Iran trả lại Ba Lan 820.000 liều vaccine COVID-19 viện trợ do có nguồn gốc từ Mỹ
Iran đã quyết định trả lại Ba Lan 820.000 liều vaccine phòng COVID-19 do nước này viện trợ bởi chúng được sản xuất tại Mỹ.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: AP
Truyền hình nhà nước Iran ngày 21/2 dẫn lời một quan chức y tế nước này, ông Mohammad Hashemi xác nhận Ba Lan đã viện trợ nửa triệu liều vaccine AstraZeneca cho Iran.
Kênh Al Jazeera dẫn lời ông Hashemi nhấn mạnh: “Khi số vaccine được chuyển đến Iran, chúng tôi phát hiện có đến 820.000 liều được Ba Lan nhập khẩu từ Mỹ. Sau khi phối hợp với đại sứ Ba Lan tại Iran, chúng tôi quyết định sẽ trả lại số vaccine đó”.
Bộ trưởng Y tế Iran Bahram Einollahi cho biết mặc dù Ba Lan đã đảm bảo, nhưng số vaccine COVID-19 đó xuất phát từ “nguồn không chính đáng”. Ba Lan cam kết họ sẽ “thay thế số vaccine này bằng những liều từ nguồn được cấp phép”.
Vào năm 2020, lãnh đạo tối cao Iran Ali Hosseini Khamenei đã nói không với việc vaccine COVID-19 từ Anh và Mỹ “nhập cảnh” Iran. Đến nay Iran chỉ nhập khẩu vaccine không sản xuất tại Mỹ hoặc Anh.
Iran đang trải qua làn sóng dịch COVID-19 thứ 6 với giới chức nước này cho biết biến thể Omicron đang lây lan mạnh. Iran đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 cho 90% dân số trên 18 tuổi và 37% nhóm tuổi này đã tiêm liều thứ ba.
Iran chủ yếu dựa vào vaccine Sinopharm (Trung Quốc), Sputnik V (Nga), Covaxin (Ấn Độ), AstraZeneca và vaccine do chính nước này sản xuất là COVIran Barekat.
COVID-19 tới 6 giờ sáng 1/2: Thế giới trên 2 triệu ca mắc; Cảnh báo nguy cơ lây lan từ các biến thể phụ của Omicron
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.024.169 trường hợp mắc COVID-19 và 4.827 ca tử vong.
Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 377 triệu ca, trong đó trên 5,68 triệu người không qua khỏi.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Toronto, Canada, ngày 28/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 377.186.897 ca, trong đó có 5.686.323 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron và các biến thể phụ của Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động và thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này.
Video đang HOT
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh "nóng nhất" nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Brazil và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 120.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 297.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 73 triệu ca và trên 95.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 31/1, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 65 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka, ngày 28/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Tình hình dịch COVID-19 đang cho thấy tín hiệu tích cực. Trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận 21.738.71 ca mắc mới, giảm 6% so tuần trước đó, trong khi số ca tử vong vì đại dịch trong tuần qua là 63.290 trường hợp, tăng tăng 13% so với một tuần trước đó.
Với 696.130 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 31/1, Mỹ đã ghi nhận mức giảm mạnh 38% số ca nhiễm mới trong tuần qua, với trên 2,95 triệu ca mới, so 4,75 triệu ca của tuần trước nữa. Số ca tử vong tại Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, với 15.221 ca, tăng 5%.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn rất phức tạp với Pháp có thêm 249.448 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Nga có thêm 121.228 ca, Đức có thêm 109.029 ca, Italy có thêm 104.065 ca... Như vậy, trong một tuần qua, châu Âu ghi nhận tổng cộng hơn 10,39 triệu ca mắc mới, chiếm gần một nửa số ca mắc toàn cầu, trong khi cũng có thêm 20.327 ca tử vong, giảm nhẹ 0,8% so với một tuần trước.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Sibenik, Croatia, ngày 28/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Pháp nhiều ngày qua liên tục chứng kiến số ca mắc mới dẫn đầu châu Âu, khiến nước này có thêm tới trên 2,36 triệu ca bệnh trong tuần, dù đã giảm 6% so 7 ngày trước. Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới thêm 1,05 triệu, tăng 46%. Tiếp theo là Italy thêm 977.459 ca mới, Nga 628.816 ca, Anh 603.710 ca và Tây Ban Nha 600.050 ca. Đáng chú ý, số ca mắc mới tại Nga trong tuần đã tăng tới 106% khi nước này lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn ca bệnh trong 1 ngày.
Châu Á ghi nhận mức tăng nhẹ 0,8%, với thêm 4,66 triệu ca mới trong tuần, song số ca tử vong tăng 25%, lên 10.446 ca. Ấn Độ dẫn đầu châu lục với thêm 1,72 triệu ca dù mức này đã giảm 20% so 7 ngày trước. Quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch thứ ba, với số ca nhiễm theo ngày lên tới hơn 230 nghìn ca.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19 cho 75% dân số trưởng thành trong vòng 1 năm, tương đương hơn 705 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào giữa tháng 5 tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Nhật Bản vẫn đang tăng mạnh, với 85.042 ca trong 24 giờ qua. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ năm vì dịch COVID-19, khi số ca nhiễm mới vẫn ở trên ngưỡng 80 nghìn ca/ngày.
Trong tuần qua, số ca mắc mới tại nước này tăng 73%, với thêm 463.354 ca. Trong số 47 tỉnh, thành phố ở Nhật Bản, có tới 16 địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó thủ đô Tokyo vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất, với 17.433 ca, tăng 6.206 ca so với 1 tuần trước đó.
Tại châu Phi, ngày 30/1, Viện Pasteur Algeria (IPA) cho biết kết quả giải trình tự gene mới nhất cho thấy 93% tổng số các trường hợp nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày ở Algeria là do biến thể Omicron.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cape Town, Nam Phi, ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Thông báo của IPA cho biết thêm rằng trong các trường hợp nhiễm biến thể Omicron được phát hiện, 57% là biến thể phụ BA.2 và 43% của biến thể phụ BA.1. Trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng mạnh trong nhiều ngày qua, Algeria cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà cho đại đa số người dân. Bên cạnh đó, người dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19 nói chung và biến thể Omicron nói riêng.
Hiện để đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, chính quyền Algeria đã tái áp đặt nhiều biện pháp mạnh, trong đó bao gồm đóng cửa các trường học trên cả nước từ ngày 20/1, đóng cửa các khu vui chơi giải trí và các khu công cộng ở thủ đô Algiers. Ngoài ra, Algeria đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, đồng thời yêu cầu người dân nhanh chóng đi tiêm phòng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt tại hơn 800 cơ sở tôn giáo trên cả nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Algeria, nước này đã ghi nhận thêm 1.464 trường hợp mắc COVID-19 và 11 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch lên 250.774 trường hợp và 6.566 ca tử vong. Số ca nhiễm mới này đã giảm mạnh so với vài ngày trước đó, với kỷ lục trên 2.500 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 46.085 ca mắc mới COVID-19 và 257 ca tử vong.
Tới hết ngày 31/1, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 16.636.828 trường hợp và 314.058 ca tử vong. Trong ngày 31/1, Philippines có số ca mắc mới (trên 14.000 ca) và ca tử vong (112 ca) cao nhất khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và số ca mắc mới của các nước trong khu vực có chững lại so với mấy ngày gần đây.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á phải tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.
Ngày 31/1, Việt Nam là nước có số người thiệt mạng (109 ca) vì COVID-19 cao thứ hai trong một ngày qua ở Đông Nam Á.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. "Xứ sở chùa Phật Ngọc" trong ngày 31/1 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới và 16 người tử vong.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 56 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, "Xứ sở chùa tháp" đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 133.000, số ca mắc mới trên 300 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại "xứ sở triệu voi" trong 24 giờ qua là 3 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Kommunarka, Nga, ngày 29/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo hãng tin Reuters ngày 31/1, biến thể của Omicron có khả năng lây nhiễm cao, dạng phổ biến nhất được gọi là BA.1, đang chiếm gần như tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu với ố ca nhiễm đã tăng đột biến ở một vài quốc gia.
Các nhà khoa học đang theo dõi sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể phụ của BA.1, được gọi là BA.2, ở các khu vực châu Âu và châu Á. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một số quốc gia đang báo cáo sự gia tăng gần đây của biến thể BA.2. Ngoài BA.1 và BA.2, WHO liệt kê hai biến phụ khác của Omicron gồm BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả đều có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động.
Nhà virus học Trevor Bedford tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, người đã theo dõi sự phát triển của virus SARS-CoV-2cho biết, BA.2 chiếm khoảng 82% các trường hợp nhiễm ở Đan Mạch, 9% ở Anh và 8% tại Mỹ. Cũng giống như các biến thể khác, ca lây nhiễm bởi BA.2 có thể được phát hiện bằng bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, mặc dù chúng không thể chỉ ra tình trạng mắc bệnh là do biến thể nào, các chuyên gia cho biết.
Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng, BA.2 có thể gây lây nhiễm cao hơn BA.1 vốn đã cực kỳ dễ lây lan. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy, nó có nhiều khả năng tránh được sự bảo vệ từ vaccine.
Thêm một nghiên cứu ghi nhận hiệu quả của vaccine Sputnik V trong phòng chống Omicron Các chuyên gia hàng đầu tại Argentina, Pháp, Mỹ đã ca ngợi hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 do Nga sản xuất Sputnik V trong phòng chống Omicron và một nghiên cứu gần đây của Italy đã củng cố thêm điều này. Vaccine Sputnik V được chuyển đến sân bay quốc tế Imam Khomeini tại Tehran (Iran). Ảnh: AP Giáo sư Hugo Pizzi...