iOS 14 là cơ hội để Apple từng bước dỡ bỏ “bức tường thành” giam cầm iFan
Những thay đổi liên quan đến thiết lập ứng dụng mặc định trên iOS tuy nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng, vừa giúp Apple dỡ bỏ hình ảnh của một công ty “độc quyền” vừa giúp họ tránh được những vụ kiện tụng pháp lý.
Tôi có một mối quan hệ “vừa yêu vừa ghét” lẫn lộn với chiếc điện thoại iPhone của mình. Tôi yêu phần cứng của chiếc máy này, sự chú ý và tỉ mỉ của Apple đối với những chi tiết nhỏ nhất trong iOS và chất lượng ứng dụng mà các nhà phát triển cho nền tảng này đã tạo ra. Nhưng tôi cũng không thích “bức tường thành” mà Apple dựng nên đã giới hạn việc sử dụng iPhone mỗi ngày của mình. Tôi không thể thay đổi trình duyệt mặc định; mỗi lần chạm vào một địa chỉ email ở đâu đó trên điện thoại, tôi bị tự động đưa sang một ứng dụng email chất lượng không cao của iOS. Việc Apple áp đặt những giới hạn chặt chẽ lên hệ điều hành của họ đồng nghĩa với việc các tùy biến và tính năng ứng dụng bị hạn chế hơn so với Android.
Một số tin đồn cho hay Apple đang cân nhắc cắt giảm một số giới hạn này trên hệ điều hành iOS 14. Bản cập nhật sắp tới là một cơ hội lý tưởng để Apple “dỡ bỏ” bớt những “bức tường thành” trong hệ điều hành di động của họ; nhất là trong bối cảnh các nhà thực thi pháp luật tại Mỹ và châu Âu đang bắt đầu hoài nghi về việc Apple đang áp đặt quyền kiểm soát quá mức trên nền tảng di động của hãng.
Hôm qua, hãng tin Bloomberg cho biết Apple đang cân nhắc cho phép các ứng dụng như trình duyệt Chrome và ứng dụng thư điện tử Gmail có thể được thiết lập làm ứng dụng mặc định cho các tác vụ duyệt web và check mail trên iOS 14. Đây là một thay đổi tương đối nhỏ, nhưng sẽ có tác động lớn đối với các nhà phát triển ứng dụng đang “cạnh tranh” với các ứng dụng mặc định của Apple. Windows, Android và macOS đều cho phép thiết lập các ứng dụng của bên thứ ba làm ứng dụng mặc định; nhưng iOS đã “đứng ngoài cuộc chơi” trên trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Hơn 10 năm, các nhà phát triển cạnh tranh đã tạo ra những ứng dụng email nhiều tính năng hơn, tích hợp chặt chẽ với các ứng dụng lịch, nhắc việc phong phú có thể mở được trên nhiều trình duyệt di động khác nhau, và chúng đều có thể đồng bộ dữ liệu với các nền tảng khác không phải của Apple. Trong khi đó, trải nghiệm do các ứng dụng iOS mặc định đem lại vẫn đang “trói buộc” người dùng vào hệ sinh thái Táo Khuyết.
Tại sao lại là thời điểm này?
iOS 14 là một thời điểm lý tưởng để Apple giảm bớt các giới hạn đối với ứng dụng của bên thứ ba, trong thời điểm các nhà hành pháp ở châu Âu và Mỹ đang kiểm tra tổng thể nền tảng di động của Apple và các ảnh hưởng của hãng đối với hệ điều hành iOS. Châu Âu được cho là đang chuẩn bị tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền với Apple, sau khi Spotify đâm đơn kiện nhà Táo đã “ưu ái” cho ứng dụng stream nhạc của họ và áp đặt một số giới hạn lên dịch vụ của đối thủ. Spotify cũng phàn nàn về quy định của Apple buộc người dùng iPhone phải mua ứng dụng thông qua cửa hàng chính thức App Store của họ – cửa hàng này buộc các nhà phát triển phải “nộp” 30% doanh thu của họ lại cho Apple.
Lập luận của Apple phản bác lại các cáo buộc của Spotify vô hình trung còn nhấn mạnh thêm sự khó khăn của các nhà phát triển để có thể cạnh tranh với Apple, trong một cuộc chơi mà nhà sản xuất iPhone mới là kẻ áp đặt luật và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, các nhà phát triển nếu muốn “né” chi phí phải trả cho Apple thông qua các giao dịch mua hàng trong ứng dụng thì cũng không được phép nói với người dùng về cách thức và nơi mà họ có thể mua gói dịch vụ của bên thứ ba ngoài App Store. Điều đó có nghĩa là nếu những ứng dụng như Netflix không muốn sử dụng tính năng mua hàng trong ứng dụng (và trả “thuế” cho Apple) thì họ cũng sẽ không được phép đặt liên kết tới trang web của họ bên trong ứng dụng, thậm chí là cũng không được ghi rằng người dùng cần phải truy cập vào trang web netflix.com để đăng kí thuê bao.
Apple cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc về mức “ăn chia” 30%. Toà án Tối cao Hoa Kỳ năm ngoái phán quyết rằng Apple sẽ phải đối mặt với một vụ kiện độc quyền với cửa hàng ứng dụng App Store.
Mặc dù vậy, những phàn nàn không chỉ dừng lại ở tỉ lệ “ăn chia” của Apple. Tile, công ty sản xuất thiết bị theo dõi vị trí đồ vật qua sóng Bluetooth gần đây đã ra làm chứng trong một phiên điều trần chống độc quyền của Quốc hội Mỹ rằng Apple tìm cách “loại bỏ” các đối thủ tiềm năng khỏi nền tảng của họ. Nhiều tháng nay, liên tục có tin đồn về việc Apple sẽ tung ra một thiết bị cạnh tranh với các thiết bị theo dõi vị trí đồ vật qua Bluetooth của Tile, và Phó Chủ tịch kiêm cố vấn chung của Tile, Kóien Kirsten Daru đã cáo buộc Apple sử dụng hệ điều hành iOS để “ưu tiên” lợi ích của chính họ.
Daru cho rằng, “Apple đang đóng vai trò là người gác cổng cho các ứng dụng và công nghệ theo hướng có lợi cho các lợi ích riêng của họ. Bạn có thể là đội bóng đá giỏi nhất, nhưng bạn đang phải thi đấu với một đội bóng sở hữu sân vận động, trái bóng và giải đấu, và có quyền thể thay đổi luật chơi bất cứ khi nào họ muốn.”
Video đang HOT
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ trong kỳ bầu cử sắp tới, cũng bày tỏ sự cảnh giác không kém về sự kiểm soát của Apple đối với cửa hàng ứng dụng App Store. Bà tin rằng công ty không nên điều hành cả App Store và phân phối ứng dụng trong đó. Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin The Verge năm ngoái, bà cho biết, “Hoặc là họ phát triển nền tảng, hoặc là vận hành cửa hàng ứng dụng. Họ không nên làm cả hai việc cùng một lúc.”
Những giới hạn phức tạp của Apple
Việc Apple không cho phép người dùng iPhone thiết lập các ứng dụng mặc định của riêng họ đã buộc các nhà phát triển phải khắc phục bằng nhiều cách “đi đường vòng” khác nhau. Các ứng dụng như Outlook cho phép bạn thiết lập Google Maps và Chrome làm ứng dụng mặc định để mở các liên kết web; trong khi các ứng dụng khác như YouTube sẽ mở các liên kết bằng Chrome trong trường hợp bạn đã cài đặt trình duyệt của Google trên điện thoại của họ. Instagram, TikTok, YouTube, Twitter và một số ứng dụng khác thì chọn cách đăng ký các liên kết của họ với hệ điều hành iOS, nhằm tránh việc bị Apple “trừng phạt” và cũng bởi vì nền tảng này không có tùy chọn cho phép thiết lập ứng dụng mặc định. Do vậy vậy, nếu bạn nhấp vào các liên kết trong các ứng dụng khác, bạn sẽ được chuyển đến ứng dụng mặc định của iOS để sử dụng. Và bạn cũng không thể thiết lập để các ứng dụng của bên thứ ba thay thế trở thành ứng dụng mặc định khi truy cập vào các liên kết cùng loại.
Bất chấp những cách làm này của các nhà phát triển ứng dụng, tôi vẫn thường xuyên bị chuyển đến trình duyệt Safari khi nhấn vào các liên kết mà bạn bè và gia đình gửi cho tôi qua qua iMessage hoặc WhatsApp. Và các liên kết địa chỉ email (mailto) trên web cũng tự động chuyển tôi sang ứng dụng email có sẵn của iOS – tuy nhiên tôi thậm chí còn chẳng cấu hình hộp thư của mình trong ứng dụng này. Siri cũng là trợ lý ảo mặc định và duy nhất mà tôi có thể kích hoạt bằng giọng nói từ màn hình khóa của thiết bị. Các trợ lý ảo khác như Alexa, Google Assistant và Cortana đều bị hạn chế chỉ hoạt động trong các ứng dụng của chúng.
Nếu Apple nới lỏng các quy định về thiết lập ứng dụng mặc định, điều đó sẽ cải thiện trải nghiệm iOS tổng thể cho nhiều người dùng – nhưng điều đó phụ thuộc vào việc Apple sẵn sàng “nới lỏng” đến đâu. Thực tế, các hạn chế của Apple đối với ứng dụng bên thứ ba nằm ở những lớp “sâu” hơn nhiều so với việc giới hạn các ứng dụng mặc định để thực hiện một tác vụ cụ thể nào đó, và thường được cho là nhằm phục vụ các yêu cầu quan trọng liên quan đến vấn đề bảo mật. Các trình duyệt Chrome, Edge, Firefox, Brave và các sản phẩm tương tự của các công ty khác buộc phải sử dụng engine trình duyệt WebKit của Safari, do Apple không cho phép sử dụng các engine dựng trang của đối thủ trên nền tảng iOS. Điều này cho phép Apple kiểm soát vấn đề bảo mật và phát hành các bản cập nhật thống nhất cách thức các trình duyệt và ứng dụng khác nhau hiển thị nội dung web trên các thiết bị di động của Apple. Ứng dụng của bên thứ ba cũng bị giới hạn trong việc tương tác với các tin nhắn trong iMessage và các cuộc gọi trong ứng dụng Điện thoại mặc định của iOS.
Những hạn chế này giúp cải thiện tính bảo mật cơ bản của iOS theo nhiều cách, thông qua việc hạn chế các mã độc có thể thực thi tự do trên thiết bị, đồng thời ngăn các ứng dụng tự ý gửi tin nhắn SMS mà không được người dùng cho phép. Nhưng ở chiều ngược lại, chúng cũng dẫn đến sự thiếu cạnh tranh và lựa chọn cho người dùng iPhone. Ứng dụng Your Phone của Microsoft cho phép bạn hiển thị màn hình và điều khiển hoàn toàn thiết bị Android từ PC Windows, thậm chí gửi và nhận tin nhắn cũng như nhận cuộc gọi từ PC. Việc phát triển một ứng dụng tương tự cho iOS là vô dụng, vì sẽ chẳng có tính năng nào như vậy có thể hoạt động được trước các giới hạn của Apple đối với iOS.
Một cách khác mà Apple có thể tính đến trong việc “dỡ bỏ” phần nào các “bức tường thành” trên nền tảng di động của họ là “đại tu” các chính sách và quy định của kho ứng dụng App Store. Google, Nvidia và Microsoft đều đang đối mặt với những thách thức khi tung ra các dịch vụ stream trực tuyến trò chơi từ nền tảng đám mây của họ trên các thiết bị iOS. Phải mất gần một năm Apple mới “chịu” phê duyệt ứng dụng Steam Link của Valve, mặc dù ứng dụng này chủ yếu chỉ stream hình ảnh các trò chơi từ PC của người dùng lên thiết bị iOS của họ (chứ chẳng phải stream từ một dịch vụ đám mây nào). Apple ban đầu từ chối ứng dụng này vì “các xung đột trong kinh doanh”, tuy nhiên nguyên nhân chính được cho là nằm ở việc ứng dụng này cho phép người dùng iOS truy cập vào cửa hàng ứng dụng của riêng Steam ngay trên hệ sinh thái được kiểm soát chặt chẽ của Apple. Microsoft hiện đang thử nghiệm các bản beta của ứng dụng xCloud nhằm xem phản ứng của Apple và các chính sách của App Store sẽ giới hạn ứng dụng này như thế nào. Tuy nhiên, chính Microsoft cũng thừa nhận họ đã phải giới hạn một số tính năng trong ứng dụng của mình do các quy định từ phía Apple.
Trong quá khứ, Apple đã từng nới lỏng một số quy tắc nghiêm ngặt của iOS, và điều đó cũng cho thấy hướng phát triển của hệ điều hành di động này trong tương lai. Apple đã tạo ra CallKit để cho phép các ứng dụng gọi điện thoại qua Internet như WhatsApp, Skype, Messenger cùng một số cái tên khác tích hợp chặt chẽ hơn với ứng dụng Điện thoại mặc định của hệ điều hành. Hiện tại, bạn đã có thể gọi và trả lời cuộc gọi trên WhatsApp hay Zalo, và chúng hiển thị giao diện như những cuộc gọi iPhone thông thường. Thậm chí, lịch sử cuộc gọi Messenger, Zalo, v.v… cũng hiển thị trong phần lịch sử cuộc gọi của ứng dụng Điện thoại mặc định.
Apple cũng nới lỏng các quy tắc của mình với các ứng dụng bàn phím của bên thứ ba bắt đầu từ iOS 8. Thậm chí ứng dụng Tin nhắn của Apple hiện có thể sử dụng bàn phím QuickType mặc định để phân tích mã nguồn tin nhắn SMS trong các ứng dụng khác. Điều này rất hữu ích trong một số trường hợp, khi cần các ứng dụng bên thứ ba truy cập vào mã nguồn tin nhắn SMS. Song, nếu Apple sẵn sàng nới lỏng các hạn chế của mình hơn nữa, thì họ nên cho phép các đối thủ cạnh tranh tạo ra các lựa chọn thay thế thực sự cho ứng dụng iMessage trên iPhone, hỗ trợ đầy đủ công nghệ RCS.
Mở rộng sân chơi cho đối thủ
Trong suốt nhiều năm, các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba đã cáo buộc Apple ăn cắp ý tưởng ứng dụng của họ và biến chúng thành các tính năng trong hệ điều hành iOS và macOS. Táo khuyết đã xây dựng các ứng dụng thay thế (hoặc tích hợp thành các tính năng của hệ điều hành) cho Bitmoji, Moment, IFTTT, các tính năng của Google Photos, Houseparty, các ứng dụng đo chiều dài thông qua công nghệ thực tế tăng cường (AR) và nhiều ứng dụng khác. Apple thậm chí còn có hẳn một biệt danh cho hành động này: “Sherlocking”, gợi nhớ đến việc Apple đã phát triển và bổ sung các tính năng tương tự như một ứng dụng nổi tiếng của bên thứ ba là Watson, vào công cụ tìm kiếm desktop Sherlock của họ.
Gần đây, Blix, nhà phát triển ứng dụng quản lý email BlueMail, tuyên bố rằng Apple đã đánh cắp tính năng đăng nhập email ẩn danh của họ (bổ sung vào công cụ Sign in with Apple) và sau đó đã loại bỏ ứng dụng của Blix khỏi các kết quả tìm kiếm trên cửa hàng ứng dụng iOS dành cho iPhone, và thậm chí còn xoá luôn ứng dụng của Blix hỏi cửa hàng App Store cho nền tảng macOS. Blix hiện đang kiện Apple và kêu gọi các công ty khác lên tiếng chống lại cái mà họ tuyên bố là chiến thuật kinh doanh không công bằng của Apple.
Đôi khi, các ứng dụng/tính năng thay thế của Apple được công bố ngay sau khi hãng xoá bỏ các sản phẩm tương tự của bên thứ ba. Trước đó, Apple đã từng “xử trảm” một loạt các ứng dụng hiển thị thời gian người dùng sử dụng các app trên điện thoại (screentime), rồi ngay sau đó công bố tính năng tương tự được tích hợp bên trong hệ điều hành iOS. Mặc dù sau đó Apple đã “đảo ngược” các quyết định này, nhưng những ứng dụng screentime đã không thể giữ được sự phổ biến như trước nữa.
Apple cũng phải đối mặt với các cáo buộc về việc áp đặt các hạn chế đối với ứng dụng của bên thứ ba mà không áp dụng chúng với các ứng dụng “nhà làm” Chẳng hạn, mới đây trên iOS 13, Apple đã giới thiệu tính năng hiển thị cảnh báo tới người dùng nếu các app đang truy cập vào dữ liệu vị trí hoặc sử dụng kết nối Bluetooth của thiết bị dưới nền. Mặc dù tính năng này được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nhưng điều khiến mọi người phàn nàn và cho rằng Apple đang không công bằng nằm ở chỗ, các cảnh báo đó hoàn toàn không xuất hiện khi các ứng dụng của chính Apple như Find My truy cập vị trí của thiết bị ở dưới nền.
Các thông báo pop-up dù có mục đích tốt đến mấy, nhưng nếu xuất hiện quá nhiều và cứ vài ngày người dùng lại phải ấn vào nút “Luôn cho phép” (Always Allow) một lần thì rất phiền phức, nhất là khi họ đã nói với iOS là đồng ý cho phép ứng dụng luôn có quyền truy cập vào vị trí của thiết bị rồi! Trong khi đó, Google cũng chuẩn bị giới thiệu những tính năng giới hạn tương tự cho các ứng dụng Android, song nhấn mạnh các ứng dụng do chính Google phát triển cũng không phải là ngoại lệ và cũng chịu sự kiểm soát của tính năng này.
Trở lại với Apple, còn có một trường hợp khác mà họ “lách luật” để “ưu ái” cho các ứng dụng “nhà làm”, đó là sử dụng các thông báo đẩy (push notifications) để quảng bá cho các dịch vụ Apple Music, Apple TV Plus, và thậm chí là các show Carpool Karaoke của chính họ. Trong khi đó, trớ trêu thay là chính các quy định của Apple đã ghi cụ thể rằng thông báo đẩy “không nên được sử dụng cho mục đích quảng cáo, quảng bá hoặc các mục đích marketing trực tiếp.”
Các cáo buộc và khiếu kiện chống lại Apple đang ngày càng gia tăng, và hệ điều hành iOS 14 có thể là một cơ hội để công ty tự giảm bớt áp lực từ phía các cơ quan thực thi pháp luật, trong khi đồng thời có thể cải thiện trải nghiệm người dùng với các sản phẩm iPhone, iPad. Nếu tháng 9 tới, chúng ta có thể cầm iPhone lên và sử dụng trình duyệt, ứng dụng email và các app khác một cách “tự do” hơn một chút, thì đó thực sự là một động thái nhỏ nhưng rất đáng hoan nghênh từ phía Apple.
Theo VN Review
Thêm nguồn tin xác nhận kiểu dáng iPhone 9
Dù chiếc iPhone này còn chưa ra mắt, ốp lưng của máy đã được bán trên mạng.
2020 có thể là năm có nhiều mẫu iPhone mới được giới thiệu nhất. Nhiều tin đồn cho rằng hãng sẽ tổ chức một sự kiện vào tháng 3 để công bố iPhone 9 hoặc iPhone SE 2, mẫu iPhone giá rẻ nhất.
iPhone 9 chưa bán nhưng ốp lưng cho mẫu máy này đã xuất hiện trên mạng.
Mặc dù sự kiện đó vẫn chưa được xác nhận, những phụ kiện iPhone 9 đã được bán trên mạng. Từ Amazon tới Alibaba, những bộ ốp cho iPhone 9 đã xuất hiện trên các trang bán hàng trực tuyến.
Mặc dù tên chính thức của máy vẫn chưa được tiết lộ, có thể hình dung được thiết kế của iPhone 9 như thế nào. Máy có kiểu dáng và kích thước tương đương iPhone 8, với màn hình 4,7 inch và bảo mật vân tay Touch ID. Máy cũng chỉ có 1 camera, nhưng có thể mang cấu hình mạnh mẽ tương đương iPhone 11.
Đã có nhiều tin đồn về giá bán của iPhone 9. Tháng 10/2019, nhà phân tích Ming-Chi Kuo từ TF Securities dự đoán sản phẩm sẽ có giá khởi điểm là 400 USD (khoảng 9,2 triệu đồng). Ngày 9/2, Fast Company cũng xác nhận con số này từ một nguồn thận cận với chuỗi cung ứng của Apple.
Nhiều khả năng iPhone 9 sẽ nhắm vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ. Tuy nhiên Apple vẫn có thể bán máy tại thị Mỹ và Anh.
Người dùng iPhone cũ chính là lý do để iPhone 9 tồn tại. Thời gian gần đây, Táo khuyết tập trung vào mảng dịch vụ khi cho ra mắt hàng loạt dịch vụ mới như Apple Arcade (chơi game) hay Apple TV (xem phim). Tất cả chúng cần hoạt động trên phiên bản iOS mới nhất, do đó một chiếc iPhone giá rẻ sẽ thu hút người dùng cũ nâng cấp lên, đặc biệt là iPhone 6 đã dừng ở iOS 12, và iPhone 6s có thể không được lên iOS 14.
Dù vậy thì theo PhoneArena, có nhiều yếu tố đe dọa thành công của iPhone 9. Apple phải đối mặt với thực trạng thị trường smartphone bão hòa. Ngoài ra, dịch virus viêm phổi chủng corona có thể ảnh hưởng đến nguồn cung iPhone 9 trong thời gian đầu.
Hồ sơ đăng ký bản quyền cho thấy Apple từng tính đến việc tích hợp Touch ID vào núm xoay trên Apple Watch.
Người dùng cũng rất chờ đợi một mẫu Apple Watch mới, sau mẫu Series 5 không có nhiều thay đổi. Theo một mẫu đăng ký bản quyền từ năm 2015 do Patently Apple phát hiện, Apple có thể đã tính đến việc tích hợp cảm biến vân tay vào vòng xoay trên đồng hồ.
Nếu thiết kế này thành sự thật, Apple Watch có thể khóa và mở dễ hơn nhiều chỉ bằng cách đặt ngón tay lên núm và xoay. Hiện tại, cách duy nhất để khóa Apple Watch là dùng mã số, vốn rất bất tiện với màn hình nhỏ của đồng hồ, hoặc người dùng phải mang iPhone bên mình.
Trước đó, các trang web cũng phát hiện những bản quyền cho phép người dùng mở khóa Apple Watch bằng phương pháp tương tự như Face ID.
Một tính năng khác cũng được chờ đợi là khả năng bổ sung các cảm biến cho Apple Watch theo dạng module. Hồ sơ đăng ký bản quyền cho thấy Apple có thể sẽ tích hợp tính năng này, cho phép người dùng dễ dàng thêm cảm biến đường huyết hoặc các loại cảm biến sức khỏe khác cho chiếc đồng hồ.
Theo Zing
Đừng nghĩ dùng iPhone cũ lâu năm là tiết kiệm và thông minh: Nguy hiểm thực sự đang chờ "xơi tái" đấy! Đó không phải một thành tích đáng ngưỡng mộ, mà chỉ là bằng chứng cho thấy bạn đang thiếu kiến thức trầm trọng về việc tự bảo vệ bản thân. Độ bền của những thiết bị công nghệ ngày nay đã đạt tới mức khá hoàn thiện, những thế hệ cao cấp mới nhất có thể phục vụ nhu cầu của người dùng...