IMF ‘bật đèn xanh’ cho Argentina, nâng gói vay tín dụng dự phòng lên 56,3 tỷ USD
Ngày 26/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) đã chính thức thông qua khoản hỗ trợ tài chính cho Argentina trị giá 56,3 tỷ USD có thời hạn trong 3 năm. Gói tín dụng này ít hơn so với con số dự kiến 57,1 tỷ USD mà hai bên đã đưa ra hồi tháng 9 khi bắt đầu đàm phán.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp của IMF tại Bali, Indonesia ngày 14/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông cáo của IMF cho biết, quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của Ban điều hành IMF dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Christine Lagarde, theo đó đồng ý mở rộng gói vay tín dụng dự phòng cho Argentina từ 50 tỷ USD lên 56,3 tỷ USD, nhằm hỗ trợ nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo đánh giá của IMF, mặc dù đang phải đối mặt với những điều kiện thị trường khó khăn, song chính phủ Argentina vẫn kiên định với những cam kết về việc thực hiện những mục tiêu trong chính sách kinh tế, phù hợp với thỏa thuận đã ký với tổ chức tài chính này.
IMF cũng yêu cầu Argentina bảo đảm sự ổn định của các khoản nợ công, giảm lạm phát, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Việc IMF “bật đèn xanh” cho Argentina sớm tiếp cận với gói vay tín dụng trên diễn ra một ngày sau khi Hạ viện Argentina thông qua dự thảo ngân sách năm 2019 do chính phủ đệ trình. Theo đó, dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 400 tỷ peso (tương đương với hơn 10 tỷ USD) so với năm 2018 đối với các khoản chi tiêu công, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một giai đoạn suy giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo của chính phủ Argentina, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ suy giảm từ 2% đến 3% trong năm 2018 và từ 0,5% đến 2% trong năm 2019 trước khi bắt đầu tiến trình hồi phục.
Video đang HOT
Hoài Nam (TTXVN)
Giải pháp "cứu cánh" cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại Argentina
Sau thỏa thuận về gói hỗ trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho Argentina nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái cách đây 3 tháng, IMF vừa đồng ý tăng khoản vay tín dụng cho Argentina lên hơn 57 tỷ USD. Đây được coi là bước tiến lớn giữa hai bên nhằm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đang trầm trọng tại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latinh này.
Tổng thống Argentina M. Macri, Bộ trưởng Tài chính Argentina N. Dujovne trao đổi cùng Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde.Ảnh: sg.finance.yahoo.com
Nâng gói hỗ trợ tài chính
Trong bối cảnh nền kinh tế Argentina đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng khi thị trường tài chính tiền tệ liên tục lao dốc, tỷ lệ lạm phát gia tăng và thâm hụt ngân sách, nhằm mục tiêu ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đang diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này, ngày 26-9, IMF đã quyết định đồng ý không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải ngân mà còn tăng khoản vay tín dụng cho Argentina lên thành 57,1 tỷ USD, tăng 14% so với thỏa thuận hai bên đạt được hồi tháng 6-2018 là 50 tỷ USD.
Đây là kết quả của đợt đàm phán mới nhất giữa Argentina và IMF tại New York (Mỹ). Kết quả này được cho là thành công hơn mong đợi đối với chính phủ Argentina khi mục tiêu ban đầu của Argentina đặt ra cho đợt đàm phán lần này chỉ là đề nghị IMF đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoản vay 50 tỷ USD mà hai bên đã thỏa thuận cách đây 3 tháng.
Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Bộ trưởng Tài chính Argentina N. Dujovne khẳng định, thỏa thuận mới này sẽ cho phép Argentina vượt qua được tình trạng hỗn loạn trong những tháng gần đây. Theo Bộ trưởng N. Dujovne, một trong những điều chỉnh quan trọng trong thỏa thuận với IMF lần này là việc nguồn vốn trên sẽ không mang tính chất dự phòng như quy định ban đầu mà sẽ có thể được sử dụng như một đòn bẩy hỗ trợ ngân sách của Chính phủ Argentina. Ông N. Dujovne cũng khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên cơ chế hối đoái linh hoạt hiện nay, song sẽ bổ sung vào chính sách tiền tệ một số yếu tố giúp thị trường tránh được những biến động quá mức.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde khẳng định sự tin tưởng vào các chính sách kinh tế của chính phủ Argentina trong thời gian tới, đồng thời cho biết ngay trong năm 2018, IMF sẽ giải ngân 13,4 tỷ USD cho Argentina thay vì 6 tỷ USD theo dự kiến ban đầu. Trong khi đó, khoản vay sẽ được giải ngân trong năm 2019 cũng sẽ được IMF nâng từ mức 11,4 tỷ USD dự kiến ban đầu lên 22,8 tỷ USD, nhằm giúp Argentina bảo đảm thanh toán các khoản vay đáo hạn.
Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde cũng nêu rõ mục đích của chương trình là giúp Argentina giải quyết các thách thức mà nước này đang phải đối mặt và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bà cũng đánh giá cao kế hoạch của Argentina nhằm thúc đẩy lòng tin và ổn định nền kinh tế. Theo bà C. Lagarde, lạm phát cao trong thời gian dài đã làm tổn hại đến thịnh vượng kinh tế tại Argentina và để giải quyết tình trạng này, nhà chức trách Argentina cần hướng tới chính sách tiền tệ mạnh, đơn giản và có thể kiểm chứng được.
Theo bà C. Lagarde, Argentina sẽ phải hạn chế cung cấp tiền mặt, giữ nguyên mức lãi suất ngắn hạn hiện nay đang ở mức cao của thế giới là 60% để giảm bớt lạm phát. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Argentina (BCA) cũng phải cho phép tỷ giá hối đoái trôi nổi trên thị trường mà không can thiệp.
Giải pháp "cứu cánh"
Kể từ khi chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 12-2015, Tổng thống Argentina M. Macri đã thay đổi một loạt các chính sách điều hành kinh tế với tham vọng đưa quốc gia Nam Mỹ này đạt mục tiêu "xóa nghèo". Chính phủ Argentina đã quyết định mở cửa và điều chỉnh từng bước nền kinh tế để đạt được sự cân đối tài chính và thu hút sự trở lại của các nguồn đầu tư sau hơn một thập niên theo đuổi chính sách bảo hộ.
Một trong những trọng tâm của kế hoạch điều chỉnh mà Chính phủ Argentina theo đuổi nhằm giải quyết tình trạng lạm phát luôn ở mức hai chữ số trong nhiều năm qua là việc tăng lãi suất ở mức cao để khuyến khích việc gửi tiết kiệm và tạo sự cuốn hút của đồng nội tệ.
Kết quả là, trong hai năm 2016 và 2017, Argentina đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư tài chính hấp dẫn. Người dân bắt đầu tích lũy tiết kiệm bằng đồng peso, từng bước xuất hiện các khoản tín dụng thế chấp và việc mở tài khoản tín dụng từ chỗ gần như không thể trở thành một việc khá đơn giản. Năm 2017, GDP của Argentina đã tăng 2,8% và xu hướng này tiếp tục trong quý I-2018 với mức tăng 3,6%.
Tuy nhiên, tình hình đã trở nên biến động bất ngờ khiến mọi thứ đảo lộn kể từ cuối quý I-2018 khi chính phủ quyết định áp dụng mức thuế mới đối với trái phiếu của chính phủ. Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản cũng khiến cho nguồn vốn bị rút ồ ạt khỏi thị trường Argentina. Những yếu tố này là một phần nguyên nhân khiến cho thị trường tài chính tiền tệ Argentina liên tục lao dốc không phanh và dự báo tăng trưởng kinh tế của Argentina ở mức 3,5% trong năm 2018 đã tan thành mây khói.
Tháng 4-2018 là thời điểm đầu tiên của những biến động kinh tế Argentina khi tăng trưởng giảm 0,9% sau 13 tháng tăng liên tiếp. Tiếp đó, GDP trong tháng 5 và tháng 6 đã bước vào giai đoạn suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017, ở mức tương ứng là 5,8% và 6,7%. Chính phủ Argentina đã phải thừa nhận khả năng nền kinh tế nước này sẽ bị suy giảm khoảng 2,4% vào cuối năm 2018 và sụt giảm thêm 2% vào năm 2019.
Hiện đồng Peso nội địa đã mất giá đến gần 100% so với đồng USD. Tỷ lệ lạm phát trong 8 tháng năm 2018 đã vọt lên 24,3%, nằm trong nhóm các nước có chỉ số này cao nhất thế giới và được dự báo sẽ lên hơn 40% vào cuối năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp những nỗ lực nhằm ổn định tình hình của chính phủ.
Trong khi đó, về lĩnh vực đầu tư, khi lên nắm quyền năm 2015, Tổng thống M. Macri từng cam kết sẽ đem về cho đất nước những "cơn mưa đầu tư", song dường như nguồn vốn này không đến được với những lĩnh vực sản xuất mà chỉ còn là những khoản đầu cơ tài chính.
Trước bối cảnh đó, trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) đã buộc phải điều chỉnh mức lãi suất cơ bản tới 3 lần, trong đó lần đầu tiên vào tháng 4 khi tăng lên 40%. Trong đợt biến động của thị trường tiền tệ sau đó, BCRA đã tiếp tục tăng mức lãi suất này lên 45% và gần đây nhất là vào ngày 30-8, BCRA đã phải điều chỉnh lên 60% nhằm ngăn chặn làn sóng thoái vốn. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát vẫn tăng vọt và mục tiêu kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức 15% cho cả năm 2018 đã bị phá sản. Thậm chí, giới quan sát còn lo ngại không biết liệu chính phủ có thể giữ được mức lạm phát khi kết thúc năm dưới 30% hay không.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's cũng cảnh báo việc BCRA tăng mức lãi suất cơ bản từ 40% lên 60% trước sự sụt giảm của đồng peso và tỷ lệ lạm phát gia tăng có thể khiến cho giai đoạn suy thoái kinh tế Argentina tiếp tục kéo dài. Theo Moody's, biện pháp này là một tín hiệu rõ ràng cho thấy các đề xuất chính sách kinh tế được đưa ra cho đến nay vẫn chưa đủ để ngăn chặn những áp lực tài chính mà Argentina phải đối mặt.
Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế cũng khiến người dân Argentina cảm thấy ngày càng mất lòng tin vào các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay của chính quyền Tổng thống M. Macri. Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn Raul Aragon, có khoảng 58,7% số người dân được hỏi cho biết họ không tin rằng chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát, trong khi 73,6% cảnh báo rằng những chính sách của ông M. Macri đang gây ra cho người dân rất nhiều sự bất an. Thậm chí, người dân Argentina còn biểu tình, đình công nhằm phản đối những chính sách kinh tế mà chính phủ Argentina đang thực hiện.
Để ổn định thị trường, ngày 20-6-2018, IMF đã phê chuẩn khoản tài chính 50 tỷ USD cho Argentina với điều kiện chính phủ nước này phải thực hiện những cải cách kinh tế và thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách. Theo đó, IMF sẽ ngay lập tức giải ngân 15 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế Argentina đối phó với các thách thức hiện tại như tỷ lệ lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách lớn và đồng nội tệ mất giá. 35 tỷ USD còn lại được sử dụng làm nguồn tài chính dự phòng. Các khoản giải ngân tiếp theo sẽ phụ thuộc vào các báo cáo đánh giá tình hình sử dụng vốn vay của Argentina theo từng quý. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoản vay của IMF, ngày 29-8 vừa qua, Argentina đã đạt được thỏa thuận với IMF về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD trên.
Mặc dù sự giải cứu từ IMF đã giúp Argentina phần nào đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, song việc phải phụ thuộc vào những khoản vay của IMF cũng đã làm dấy lên những lo ngại về việc liệu Argentina có bị rơi vào cuộc khủng hoảng vỡ nợ như đã từng trải qua hồi cuối năm 2001 hay không. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Martin Vauthier nhận định, mặc dù tình hình thị trường hối đoái và lòng tin đang ở mức nguy cấp, song khó có thể lặp lại những gì đã xảy ra hồi năm 2001. Hệ thống tài chính Argentina hiện nay không bị đô-la hóa và các khoản trái phiếu đáo hạn bằng đồng USD là rất thấp nên khó có thể xảy ra một vụ vỡ nợ lớn.
Do đó, trong thời điểm hiện tại, việc IMF đồng ý tăng khoản vay tín dụng cho Argentina lên hơn 57 tỷ USD vẫn được cho là giải pháp "cứu cánh" nhằm giúp Argentina vượt ra khỏi khủng hoảng./.
BTV/TTXVN
Theo tapchicongsan.org.vn
Hàng triệu tỷ đồng trên thị trường tiền ảo bốc hơi Theo trang Coinmarketcap.com, giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo tính đến 13h chiều 19-10 (giờ Việt Nam) đã bốc hơi 610 tỷ USD so với hồi đầu năm nay, tương đương mất khoảng 74% giá trị vốn hoá. Qui đổi theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, thì tổng giá trị vốn hoá của toàn thị trường tiền ảo...