Kế hoạch bắt cóc tỷ phú Mỹ của trùm xã hội đen
Ván bài tại dinh thự của Charles Urschel, tỷ phú giàu nhất Oklahoma, bị cắt ngang khi hai người đàn ông đeo mặt nạ, cầm súng xuất hiện vào đêm 22/7/1933.
Hai người đàn ông lăm lăm khẩu súng máy và súng lục lắp nòng giảm âm chĩa thẳng về phía họ, lớn giọng bảo nằm xuống. Urschel cùng bạn là Walter Jarrett bị trói và bịt miệng, rồi bị đẩy lên phía sau của chiếc Chevrolet. Chiếc xe mang theo hai con tin rời dinh thự trong màn đêm.
Vợ chồng tỷ phú Charles Urschel. Ảnh: The Oklahoman .
Sau khi đặc vụ FBI tổ chức điều tra, Jarrett bất ngờ được trả tự do về dinh thự vào lúc 1h hôm sau. Theo Jarrett, bọn bắt cóc rời hiện trường trên con đường đất song song quốc lộ 23 về hướng đông bắc. Chúng lấy giấy tờ tuỳ thân, 50 USD trong ví rồi thả Jarrett tại ngã tư. Chiếc xe chở tỷ phú tiếp tục di chuyển về phía nam.
Tới ngày 26/7/1933, J.G. Catlett, bạn thân của Urschel, nhận được gói hàng chứa nhiều bức thư. Bức thư thứ nhất, Urschel yêu cầu Catlett làm trung gian cho việc chuộc con tin. Bức thứ hai, Urschel viết cho vợ, yêu cầu Catlett đến thành phố Oklahoma ngay lập tức. Lá thư thứ ba gửi cho ông E. E. Kirkpatrick với yêu cầu chuyển ngay 200.000 USD, loại 20 USD trong 7 ngày nhưng không được đánh dấu hay ghi lại số seri.
Hai ngày sau, thêm một bức thư được gửi đến Kirkpatrick để hướng dẫn cách giao tiền. Lá thư yêu cầu Kirkpatrick bỏ 200.000 USD trong túi da màu sáng, mua vé tàu điện đi thành phố Kansas trên chuyến tàu khởi hành lúc 22h10′. Lên tàu ở toa sau cùng, ông quan sát bên tay phải và khi thấy có đám cháy đầu tiên hãy ném túi tiền qua đường ray ngay.
Trong trường hợp không thực hiện được, khi vào thành phố Kansas, Kirkpatrick phải đến khách sạn đăng ký phòng dưới tên E. E. Kincaid và chờ hướng dẫn. Mọi việc phải được tiến hành trong ngày 29/7/1933, thông tin cần được giữ kín, nếu không tính mạng ông Urschel khó bảo toàn.
Mối quan tâm hàng đầu của FBI lúc bấy giờ tập trung vào sự an toàn của nạn nhân nên việc xác minh nguồn gốc những lá thư ít được tập trung.
Ngay lập tức, Catlett quyết định đi cùng Kirkpatrick đến Kansas và được giao giữ túi da chứa 200.000 USD tiền mặt đã được đánh dấu số seri. Chiếc túi còn lại được nguỵ trang, bên trong chứa tạp chí cũ, giao cho Kirkpatrick giữ. Hành trình xuyên đêm đến thành phố Kansas được đặc vụ FBI mặc thường phục bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng trên đường không xuất hiện đám cháy nào.
Theo chỉ dẫn, hai người đến khách sạn nhận phòng dưới tên E. E. Kincaid và nhận được lời nhắn sẽ có người tên C. H. Moore liên lạc sau. Khoảng 17h30 ngày 30/7/1933, Kirkpatrick nhận cuộc điện thoại yêu cầu rời khách sạn, một mình đến khách sạn LaSalle về phía tây và bí mật giao tiền cho người đàn ông lạ mặt. Kẻ nhận tiền nhanh chóng mất hút vào đám đông trước sự ngỡ ngàng của các đặc vụ.
23h30 ngày 31/7/1933, tỷ phú Urschel được thả về nhà trong tình trạng kiệt sức sau 9 ngày bị giam giữ. Lời khai đầu tiên của ông trùng khớp với Jarrett. Xe di chuyển về phía nam khoảng 90 phút thì dừng tại nơi ông ngửi được mùi xăng. Điểm dừng thứ hai có thể là nhà kho, nhóm bắt cóc chuyển Urschel sang xe 7 chỗ, bắt phải nằm ở khoang sau. Sau quãng đường dài, ông lần lượt được đưa đến hai ngôi nhà. Trong ngôi nhà thứ hai, ông bị còng và bị bịt miệng.
Hôm sau, kẻ bắt cóc quay lại thay xích để Urschel có thể đi lại trong phòng. Chúng tra khảo tỷ phú để lấy thông tin, qua đó biết được tên người bạn thân John G. Catlett, đồng thời bắt ông viết thư.
Trong thời gian giam giữ, Urschel nghe kẻ bắt cóc kể về những lần gây án cướp vài ngân hàng. Ông không biết đang ở đâu nhưng hàng ngày từ khoảng 9h45 đến 17h45 đều nghe rõ tiếng động cơ máy bay ngang trên bầu trời. Đến 14h ngày 31/7/1933, một trong hai kẻ bắt cóc quay lại và cho biết sẽ trả tự do cho ông tại thành phố Norman, Oklahoma và còn cho ông 10 USD.
Quy mô cuộc điều tra được mở rộng. Chủ mưu vụ bắt cóc được xác định có thể là vợ chồng George Kelly và Kathryn Kelly. Cả hai có nhiều tiền án tiền sự, trong đó George Kelly có biệt danh Kelly “súng máy”, từng thụ án tại nhà tù bang New Mexico, được biết đến như tên trùm xã hội đen khét tiếng thời bấy giờ chuyên buôn lậu, cướp ngân hàng.
Video đang HOT
George R. Kelly. Ảnh: Memphis Police Department.
Chi tiết về ngôi nhà nơi ông Urschel nghe tiếng động cơ máy bay ngang trên bầu trời được FBI chú trọng. Tất cả trang trại trong bán kính hơn 960 km xung quanh thành phố Oklahoma được khoanh vùng. Hãng hàng không American Airways xác nhận có chuyến bay khởi hành hàng ngày từ Fort Worth đến Amarillo từ 9h15 và 15h30, tương ứng với thời gian Urschel nghe tiếng động cơ hàng ngày. Khu vực Paradise, Texas với nhiều trang trại và nằm cách đường băng cất cánh khoảng 10 phút bay được ghi nhận có thể là nơi giam giữ.
Trùng hợp, khu vực này có trang trại đứng tên mẹ của Kathryn Kelly. Hơn nữa, nhân chứng cho biết từng thấy vợ chồng Kelly thường xuyên xuất hiện trong khoảng thời gian tỷ phú Urschel mất tích.
Lập tức, FBI tổ chức vây ráp nhà mẹ của Kathryn vào ngày 12/8/1933. Kẻ bị bắt đầu tiên là Harvey Bailey, tên tội phạm nguy hiểm vượt ngục khỏi nhà tù bang Kansas khi đang chấp hành bản án 50 năm tù. Ba kẻ bị bắt còn lại là Robert Shannon, vợ Ora Shannon, và con trai Armon Shannon.
Khám xét nơi trốn của Bailey, nhà chức trách thu khẩu súng máy và hai khẩu súng lục, cùng 1.100 USD trong đó có 700 USD có số seri trùng khớp với tiền chuộc Urschel.
Từ đây, ngôi nhà ông bà Shannons được xác định là nơi đầu tiên bị giam giữ. Nhà của Armon Shannons cách đó 15 phút lái xe là hiện trường giam giữ thứ hai. Giọng nói của cha con nhà Shannons được khẳng định là hai người đã canh chừng ông trong suốt thời gian nhóm bắt cóc vắng mặt.
Nhóm bị bắt thừa nhận tội trạng, chỉ ra hai kẻ chủ mưu là George Kelly và Albert Bates. Bates bị bắt ngay sau đó với bằng chứng là 660 USD có số seri trùng với tiền chuộc. Vợ chồng Kelly do lẩn trốn nên bị FBI phát lệnh truy nã đặc biệt.
Ngày 7/10/1933, Harvey Bailey, Albert Bates, Robert Shannon và Ora Shannon cùng bị kết án tù chung thân, Armon Shannon chịu án 10 năm quản chế.
Cuộc truy đuổi gắt gao về tung tích của vợ chồng Kelly được các đặc vụ FBI tiến hành khẩn trương. Trong cuộc đột kích sáng sớm 26/9/1933, cặp đôi bị bắt.
12/10/1933, George và Kathryn Kelly bị kết tội và bị kết án tù chung thân. Nhà chức trách thu giữ tang vật, và bắt các nghi phạm đã giúp vợ chồng Kelly trốn thoát và tiêu thụ phần tiền còn lại.
Vụ án được khép lại với 21 người phạm tội đã bị kết án, các bản án bao gồm sáu bản án chung thân và các bản án khác, tổng cộng hơn 58 năm.
Toàn cảnh 18 giờ lính Thái Lan xả súng giết 29 người
9h sáng 9/2, thi thể thượng sĩ Jakrapanth nằm cạnh kho lạnh trong trung tâm thương mại, 18 giờ sau khi anh ta nổ phát súng đầu tiên.
Nakhon Ratchasima, thành phố 166.000 dân nằm giữa vùng đồng bằng miền trung và khu vực kém phát triển ở đông bắc Thái Lan, lẽ ra phải là nơi mọi người hòa ái với nhau. Nằm trên đường cao tốc Hữu nghị do Mỹ xây dựng vào đầu những năm 1950, thành phố này là một trung tâm chiến lược với cả quân đội Thái Lan vì có nhiều căn cứ trong khu vực và ngành nông nghiệp, với các nhà máy chế biến gạo, đường mía, vừng và trái cây.
Jakkrapanth Thomma phát trực tiếp cuộc tấn công ở Nakhon Ratchasima ngày 8/2. Ảnh: Facebook.
Các quan chức Thái Lan ban đầu cho rằng tay súng, Thượng sĩ Jakkrapanth Thomma, đơn giản là đã phát điên. Sau đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 9/2 cho biết anh ta giận dữ vì tranh chấp đất đai.
Ngày 8/2, anh ta đến gặp Anong Mitrchan, 65 tuổi, người chuyên môi giới bất động sản cho các sĩ quan quân đội, ở nhà bà để bàn về khoản thanh toán từ một thỏa thuận. Không rõ bà có phải là mục tiêu trút cơn thịnh nộ của Jakkrapanth hay liệu bà này có làm gì sai không. Nhưng bà và anh ta đã vướng vào một cuộc tranh chấp kéo dài.
Anong không ở một mình. Con rể đồng thời là cấp trên của Jakkrapanth, đại tá Anantharot Krasae, cũng ở nhà cùng với đối tác làm ăn của bà. Jakkrapanth bắn cả ba. Chỉ có người đối tác sống sót nhưng bị thương nghiêm trọng.
Anh ta đăng ảnh những viên đạn lên Facebook. "Không ai có thể thoát khỏi cái chết", anh viết. "Làm giàu nhờ gian lận và lợi dụng người khác. Họ rồi có mang tiền được xuống địa ngục không?".
Jakkrapanth bỏ chạy đến một căn cứ quân sự, bắn chết nạn nhân thứ ba trước khi đánh cắp một xe Humvee và nhiều vũ khí. Vừa lái xe vừa nổ súng, anh ta đến bãi đỗ xe của trung tâm thương mại Terminal 21 vào khoảng sau 15h, khi cảnh sát nhận được cuộc gọi đầu tiên khai báo về vụ nổ súng tại nhà bà Anong.
Trước khi vào trung tâm thương mại, Jakrapanth bắn một số bình khí nén, gây ra một vụ nổ và đám cháy lớn ngoài cửa. Y phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook vụ xả súng, chụp ảnh selfie với một khẩu súng trường và một khẩu súng ngắn với bùa hộ mệnh quấn quanh nòng, tuyên bố rằng mình đang "trả thù".
Terminal 21, nơi nổi tiếng về cách trang trí mỗi tầng theo một địa danh trên thế giới, từ Caribe, London, Paris cho đến Hollywood, nhộn nhịp vào chiều thứ 7. Rạp chiếu phim đông khách, các gia đình, cặp vợ chồng, thanh thiếu niên đổ về những cửa hàng điện thoại di động, quần áo và khu ẩm thực.
Họ nghe thấy tiếng súng nổ. Mọi người hốt hoảng cúi thụp xuống để tránh đạn. Nhiều người bị giết bên ngoài trung tâm thương mại, một số đang đi bộ, số khác ngồi trên xe.
Mọi người không rõ chuyện gì đang xảy ra. Nhân viên dọn vệ sinh Kul Kaemthong, 53 tuổi, cho biết bà đang nghỉ ngơi vào khoảng 17h khi nghe thấy tin có người bị bắn. Nhìn ra từ cửa sổ của khu ẩm thực ở tầng 4, bà thấy một thi thể nằm cạnh xe máy, một thi thể khác nằm cạnh ôtô.
Bà bắt đầu chạy. Rồi bà nghe thấy thêm tiếng súng. Một, hai, ba rồi hàng chục tiếng súng liên tục vang lên. Thiếu tướng Jirapob Puridet, người chỉ huy đội an ninh đột kích, cho biết Jakkrapanth có hai khẩu súng lục, một khẩu súng máy và khoảng 800 viên đạn.
Tay súng đã "nhắm vào đầu", một người sống sót kể. "Anh ta bắn khắp nơi, những phát súng rất chính xác", người đàn ông có tên là "Diaw" nói.
Cảnh sát Thái Lan tại trung tâm thương mại Terminal 21 ở Nakhon Ratchasima ngày 9/2. Ảnh: AFP.
Viparat, 39 tuổi và chồng cô, Somwang Kwangchaithale, 39 tuổi, đang ngồi trong rạp chiếu phim trên tầng 5 của trung tâm thương mại thì đèn bật sáng và một thông báo khẩn cấp phát qua loa vào khoảng 17h30. Ban đầu họ ở lại trong rạp. Sau đó, nhân viên trung tâm thương mại đưa họ vào một văn phòng và khóa cửa. 100 người trốn ở đây cho đến khi nhận được tin báo từ giới chức rằng họ sắp được sơ tán.
"Họ yêu cầu chúng tôi tắt đèn", Somwang nói. "Đi nhẹ và không gây ra tiếng động lớn".
Nhưng khi họ đến tầng hầm, tay súng nghe thấy họ, anh ta bắt đầu xả súng. "Tất cả những người tập trung tại bãi đỗ xe la hét và chạy trốn", Viparat kể. "Giới chức giúp chúng tôi ra ngoài, cảnh sát, nhân viên cứu hộ, quân đội".
Vào thời điểm đó, chính quyền đã mở chiến dịch vây bắt trong khi Jakkrapanth cố thủ ở tầng hầm. Sau 20h, cảnh sát tuyên bố tay súng là người bị truy nã gắt gao nhất và kêu gọi công chúng cung cấp thông tin, đồng thời công bố ảnh kẻ tấn công. Giới chức cũng bắt đầu sơ tán số lượng lớn người ra ngoài, yêu cầu họ giơ tay lên cao và tự khai báo danh tính. Cảnh sát lo ngại tay súng trà trộn vào đám đông.
Bên ngoài, hàng chục nhân viên cấp cứu mặc áo cam giúp đỡ các nạn nhân và người được giải cứu. Người thân và bạn bè của những người mắc kẹt trong trung tâm thương mại hồi hộp chờ đợi tin tức về số phận của họ. Tình cảnh bế tắc kéo dài hàng giờ. Cả thành phố dường như không ngủ.
Giới chức đưa mẹ của tay súng từ quê nhà ở tỉnh Chaiyaphum đến một khu vực gần trung tâm thương mại nhưng bà không thể vào bên trong. Người mẹ nói rằng không ích gì khi cố gắng thương thuyết với con trai mình, vì anh ta bị trầm cảm và tính khí rất xấu.
3h sáng 9/2, giới chức đột kích để bắt hoặc giết tay súng. Một loạt tiếng súng dồn dập nổ ra nhưng họ phải rút lui. Một sĩ quan trúng đạn và qua đời sau đó. Anh là nạn nhân thiệt mạng cuối cùng.
"Những người mắc kẹt trong phòng đông lạnh gửi tin nhắn cho chúng tôi rằng mức oxy rất thấp và họ đang nghẹt thở", Puridet cho biết. "Vì vậy, chúng tôi phải mạo hiểm đối đầu trực diện với anh ta nếu không những người bị mắc kẹt bên trong sẽ chết".
Khi cuộc đột kích cuối cùng xảy ra, giới chức từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên. Một video đăng trên Twitter sau đó cho thấy tình cảnh bên trong. Tay súng đã chết, thi thể nằm bên ngoài kho lạnh của siêu thị, gần hai thi thể khác - một cảnh sát và một nữ nhân viên siêu thị. Tổng cộng 29 người chết và 58 người bị thương.
Thủ tướng Prayuth bênh vực cho giới chức an ninh khi được hỏi vì sao họ mất nhiều thời gian để xử lý tay súng. "Các bạn phải hiểu là có dân thường ở trung tâm thương mại", ông nói. Thủ tướng cho rằng tay súng đã có vấn đề tâm thần trong thời gian dài.
"Chúng ta phải xem xét vấn đề sức khỏe tâm thần", ông nói thêm. "Tôi từng là chỉ huy quân đội. Chúng ta phải thừa nhận nếu binh sĩ có vấn đề".
Nhưng đối với những người trải qua cuộc tấn công, vấn đề sức khỏe tâm thần của thủ phạm chẳng xá gì so với mạng sống của nạn nhân. Trong thang máy tại bệnh viện Maharaj, một cô gái khóc nức nở khi trò chuyện qua điện thoại về một người thân đang trong tình trạng nguy kịch.
Tối qua, hàng trăm người tập trung gần trung tâm thương mại để tưởng niệm, họ xếp hàng để viết những lời bày tỏ tiếc thương cho nạn nhân.
"Xã hội giờ biến thành thế này ư?", Thusanee Witchartorntakul, 53 tuổi, giảng viên đại học vừa khóc vừa nói sau khi thức trắng đêm. "Thật tồi tệ. Tôi không thể chịu nổi".
Theo Phương Vũ (VNE)
Đối lập trong cách tranh cử của Trump và Biden Trong khi nhóm vận động tranh cử của Trump gõ hơn một triệu cánh cửa trong vòng một tuần qua thì nhóm của Biden không gõ cửa nhà nào. Sự khác biệt này không chỉ diễn ra giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020 mà còn của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ. Cả hai...