Ít học sinh chọn thi Lịch sử: Vì đâu? (23/05/2015)
153.688 học sinh (HS) trong cả nước chọn thi môn Lịch sử (chiếm tỷ lệ 15,3%) thấp nhất so với 4 môn tự chọn còn lại là Vật lý, Hoá học, Địa lý, Sinh học của kì thi THPT Quốc gia 2015. Con số này không làm nhiều người bất ngờ, nhưng câu hỏi là tại sao số HS thi khối C nói chung và môn Lịch sử nói riêng luôn thấp như vậy? Đâu là giải pháp cho thực trạng này hiện vẫn chưa có lời giải đáp.
Cơ hội nào cho HS chọn thi môn Lịch sử? Năm học 2013-2014, lớp 12 chuyên Sử-Địa trường THPT Chuyên Biên Hoà (Hà Nam) có 31 HS thì gần một nửa lớp không chọn thi môn Lịch sử ở kì thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với kì thi ĐH thì ngoài 5 HS thi khối D, các học sinh còn lại đều thi khối C, nghĩa là có thi môn Lịch sử. Lý giải điều này, em Lê Thị Thoa- HS của lớp cho biết: Nhiều bạn không chọn Sử để thi tốt nghiệp vì các môn khác dễ kiếm điểm cao hơn, ba-rem điểm cũng rõ ràng hơn so với môn Sử rất bấp bênh, làm tốt chưa chắc điểm đã tốt. Còn thi ĐH, các bạn bắt buộc phải thi Sử vì nguyện vọng là vào các trường ĐH, các khoa chỉ tuyển khối C. Còn với riêng Lê Thị Thoa- HS đạt giải nhất môn Lịch sử kỳ thi chọn HS giỏi Quốc gia năm 2013-2014, điểm thi môn Lịch sử vào ĐH là một bất ngờ lớn: 8,25. “Em đã rất tự tin với bài thi Lịch sử cuối cùng trong đời HS của mình, nghĩ rằng điểm sẽ tương đương với bài thi Lịch sử tốt nghiệp THPT là 9,5, thậm chí sẽ cao hơn. Nhưng sự thật là điểm bài thi môn Lịch sử của em thấp hơn cả Văn và Địa lý vốn không phải là thế mạnh của em, đều 9 điểm”. Kết quả, Lê Thị Thoa vẫn là Thủ khoa khối C trường ĐH Luật Hà Nội năm 2014. Nhưng nỗi băn khoăn tại sao môn Lịch sử vốn là sở trường của em, bài làm cũng chắc chắn về kiến thức nhưng số điểm lại không được như kỳ vọng?
“Nếu những trường như ĐH Y, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân… tuyển HS thi khối C, hoặc trong tổ hợp các môn thi vào trường có môn Lịch sử thì tôi tin rằng, tình hình dạy, học và thi môn Lịch sử sẽ được cải thiện đáng kể” – đó là tâm sự của một giáo viên đã có hơn 30 năm kinh nghiệm dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông.
Thực tế, hiện nay những trường ĐH, CĐ tuyển sinh khối C khá hạn chế so với các khối A, B và D. Đó là chưa kể những trường “hot”, ngành “hot” như kinh tế, ngân hàng… hoàn toàn không có chỗ cho những HS chọn thi môn Lịch sử. Cánh cửa vốn đã rất hẹp nhưng bài toán sau khi ra trường mới thực sự là nỗi lo của phụ huynh và HS. Sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội khó kiếm việc làm, lương không cao, thậm chí cơ hội đi du học cũng khó khăn hơn so với các ngành tự nhiên là một thực tế ai cũng biết.
Giờ học của HS trường THPT Anhxtanh Hà Nội
Học để thi, không phải học vì thích Chương trình đánh giá HS quốc tế PISA 2012 mà Việt Nam có tham gia ở cả 3 môn Đọc hiểu, Toán và Khoa học đã chỉ ra: khoảng 87% HS Việt Nam trong khảo sát PISA 2012 không học Toán vì thích môn Toán, mà vì những lợi ích thực dụng của nó như giúp ích cho việc học sau này hoặc giúp kiếm việc làm trong tương lai. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, những em học Toán vì thích là những em làm bài có điểm cao nhất ở cả 3 môn khảo sát và vượt khá xa những em có ý kiến ngược lại. Rõ ràng là động cơ bên trong chi phối mạnh mẽ kết quả đạt được.
Tương tự như vậy, nếu tiến hành một cuộc khảo sát với các HS chọn thi môn Lịch sử hay các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý thì kết quả chưa chắc các em chọn thi môn đó vì yêu thích. Quan niệm học để thi lâu nay vẫn tồn tại, bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người. Vì thế, ngay trong định hướng của phụ huynh và tư tưởng của HS ngoại trừ các môn đã quy định bắt buộc, những môn được tự chọn thì phải chọn những môn dễ học, dễ kiếm điểm, đầu ra thuận lợi…
Việc dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập. Một trong những lý do là vì khối lượng kiến thức Lịch sử HS phải học thuộc một cách máy móc quá nhiều. Chẳng hạn, có những bài sách giáo khoa Lịch sử viết 15 trang nhưng quy định giáo viên chỉ được dạy trong 45 phút. Thành ra, việc dạy để HS hiểu được bản chất của vấn đề không dễ đối với nhiều giáo viên. Còn nếu dạy hời hợt thì HS không ấn tượng, thấy không hứng thú với giờ học Sử. Và không phải tất cả giáo viên, trong đó có giáo viên Lịch sử đều tâm huyết và giỏi nghề.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan (giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương) phân tích: “Tôi dạy và ôn thi môn Lịch sử nhiều năm thấy một thực tế là có những HS học rất tốt môn Lịch sử nhưng điểm thi Địa lý lại cao hơn! Vì lợi ích của HS, tôi biết có những giáo viên khuyên HS của mình nên thi môn Địa lý thay vì chọn Lịch sử. Bởi môn Địa lý, phần bài tập có đáp án chính xác cứ làm đúng là được điểm”.
Thực tế, tổng điểm một bài thi môn xã hội trong đó có Lịch sử chênh nhau từ 0,5 đến 1 điểm là chuyện bình thường đối với các giáo viên chấm khác nhau, gây thiệt thòi cho HS mà không có cách gì phúc khảo như các môn tự nhiên. Trong khi đó, Địa lý năm nay với lợi thế được mang Atlat vào phòng thi nên dễ hiểu cũng chung số phận môn xã hội, nhưng tỉ lệ HS chọn thi Địa lý cao gấp đôi so với môn Lịch sử (38,5%).
“Với những HS thi chỉ để xét tốt nghiệp, chọn môn Lịch sử rõ ràng là một sự mạo hiểm khi điểm thi môn Lịch sử thường không được cao bằng các môn khác. Quá trình học ôn cũng vất vả vì phải ghi nhớ khối lượng kiến thức nhiều với các dữ liệu đòi hỏi chuẩn xác. Còn HS thi với mục tiêu xét vào ĐH, CĐ thì cánh cửa cho khối C cũng không thực sự rộng mở như khối A, D nên Lịch sử ít được lựa chọn là lẽ dễ hiểu” – một giáo viên dạy Lịch sử nhìn nhận.
Theo daidoanket