Indonesia đấu không cân sức với Covid-19
Hồi tháng 3, Indonesia ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, nhưng chỉ vài tuần sau, nước này trở thành vùng dịch chết chóc nhất Đông Nam Á.
Với hơn 59.000 ca nhiễm nCoV, trong đó gần 3.000 ca tử vong, Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ hai ở châu Á về số người chết do Covid-19, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, với hệ thống chăm sóc sức khỏe lạc hậu, các chuyên gia cảnh báo những con số trên chỉ là một phần của quy mô dịch bệnh trên thực tế ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới.
Y tá Novita Purwanti và các đồng nghiệp của cô ở một trung tâm y tế công tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, đều nhận thức được điều đó. Họ phải góp tiền để mua áo mưa cùng hai kính bảo hộ y tế dùng chung.
“Chúng tôi khử trùng áo mưa để có thể tái sử dụng, trong khi đợi các bộ bảo hộ từ cơ quan y tế”, cô giải thích. “Tôi không thể mua khẩu trang N95 vì nó quá đắt và rất khó tìm”.
Novita đang ở trên chiến tuyến chống Covid-19, khi nhiều đồng nghiệp của cô đã bị nhiễm nCoV và qua đời.
“Tôi lo lắng. Tôi không ngủ được. Tôi luôn động chạm bệnh nhân, dù không biết chắc họ có mang virus hay không”, Novita, người có hai con nhỏ, nói.
Các y bác sĩ ở một trung tâm y tế công tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, Indonesia, mặc áo mưa vì không có đồ bảo hộ, hồi tháng 4. Ảnh: BBC
Nghiên cứu của Trung tâm Mô hình Toán về về Bệnh truyền nhiễm tại London, Anh hồi tháng 3 ước tính chỉ 2% số ca nhiễm nCoV ở Indonesia được báo cáo. Số liệu của chính phủ cho thấy Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất thế giới, khoảng 1.000 xét nghiệm/triệu dân. Con số này thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Malaysia, nơi có tỷ lệ hơn 19.000 xét nghiệm/triệu dân, và ở Mỹ là khoảng 63.000 xét nghiệm/triệu dân.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho hay các thi thể nên được bọc túi nilon khi chôn, dù họ không được xác nhận dương tính với nCoV. “Có thể một số người không được xét nghiệm hoặc một số người đã xét nghiệm nhưng chưa có kết quả”, ông nói.
Nhiều trẻ em nằm trong các ca tử vong vì Covid-19 ở Indonesia. Một tài liệu được Bộ Y tế Indonesia ban hành ngày 22/5 cho biết nước này đã phát hiện tổng cộng 715 người dưới 18 tuổi nhiễm nCoV, trong đó 28 người chết. Tài liệu cũng cho thấy trong 7.512 trẻ em được xếp vào diện “bệnh nhân đang theo dõi”, hơn 380 em đã tử vong.
Đây là những trẻ em có triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19 nhưng chưa được xác nhận nhiễm virus bằng xét nghiệm. Số liệu này có thể khiến Indonesia trở thành một trong những nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở trẻ em cao nhất thế giới.
Video đang HOT
Diện tích rộng lớn cộng với địa hình gồm nhiều đảo nhỏ trải rộng đặt Indonesia vào một tình thế mà rất ít quốc gia khác phải đối mặt. Thậm chí khi dịch bệnh chưa bùng phát, hệ thống y tế của quốc gia có 17.000 hòn đảo lớn nhỏ này cũng đã rất lạc hậu, nhất là ở các đảo xa xôi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình chỉ có một giường bệnh trên 1.000 người dân ở Indonesia. Tỷ lệ này ở Trung Quốc cao gấp 4 lần, ở Hàn Quốc cao gấp 11 lần. Năm 2017, WHO cũng ghi nhận Indonesia chỉ có 4 bác sĩ trên 10.000 dân. Con số này ở Italy cao gấp 10 lần, ở Hàn Quốc cao gấp 6 lần.
Nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm nCoV từ các tiểu thương ở một chợ truyền thống tại Jakarta, Indonesia, hôm 25/6. Ảnh: Reuters
Hệ thống chính quyền phi tập trung và bộ máy quan liêu lộn xộn cũng khiến cho việc thực thi các chính sách chăm sóc sức khỏe ở Indonesia gặp khó khăn.
Hồi cuối tháng hai, giới chức nước này kiên quyết bác bỏ nghi ngờ rằng có nhiều ca nhiễm nCoV không được phát hiện. Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto thậm chí nói rằng Indonesia chưa ghi nhận ca nhiễm nào là “nhờ cầu nguyện”. Các quan chức khác phỏng đoán khí hậu cận nhiệt đới giúp Indonesia tránh được nCoV.
Tuy nhiên, vài tuần sau, bức tranh đã hoàn toàn khác. Tổng thống Joko Widodo hồi tháng 3 thừa nhận chính quyền đã không công bố thông tin về dịch bệnh vì “không muốn khiến dân chúng hoảng loạn, gây bất ổn trong xã hội”.
Đầu tháng 4, Indonesia mới ban lệnh đóng cửa biên giới, cho phép chính quyền một số địa phương áp lệnh phong tỏa nhưng các chuyên gia đánh giá là đã quá muộn. Giãn cách xã hội ở Indonesia là chuyện xa xỉ khi các đại gia đình chung sống trong các khu dân cư đông đúc.
Trường học và các trung tâm giải trí ở thủ đô Jakarta đóng cửa, đường phố vắng vẻ hơn, nhưng hệ thống giao thông công cộng vẫn tấp nập vì phần lớn người dân không thể làm việc ở nhà.
Sau gần hai tháng, một số khu vực của Indonesia bắt đầu nới phong tỏa và tái mở cửa các nhà hàng, trung tâm thương mại từ đầu tháng 6 nhằm cứu nền kinh tế, bất chấp ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng.
Hôm 2/7, quốc đảo ghi nhận 1.624 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát đầu tháng 3. Tỉnh Đông Javar, tâm dịch mới của Indonesia, cũng báo cáo mức tăng ca nhiễm mới cao kỷ lục trong những ngày gần đây với 374 ca vào hôm qua.
Bất chấp điều này, Achmad Yurianto, người phụ trách về bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Indonesia, khẳng định số ca nhiễm tăng cao là kết quả của việc tăng cường truy vết và xét nghiệm trên diện rộng.
Ông cũng cho biết nước này ghi nhận số người hồi phục kỷ lục và ca nhiễm tăng không có nghĩa là số bệnh nhân nhập viện tăng, vì hầu hết người nhiễm nCoV có thể tự cách ly tại nhà.
Ali Ghufron Mukti, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về Covid-19 của Indonesia, cùng ngày tuyên bố nước này đang nỗ lực để tạo ra vaccine riêng vào năm sau.
“Chúng tôi lạc quan rằng vào đầu năm 2021, vaccine sẽ được hoàn thành trong phòng thí nghiệm”, ông nói, thêm rằng công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma có thể tiến hành thử nghiệm vào nửa sau của năm tới.
Trong thời gian chờ đợi, cuộc chiến với Covid-19 ở Indonesia vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết, nhất là với sự cản trở từ chính văn hóa xã hội của nước này.
Tuần trước, giới chức tại hai đảo Bali và Sumatra than phiền rằng có hàng trăm người dân đã từ chối xét nghiệm nCoV vì sợ bị kỳ thị và cách ly, khi các khu chợ truyền thống đông đúc ở đây nổi lên như những cụm dịch mới.
Tại một số làng ở Java và Kalimantan, các bác sĩ cũng cho biết có những người mang triệu chứng từ chối đến các bệnh viện xét nghiệm vì sợ bị kỳ thị.
Ở Sulawesi, một cộng đồng đã cưỡng chế thu hồi thi thể của những bệnh nhân nghi nhiễm nCoV từ bệnh viện để đưa về nhà chôn cất theo nghi lễ tôn giáo, bất chấp quy định phòng dịch.
Sulfikar Amir, nhà xã hội học tại đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng sự kỳ thị xuất phát từ việc thông tin bị hạn chế.
“Kỳ thị là một biểu hiện cho thấy cách truyền thông và phổ biến thông tin ở Indonesia không thành công”, ông nói.
Mối nguy tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên Biển Đông
Những ngày qua, liên tục có nhiều thông tin liên quan tàu ngầm Trung Quốc - vốn là lực lượng có nguy cơ gây bất ổn trên Biển Đông.
Tàu ngầm hạt nhân Type-094 (lớp Tấn) của Trung Quốc có thể mang 12 tên lửa JL-12 . Ảnh US NAVY
Số lượng tăng nhanh
Ngày 24.4, cơ quan khảo cứu quốc hội Mỹ tiếp tục cập nhật báo cáo mới về sự phát triển của hải quân Trung Quốc. Báo cáo chỉ ra Trung Quốc đang cấp tập tăng cường sức mạnh tàu ngầm. Cụ thể, theo báo cáo thì Bắc Kinh đang có khoảng 66 tàu ngầm các loại và sẽ tăng lên 76 chiếc vào năm 2030. Trong đó, số lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã có hơn 10 chiếc.
Chưa đầy 1 tuần sau khi báo cáo trên được công bố, ngày 29.4, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động thêm 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể mang theo tên lửa đạn đạo tích hợp đầu đạn hạt nhân. Hai tàu này được cho là bản nâng cấp mới của tàu ngầm Type-094 (lớp Tấn) có độ choán nước khoảng 11.000 tấn.
Nguy cơ đe dọa Biển Đông
Ngày 30.4, chuyên san The National Interest đăng tải bài phân tích cho rằng tàu ngầm hạt nhân Type-094 vẫn tồn tại những nhược điểm nhất định, điển hình là quá "ồn ào". Cụ thể, một báo cáo đã chỉ ra rằng tàu ngầm lớp Tấn có một lỗ hổng thiết kế ở phía sau thân tàu. Vị trí này gần các hầm tên lửa nên có thể tạo tín hiệu sóng âm khiến đối phương phát hiện ra. Vì thế, bài phân tích cho rằng tàu ngầm Type-094 chưa đủ sức trở thành phương tiện răn đe hạt nhân ở cấp độ toàn cầu, nhưng vẫn đủ sức để trở thành một sức mạnh đáng gờm ở cấp khu vực mà ví dụ là tại Biển Đông.
Thực tế, mối lo về tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên Biển Đông đã được đề cập gần đây. Cụ thể, Ấn Độ từng lên tiếng lo ngại việc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương. Theo hải trình thì nhiều khả năng trước khi đến Ấn Độ Dương, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã hoạt động tại Biển Đông.
Hồi tháng 9.2019, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Trả lời Thanh Niên xung quanh diễn biến này khi đó, PGS Stephen Robert Nagy (thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) lo ngại UAV có thể giúp Trung Quốc thu thập các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy...
"Đó là những cơ sở quan trọng để Bắc Kinh triển khai các phương tiện, thiết bị dưới mặt nước để kiểm soát khu vực. Qua đó, Trung Quốc có thể triển khai và đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm", ông Nagy đặt vấn đề.
Liên quan nội dung này, trả lời Thanh Niên ngày 30.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét Trung Quốc có thể biến Biển Đông thành một vành đai phòng thủ được triển khai cùng với vũ khí hạt nhân dựa trên chiến lược phong tỏa chống tiếp cận nhằm vào Mỹ. Và để đạt mục tiêu như thế thì khả năng là Bắc Kinh tìm cách điều động tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân đến Biển Đông.
Và thực tế thì Bắc Kinh đang cố tìm cách kiểm soát Biển Đông, nhằm hạn chế sự hiện diện của tàu chiến, máy bay Mỹ để loại bỏ rủi ro tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị phát hiện khi hoạt động tại vùng biển này. TS Nagao cho rằng để giải quyết mối nguy này thì Washington cũng nên điều động tàu ngầm đến Biển Đông. Tất nhiên là sự điều động đó phải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Khi hiện diện tại Biển Đông, tàu ngầm Mỹ có thể kiềm chế các hoạt động đáng lo ngại của tàu ngầm Trung Quốc. Kèm theo đó, Washington có thể tăng cường điều động máy bay săn ngầm lẫn tàu chiến nổi.
Không chỉ Mỹ mà các nước ngoài khu vực như Anh, Pháp, Canada... hay các thành viên trong tứ giác an ninh (Mỹ - Nhật Bản - Úc và Ấn Độ) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng cần đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông để phòng ngừa tàu ngầm Trung Quốc. Thực tế, theo TS Nagao, cuộc tập trận của hải quân Mỹ - Úc gần đây trên Biển Đông có lẽ cũng bao hàm cả mục đích vừa nêu ra. Nếu cộng đồng quốc tế không cùng phối hợp, thì khi tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông còn có thể đe dọa an ninh thế giới.
Tên lửa đạn đạo JL-12 đã được trang bị trên tàu ngầm lớp Tấn. Loại tên lửa này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên đến 7.200 km nên từ vùng duyên hải của Trung Quốc có thể đe dọa nhiều quyền lợi của Mỹ. Mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn có thể mang theo 12 tên lửa JL-12.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã trang bị tên lửa đạn đạo JL-1, có thể mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn khoảng 1.700 km, trên tàu ngầm hạt nhân.
Philippines, Indonesia, Malaysia có ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng Ngày 1/5, ba quốc gia khu vực Đông Nam Á này đều ghi nhận thêm các ca nhiễm mới và các ca tử vong do Covid-19. Trong đó, nhà chức trách Philippines thông báo thêm 284 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca lây nhiễm ở nước này lên 8.772 người. Trong khi, số ca tử...