Indonesia vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ
Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2022) do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, Indonesia vẫn là địa điểm hấp dẫn các khoản đầu tư công nghệ.
Indonesia vẫn là địa điểm hấp dẫn các khoản đầu tư công nghệ. Ảnh minh họa: AFP
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyên, ông Fock Wai Hoong, Phó Giám đốc phụ trách công nghệ, người tiêu dùng và Đông Nam Á thuộc Temasek, đánh giá nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ như cơ sở người dùng lớn, tích cực và hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ năng động.
Cũng theo ông Fock, năm 2022, Singapore và Indonesia sẽ là hai điểm đến đầu tư hàng đầu ở Đông Nam Á. Indonesia đã thu hút được 25% tổng giá trị tài trợ tư nhân trong khu vực và về lâu dài quốc gia này vẫn sẽ hấp dẫn với các nhà đầu tư cùng với Việt Nam và Philippines.
Dịch vụ tài chính kỹ thuật số đã thay thế lĩnh vực thương mại điện tử trở thành lĩnh vực đầu tư hàng đầu tại Indonesia, đạt 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, thương mại điện tử đang thu hút nguồn vốn đáng kể từ các nhà đầu tư với tư cách là lĩnh vực có đóng góp lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số ở Indonesia. Cụ thể, lĩnh vực này đã thu hút 23% tổng vốn đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm 2022, tương đương 800 triệu USD.
Tại khu vực Đông Nam Á, hơn 80% số nhà đầu tư mạo hiểm muốn tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực mới như công nghệ y tế, dịch vụ phần mềm (SaaS) và Web 3.0, trong khi lĩnh vực công nghệ giáo dục đã chứng kiến sự suy giảm trong giai đoạn hậu đại dịch sau khi các trường học mở cửa trở lại.
Cũng tại hội thảo trực tuyến, người đứng đầu bộ phận thực hành kỹ thuật số ở Đông Nam Á thuộc Bain & Company, ông Aadarsh Baijal, khẳng định rằng nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia vẫn có quy mô lớn nhất và đa dạng nhất trong số các quốc gia khu vực.
Ông Baijal cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cần bắt kịp với nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng thông qua việc tương tác tích cực với các đối tượng người dùng khác nhau, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của họ.
Ông Baijal nhấn mạnh chìa khóa để duy trì động lực tích cực này là thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, nhất là thông qua việc tăng cường áp dụng kỹ thuật số trên các SaaS và các công cụ tài chính.
Báo cáo e-Conomy SEA 2022 được thực hiện trong nhiều năm, dựa trên dữ liệu từ Google Trends và Temasek, các bài phân tích của Bain & Company và thông tin từ các nguồn khác nhau trong ngành cũng như từ các cuộc phỏng vấn các chuyên gia, cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam./.
Hàn Quốc đầu tư gần 3 tỷ USD cho 12 công nghệ chiến lược
Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin (MSICT) Hàn Quốc vừa thông báo nước này sẽ đầu tư 4.120 tỷ won (2,9 tỷ USD) vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm 2023.
Hàn Quốc đã chọn ra 12 công nghệ chiến lược cần tập trung để duy trì đà tăng trưởng trong các lĩnh vực mới nổi và có sức ảnh hưởng. Ảnh minh họa: TTXVN
Qua đó, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy 12 công nghệ chiến lược như một phần trong kế hoạch tăng trưởng dài hạn trong tương lai của đất nước. Con số này cao hơn mức đầu tư 3.740 tỷ won năm 2022.
Trong một báo cáo được công bố tại cuộc họp với Tổng thống Yoon Suk-yeol, MSICT cho biết, Bộ này đã chọn ra 12 công nghệ chiến lược cần tập trung để duy trì đà tăng trưởng trong các lĩnh vực mới nổi và có sức ảnh hưởng.
12 công nghệ gồm chất bán dẫn và màn hình, pin có thể sạc lại, công nghệ di chuyển tiên tiến, năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo, công nghệ sinh học, kỹ thuật hàng không và đại dương, nhiên liệu hydro, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, truyền thông thế hệ tiếp theo, robot hiện đại và công nghệ lượng tử.
Các công ty và tổ chức địa phương tham gia vào các dự án R&D và hợp tác quốc tế liên quan đến 12 công nghệ nói trên và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực đã đề ra sẽ được chính phủ tài trợ.
Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-ho nhấn mạnh các công nghệ chiến lược sẽ ảnh hưởng đến vị thế của đất nước, do đó, chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để dẫn dắt tăng trưởng trong tương lai và đảm bảo sự tự chủ về công nghệ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cam kết đầu tư 25.000 tỷ won (17,6 tỷ USD) trong 5 năm để phát triển 12 công nghệ chiến lược, nhằm giúp đưa Hàn Quốc đi trước các nước còn lại trên thế giới.
Ông Yoon khẳng định khoa học và công nghệ là "nguồn gốc" cho tăng trưởng kinh tế, công nghiệp và Hàn Quốc cần có một bước nhảy vọt để trở thành cường quốc về khoa học và công nghệ./.
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đầu tư lớn vào ngành công nghiệp thần tượng ảo Trong năm qua, các tập đoàn đầu tư và công nghệ của Trung Quốc, bao gồm Tencent và ByteDance, đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các công ty phát triển những 'người có ảnh hưởng kỹ thuật số'. Ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp bảy lần từ 870 triệu USD vào năm 2021...