Kể chuyện cô Phượng!
Cô Phượng là một giáo viên rất năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của trường học và đạt được nhiều thành tích đáng nể trong sự nghiệp giáo dục.
Mùa xuân về trên khắp nẻo đường của đất nước, mỗi người dân đều mong đợi một năm mới hạnh phúc và nhiều niềm vui, đối với ngành giáo dục mùa xuân là mùa bắt đầu một hành trình mới, một hành trình gieo hạt đầy hi vọng với nhiều hoài bão, ước mơ.
Đối với các thầy cô giáo mùa xuân là thời khắc đẹp nhất để mỗi người khai bút, mong muốn nhiều niềm vui mới, nhiều thành công mới trong quá trình học tập của học sinh.
Đến với thành phố Huế những ngày xuân đầu năm, chúng tôi chứng kiến cảnh đón tết ấm no, hạnh phúc, đâu đó bắt gặp những ánh mắt nụ cười nhẹ dịu của người dân xứ Huế.
Dừng chân tại ngôi trường Quốc học Huế với nhiều dấu ấn của lịch sử, một ngôi trường đã có nhiều thành tích đáng tự hào về học tập chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ và bồi hồi xúc động trước những thành tựu mà cô và trò nơi đây đã đạt được.
Là một giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết cô Trần Thị Phượng đã có quá trình công tác tại trường Quốc học Huế được 6 năm.
Cô Phượng là một giáo viên rất năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của trường học và đạt được nhiều thành tích đáng nể trong sự nghiệp giáo dục.
Công nghệ đã trở thành thứ không thể thiếu trong quá trình dạy và học, nó như hơi thở, như người bạn đồng hành với những người làm nghề giáo dục.
Thấy được những mặt tích cực của công nghệ và hiệu quả mà nó đem lại, cô Phượng đã cố gắng khai thác những ứng dụng của nó.
Là một giáo viên dạy Địa lý cô Phượng hiểu bản chất của môn học này là phải trải nghiệm, thực hành nhiều, vì vậy trong mỗi bài dạy của mình cô lồng ghép những đoạn phim, những video liên quan đến bài học cho học sinh trải nghiệm và ghi nhớ bài lâu hơn.
Không chỉ vậy cô Phượng còn có những sáng kiến, ý tưởng độc đáo trong quá trình dạy và học. Cô luôn linh hoạt, chuyển đổi cách dạy để phù hợp với đối tượng học sinh.
Dạy học trong ngôi trường có truyền thống, lịch sử lâu đời không phải là điều đơn giản, đây là ngôi trường có bề dày thành tích, nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ tài năng của đất nước, vừa là một giáo viên trẻ lại có nhiều nhiệt huyết và hoài bão, cô Phượng được phân công dạy lớp trung học phổ thông và lớp chuyên.
Được giao nhiệm vụ như vậy chắc hẳn cô cảm thấy rất áp lực và nặng nề nhưng bằng tình yêu nghề, bằng đam mê với ngành sư phạm cô đã vượt qua những trở ngại trước mắt để có thể mang lại chất lượng giáo dục tốt nhất cho học sinh.
Với những lớp trung học phổ thông không chuyên cô Phượng thường ứng dụng nhiều phương pháp mới để tạo nên những giờ học hứng thú, hấp dẫn học sinh.
Môn Địa lý là môn học đặc thù đòi hỏi phải trải nghiệm nhiều nên ngoài việc trang bị cho học sinh kiến thức môn học qua video, cô Phượng còn tiến hành cho học sinh làm dự án về bài học.
Học sinh rất thích thú và tích cực học tập, làm theo yêu cầu của cô. Ngoài ra, cô còn cho học sinh tập làm phóng sự tái hiện những kiến thức vừa mới được tham dự.
Bên cạnh đó, cô còn khuyến khích học sinh làm sản phẩm mô hình bằng giấy liên quan đến bài học, làm những sản phẩm liên quan tới đặc trưng văn hóa, ẩm thực, biểu diễn múa hát…
Đối với học sinh cô không truyền tải kiến thức một chiều mà đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu bài học trước ở nhà, đánh dấu những đơn vị kiến thức khó để lên lớp thảo luận và nếu có những đơn vị kiến thức nào quá khó, thì học sinh có thể hỏi trực tiếp giáo viên để được giải đáp.
Video đang HOT
Cách hỏi như vậy không chỉ tạo nên sự thân thiện giữa giáo viên và học sinh mà còn rút ngắn khoảng cách giữa cô và trò khiến chân trời tri thức được rút ngắn và kích thích sự tự ham học của học sinh.
Cô Phượng (áp dài trắng) và các em học sinh.
Với hình thức dạy học sáng tạo, cô Phượng đã biến những giờ học Địa lý trước đây vốn chỉ là những giờ truyền đạt kiến thức một cách tẻ nhạt thành những giờ học thú vị kích thích sự tò mò và sự sáng tạo của học sinh…
Thành quả có được là do cô đã không ngừng miệt mài nỗ lực tìm tòi, khám phá những phương pháp dạy học hiệu quả.
Trong một tiết dạy học thường có phần tổng kết bài học, thông thường giáo viên sẽ chốt lại kiến thức một cách truyền thống thì cô lại biến tấu bằng cách chêm xen vào bài dạy những trò chơi game bổ ích và lý thú, trò chơi này vừa giảm căng thẳng cho các em học sinh vừa củng cố lượng kiến thức vừa học, đặc biệt giảm tải áp lực căng thẳng trong quá trình dạy và học.
Cô và trò đã nỗ lực hỗ trợ nhau để tiết dạy trở nên thành công và đạt hiệu quả cao. Đó là cách dạy đối với học sinh trung học phổ thông.
Còn đối với học sinh chuyên, cô sử dụng linh hoạt các phương pháp đặc biệt chú ý rèn luyện củng cố kiến thức và rèn kĩ năng làm bài cho học sinh khi tham dự các kì thi. Học sinh chuyên vừa học tập môn chuyên vừa tiếp thu những phương pháp học tập mới.
Điều quan trọng nhất với học sinh khi tham dự kì thi học sinh giỏi Quốc gia là sự tập trung nắm chắc các kiến thức đã học và các thủ thuật làm bài một cách hiệu quả.
Với quá trình rèn luyện ngày đêm miệt mài trên từng trang giáo án, từng trang sách, cô và trò đã gặt hái được nhiều thành tích thật đáng tự hào và ngưỡng mộ như: 7 em đạt giải 5 giải nhì và 2 giải ba quốc gia. Cô Phượng được tặng khen danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
So với thành tích của những giáo viên khác, đóng góp của cô Phượng thật nhỏ bé nhưng đáng trân trọng bởi cô là một giáo viên trẻ luôn tìm tòi, nhiệt huyết với ngành giáo dục.
Được gặp và trò chuyện với cô trong khoảnh khắc đầu xuân tại Cố đô Huế đã đọng lại thật nhiều cảm xúc.
Chúng tôi được nghe cô tâm sự về nghề nghiệp về bản thân, khi được hỏi kỉ niệm đẹp khi cô đi dạy là gì, cô suy nghĩ và trả lời đó là khoảng thời gian cô đảm nhận chủ nhiệm lớp chuyên Địa.
Một giáo viên trẻ ra trường với kinh nghiệm dạy học 1 năm thì công việc chủ nhiệm thường nhiều khó khăn và áp lực nhưng bằng tình yêu nghề vững chắc cô Phượng đã chủ nhiệm lớp chuyên Địa được ba năm, ba năm là khoảng thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn nó đủ để đánh giá cả một thành tự giáo dục.
Điều tinh tế nhất của giáo viên khi chủ nhiệm là phải nắm bắt được những trạng thái tâm lý của học sinh, người giáo viên lúc đó không còn là một người viên chức thực thi nhiệm vụ nữa mà kiêm luôn kĩ sư tâm hồn giáo dục, những giá trị tốt đẹp cho học sinh.
Các em học sinh lớp 10 chuyên Địa trường Quốc học Huế.
Cô kể trong lớp có một em học sinh người Quảng Bình ít nói, nhút nhát, thậm chí tự ti vì giọng nói của mình không giống những bạn khác.
Điều đó đã khiến em học sinh này không thể hòa nhập được với các bạn cùng lớp, nếu tình trạng này lâu dần sẽ trở thành thói quen khiến em ấy dần xa cách các bạn trong lớp và thu mình trong vỏ ốc.
Bằng sự nhạy bén của một người làm giáo dục cô Phượng đã cẩn thận và tỉ mỉ, khéo léo tiếp xúc với em học sinh này, cô thường trao đổi với bạn sau tiết học, rồi quan tâm, nhắn tin với em này sau khi em ấy về nhà.
Cô muốn thay đổi em học sinh này thành cô gái trẻ trung, năng động hòa nhập với lớp. Thời gian trôi qua những tin nhắn động viên, những lời thăm hỏi chia sẻ đã khiến cho khoảng cách cô trò trở nên gần gũi, thân thiết.
Cô bé học sinh người Quảng Bình bẽn lẽn ngày nào giờ đã đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và được tuyển thẳng vào Học viện tòa án Hà Nội.
Bằng trái tim và nhiệt huyết của một giáo viên cô Phượng đã có những bước khởi đầu thành công trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Xuân đã về và khiến mọi nơi đua nhau khoe sắc, căng tràn sức sống, trong cái tiết trời se lạnh của mùa xuân, cuộc trò chuyện với cô Phượng trở nên thật thân mật, gần gũi, chúng tôi hi vọng những chia sẻ, ngẫm nghĩ của cô về giáo dục sẽ giúp cho bạn đọc biết thêm tri thức và thêm an tâm, tin tưởng đối với những người làm nghề trồng người.
BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG BẠCH DIỆP
Theo giaoduc.net
Bản mẫu sách giáo khoa chỉ là con săn sắt
Ngoài chọn sách theo độ dày phong bì, theo mối quan hệ đi đêm, rõ ràng cuộc chiến thị phần sách giáo khoa là cuộc chiến của số lượng bản mẫu.
Trong khi dư luận ở nhiều địa phương lên tiếng "Giáo viên chưa tiếp cận được sách giáo khoa", "Giáo viên phải mua chịu sách giáo khoa"... thì địa phương tôi có gần đủ bản mẫu của tất cả các đầu sách được Bộ duyệt.
Việc có đủ bản mẫu sách giáo khoa mới thể hiện tầm lãnh đạo tuyệt vời của cán bộ quản lý giáo dục địa phương.
Ai phải trả tiền bản mẫu sách giáo khoa? Câu trả lời của lãnh đạo là: "Các đồng chí cứ triển khai chọn sách đúng quy trình, chọn đúng bộ sách mình cần, học sinh cần là mối quan tâm nhất; việc sách mẫu để Sở lo".
Tâm lý giáo viên muốn lựa chọn bộ sách nào? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Giáo viên có nhận xét về sách mới như thế nào?
Ngữ liệu phong phú, in ấn đẹp, bắt mắt là nhận xét chung về hình thức; "nặng ... không thua sách cũ" là nội dung.
Cô giáo N. dạy lớp 1 "có thâm niên" nhận xét "Chương trình vẫn vậy, không giảm, sách giáo khoa chỉ khác phương pháp tiếp cận kiến thức, nên nội dung vẫn "nặng" là điều tất yếu".
Giáo viên có chọn sách giáo khoa của cùng một bộ không?
Thăm dò tại địa phương, đã có tình trạng chung là sách giáo khoa giáo viên "sơ chọn" không cùng một bộ, đã xảy ra tình trạng phổ biến "râu ông nọ chắp cằm bà kia".
Ví dụ sách Tiếng Việt thì chọn bộ này, sách Toán thì chọn sách bộ kia, Tự Nhiên và Xã hội thì bộ nọ v.v...
Phụ huynh học sinh có được chọn sách giáo khoa không?
Phần đa các hiệu trưởng đều cho biết: Nhà trường cũng mời ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia, đọc, chọn sách nhưng họ đề "từ chối khéo léo"; "Chúng tôi đồng ý theo ý kiến của giáo viên; thầy cô cứ lập biên bản, chúng tôi đến ký; thực ra chúng tôi cũng không có nghiệp vụ để chọn".
Anh P., một kỹ sư xây dựng, Trưởng ban cha mẹ học sinh nói: "Tôi có bằng kỹ sư, thế nhưng làm sao biết sách nào tốt nhất cho thầy và trò được? Nay nhà trường mời chọn sách, chối thì không phải phép, chọn thì không biết chọn; nhất trí với nhà trường, chọn bộ nào, chúng tôi ký đồng ý bộ đó".
Tâm lý giáo viên muốn lựa chọn bộ sách nào?
Cô giáo L., một hiệu phó chuyên môn, tâm sự: "Trước khi chọn bộ sách nào, yêu cầu giáo viên đọc hết các bộ sách có bản mẫu được cấp, rút ra cái hay, cái dở, lý do chọn, lý do không chọn.
Mỗi bộ sách có ba giáo viên đọc, thẩm định, ba người này sẽ có ý kiến riêng, sau đó thống nhất cùng nhau, cùng của ban giám hiệu thống nhất chọn bộ sách nào.
Tâm lý chung, bộ sách nào tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, giản đơn, dễ dạy, dễ hiểu là giáo viên thích, giáo viên chọn.
Ngoài ra, giáo viên có tâm lý tin vào bộ sách nào có đủ bản mẫu sách cho cả bộ; họ lý luận chỉ bộ sách "đủ tự tin" mới "dám đầu tư" giới thiệu sách mẫu cho "xã hội".
Bản mẫu sách giáo khoa là con săn sắt... bắt con cá rô?
Cha ông ta có câu "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"; với "sách giáo khoa" lớp 1 mới "Bản mẫu đi trước là ... bản mẫu khôn" hoàn toàn đúng với tâm và thế của giáo viên chọn sách.
Ngoài chọn sách theo độ dày phong bì, theo mối quan hệ đi đêm, rõ ràng cuộc chiến thị phần sách giáo khoa là cuộc chiến của số lượng bản mẫu.
Việc định hướng chọn bộ nào, ít có lãnh đạo nào dám "chỉ đạo" tại hội nghị khi "thế giới phẳng" như hiện nay; thế nhưng không thể không có việc "chỉ đạo ngầm"; đơn giản nhất là cung cấp bản mẫu.
Bộ sách nào có đủ bản mẫu, giáo viên sẽ tin tưởng chọn lựa
Vì thế, để đảm bảo tính khách quan cao nhất cho việc chọn sách giáo khoa, số lượng bản mẫu của mỗi bộ sách phải được cung cấp ngang nhau về số lượng đầu sách; tránh tình trạng bộ A chỉ có 1 đầu sách, bộ B có đủ đầu sách cả bộ.
Chọn sách giáo khoa cho mình dạy, cho học trò học, cần nhất ở tấm lòng khách quan, vô tư, trong sáng của mỗi giáo viên, chọn đúng bộ sách mình cần là chọn đúng con đường mình và học trò sẽ đi, chọn đúng đường đi là thành công trong sự nghiệp giáo dục của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Dấu ấn 20 năm Sau 20 năm xây dựng và trưởng thành (1999 -2019), Trường Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành đã thành công trong việc cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là nền tảng vững chắc tạo đà cho nhà trường tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục và hội nhập quốc tế trong tương lai. Những con...