“Kế hoạch Marshall” nào cho EU để vực nền kinh tế sau cú sốc Covid-19?
Thủ tướng Tây Ban Nha hôm 5/4 tuyên bố, châu Âu cần một kế hoạch Marshall quy mô toàn khối nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đây không phải là lần đầu tiên một ý tưởng như thế được đề cập tới, trong bối cảnh các nền kinh tế Liên minh châu Âu bắt đầu “ngấm” những tác động của dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2. Mọi dự báo lúc này đều cho thấy nguy cơ một sự suy thoái sâu sắc trong nửa cuối năm 2020.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters.
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, nếu virus không dừng lại ở biên giới, thì các cơ chế tài chính cũng không được dừng ở biên giới. Liên minh châu Âu cần thiết lập một ngân sách mới dưới hình thức “Kế hoạch Marshal” để giúp thúc đẩy sự phục hồi của châu Âu sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
“Châu Âu sinh ra từ những bài học rút ra sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và cần rút ra bài học từ đại dịch này. Đại dịch toàn cầu đầu tiên mà thế giới đang phải chịu đựng đang gây ảnh hưởng nặng nề đến châu lục của chúng ta. Châu Âu không thể thất bại lần này”, ông Pedro Sanchez nói.
Đây không phải là lần đầu tiên một ý tưởng như thế được đề cập tới. Ngày 1/4, Chính phủ Italykêu gọi những biện pháp mạnh mẽ ở cấp độ châu Âu nhằm tránh nguy cơ một sự suy thoái lớn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen ngày 3/4 thì rõ ràng hơn nhấn mạnh tới một phản ứng mạnh mẽ quy mô tương tự “Kế hoạch Marshal” nhằm phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi đang đưa ra một đề xuất mới để bảo vệ trái tim của nền kinh tế châu Âu, đó là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao. Các biện pháp phong tỏa đang làm tê liệt nhu cầu và nguồn cung. Nhiều công ty hiện không còn thu nhập và nếu chúng ta không làm gì, họ sẽ phải sa thải công nhân, nhân viên của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là khi cỗ máy khởi động lại, họ sẽ không có lực lượng lao động lành nghề mà họ cần và như thế chúng ta sẽ mất thị trường. Điều này sẽ hạn chế sự phục hồi của Liên minh châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cho biết.
Kế hoạch Marshal là một chương trình viện trợ do Mỹ khởi xướng tháng 4/1948 để giúp các nước ở Tây Âu phục hồi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Trong những năm đầu sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, nền kinh tế của nhiều quốc gia Tây Âu rơi vào suy thoái. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, tiền mặt khan hiếm, tình trạng vô gia cư và nạn đói hoành hành trên khắp các nước bị chiến tranh tàn phá. “Kế hoạch Marshall” hướng tới việc phục hưng châu Âu thông qua các khoản viện trợ và cho vay, với tổng giá trị lên tới khoảng 13 tỷ USD và được phân bổ trong giai đoạn từ tháng 4/1948 tới tháng 6/1951.
Theo phóng viên kỳ cựu tờ Politico tại châu Âu Matthew Karnitschig, cuộc khủng hoảng thực sự có thể đã bắt đầu tại châu Âu ngay từ đầu tháng 3 vừa qua khi thị trường chứng khoán hoảng loạn trước cú sốc Covid-19. Cú đòn kép: sự sụt giảm của giá dầu và quyết định của Italy về việc phong tỏa các khu vực phía Bắc nước này do dịch Covid-19 đã khiến các quyết định bán tháo diễn ta nhanh hơn trên thị trường chứng khoán, ở mức độ mà thế giới đã chứng kiến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Phần lớn lo lắng bắt nguồn từ sự không chắc chắn: không ai biết dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu hoặc bao nhiêu người sẽ thiệt mạng. Điều duy nhất người ta có thể nói chắc chắn là tác động kinh tế là rất lớn. Sau những ngày ít ỏi bình thản trước dịch bệnh, chính phủ các nước châu Âu đã liên tục ban bố và điều chỉnh biện pháp khẩn cấp, phong tỏa đất nước, hạn chế đi lại, đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu… tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình trong nước.
Bên cạnh đó là những gói giải ngân hàng tỷ USD với hai mục tiêu chính là cải thiện hệ thống y tế và giải cứu nền kinh tế. Liên minh châu Âu thì sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ linh hoạt cần thiết cho các trường hợp đặc biệt từ công bố quỹ đầu tư lên tới 37 tỷ euro để hỗ trợ khẩn cấp các nước trong khối, cam kết huy động 140 triệu euro để triển khai 17 dự án, trong đó có dự án phát triển các loại vaccine tới việc lần đầu tiên trong lịch sử quyết định ngừng các nguyên tắc tài chính về nợ công.
Dù các biện pháp chung của EU được đưa ra khi số ca nhiễm đã tăng theo cấp số nhân, nhưng có thể thấy những biện pháp này đều có ý nghĩa quan trọng, giúp các nước châu Âu nhận thấy sợi dây kết nối trong “ngôi nhà chung”.
Kế hoạch Marshal có thể xem là một hồi ức chung về cam kết tập thể và lâu dài đối với sự tái thiết châu Âu. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đang trực tiếp đặt ra vấn đề đoàn kết giữa 27 nước thành viên Liên minh châu Âu, thì theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, công cụ đoàn kết mạnh mẽ nhất của Liên minh châu Âu chính là ngân sách chung của khối./.
Thu Hoài
EU cảnh báo ý đồ chia rẽ sau chiến dịch trợ giúp của Trung Quốc
Quan chức EU cảnh báo về âm mưu chia rẽ nội bộ và thông tin sai lệch đằng sau các động thái viện trợ thiết bị y tế hào phóng của Trung Quốc.
Quan chức đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng cảnh báo nguy cơ đằng sau chiến lược "chính trị hào phóng" của Trung Quốc, trong bối cảnh việc Bắc Kinh đẩy mạnh trợ giúp y tế cho một số quốc gia châu Âu chống dịch đang tạo ra tâm lý ngờ vực, theo SCMP.
Trung Quốc hào phóng với EU?
Với thông điệp mạnh mẽ hiếm có, Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh Josep Borrell kêu gọi các nước châu Âu sẵn sàng đối mặt với tác động từ "cuộc chiến ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu", ám chỉ việc Trung Quốc đang đẩy mạnh thông điệp đằng sau hoạt động cứu trợ cho châu Âu thời gian qua.
Trong khi Bắc Kinh gọi chiến dịch gửi hàng triệu khẩu trang tới châu Âu là minh chứng cho đoàn kết và tình bạn, ông Borrell cảnh báo những mục tiêu địa chính trị đằng sau sự hào phóng này.
"Có một cuộc chiến trên toàn cầu đang diễn ra, trong đó thời điểm đóng vai trò tối quan trọng. Trung Quốc đang quyết liệt đẩy thông điệp rằng, không giống như Mỹ, họ là đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy", ông Borrell nói.
Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh Josep Borrell. Ảnh: AFP.
Ông Borrell cảnh báo có những âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của EU, và trong một số trường hợp, người dân châu Âu bị kỳ thị như thể tất cả đều mang theo virus.
"Điều quan trọng với châu Âu là: chúng ta có thể chắc chắn nhận thức sẽ thay đổi khi dịch bệnh biến chuyển và cách chúng ta phản ứng với nó thay đổi. Nhưng chúng ta phải nhận thức được có yếu tố địa chính trị bao gồm âm mưu gây ảnh hưởng thông qua chiến lược chính trị hào phóng", ông Borrell nói.
Kể từ khi tâm điểm đại dịch Covid-19 chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu, Bắc Kinh đã giúp bù đắp cho thiếu hụt về thiết bị tại châu Âu bằng cách cung cấp thiết bị y tế tới một số quốc gia.
Trong khi đó, đồng minh quan trọng nhất của châu Âu là Mỹ đã áp đặt lệnh cấm đi lại với người xuất phát từ châu Âu.
Italy là quốc gia đầu tiên và hưởng lợi nhiều nhất từ sự hỗ trợ của Trung Quốc. Pháp và Áo, hai quốc gia từng gửi hàng cứu giúp tới Vũ Hán, cũng nhận được hàng viện trợ của Bắc Kinh.
Một số tập đoàn danh tiếng của Trung Quốc, như Alibaba và Huawei, đã tham gia gửi thiết bị y tế tới các nước châu Âu như Bỉ, Tây Ban Nha và Ireland.
EU cảnh giác trước Trung Quốc
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula Von der Leyen tuần trước lên tiếng cảm ơn Trung Quốc vì cung cấp thiết bị y tế viện trợ châu Âu, trong đó có 2 triệu khẩu trang y tế.
Bà Leyen gọi động thái của Bắc Kinh là bước đi "có qua có lại" sau khi EU đã cung cấp nhiều thiết bị y tế tương tự tới Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Tuy nhiên, hai diễn biến gần đây đã làm thay đổi quan điểm của EU, theo một nguồn tin ngoại giao. Các quan chức EU giờ đây có xu hướng coi Trung Quốc là một "đối thủ thể chế", cụm từ lần đầu được sử dụng bởi ông Jean Claude Juncker, khi ông này là Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Đầu tiên, các bước đi của Trung Quốc cho thấy giới lãnh đạo Bắc Kinh có xu hướng giao thiệp trực tiếp với từng nước châu Âu trong chiến dịch cứu trợ, thay vì thông qua EU.
Đại sứ Italy Maurizio Massari chỉ trích EU vì chậm hỗ trợ Rome đối phó đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Von der Leyen không nhận được cuộc gọi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dù ông Tập đã trực tiếp trò chuyện với lãnh đạo các nước lớn của EU như Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Thay vào đó, người giao thiệp chính thức với bà Von der Leyen là Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Thứ hai, khối EU đã giật mình trước phản ứng của Serbia, quốc gia đang tiến hành các bước đầu tiên trong quá trình gia nhập EU. Trong bối cảnh EU vội vàng ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế khi dịch bệnh bùng phát, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic châm chọc sự đoàn kết của EU là "viễn tưởng", đồng thời quay sang tán dương Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người bạn và một người anh em".
Trong khi EU bố trí khẩn cấp khoản viện trợ trị giá 8,1 triệu USD cho Belgrade, Trung Quốc nhanh chóng thắt chặt quan hệ với Serbia.
Tuần trước, Chủ tịch Tập đã điện đàm với Tổng thống Vucic hứa hẹn về hỗ trợ y tế, đồng thời tán dương "tình bạn không gì lay chuyển" giữa hai nước.
Trước đó, thành viên chủ chốt của EU là Italy cũng lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng với cách phản ứng của khối khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Hôm 11/3, Đại sứ Italy tại EU Maurizio Massari đã chỉ trích khối thiếu đoàn kết và chậm trễ trong hỗ trợ Italy đối phó với dịch bệnh.
"Brussels cần hành động nhiều hơn là can dự và tham vấn. Các hành động khẩn cấp cần nhanh chóng, chắc chắn và hiệu quả", Đại sứ Massari nói.
Chỉ trích được Đại sứ Massari đưa ra sau khi EU không thể kịp thời cung cấp hỗ trợ thiết bị y tế cho Italy, đặc biệt là khẩu trang, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Italy.
Cuộc chiến thông tin
Thời gian vừa qua, các nhà ngoại giao Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên mạng xã hội, bước đi bị những người chỉ trích miêu tả là chiến lược "tẩy trắng", trong bối cảnh dịch bệnh đã bước đầu được ngăn chặn tại Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng tải một loạt chia sẻ cáo buộc chính phủ Mỹ che giấu sự bùng phát virus corona tại nước này cuối năm ngoái khi gọi đây chỉ là các ca nhiễm cúm, hòng ám chỉ Washington đẩy trách nhiệm làm bùng phát Covid-19 cho Bắc Kinh.
"Sau khi trung tâm nghiên cứu vũ khí sinh học lớn nhất của Mỹ tại căn cứ Fort Detrick ở Maryland đóng cửa hồi tháng 7/2019, nhiều ca viêm phổi hoặc trường hợp tương tự đã xảy ra ở Mỹ", một trong các chia sẻ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp có đoạn.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Italy cũng đăng tải nhiều nội dung bị chỉ trích là sai sự thật lên các mạng xã hội sau khi Bắc Kinh gửi thiết bị y tế tới viện trợ cho Rome.
Các bài đăng này gồm thông tin sai lệch về phản ứng của người dân Italy đối với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, cùng yêu sách chủ quyền sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mikko Huotari, Giám đốc điều hành Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin, cho biết cảnh báo của ông Borrell là "dấu hiệu đáng mừng" cho thấy giới lãnh đạo châu Âu nhận thức được khía cạnh địa chính trị trong "vũ điệu ngoại giao của Trung Quốc".
Trung Quốc gửi đoàn nhân viên y tế tới trợ giúp Italy. Ảnh: Reuters.
"Đây rõ ràng không phải chỉ là sự cao thượng phi chính trị. Ý đồ của Trung Quốc sẽ có tác động ngược. Niềm tin phải dựa trên sự có qua có lại, không phải chỉ dựa trên lời nói và đặc biệt không phải bằng cách lan truyền thuyết âm mưu", bà Huotari nói.
Andrew Small, chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc tại Quỹ German Marshall, cho biết thiện chí ban đầu của EU dành cho Trung Quốc đã không còn.
Theo ông Small, nguyên nhân đến từ mức độ chính trị hóa, truyền thông từ phía Trung Quốc gia tăng trong những ngày qua.
"Phát biểu của ông Borrell vừa là thông điệp mạnh mẽ về sự không hài lòng đối với cách hành xử của Bắc Kinh, đồng thời là tín hiệu cho thấy EU và các nước thành viên sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác trong cuộc cạnh tranh thông tin ở châu Âu cũng như trên toàn cầu về cuộc khủng hoảng này", ông Small nhận định.
Bên ngoài châu Âu, cả Trung Quốc và EU đều cam kết hỗ trợ châu Phi trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 23/3 tuyên bố Bắc Kinh đã cung cấp thiết bị y tế cho các nước châu Phi, và sẽ "đẩy mạnh mức độ hỗ trợ" trong thời gian tới.
Trong khi đó, Cao ủy Borrell khẳng định EU "sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia khác đang ở tình thế mong manh có nguy cơ bị quá tải" vì dịch bệnh. "Trong tình hình này, Africa là mối quan tâm lớn (của EU)", ông Borrell nói.
Đội ngũ bác sĩ Cuba đến giúp Italy chiến đấu với dịch Covid-19
Đoàn bác sĩ Cuba đã đến Lombardy (Italy) vào ngày 22/3, để giúp nước này chiến đấu với đại dịch Covid-19. Đây là các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm.
Dịch COVID-19 ngày 18-3: Cảnh báo 'thổi bay' 25 triệu việc làm Liên minh châu Âu (EU) phải cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với người ngoài khối nhằm kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2. Các nước Đông Nam Á cũng cập nhật những con số đáng ngại. * Bản tin cập nhật lúc 23h ngày 18-3 - Đồ hoạ: NGỌC THÀNH Thông tin cập nhật lúc 23h - Đồ hoạ: NGỌC THÀNH...