IS toan lập chính quyền Hồi giáo ở Đông Nam Á
Mười ngày sau vụ đánh bom khủng bố ở thủ đô Jakarta, quan chức cấp cao Indonesia tiết lộ những thông tin đáng lo về nguy cơ IS trong khu vực.
Bom nổ trong vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta ngày 14.1 – Ảnh: Reuters
Tướng về hưu Luhut Binsar Pandjaitan – Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia – đã khẳng định như vậy tại Đối thoại Shangri-La (SLD) Sherpa diễn ra hôm qua 25.1 ở Singapore.
Ông Pandjaitan, người từng đứng đầu nhiều cơ quan an ninh Indonesia, là quan chức nước ngoài đầu tiên được mời phát biểu khai mạc SLD Sherpa – cơ chế nối dài của Diễn đàn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương thường niên, Đối thoại Shangri-La. Bài phát biểu khai mạc trước khoảng 70 quan chức quốc phòng từ 20 quốc gia nhằm đánh giá tình hình an ninh khu vực nói chung của ông Pandjaitan cuối cùng chỉ tập trung vào vụ đánh bom ngày 14.1 ở Jakarta và nguy cơ khủng bố bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngân sách khủng bố từ Syria và Úc
Dẫn nguồn tin tình báo từ nhiều nước, ông Pandjaitan cho hay nhóm thực hiện vụ đánh bom làm thiệt mạng 4 thường dân hôm 14.1 đã nhận khoảng 100.000 USD từ Raqqa (Syria) và 70.000 USD từ Úc. Trong khi đó, vũ khí mà các phần tử đánh bom tự sát dùng trong cuộc tấn công được cung cấp bởi một nhóm thân IS ở Mindanao, miền nam Philippines. Ông Pandjaitan né gọi tên nhóm ở Philippines khi được báo chí chất vấn, bằng cách nói rằng ông không biết rõ và “sẽ hỏi giám đốc lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia”.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó giáo sư Kumar Ramakrishna, chuyên gia về các nhóm vũ trang trong khu vực từ Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), cho hay ở Mindanao vũ khí tràn lan, còn các nhóm vũ trang ở đó như Abu Sayyaf vốn có quan hệ thân thiết với các nhóm ở Indonesia như Jemaah Islamiyah. “Vũ khí từ Mindanao vì thế chắc chắn được tuồn vào miền đông Indonesia qua những tuyến đường biển khét tiếng về hoạt động buôn lậu, rồi được phân tán nội địa bởi các mạng lưới vũ trang bí mật”, ông Ramakrishna khẳng định. Tướng Pandjaitan cũng cho biết vũ khí từ Mindanao đã được đưa vào Solo, thủ phủ tỉnh Trung Java, và sau đó được phân đi nhiều nơi khác.
Về mặt tài chính, ngoài nguồn tài trợ từ IS ở cứ địa Syria, Giáo sư Ramakrishna cho biết có những cá nhân gom nhận tiền tài trợ ở Úc rồi chuyển cho các quỹ ở Indonesia. Các quỹ này sau đó phân bổ cho những cá nhân khác để tài trợ các hoạt động vũ trang. Ngoài ra, còn có một số nguồn tiền bên ngoài được đưa vào Indonesia đầu tư để lấy lợi nhuận tài trợ cho khủng bố. Tướng Pandjaitan cũng thừa nhận nguồn tài chính của các nhóm khủng bố còn có thể đến từ nhiều quốc gia khác, nhưng “chưa được xác minh chắc chắn”.
“Đi vé một chiều”
Ông Pandjaitan mô tả rõ con đường mà những thanh niên nước ông đến với IS, một tổ chức khủng bố lấy danh nghĩa Hồi giáo nhưng “hoàn toàn phi Hồi giáo”. Đó là những thanh niên từ các gia đình nghèo khó, ít học và thiếu hiểu biết. “Họ chỉ đọc những thông tin xằng bậy về Hồi giáo mà các nhóm vũ trang đưa lên mạng và tin đó là sự thật. Họ tin rằng phải sang Syria làm một cái gì đó. Nếu chết nhất định sẽ được lên thiên đàng và được một tiên nữ cưới làm chồng”, ông Pandjaitan nói và gọi đó là tâm lý “đi vé một chiều” của những người theo tiếng gọi của IS.
Video đang HOT
Ông cũng nhận thức rõ nguy cơ Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, trở thành cứ địa sầm uất của IS. “Với 230 triệu người Hồi giáo, chỉ cần 2% số này có cảm tình với IS thì chúng ta có thể hình dung mối nguy lớn thế nào”. Điều đau đầu nhất đối với các lãnh đạo Indonesia là luật Sharia của người Hồi giáo cho phép tín đồ theo đuổi lý tưởng “thánh chiến” mà luật pháp chung không được ngăn cấm. Vì vậy, vị cố vấn số 1 về an ninh và pháp lý của Tổng thống Joko Widodo cho hay trong vòng 2 tháng tới, một đạo luật mới sẽ có hiệu lực “phủ đầu” luật Sharia, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng an ninh mạnh tay với các hoạt động vũ trang, liên quan đến khủng bố.
Hiện tại, ông Pandjaitan cho rằng các thủ lĩnh IS và thủ lĩnh al-Qaeda ở Indonesia đã hợp nhất với nhau, và các phần tử thực hiện các vụ đánh bom hôm 14.1 nhận chỉ đạo trực tiếp từ Raqqa, Syria. “Hoạt động của IS trong khu vực hiện đang lên cao, bởi chúng muốn xuất khẩu tổ chức này sang khu vực của chúng ta nhằm hoán cải hoặc xây dựng một chính quyền Hồi giáo ở đây”, ông cảnh báo.
Nguy cơ rất thật
Phát biểu tại một hội thảo về các chủ nghĩa cực đoan ngày 25.1 tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói rằng nguy cơ IS là “rất thật” và chính phủ của ông “quan tâm nghiêm túc” về vấn đề này. Ông Najib phát biểu vài giờ sau khi nhánh IS trong khu vực đăng tải một đoạn video cảnh cáo chính phủ Malaysia về việc bắt nhiều thành viên IS trong mấy ngày qua. “Chúng đe dọa sẽ thực hiện một cuộc tấn công nếu cảnh sát không dừng ngay việc bắt bớ và thả những người đang bị nhốt”, Giám đốc cơ quan chống khủng bố Malaysia Ayob Khan Mydin Pitchay nói.
Tại Đối thoại Shangri-La Sherpa sáng 25.1, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng nhìn nhận không quốc gia nào có thể “miễn nhiễm” với mối nguy IS. “IS hiện nay có trình độ phối hợp cao, các quốc gia trong khu vực vì thế cũng phải tăng cường phối hợp với nhau”, ông Ng nói và cho biết thông tin tình báo mà Indonesia chia sẻ cho Singapore đã được nước này chuyển tiếp cho Malaysia và Úc.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Đàm phán với IS - nhiệm vụ bất khả thi
Tham vọng bành trướng quá lớn của Nhà nước Hồi giáo là một trong những trở ngại khiến nỗ lực đàm phán với tổ chức này trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Quang cảnh đổ nát tại một khu vực do IS kiểm soát ở thị trấn Kobani, Syria, năm 2014. Ảnh :AP
Nếu có thể thương lượng với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì cuộc chiến chống lại tổ chức này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, theo The Atlantic. Nhưng IS không hề giống những nhóm khủng bố chấp nhận đàm phán với các chính phủ trước đây. Vì thế, việc thương lượng với nhóm này là rất khó khăn.
Các nhóm khủng bố từng chấp nhận đàm phán là tập hợp của những người thuộc cùng một dân tộc, trong khi IS là nhóm cực đoan quy tụ nhiều thành phần dân tộc khác nhau.
Ví dụ như Lực lượng Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) vốn là một tổ chức Công giáo. Mục tiêu chiến đấu của họ là nhằm tách Bắc Ireland khỏi Anh và xây dựng liên minh chính trị với cộng đồng anh em Công giáo ở phía nam. Lý tưởng của họ là chủ nghĩa Dân tộc Công giáo Ireland.
Ông Jonathan Powell, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng là trưởng đoàn đàm phán của Anh ở Bắc Ireland tham gia tiến trình ký kết hiệp định "Ngày thứ 6 Tốt lành", kể rằng khi đoàn của ông thảo luận với những người Cộng hòa, họ nhận thấy có một loạt vấn đề chính đáng mà phía bạn muốn bàn bạc, từ việc chia sẻ quyền lực giữa người Công giáo và người theo đạo Tin lành cho đến bảo vệ quyền con người. Hiệp định kể trên là một văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần chấm dứt nhiều thập kỷ bạo lực ở Bắc Ireland.
IS không phải một tổ chức gồm những người cùng chung dân tộc theo nghĩa này. Nhóm chủ yếu gồm những người Hồi giáo dòng Sunni ở cả Syria và Iraq. Ngoài ra, các cá nhân từ nhiều dân tộc trên thế giới cũng tìm đường gia nhập tổ chức. Nhiều thành phần trong số này không hề chiến đấu cho lý tưởng của người Hồi giáo dòng Sunni. Thủ lĩnh IS cũng nêu rõ mục đích của nhóm là thống trị hoàn toàn Syria và Iraq, sau đó bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài.
Thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi. Ảnh: AFP
Không phải đặc điểm tôn giáo là thứ làm cho IS trở nên khác biệt. Theo Powell, có rất nhiều nhóm vũ trang từng sử dụng tôn giáo để phục vụ cho mục đích chính trị nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận thương thuyết hòa bình. IRA là một ví dụ điển hình, hay như hàng loạt nhóm Hồi giáo khác, trong đó phải kể đến Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ở Philippines.
Đây là bằng chứng cho thấy "việc hòa giải với các nhóm du kích Hồi giáo không phải là nhiệm vụ bất khả thi", Powell nhấn mạnh.
Thực tế, đa phần các nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện nay đều sử dụng tôn giáo như một công cụ để mưu cầu lợi ích chính trị. Những nhóm này, trong đó có vài nhóm cùng lúc chống lại cả Tổng thống Assad và IS, có thể đàm phán được và cần phải tiến hành thương lượng với họ.
Nhưng tất cả các nhóm kể trên ở Ireland, Philippines hay Syria đều đã và đang chiến đấu vì những mục đích chính trị khiêm tốn, nằm trong phạm vi địa lý nhất định, như quyền Công giáo ở Bắc Ireland, khu tự trị Moro ở Philippines hay chấm dứt chế độ của Tổng thống Assad ở Syria.
IS trong khi đó lại không chiến đấu với mục tiêu bảo vệ các quyền lợi dân sự và chính trị của cộng đồng người Hồi giáo Sunni. Mục tiêu của nhóm lớn hơn thế. Trái ngược với các nhóm nổi dậy khác ở Iraq và Syria, đấu tranh vì một mục tiêu chính trị cụ thể, IS có những tham vọng ở cả khu vực và trên phạm vi toàn cầu, vượt xa khỏi mục đích đánh bại quân đội của ông Assad.
Không như lực lượng người Kurd chỉ muốn mở rộng lãnh thổ tới các vùng đất từng thuộc về họ trong lịch sử, IS không đặt ra giới hạn về lãnh thổ và quyền cai trị. Khẩu hiệu của tổ chức này là "duy trì và bành trướng".
Người ta có thể đặt dấu chấm hết cho một cuộc nổi dậy thông qua việc đàm phán để thỏa mãn những mục tiêu chính trị, thông thường có thể dự đoán được, như rút các lực lượng quân đội nước ngoài hay trao quyền tự chủ. Nhưng IS lại không muốn những điều này, ngược lại, nhóm đang lôi kéo, chiêu mộ các tay súng nước ngoài tới những vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát.
IS cũng không đòi hỏi quyền tự chủ cho các thành viên hay những người ủng hộ nhóm ở Iraq và Syria. Thay vào đó, IS bác bỏ quyền tự chủ của tất cả các bên, xa hơn nữa là tiến hành thanh lọc sắc tộc và xuất khẩu bạo lực ra toàn cầu.
Chỉ khi IS hài lòng với việc thành lập một khu vực chung cho người Arab Sunni ở Iraq và Syria rồi tự mình cai trị nơi này thì thế giới mới có thể nghĩ tới khả năng đàm phán với nhóm. Tuy nhiên, IS rõ ràng chưa thỏa mãn nếu không thể thay đổi trật tự thế giới hiện nay bằng bạo lực.
Powell nhận định nội bộ IS hiện phân chia làm hai trường phái, một bên là những đầu lĩnh có đường lối cứng rắn muốn kiên định theo đuổi mục tiêu đầy đủ của nhóm. Bên còn lại là những thủ lĩnh ôn hòa hơn với lập trường mềm dẻo, có thể sẵn sàng đàm phán.
Vì thế, theo ông, các cuộc thương lượng, nếu diễn ra, nên tập trung vào các thủ lĩnh ôn hòa này. Song, các thành viên ôn hòa thường không nắm giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tổ chức. Họ sẽ không mang đến nhiều ảnh hưởng trong đàm phán với IS.
Từng có trường hợp các chiến binh sau khi gia nhập IS tìm cách trốn chạy vì vỡ mộng. Nhưng những vụ việc như thế không thể tạo ra quá nhiều thay đổi trong tư tưởng của IS. Thực tế là chúng sẽ tiếp tục tuyển mộ thành viên và kiên trì theo đuổi những nguyên tắc cực đoan của mình. Nếu vậy, không còn cách nào khác là thế giới phải tiêu diệt hoàn toàn, nhổ tận gốc rễ IS, ông Powell khẳng định.
Duy Sơn
Theo VNE
Khủng bố IS mở chi nhánh tại Philippines Bốn tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Philippines đã tuyên bố sát nhập để trở thành chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS), lực lượng đang gieo rắc nỗi sợ hãi ở khắp nơi. Các thành viên của tổ chức khủng bố Abu Sayyaf - Ảnh: AFP Báo Sydney Morning Herald ngày 11.1 đã đăng tải thông tin trên, dẫn nguồn...