Joinhandmade Jelly Ear Tai nghe made in Việt Nam
Với những kết quả có được với tai nghe Jelly Ear ở cả thiết kế và chất âm, đây vẫn là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh của Joinhandmade.
Ngay kể từ khi có những thông tin đầu tiên được hé lộ, Jelly Ear, chiếc tai nghe do người Việt tạo ra của nhóm phát triển Joinhandmade đã nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng hâm mộ âm thanh nước nhà. Dĩ nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít những tranh cãi có phần gay gắt từ chính những người đam mê tai nghe tại nước ta.
Ở thời điểm hiện tại, Jelly Ear đã chính thức được Joinhandmade tung ra phiên bản thương mại. Đi kèm với đó là việc cho phép người tiêu dùng đặt hàng trên trang chủ của nhóm phát triển có trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh này. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng GenK đánh giá một cách tổng quát mẫu tai nghe do chính người Việt Nam thiết kế và sản xuất này.
Dáng vẻ trẻ trung
Bản thân cái tên Jelly Ear cũng đã mô tả được phần nào dáng vẻ của chiếc tai nghe này. Sở hữu cấu tạo từ polymer, lớp vỏ màu đục bên ngoài và phần housing trắng bên trong không thể không khiến cho người sử dụng nhầm tưởng đây là một viên… thạch trân châu!
Tuy nhiên lớp vỏ này hoàn toàn không “jelly” một chút nào. Thử nghiệm sơ bộ cho thấy lớp vỏ của mẫu tai nghe tương đối cứng cáp và chịu được va đập chứ không giống như những chiếc tai nghe với lớp vỏ bằng nhựa giòn dễ hư hỏng do va đập.
Thay vì thiết kế một chiếc khung thép để cố định chiếc tai nghe quanh vành tai, giống như những mẫu in ear với cách đeo theo kiểu “over the ear”, thì Joinhandmade lại cuộn chỉ đỏ xung quanh vị trí này, vừa tạo cảm giác mềm mại, lại vừa biến chiếc tai nghe của mình trở thành sản phẩm ton sur ton với hai mảng màu trắng và đỏ trẻ trung làm chủ đạo.
Dây kết nối tín hiệu của Jelly Ear cũng là một điểm cộng khi người sản xuất đã tỉ mẩn uốn 4 cọng dây chia hai kênh của tai nghe lại với nhau thành một sợi đồng nhất. Thử nghiệm của GenK cho thấy dây kết nối của Jelly Ear tuy phải sau một thời gian sử dụng mới thẳng ra như khi mới sản xuất vì bị cuốn hơi lâu trong hộp đựng, thế nhưng khi để trong túi quần, dây rất khó bị rối, không như những chiếc tai nghe sử dụng lớp vỏ cao su trơn hoặc nhám.
Tuy nhiên, trong thiết kế của Jelly Ear vẫn có hai điểm trừ nhỏ. Thứ nhất, vì dây phải tết lại với nhau nên chiều dài tổng thể của chiếc tai nghe vẫn hơi ngắn, khá bất tiện khi so sánh với một vài chiếc in ear khác. Thứ hai, vì lý do hoàn thiện, mà jack cắm 3.5mm của mẫu tai nghe khó có thể đạt chất lượng và độ bền như những chiếc tai nghe khác cùng tầm giá 2 triệu Đồng nhưng được sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp.
Video đang HOT
Tổng kết lại, Jelly Ear sở hữu dáng vẻ hợp với những người trẻ tuổi nhờ màu sắc và kết cấu của mình. Tuy nhiên, chất âm của chiếc tai nghe này có hợp với sở thích của phần đông giới trẻ Việt Nam hay không, hãy cùng tiếp tục đưa ra đánh giá chi tiết.
Âm thanh ấm áp, hợp thị hiếu
Kỳ thực, ngay từ khi những phiên bản demo đầu tiên của Jelly Ear phiên bản chưa được chỉnh âm được Joinhandmade chuyển cho các trang tin (trong đó có GenK) vào khoảng tháng 04 vừa qua, những tranh cãi gay gắt giữa cộng đồng đam mê âm thanh đã nổ ra xoay quanh chính chiếc tai nghe này.
Tuy nhiên, ngay cả khi phiên bản thương mại hóa của Jelly Ear ra mắt, với chất âm được tinh chỉnh lại, những tranh cãi vẫn chưa hề kết thúc.
Nhiều người cho rằng, họ không thể tìm thấy dải bass của Jelly Ear khi mid có xu hướng tiến và có độ dày dặn nhất định. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, Jelly Ear sở hữu driver Balanced armature thay vì Dynamic, chính vì thế dải bass sẽ khó có thể sở hữu độ dày và uy lực mạnh như những cái tên được cộp mác Extra Bass như của Sony hay Audio Technica cùng tầm giá.
Đối với một đôi tai ưa những tai nghe thiên sáng với dải bass không quá mạnh như tôi, thì bass của Jelly Ear nằm đúng ở mức độ “vừa đủ”. Low bass có lực, và những người quen với Balanced Armature thậm chí sẽ còn cảm thấy mid bass của Jelly Ear có phần hơi lấn sang mid, dĩ nhiên là không át mid “chìm nghỉm”.
Như đã đề cập ở phía trên, mid của Jelly Ear dày dặn, tròn trịa, dĩ nhiên là không có được độ chi tiết đến từng tiếng… nhép môi của ca sỹ như những mẫu in ear monitor đắt giá, nhưng vẫn đủ ngọt ngào để người nghe chìm đắm vào những bản nhạc trữ tình.
Âm trường của Jelly Ear cũng tương đối rộng, tuy nhiên với dải mid tiến và có xu hướng lấn high như thế này, việc nghe nhạc ở một mức âm lượng vừa đủ sẽ là điều cần thiết để cảm nhận được âm trường rộng mà Jelly Ear trình diễn trong những bản nhạc.
Khi mid và bass có không gian riêng, một điều gây bất ngờ là dải high vẫn thỏa mãn được người nghe trong nhiều bản jazz hay metal, nơi những cú guitar solo hay những đoạn saxophone được trình diễn. Đây cũng là điểm mạnh vốn có của những chiếc driver BA.
Tất nhiên, dải high chỉ thoáng ở một mức độ nhất định, khi những nốt cao của ca sỹ hay của guitar có xu hướng bị bóp nghẹt.
Nhưng cũng chính vì lý do đó mà Jelly Ear sở hữu chất âm về tổng thể có thể được đánh giá là ấm áp, phù hợp với số đông thị hiếu lựa chọn tai nghe tại Việt Nam hiện nay.
Nỗ lực của người Việt
Ở mức giá 2 triệu Đồng, Joinhandmade Jelly Ear không phải mẫu tai nghe mà mọi đối tượng người sử dụng tại nước ta có thể đầu tư. Chưa kể, đi kèm với mẫu tai nghe, nhà sản xuất cũng chỉ tặng kèm ba cặp ear tip bọt biển, một điểm trừ khác liên quan đến phụ kiện đi kèm tai.
Tuy nhiên với những kết quả có được với Jelly Ear ở cả hai khía cạnh thiết kế và chất âm phù hợp với số đông, thì đây vẫn là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh của nhóm phát triển đến từ Việt Nam, nhất là khi thị trường âm thanh nước nhà ở tầm trung cũng như thị trường bình dân vẫn còn quá phụ thuộc với những sản phẩm được cộp mác “Made in China”.
Theo Trí Thức Trẻ
Giải mã nguyên nhân khiến tai nghe... tự rối
Việc những chiếc tai nghe rối tung mỗi khi cần sử dụng đã và đang là trải nghiệm khó chịu với nhiều người dùng công nghệ.
Đây có lẽ là hình ảnh quen thuộc với rất nhiều người.
Là phụ kiện phổ biến nhất với bất kì người dùng công nghệ nào, những chiếc tai nghe đã và đang giúp ích nhiều trong quá trình trải nghiệm sản phẩm. Không những chúng giúp nghe nhạc dễ dàng hơn ở mọi lúc mọi nơi mà còn trở thành dụng cụ điều khiển cuộc gọi, máy ảnh hay rất, rất nhiều tính năng khác nhau. Mặc dù vậy, tai nghe luôn có xu hướng... tự rối vào nhau mỗi khi chúng ta không sử dụng tới. Vậy, nguyên nhân này bắt nguồn từ đâu?
Những chiếc tai nghe rối luôn làm người dùng khó chịu, không những vì mất thời gian gỡ chúng ra mà người dùng còn có thể vô tình làm hỏng tai nghe nếu như không cẩn thận. Kể cả khi bạn đã cuộn chúng lại rất cẩn thận, nhiều khi tai nghe vẫn... tự rối lúc nào không hay biết.
Một số chiếc tai nghe mặc dù được cuộn rất cẩn thận nhưng vẫn bị rối.
Các nhà khoa học chuyên ngành vật lí tại trường Đại học California mới đây đã phát hiện ra lí do vì sao những chiếc tai nghe luôn rối đồng thời là cách thức để hạn chế, loại bỏ sự khó chịu này với người dùng.
Theo nhóm nhà khoa học này, những đoạn dây có chiều dài dưới 46 cm sẽ không bao giờ bị rối trừ khi bạn thắt nút chúng lại. Hiện tượng rối dây tai nghe chỉ xuất hiện với những chiếc tai nghe có chiều dài trong khoảng từ 46 cho tới 150 cm. Đáng buồn thay, chiều dài 130 tới 150 cm lại là chiều dài trung bình của rất nhiều loại tai nghe khác nhau.
Tai nghe sở hữu chiều dài "lí tưởng" gây ra hiện tượng rối dây.
Thêm vào đó, tất cả các loại tai nghe đều được thiết kế với dạng chữ Y nên hiện tượng rối càng dễ dàng xảy ra hơn. Nguyên nhân này chủ yếu tới từ những rung động xung quanh khiến các đoạn dây chèn lên nhau thành nhiều lớp sau đó móc nối để trở thành những nút buộc khó chịu. Từ lí do đó, các nhà khoa học đưa ra gợi ý, nếu muốn làm giảm hiện tượng rối dây hoặc bạn phải đặt đoạn dây này vào một môi trường không rung động hoặc hạn chế hiện tượng "chèn" của các đoạn dây.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng rối tai nghe.
Phương án 1 có vẻ khó thực hiện khi phần lớn người dùng hay lưu trữ tai nghe trong túi xách hoặc thậm chí là túi quần áo. Còn với phương án 2, giải pháp khả thi nhất chính là cuộn tai nghe theo các phương pháp chống rối hoặc sử dụng tai nghe có dây bản lớn để tránh chúng chèn lên nhau, tạo ra các móc nối.
Buộc lại tai nghe là cách thức đơn giản nhất khi rối dây nhưng đôi khi làm đứt ngầm dây bên trong, khiến tai nghe bị hỏng.
Với cách thức buộc chống rối, bạn có thể cuộn tai nghe thành nhiều vòng với chiều dài ngắn sau đó cố định tai nghe bằng một vòng dây cao su hoặc sử dụng chính đoạn dây thừa để cố định. Ngoài ra, sử dụng một số phụ kiện chống rối cho tai nghe cũng giúp hạn chế được tình trạng này.
Một số người dùng công nghệ còn có cách thức giải quyết đơn giản hơn bằng cách... cuộn tai nghe vòng quanh thiết bị. Thế nhưng, để chống hoàn toàn được khả năng rối dây mà không cần mang theo phụ kiện, các nhà khoa học khuyên người dùng nên sở hữu các loại tai nghe với dây bản lớn.
Theo Trí Thức Trẻ
Samsung tính toán gì với dự án mới 1 tỉ USD? Với kế hoạch đầu tư dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao của Samsung Display, hai nhà máy hiện có của Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên sẽ như "hổ mọc thêm cánh". Samsung đang trên đường trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Kế hoạch "tỉ đô" mới của Samsung...