyên gia y tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp.
Từ mùa thu năm 1910 cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát vào năm 1911, ước tính đã có khoảng 63.000 người tử vong tại Trung Quốc. Dịch bệnh đáng sợ này đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế về quy mô bùng phát.
Dịch hạch năm 1911 bùng phát mạnh mẽ nhất tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ngày nay.
Y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ khi đối phó với bệnh dịch hạch tại Trung Quốc năm 1911 (ảnh: NY Times)
Cáp Nhĩ Tân thời đó là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân cư người Trung Quốc, Nhật Bản và Nga với nhiều hoạt động thương mại, trong đó, nổi bật là buôn bán da, lông các loại thú như chồn, rái cá. Dịch hạch có thể đã bùng phát từ chính những hoạt động buôn bán động vật hoang dã kiểu này.
Rái cá cạn là loài gặm nhấm sống chủ yếu trên các vùng đồng cỏ, thảo nguyên ở Mông Cổ và vùng Mãn Châu (một phần diện tích thuộc tỉnh Hắc Long Giang ngày nay).
Những tay lái buôn từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản ban đầu chủ yếu thu mua lông và da của loài chồn Zibelin, chồn nâu và rái cá từ các thợ săn người địa phương mà chưa mấy để ý đến da của của loài rái cá cạn. Tuy nhiên, khi nhiều kỹ thuật nhuộm mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, lông của loài rái cá cạn trở nên rất được ưa chuộng nhờ chất lượng tốt.
Hàng ngàn thợ săn đã đổ xô đi săn bắt rái cá cạn để lấy lông bán cho thương lái nước ngoài. Giá trị của lông rái cá cạn đã tăng vọt vài năm trước khi dịch hạch bùng phát. Người dân thời đó không ăn thịt những con rái cá cạn bị bệnh nhưng cũng không bao giờ bỏ đi bộ lông của chúng.
Dù chưa thể xác định chính xác thời điểm bùng phát, tuy nhiên, ca nhiễm dịch hạch đầu tiên đã được phát hiện bởi nhóm bác sĩ người Nga ở Mãn Châu Lý - một thành phố cấp huyện thuộc khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) ngày nay.
Bác sĩ đứng cạnh xác những nạn nhân dịch hạch chờ đi hỏa thiêu (ảnh: CNN)
Các triệu chứng đáng báo động khi người nhiễm bệnh sốt cao và ho ra máu. Tại Mãn Châu Lý, người chết nằm la liệt trên phố và những toa tàu chở hàng được biến thành phòng cách ly.
Cũng giống như cách Covid-19 lây lan bằng những chuyến bay ngày nay, đường sắt thời đó trở thành "phương tiện" của sự lây lan. Nhiều người từ Mãn Châu Lý đã di chuyển đến Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang và mang theo dịch bệnh.
Bệnh dịch hạch thể viêm phổi sau đó đã lan tới những thành phố có các tuyến đường sắt lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Vũ Hán. Ngay cả Thượng Hải, thành phố cách xa Mãn Châu Lý hơn 3.000km cũng có người nhiễm dịch hạch.
Tại khu ổ chuột đông đúc của Cáp Nhĩ Tân, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng. Đến ngày 8.11.1910, Cáp Nhĩ Tân đã ghi nhận ít nhất 5.272 người tử vong. Con số này còn tiếp tục tăng lên khi mãi đến năm 1911, dịch hạch mới cơ bản được kiểm soát.
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế về về cơ sở vật chất, kĩ thuật nhưng Trung Quốc thời điểm đó đã phản ứng nhanh chóng với dịch bệnh. Các cơ sở cách ly được thành lập, hầu hết là được chuyển đổi từ những toa tàu chở hàng. Thân nhân của những người tử vong vì dịch hạch và người buôn lông thú sẽ được cho cách ly tại các cơ sở này.
Bác sĩ Wu Lien-the, người góp công lớn trong phòng chống dịch hạch năm 1911 tại Trung Quốc (ảnh: CNN)
Nếu sau 5 - 10 ngày ở trong cơ sở cách ly mà không biểu hiện triệu chứng, họ sẽ được cho ra ngoài với vòng tay thắt chặt bởi một nút chì để chứng minh rằng không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu một người nhiễm bệnh xuất hiện, gần như toàn bộ người trên toa tàu cách ly đều cũng sẽ bị nhiễm.
Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh này vào thời điểm đó là gần 100%. Tổ chức tang lễ cho người tử vong vì dịch hạch bị cấm, hỏa táng tập thể được triển khai.
Tại Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Trung Quốc Wu Lien-teh phát hiện ra căn bệnh đang hoành hành là dịch hạch thể viêm phổi. Ông khuyến khích người dân đeo khẩu trang hoặc che mặt để phòng tránh lây nhiễm.
Đầu năm 1911, Trung Quốc huy động bác sĩ và các nhà dịch tễ học từ khắp cả nước hội tụ về Cáp Nhĩ Tân để tham gia phòng chống dịch bệnh dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Wu.
Đây là thời điểm người dân chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên việc hạn chế đi lại gần như không thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng làm giảm đà lây nhiễm của dịch bệnh, nó có thể lây lan ra khắp Trung Quốc.
Một người đàn ông được kiểm tra sức khỏe trong dịch hạch năm 1911 (ảnh: Theguardian)
May mắn, các biện pháp như thành lập khu cách ly, phong tỏa và đeo khẩu trang, che mặt mà bác sĩ Wu cùng nhóm chuyên gia đưa ra đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ lây nhiễm tại Cáp Nhĩ Tân đã giảm nhanh chóng. Biện pháp chống dịch thời đó được thực hiện rất quyết liệt, bất kỳ nhà trọ nào xuất hiện ca nhiễm dịch hạch đều bị đốt rụi.
Mặc dù vậy, dịch hạch vẫn lây lan dọc theo các tuyến đường sắt. Đầu tháng 1.1911, Thẩm Dương đã có 2.571 người tử vong vì dịch hạch. Việc kiểm dịch và hạn chế ra khỏi nhà được thực hiện nghiêm ngặt và giúp thành phố này giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Cuối tháng 1.1911, bác sĩ Wu tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát tại Cáp Nhĩ Tân, sau khi hàng loạt bệnh nhân được đưa đi hỏa táng.
Một hội nghị quốc tế để tìm hiểu về nguyên nhân bùng phát và thảo luận về biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã được Trung Quốc tổ chức sau đó.
Thời điểm bấy giờ, Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh chấp với các nước khác và việc tổ chức một hội nghị nhiều bên có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia hội nghị đều cam kết rằng sẽ chỉ tập trung vào khoa học chứ không đề cập đến chính trị.
Một trường hợp nghi nhiễm dịch hạch được đưa đi điều trị (ảnh: Shahnawazalam)
Ngày 3.4.1911, Cố Cung tại Thẩm Dương, Trung Quốc được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị. Ngoài các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, nhiều nước khác như Italia, Hà Lan, Mexico... cũng gửi chuyên gia đến tham dự.
Thời điểm đó chưa có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên việc tìm cách đối phó với dịch bệnh là trách nhiệm của riêng từng nước.
Hội nghị y học tại Thẩm Dương kết thúc vào 28.4.1911. Những kết luận được đưa ra đều xoay quanh vấn đề kiểm soát dịch bệnh, cải thiện vệ sinh và những biện pháp ngăn chặn nạn săn bắt loài rái cá cạn.
"Mọi nỗ lực nên được thực hiện để bảo đảm việc giáo dục y khoa một cách hiệu quả", bác sĩ Wu kêu gọi khi kết thúc hội nghị.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vương Nam
TQ: Xuất hiện chuỗi 50 ca nhiễm Covid-19 từ một người, thành phố 10 triệu dân lo lắng Truy tìm nguồn gốc lây nhiễm Covid-19 ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, giới chức Trung Quốc phát hiện ít nhất 50 người đã nhiễm virus từ một người. Một người đàn ông họ Han bay từ Mỹ về Cáp Nhĩ Tân hôm 19.3 được coi là nguồn gốc lây nhiễm ở thành phố này. 50 ca...