Ireland cấm nuôi chó bully XL sau vụ tấn công chết người
Ireland sẽ cấm nuôi chó bully XL của Mỹ sau khi liên tiếp xảy ra hai vụ tấn công khiến một người phụ nữ thiệt mạng và một cậu bé 9 tuổi bị thương nặng ở vùng mặt.
Ireland sẽ cấm nuôi chó bully XL của Mỹ. Ảnh: shropshirestar.com
Quyết định này được đưa ra sau khi Chính phủ Anh công bố lệnh cấm tương tự vào năm ngoái ở vùng England và Wales, trong khi Bắc Ireland và Scotland cũng siết chặt việc nuôi chó bully XL vào đầu năm nay.
Trong thông báo ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng và Nông thôn của Ireland, bà Heather Humphreys cho biết, kể từ ngày 1/10 tới, việc nhập khẩu, nhân giống hoặc bán giống chó bully XL ở Ireland sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp. Các chủ sở hữu chó bully XL hiện nay, nếu muốn tiếp tục nuôi, sẽ phải triệt sản cho chó để được nhận giấy chứng nhận miễn trừ trước ngày 1/2/2025. Sau khi luật được ban hành, bất kỳ người nào vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 3 tháng tù giam, phạt tiền lên tới 2.500 euro (2.700 USD), hoặc cả hai.
Bà Humphreys nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, số lượng chó bully XL ở nước này sẽ tăng lên và những vụ chó tấn công người sẽ xảy ra thường xuyên hơn”.
Chính phủ Anh đã công bố lệnh cấm nuôi chó bully XL vào tháng 10 năm ngoái ở England và Wales. Lệnh cấm này được đưa ra sau một số vụ tấn công nghiêm trọng, trong đó có vụ một học sinh 9 tuổi bị chó bully XL tấn công đến chết tại nhà một người bạn.
Bully XL là giống chó cỡ lớn có nguồn gốc từ Mỹ, con đực trưởng thành có thể cao 53 – 58cm. Chúng sở hữu bộ hàm rất lớn, to khỏe và có thể nặng hơn 60 kg. Số lượng chó bully XL ở Anh đã gia tăng gần đây và là thủ phạm gây ra khoảng một nửa vụ chó tấn công gây chết người tại nước này trong giai đoạn từ năm 2021 – 2023.
Xung đột Hamas-Israel: PA sẵn sàng tham gia Chính quyền Palestine 'thống nhất'
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông- Bắc Phi, ngày 6/6, Thủ tướng Palestine Mohammed Mustafa tuyên bố Chính quyền Palestine (PA) đã sẵn sàng tái lập chính quyền "thống nhất" của người Palestine sau cuộc xung đột Hamas-Israel ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein (phải) và Thủ tướng Palestine Muhammad Mustafa trong cuộc họp báo chung ở Baghdad (Iraq), ngày 6/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Mustafa đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein tại Baghdad. Ông khẳng định PA sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm của mình sau khi xung đột Gaza kết thúc, nhằm giúp khôi phục sự đoàn kết của người dân và giới lãnh đạo Palestine. Ông nhấn mạnh "cần phải chuẩn bị tốt cho việc thành lập một Nhà nước Palestine".
Tuyên bố của ông Mustafa được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy và Slovenia công nhận Nhà nước Palestine.
Vai trò của PA hậu xung đột Gaza hiện không chắc chắn vì một phần do ảnh hưởng hạn chế của lực lượng này ở Dải Gaza và sự phản đối của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với Nhà nước Palestine. Hồi tháng 3, Mỹ cho biết chính quyền Palestine thống nhất có thể giúp ổn định cả Bờ Tây và Dải Gaza, một quan điểm mà ông Netanyahu đã phản đối.
Giới lãnh đạo Palestine đã bị chia rẽ kể từ năm 2007, với việc PA, do Tổng thống Mahmud Abbas lãnh đạo, nắm quyền hạn chế ở Bờ Tây bị chiếm đóng, trong khi phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza.
Thấy gì từ việc công nhận nhà nước Palestine? Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy đã công bố ý định công nhận Nhà nước Palestine vào tuần này. Thủ tướng Ireland hy vọng thuyết phục được các nước châu Âu khác làm điều tương tự. Liệu quyết định này có thể thay đổi điều gì trên trường quốc tế trong bối cảnh hiện chỉ còn những quốc gia phương Tây, đặc...