[Info] 7,5 tấn thép từ tòa tháp đôi vụ khủng bố 11-9 đã được dùng để chế tạo siêu chiến hạm này
Ít ai biết rằng siêu tàu đổ bộ USS New York (LPD-21) thuộc lớp San Antonio của Hải quân Mỹ mang trong mình biểu tượng sức mạnh và cả nỗi thương đau của người dân Mỹ trong sự kiện khủng bố 11-9.
Thép từ tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đã được dùng để chế tạo mũi của chiếc tàu này.
Tàu đổ bộ tấn công được đóng từ thép của Trung tâm Thương mại thế giới – WTC sau khi tòa tháp đôi này bị đánh sập vào ngày 11-9-2001. Khoảng 7,5 tấn thép đã được sử dụng để chế tạo tàu đổ bộ lớn USS New York (LPD-21).
Siêu tàu đổ bộ USS New York (LPD-21)
Thép từ tòa tháp đôi được nung trong lò của nhà máy luyện kim Amite, bang Louisiana. Chúng trở thành phần mũi chìm dưới nước của con tàu. Các công nhân nhà máy Amite chế tác số kim loại đặc biệt với “sự tôn kính” mà họ muốn dành cho những người thiệt mạng trong vụ khủng bố. Thậm chí một công nhân xin hoãn về hưu để được góp công sức trong dự án này.
Video đang HOT
Những mảnh thép từ tòa tháp đôi đang được nung chảy để chế tạo mũi tàu
USS New York chính thức được bàn giao cho Hải quân Mỹ ngày 21-8-2009 tại New Orleans và khởi hành tới căn cứ hải quân ở Norfolk, Virginia. Ngày 2-11-2009, con tàu lần đầu đi qua vị trí tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh sập. Nó bắn 21 phát súng để tưởng niệm những người dân vô tội đã thiệt mạng trong sự kiện thảm khốc gây ra bởi những tên khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Theo PLO
Một "nước Mỹ khác"- 18 năm sau vụ khủng bố 11-9
Đã 18 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ (11-9-2001), những thiệt hại về tinh thần lẫn vật chất vẫn âm ỉ trong lòng nền kinh tế số 1 thế giới.
Người dân, các doanh nghiệp, cùng chính phủ Mỹ tiếp tục phải đương đầu đối phó với bài toán khó khăn này.
Hình ảnh tòa nhà WTC đổ sụp trong vụ tấn công khủng bố 11-9 vẫn ám ảnh người dân Mỹ cho đến nay. Ảnh: Getty Images
Hẳn không ai có thể quên hình ảnh những chiếc máy bay định mệnh đâm sập Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, phá hủy một trong những biểu tượng kinh tế của Mỹ và của cả thế giới. Và cũng tại thời điểm đó, tòa nhà Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ - cũng hứng chịu thảm họa tương tự.
Đó là lần đầu tiên trong lịch sử tòa nhà quân sự đầu não của quân đội Mỹ bị tấn công. Cả nước Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp. Các trụ sở chính quyền đều đóng cửa. Không quân Mỹ triển khai F-16 và trực thăng tuần tra khắp bầu trời toàn quốc. Gần 3.000 người Mỹ đã thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, những con số rúng động đã cuốn nước Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu. Trong khi đó, thiệt hại về kinh tế là khó đếm xuể. Những kẻ khủng bố chỉ mất có vài giờ để phá hủy WTC nhưng hậu quả để lại cho đến hàng chục năm sau.
Nền kinh tế ảnh hưởng ở mức nào?
Có thể nói, thảm kịch ngày 11-9-2001 vẫn là bước ngoặt không thể phủ nhận trong lịch sử Mỹ và cả thế giới. Sau nhiều năm kinh tế phát triển thịnh vượng trong những năm 1990, các cuộc tấn công 11-9 đã khiến mọi nỗ lực của Mỹ bị sụp đổ và kết quả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Xác định các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9 tiêu tốn bao nhiêu tiền của nước Mỹ là công việc nghiệt ngã. Cho dù đó là thiệt hại vật chất trực tiếp hoặc tác động gián tiếp, việc tính toán kinh tế của cuộc tấn công khiến mọi người nhận ra nó đã thay đổi cách sống của người Mỹ đến mức nào.
Khi các chuyến bay American Airlines 11, United Airlines 175 phá hủy tòa tháp đôi WTC, 8 tỷ USD đã bay mất ngay trong tích tắc đó, theo báo cáo năm 2011 của The New York Times. Con số đó không bao gồm hệ thống máy tính, đồ nội thất và ô-tô trong tòa nhà, vốn trị giá hơn 6 tỷ USD. Và tất nhiên, đó là chưa kể chi phí cho các Cty trong WTC. Tòa tháp WTC có hơn 400 doanh nghiệp, một số trong số họ là các Cty tài chính hàng đầu. Và hệ quả là tất cả các doanh nghiệp bị thiệt hại trong các cuộc tấn công đã buộc phải di dời, dẫn đến thiệt hại 22 tỷ USD do gián đoạn kinh doanh.
Nhưng những thiệt hại đó chưa là gì so với việc tăng cường chi phí cho an ninh tại các sân bay, tòa nhà chính phủ và các tổ hợp văn phòng sau vụ tấn công. Chi phí bảo hiểm và vận chuyển đã tăng chóng mặt. Và đặc biệt là chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố Mỹ mở ra sau đó. Những cuộc chiến này đã làm tăng chi phí quân sự và khiến thâm hụt ngân sách quốc gia Mỹ leo thang, đe dọa làm giảm mức sống của người dân Mỹ và khiến các khoản thuế tăng cao trong tương lai. Giới chuyên gia nhận định, chính bản thân vụ khủng bố ngày 11-9 không khiến nền kinh tế Mỹ thay đổi quá nhiều mà nguyên nhân chính là do cách người Mỹ phản ứng với vụ 11-9.
Vẫn là mối lo khủng bố...
Đã 18 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng, những thiệt hại về tinh thần lẫn vật chất vẫn âm ỉ trong lòng nền kinh tế số 1 thế giới. Người dân, các doanh nghiệp, cùng chính phủ Mỹ tiếp tục phải đương đầu đối phó với bài toán khó khăn này. Nhưng điều quan trọng hơn nữa: 18 năm trôi qua, trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống khủng bố ở nhiều quốc gia, người Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc về mối đe dọa của một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn khác.
Chính quyền Mỹ vẫn lo ngại vì bạo lực khủng bố tiếp tục phát triển và lan rộng. Khu vực Trung Đông và Sahel là tâm điểm của bạo lực cực đoan. Phiến quân Hồi giáo ở đó chỉ huy nhiều kẻ cực đoan chiến đấu, hoạt động ở nhiều quốc gia và kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn so với trước vụ tấn công 11-9. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực lan rộng, ngay cả ở các nước xa xôi, tạo các vườn ươm cho các cuộc tấn công trong tương lai, khiến Mỹ vẫn "đứng ngồi không yên". Hơn 15.000 người Mỹ đã trả giá bằng mạng sống và hơn 50.000 người đã bị thương. Tuy nhiên, sự hồi sinh của tổ chức cực đoan IS trong năm nay tại các khu vực của Iraq và Syria là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, các điều kiện cơ bản cho các nhóm khủng bố này hoạt động vẫn còn tồn tại.
...và công lý cho những nạn nhân
18 năm trôi qua. Hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Hàng ngàn người khác vẫn chưa được gọi tên. Gần 60.000 người vẫn nằm trong diện phải theo dõi sức khỏe vì ảnh hưởng của bụi và hóa chất khi tòa tháp đôi tại WTC sụp đổ.
Nỗi đau càng lớn hơn khi cho đến nay, công lý cho những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công này cũng chưa được thực thi. Cho đến nay, phiên tòa xét xử Khalid Shaikh Mohammed, được cho là "kiến trúc sư trưởng" loạt khủng bố 11-9 này và các đồng phạm vẫn chưa thể bắt đầu. Y đã thừa nhận là bộ não lên kế hoạch toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ khủng bố. Cấp phó của y là Ramzi bin al-Shibh lo hậu cần cho cuộc tấn công. Ba kẻ giúp sức khác là Walid bin Attash; Mustafa al Hawsawi và Ammar al-Baluchi.
Dù mọi tội trạng đã rõ như ban ngày, phiên tòa xét xử những tên này vẫn bị trì hoãn suốt 18 năm qua vì nhiều tranh cãi liên quan đến quyền hạn của quân đội và hệ thống tư pháp của Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama từng tìm cách chuyển vụ án cho tòa án liên bang ở New York nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân và đảng Cộng hòa. Quá trình điều trần kéo dài còn vì một phần nguyên nhân liên quan đến những tranh cãi quanh những cáo buộc những nghi phạm này đã bị tra tấn dã man tại nhà tù Guantanamo khi lấy lời khai.
Trong khi đó, chính Guantanamo cũng chưa sẵn sàng cho phiên tòa lịch sử, dự kiến kéo dài ít nhất 9 tháng. Mọi hy vọng giờ đang đặt vào thẩm phán W. Shane Cohen khi ông đã quyết định ngày 11-1-2021 sẽ là ngày tòa bắt đầu lựa chọn các thành viên chính thức và dự khuyết cho bồi thẩm đoàn xét xử vụ việc. Những kẻ tấn công 11-9 sẽ đối diện án tử hình cho tội danh âm mưu tấn công khủng bố chống lại nước Mỹ. Ngoài ra, chúng còn chịu nhiều cáo buộc khác liên quan đến tội danh giết người, vi phạm luật chiến tranh, tấn công dân thường và hoạt động khủng bố. Nhưng vẫn không có nhiều người tin tưởng phiên tòa sẽ diễn ra đúng như kế hoạch.
KHẢ ANH
Sốc: Ảnh chưa từng tiết lộ về hiện trường kinh hoàng vụ khủng bố 11/9 Một bác sĩ đầu tiên có mặt tại Ground Zero (mặt đất bằng không) - nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ đổ sập trong vụ khủng bố 11/9/2001 vừa lần đầu công bố những bức ảnh ám ảnh về hiện trường ngổn ngang, kinh hoàng sau thảm họa. Nước Mỹ đang tưởng niệm 18...