IMSO 2019: Các thí sinh kết thúc phần thi lý thuyết và thực hành
Hôm nay, các thí sinh Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế – IMSO 2019 đã hoàn thành hai phần thi lý thuyết và thực hành. Công tác chấm thi, phản biện được tiến hành và lễ trao giải cho những thí sinh xuất sắc nhất sẽ được tổ chức vào chiều 30-11.
Việc tổ chức kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan cho các đội tham gia.
Sáng 29-11, hơn 700 thí sinh đã kết thúc phần thi lý thuyêt và thực hành. Theo lịch trình của Ban tổ chức, các em nghỉ ngơi và có các hoạt động giao lưu văn hoá, thăm quan thành phố Hà Nội trước khi tham gia lễ trao giải tối 30-11.
Bảng A (bảng quốc tế) có 352 thí sinh đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ làm bài thi tại Khách sạn La Thành. Bảng B (thành phố) có 367 thí sinh dự thi đến từ 22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội dự thi tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Với các phần thi bằng tiếng Anh đối với hai môn toán và khoa học, kỳ thi này này có vai trò thúc đẩy học toán và khoa học trong các trường tiểu học, theo hướng ngày càng tiếp cận với xu hướng quốc tế.
Các thí sinh từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi với tính cạnh tranh cao, mang tầm quốc tế, nhưng bên cạnh đó cũng mang đậm tinh thần giao lưu hữu nghị. Bên cạnh các phần thi, thí sinh của các đoàn còn tham gia nhiều hoạt động phong phú như: gala văn , tham gia hoạt động trải nghiệm tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam…
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, tham gia cuộc thi năm nay giáo viên và học sinh Thủ đô được tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực về dạy và học môn toán và môn khoa học, tiếng Anh, giúp việc học tập các môn này tiếp tục được quan tâm chú trọng hơn nữa.
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, khoảng 2/3 số thí sinh sẽ được trao tặng huy chương vàng, bạc và đồng theo tỷ lệ 1: 2: 3. Giải thưởng đặc biệt sẽ được trao cho các thí sinh có tổng điểm thi cao nhất ở mỗi môn và có điểm thi cao nhất tại các vòng thi Lý thuyết và Khám phá/Thực hành.
THANH XUÂN
Video đang HOT
Theo Nhân dân
Sách giáo khoa môn Thể dục tại Việt Nam có cần thiết?
Thông tin về sách giáo khoa Giáo dục thể chất theo chương trình Giáo dục phổ thông mới đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận, đặc biệt là giáo viên.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ bắt đầu lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong trường học. Trong đó thông tin về cuốn sách giáo khoa (SGK) môn Giáo dục thể chất đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hai luồng ý kiến nổi bật liên quan đến vấn đề này. Một bên cho rằng, môn học này 100% thực hành, sách giáo khoa sẽ mang tính lý thuyết nhiều, không cần thiết, mà chỉ cần sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên là đủ. Còn một bên nhận định tầm quan trọng của sách giáo khoa cho học sinh, hỗ trợ các em trong quá trình học.
Chia sẻ với VTC News về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục tiểu học cho rằng không cần thiết phải có sách giáo khoa môn giáo dục thể chất.
"Bản chất môn học hoàn toàn là thực hành, sách giáo khoa lại thiên về lý thuyết, học như vậy tôi nghĩ sẽ không hiệu quả. Tôi từng đi tìm trong tủ sách của Singapore, Đức, Hungary nhưng chưa từng nhìn thấy quyển sách giáo khoa về môn thể chất tại các nước này, chỉ thấy tài liệu dành cho giáo viên", tiến sĩ chia sẻ.
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, những nhà viết sách giáo khoa phải đưa vào sách những quy định rõ ràng về vấn đề kiểm tra, đánh giá về mặt hiệu quả đối với môn giáo dục thể chất.
"Thực tế cho thấy, hiệu quả của các môn học này thường không ổn, thậm chí rất tệ. Các thầy cô cho điểm thoải mái vì không phải lấy để đánh giá, các thầy cô hầu hết chỉ điểm danh, tập vài cái rồi cho điểm.
Cần phải hướng dẫn giáo viên, đặc biệt nhấn mạnh tài liệu kiểm tra đánh giá phải có, mức độ, quy định đánh giá rõ ràng. Thầy cô hiện nay vẫn chỉ đánh giá đạt hay không đạt theo cảm quan", chuyên gia nhận định.
Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất nhận được sự quan tâm của dư luận.
Còn theo ông Nguyễn Sóng Hiền - chuyên gia nghiên cứu giáo dục tại Australia, cuốn SGK môn Giáo dục thể chất phản ánh truyền thông của nền giáo dục Việt Nam từ trước tới nay, luôn coi SGK là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giảng dạy. Đây là điều khác biệt so với các quốc gia có nền giáo dục phát triển.
Chuyên gia này đánh giá, sự lệ thuộc vào quyển SGK xuất phát từ nỗi sợ hãi mơ hồ của cơ quan quản lý, sợ không biết quản lý giáo viên thế nào, sợ không biết giáo viên sẽ dạy học sinh cái gì, từ đó, xây dựng và biến SGK trở thành bảo bối.
Ở Australia, môn thể dục có tên là môn giáo dục sức khỏe thể chất và phát triển cá nhân. Nó không đơn thuần chỉ dạy các em động tác nhảy cao, nhảy xa, vươn vai hít vào thở ra mà bao hàm cả dạy cho các em các kiến thức căn bản về sức khỏe cá nhân, về vai trò và tầm quan trọng của thể dục thể thao về giữ gìn sức khỏe bản thân.
Chương trình này là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Tuy nhiên, không có bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào vì hầu hết các tài liệu giảng dạy ở nhà trường đều do giáo viên tự biên soạn theo chương trình khung chung và được thống nhất bởi hội đồng trường cho phù hợp với từng đặc điểm, nền tảng và năng lực của học sinh của lớp mình.
Từ lớp 10 trở lên thì môn này trở thành môn thể thao tự chọn dành cho các học sinh có năng khiếu và đam mê thể thao theo học chứ không bắt buộc.
Nhạc họa đều có sách, tại sao thể dục lại không?
Trái ngược với quan điểm trên, cô Lê Hà - giáo viên có kinh nghiệm 12 năm dạy thể dục khối THCS bày tỏ quan điểm: " Nhạc họa đều có sách, tại sao thể dục lại không? Trong khi môn học này các bạn sẽ học từ lớp 1 cho đến khi rời ghế nhà trường. Có sách, học sinh có thể chủ động học, tự ôn lại các bài tập thể dục mà không cần sự tham gia của giáo viên".
Cô Hà cũng cho rằng, môn thể dục là môn đặc thù, nếu tính điểm ra lại là môn học sinh hay trượt nhất. Khó khăn nhìn thấy rõ nhất đối với một giáo viên thể dục là học sinh thường quên động tác, các thầy cô mất nhiều thời gian để dạy lại.
Thực tế cho thấy, ngay từ những bài đơn giản như khẩu lệnh trong đội hình đội ngũ các em thường có xu hướng hô sai, đến phức tạp hơn là các kiến thức về luật thi đấu trong các môn thi.
(Ảnh minh họa)
"Nếu có sách sẽ đỡ hơn rất nhiều cho cả học trò và cho giáo viên. Học sinh hoàn toàn có thể mở sách, làm theo hình minh họa vừa dễ nhìn và dễ hình dung. Đồng thời những kiến thức có trong sách sẽ bổ trợ, giúp các em tự tìm tòi, mở mang thêm", cô Hà nói.
Cùng quan điểm với cô Hà, thầy Nguyễn Minh Tiến - giáo viên Thể dục bậc Tiểu học tại Hà Nội cho rằng, nhiều người quan niệm thể dục là môn học cũng được, không học cũng chẳng sao. Tuy nhiên, ở nước ngoài, bộ môn này được đánh giá cao. Rèn luyện thể chất cho học sinh, vừa là môn học để đánh giá điểm số, chất lượng giảng dạy; vừa là để tăng cường sức khỏe cho các em, bổ trợ cho các môn học khác.
Chính vì vậy, cũng giống như các môn văn hóa, môn giáo dục thể chất cũng cần được quan tâm, đầu tư xây dựng một chương trình nhằm đạt hiệu quả trên. "SGK môn Giáo dục thể chất với bản thân người đi dạy như tôi là rất cần thiết, đặc biệt với các em học sinh tiểu học phải tiếp thu nhiều kỹ năng cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giữ vệ sinh thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao...
Nếu có hình minh họa sinh động, mô tả rõ ràng, học trò sẽ không hề thấy môn học này nhàm chán, không học chống đối, cũng bớt tạo áp lực cho giáo viên hơn".
Trả lời Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho rằng thực hiện theo Thông tư 32, các môn học có chương trình thì phải có SGK. Vì vậy, chương trình mới sẽ buộc phải có SGK môn Giáo dục thể chất theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Còn việc học sinh phụ huynh có mua SGK môn này hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người học.
Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Giáo dục thể chất, mục tiêu của môn học này chia làm ba giai đoạn, tương ứng với ba cấp học.
Đối với cấp tiểu học, chương trình môn Giáo dục thể chất giúp học sinh có kỹ năng vận động đúng, hình thành thói quen tập luyện, biết giữ vệ sinh thân thể và chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường để phát triển thể chất phù hợp với độ tuổi; bước đầu hình thành nếp sống lành mạnh, hoà đồng với mọi người; hình thành năng lực tự học và cách tổ chức một số hoạt động đơn giản.
Đối với cấp THCS, bộ môn này giúp học sinh tiếp tục củng cố và phát triển các kỹ năng vận động cơ bản; thói quen tập luyện thể dục thể thao, thực hiện các hoạt động thể chất một cách tự tin; phát triển thể chất; biết tự chăm sóc sức khoẻ, giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường; rèn luyện đạo đức, ý chí; sống hoà đồng và có trách nhiệm với mọi người, hìnhthành năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự học, tự đánh giá, tự điều chỉnh.
Đối với cấp THPT, chương trình này giúp học sinh biết lựa chọn môn thể thao phù hợp để rèn luyện sức khoẻ; phát triển hoàn thiện thể chất; biết điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tập luyện; có trách nhiệm với gia đình và xã hội; biết đánh giá và định hướng cho bản thân; khẳng định được giá trị riêng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung.
Thông qua hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nhà trường, học sinh có ý thức tự giác, sống có trách nhiệm, tự tin,trung thực, dũng cảm, có tinh thần hợp tác thân thiện, thể hiện khát khao vươn lên, từ đó có những định hướng cho tương lai phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân, đáp ứng xu thế hội nhập toàn cầu.
Theo VTC
Thực hiện chương trình - Sách giáo khoa mới: Quan trọng là đội ngũ giáo viên Đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên (GV), đáp ứng chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông mới được Bộ GDĐT coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Trong đó, chú trọng tăng cường kết nối giữa lý thuyết và thực hành cũng như phát triển năng lực dạy học theo hướng giúp cho học sinh (HS)...