Ít nhất 17 người thương vong sau bão số 3
Tính đến chiều nay (17/9), cơn bão số 3 đã khiến ít nhất 17 người thương vong. Trong đó có 8 nạn nhân bị thiệt mạng do sạt lở núi, đất đá vùi lấp và bị lũ cuốn.
Tại Lạng Sơn, tính đến chiều nay 17/9, toàn tỉnh đã có 13 người thương vong do sạt lở và lũ cuốn. Nghệ An có 2 người tử vong, Hà Nội 2 người tử vong.
Như đã đưa tin, vào khoảng 1h sáng nay, tại khu Kéo Kham, thuộc Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc – Lạng Sơn đã xảy ra một vụ sạt lở đất khiến 6 người chết tại chỗ và 5 người khác bị thương.
Các nạn nhân tử vong gồm: Dương Công Nhạc (SN 1968), Dương Công Báo (SN 1980), Dương Công Oai (SN 1993), Hoàng Doãn Đô (SN 1977) – cùng quê ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn; Hoàng Văn Đồng (SN 1994), Hoàng Văn Đô (SN 1992) – cùng quê ở huyện Na Rì, Bắc Kạn.
Ngoài ra có 5 người bị thương gồm Dương Công Cường (SN 1985), Dương Công Thái (SN 1981), Bùi Văn Quân (SN 1985), đều quê ở xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn, và hai người chưa xác định được danh tính.
Những nạn nhân bị thiệt mạng là những cửu vạn được thuê vào làm công nhân bốc vác hàng hóa cho Công ty TNHH Xuân Cường và thuê lán trại của người dân để ở. Đây là khu công trường đang thi công, đồi núi dốc nên khi mưa lớn đã bất ngờ xảy ra sạt lở núi, vùi lấp các nạn nhân.
Cũng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, vào lúc 3 giờ sáng 17/9, tại thôn Thâm Mò, xã Phá Xá, huyện Cao Lộc đã xảy ra sạt lở đất gây đổ tường nhà, làm chị Lâm Thị Ngọc (SN 1983) bị thương và cháu Hà Thị Thanh Tâm (SN 2009) tử vong.
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 11 người thương vong tại Lạng Sơn sáng 17/9.
Video đang HOT
UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định hỗ trợ 5,4 triệu đồng/nạn nhân tử vong; UBND huyện Cao Lộc hỗ trợ 2 triệu đồng/nạn nhân tử vong; Công ty TNHH Xuân Cương hỗ trợ 5 triệu đồng/nạn nhân tử vong. Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ đang tiếp tục vận động kêu gọi hỗ trợ các gia đình có người chết, bị thương.
Ngày mai 18/9, UBND tỉnh sẽ tổ chức đoàn đến viếng, thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình nạn nhân.
Mưa bão cũng đã khiến 1 học sinh lớp 3 ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia bị chết do lũ cuốn trôi.
Tính đến 17h chiều ngày hôm nay (17/9), tỉnh Lạng Sơn bị thiệt hại về vật chất là 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn trăm ngôi nhà bị sập hư hỏng một phần; 155 ngôi nhà bị tốc mái; hàng chục phòng học bị tốc mái; 255 ha lua bị hư hỏng; 126ha ngô và hoa màu khác ngập nước; 33 điểm giao thông bị ngập. Ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Hoàn lưu do mưa sau bão số 3 đã gây ách tắc giao thông cục bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Ông Triệu Văn Quân – Chủ tịch UBND Cao Lộc – cho biết, đại diện chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt để động viên, hỗ trợ ban đầu cho gia đình các nạn nhân có người thiệt mạng trên 10 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài đã khiến các sông suối trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn dâng cao, nhiều tuyến đường bị ngập. Tuyến đường vào xã Sao Mai, huyện Chi Lăng, bị ngập lụt nặng và cô lập khiến nhiều người dân phải đi đường vòng để về nhà.
Trên tuyến QL 1A, tại Km30 500, thuộc địa phận xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng cũng bị sạt lở nặng. Trong sáng nay, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường huy động phương tiện để san gạt, tạo thông thoáng cho tuyến quốc lộ.
Còn tại khu vực TP Lạng Sơn, nhiều cành cây bị gãy đổ đã được lực lượng chức năng vệ sinh, thu dọn. Đập Rọ Bây tại phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn đã bị vỡ do nước đầu nguồn đổ dồn, khiến cho tuyến đường xung quanh bị ngập, sinh hoạt người dân bị đảo lộn.
Gia đình anh Hoàng Văn Chính, ở thôn Nà Hổ, xã Thụy Bình, Cao Lộc, Lạng Sơn cũng bị ngập nặng sau cơn bão số 3 quét qua.
Tại Cao Bằng: do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, thời tiết tại tỉnh Cao Bằng từ 22h30′ ngày 16/9/2014 trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to diện rộng, gió mạnh cấp 6 cấp 7 trong khoảng thời gian từ 1h00′ đến 2h30′ ngày 17/9/2014. Tại thời điểm báo cáo thời tiết các nơi đang có mưa vừa, mưa to và rất to. Tổng lượng mưa đo được các nơi trong tỉnh từ 19h00 ngày 16/9 đến 7h00 ngày 17/9/2014 đạt từ 41mm – 150mm.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, không có thiệt hại về người, có khoảng 151 nhà bị tốc mái, 9 điểm trường, bị tốc mái, ngập nước. Tuyến đường giao thông liên xã (Cao Sơn-Phan Thanh huyện Nguyên Bình), sạt lở taluy dương gây tắc đường, 1 cột điện (đèn chiếu sáng) gẫy đổ, 1 trạm hạ thế bị chập cháy và khoảng hơn 74,8ha hoa màu bị ảnh hưởng.
Tại Quảng Ninh, lũ đã chia cắt 5 xã của huyện Ba Chẽ gồm Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm, Lương Mông, khiến 6 cầu dân sinh bị ngập dọc tỉnh lộ 330. Ngoài ra còn nhiều đoạn đường bị xói mòn, sạt lở.
Ngoài ra, tại các tỉnh khác như Thái Bình, Hải Phòng… cũng có nhiều nơi bị ngập cục bộ do mưa lớn sau hoàn lưu bão.
Sinh hoạt người dân bị đảo lộn sau mưa lớn gây lũ tại các tỉnh miền Bắc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, lượng mưa đo được trong 24 giờ qua tại mộ số địa phương là: Sơn Động 186mm; Lục Ngạn 136mm; Lạng Sơn 240mm; Cô Tô 203mm; Tam Đảo 182mm; Trạm Tấu (Yên Bái) 71mm; Mẫu Sơn 310mm; Phủ Thông 192mm.
Mực nước trên phía Bắc như sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thương, sông Thao, sông Lô, đang lên nhanh. Mực nước tại sông Thao ở Yên Bái là 27,51m (dưới mức báo động 1 là 2,49m); sông Lô tại Tuyên Quang là 16,93m (dưới báo động 1 là 5,07m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 2,38m (dưới báo động 1: 1,92m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 2,76m (dưới báo động 1 là 1,54m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam là 4,42m (trên báo động 1 là 0,12m); trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn là 255,02m (trên báo động 2 là 0,02m).
Tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Điện Biên không có thiệt hại nào về người. Thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất của các tỉnh này được sơ bộ thống kê là hơn 50 tỷ đồng.
Q.Cường – X.Thái – N.Thái – H.Anh
Theo Dantri
Bão Kalmaegi sắp suy yếu thành áp thấp
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
ảnh minh họa
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 12, đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 11; ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió giật mạnh cấp 13; ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 9 - 10, các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật mạnh cấp 6 - 8. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 60 - 110mm, có nơi cao hơn như Lạng Sơn 114mm, Mẫu Sơn 254mm, đảo Cô Tô 175mm, Sơn Động 120mm, Nam Định 134mm, Thái Bình 127mm.
Hồi 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 102,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Trong sáng nay (17/9), ở Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió giật mạnh cấp 8 - 9. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn và Bắc Giang còn có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 5 - 6. Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Theo Khampha
Ứng trực 100% phòng cây đổ, ngập lụt Để đối phó với cơn bão số 3 thực hiện nghiêm túc Công điện số 11/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Nhà nước MTV thoát nước Hà nội, Công ty TNHH Nhà nước MTV cây xanh đã triển khai ngay các kế hoạch cụ thể tới từng đơn vị, tổ chức ứng trực 100% phòng ngừa cây...