IGAD kêu gọi các bên tham chiến ở Ethiopia tiếp tục đàm phán
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển khu vực Đông Phi ( IGAD) ngày 22/11 kêu gọi Chính phủ Ethiopia và nhóm phiến quân Quân đội Giải phóng Oromo (OLA) tôn trọng cam kết đối với tiến trình hòa bình.
Binh sĩ Ethiopia tuần tra trên đường phố tại Kombolcha. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Thư ký điều hành của IGAD, ông Workneh Gebeyehu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đối thoại và đàm phán trong việc giải quyết những bất đồng và xung đột, cũng như trong việc thiết lập hòa bình lâu dài ở khu vực Sừng châu Phi.
Theo ông Gebeyehu, IGAD sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho cả hai bên trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tổ chức này cũng bày tỏ sự lạc quan rằng Chính phủ Ethiopia và OLA sẽ bắt đầu một vòng đàm phán mới để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Trước đó, vòng đàm phán thứ 2 giữa Chính phủ Ethiopia và OLA tại Tanzania đã kết thúc vào ngày 21/11 mà không đạt được thỏa thuận nào. Hai bên đàm phán lần đầu tiên vào tháng 4 vừa qua cũng tại Tanzania.
OLA là một nhánh của nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF) trước đây, một đảng chính trị đối lập tuyên bố đấu tranh cho quyền lợi của nhóm dân tộc Oromo, chiếm khoảng 35% dân số Ethiopia. Lực lượng này có khoảng 3.000 chiến binh, hoạt động chủ yếu ở phía Tây và phía Nam vùng Oromia. Tháng 5/2021, Quốc hội Ethiopia đã bỏ phiếu liệt OLA vào danh sách các nhóm khủng bố.
Hàng triệu gia súc tại Ethiopia chết do hạn hán nghiêm trọng
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 5/6, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết tình trạng hạn hán đang diễn ra ở một số vùng của Ethiopia đã làm chết khoảng 6,8 triệu gia súc.
Người dân đứng cạnh xác các vật nuôi bị chết do hạn hán tại Gode, Ethiopia, ngày 7/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo "Kế hoạch ứng phó nhân đạo mới nhất ở Ethiopia", FAO cho hay thiệt hại lớn về vật nuôi đã ghi nhận ở các khu vực Oromia, Somali và miền Nam nước này. Tác động tồi tệ này của hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm mất thu nhập, kéo theo vấn nạn suy dinh dưỡng tăng cao và dẫn đến mất an ninh lương thực.
Về mặt tích cực, báo cáo của FAO cho biết thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray vào tháng 11/2022, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 năm, đã mở ra cơ hội cho hàng triệu người ở miền Bắc Ethiopia tiếp tục mưu sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo, các hộ gia đình bị ảnh hưởng xung đột vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các đầu vào nông nghiệp như hạt giống và phân bón, gây gián đoạn các hoạt động nông nghiệp.
Đầu năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo rằng hậu quả thảm khốc của đợt hạn hán kéo dài nhiều năm sẽ tiếp diễn vào năm 2023 tại khu vực Sừng châu Phi, khiến các cộng đồng tại đây cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Báo cáo của WMO nêu rõ một phần lãnh thổ Ethiopia, Kenya và Somalia sẽ tiếp tục là những khu vực bị hạn hán nặng nề nhất ở khu vực Sừng châu Phi trong suốt năm 2023.
Chính phủ Ethiopia đàm phán với nhóm vũ trang Oromo Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed ngày 28/3 cho biết chính quyền đang nỗ lực đàm phán với nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Oromo (OLA) hoạt động chủ yếu ở khu vực Oromia. Binh sĩ tuần tra tại Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu trước các nghị sĩ Ethiopia, ông Ahmed khẳng định chính...