Ì ạch… kiểm định chất lượng giáo dục
Hiện nay trong 40 trường kiểm định chất lượng giáo dục được tiến hành đánh giá ngoài, đã có 20 trường được công nhận và 20 trường đang chờ công nhận. Có trường ĐH bỏ tiền ra kiểm định chất lượng nhưng chờ dài cổ vẫn chưa có kết quả gây khó khăn cho công tác tuyển sinh…
Chậm đánh giá gây khó cho các trường
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT đến tháng 11/2010, đã có 100 trường ĐH trong cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Về triển khai các hoạt động đánh giá ngoài, năm 2009 đã tiến hành đánh giá ngoài 20 trường ĐH. Năm 2010, việc đánh giá ngoài sẽ được triển khai theo hướng giao cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện.
Ngày 26/11, tại hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH, ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT nhận xét công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân quan trọng là do nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường chưa có chuyển biến sâu sắc. Đồng tình với nhận xét này, ông Nguyễn Văn Minh (Trung tâm kiểm định chất lượng, ĐH Ngoại thương) cho rằng vai trò của hiệu trưởng và ban giám hiệu mang tính quyết định. Nếu lãnh đạo nhà trường quyết tâm thì công việc đánh giá sẽ tiến hành nhanh chóng và ngược lại.
Đại diện ĐH Huế cho rằng, hiện nay trong 40 trường đã được tiến hành đánh giá ngoài thì đã có 20 trường được công nhận và 20 trường ĐH đang chờ công nhận. Công việc đánh giá được tiến hành từ tháng 5/2009 nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả công nhận đã gây khó khăn cho hoạt động của nhà trường.
GS Trần Đức Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng.
Video đang HOT
GS Trần Đức Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng chia sẻ: “Chỉ có kiểm định chất lượng giáo dục mới “nói” đúng chất lượng các trường. Trường tôi là một trong 20 trường tham gia đầu tiên vào chương trình này. Chúng tôi phải hoàn toàn bỏ tiền túi để tham gia. Phải chứng minh nhà trường có chất lượng thực để sinh viên đến học ở trường mình”.
Tuy nhiên từ 2007 trường ĐH Dân lập Hải Phòng đã có đánh giá ngoài. Đến năm 2009 mới công bố nhưng lại chưa khẳng định trường là trường có đạt chất lượng hay không. Đối với trường ĐH công lập thì không có kiểm định thì nhà trường vẫn phát triển, nhưng đối với ĐH dân lập việc công bố đạt hay không đạt chất lượng là rất quan trọng. GS Nghị băn khoăn: “Sau khi có đánh giá ngoài thì bao nhiêu thời gian sẽ công bố. Trong thời gian đấy, trong trường có ý kiến, ngoài trường có ý kiến nên từ việc muốn khẳng định mình thì lại bị xã hội lên án”.
Trình độ cán bộ kiểm định yếu…
Ông Nguyễn Văn Minh (ĐH Ngoại thương) tỏ ra băn khoăn về trình độ các cán bộ làm về kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay còn rất yếu và thiếu. Nguyên nhân do các cán bộ này phần lớn là chuyển từ các công việc khác sang nên không có chuyên môn. Ngoài ra ở nhiều trường, nguồn kinh phí cũng như những ưu đãi cho công tác kiểm định giáo dục còn rất hạn chế.
Còn theo TS.Nguyễn Kim Dung, trường ĐHSP TP.HCM, sau tự đánh giá, do công việc sự vụ quá nhiều và do thiếu sự lãnh đạo cũng như kế hoạch cải tiến chất lượng, tất cả mọi việc đều trở lại như cũ, chưa có sự thay đổi đáng kể nào về chất lượng… TS.Dung cho rằng cần có sự cam kết của lãnh đạo các trường trong công tác kiểm định chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, không có sự lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo, công tác cải tiến chất lượng không thể thực hiện được hoặc không thành công được.
Trường đạt chất lượng được tăng chỉ tiêu?
PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục cho rằng hiện nay chúng ta cần phải cải cách loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà để công tác kiểm định được nhanh hơn. Đối với các trường tham gia kiểm định và không tham gia kiểm định phải có khen chê rõ ràng. Đối với các trường kiểm định đạt chất lượng thì có thể để các trường có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh, được thu tiền học phí nhiều hơn các trường khác. Đối với các trường không đạt tiêu chuẩn cần gia hạn cho các trường trong một khoảng thời gian nhất định để các trường thực hiện. Nếu các trường đó vẫn tiếp tục không đạt thì cần đình chỉ tuyển sinh một số ngành.
Một cán bộ ở ĐH Huế cũng cho rằng cách thưởng và phạt thiết thực là sẽ tăng, hoặc giảm chỉ tiêu của từng trường tùy thuộc vào mức độ tham gia kiểm định của các trường sẽ thúc đẩy công việc tiến triển.
Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần phải cử các cán bộ làm công tác kiểm định giáo dục ở các trường ĐH được đi học tập ở nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ.
Ths Phạm Văn Trung (ĐH Thủy Lợi)
Để giải quyết vấn đề này, thạc sỹ Phạm Văn Trung (ĐH Thủy Lợi) góp ý cần phải có một giải pháp tổng thể hơn là việc thiếu đâu thì làm đấy. Các trường cần chủ động tìm các nguồn kinh phí. Như trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trường ĐH Thủy Lợi trước đây thường phải liên kết với các khoa, phòng ban khác để thực hiện các đề tài nghiên cứu. Sau 3 năm thì trung tâm mới được giao đề tài cấp cơ sở trị giá khoảng 180 triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác tự đánh giá, TS.Hồ Tấn Sính, Trưởng ban ĐBCL&TTGD (ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) kiến nghị: Bộ GD&ĐT nên lập một website tin chuyên dùng và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại từng miền hoặc đào tạo trên mạng về đảm bảo chất lượng giáo dục dành cho đội ngũ làm công tác này của các trường.
Trước những ý kiến đóng góp, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng thẳng thắn thừa nhận những yếu kém của mình trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ cũng đã xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp triển khai kiểm định chất lượng giáo dục ĐH từ nay đến năm 2020. Đảm bảo đến năm 2015, có trên 90% trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 1); đảm bảo giai đoạn 2016 – 2020 có trên 95% số trường ĐH và chương trình GD hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng lý đánh giá ngoài (vòng 2)…
24H.COM.VN (Theo VTC)
Gần 100 tỷ đồng thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa có Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án để củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học (GDĐH) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), tạo môi trường và hành lang pháp lý cho sự phát triển ổn định hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đánh giá các cơ sở giáo dục và chương trình GDĐH, các trường TCCN đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần vào việc đảm bảo và nâng cao chất lượng GDĐH - TCCN.
Xây dựng chính sách để phát triển đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài có đủ trình độ và số lượng để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN.
Sinh viên đại học Sư phạm TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: MAI HẢI
Theo Đề án, đến hết năm 2012 có ít nhất 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước được thành lập và đi vào hoạt động. Đối với đào tạo chuyên gia đánh giá ngoài, trong năm 2011, 2012, mỗi năm sẽ đào tạo 350 người, các năm tiếp theo mỗi năm khoảng 200 người; Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý giáo dục và chuyên môn kiểm định chất lượng giáo dục cho các chuyên gia đánh giá ngoài, đảm bảo các chuyên gia đánh giá ngoài đều được cập nhật kiến thức 2 năm/lần.
Bộ ban hành cơ chế để khuyến khích các cơ sở GDĐH-TCCN tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, triển khai tự đánh giá, đảm bảo đến năm 2015 có 90% số cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 1); Chỉ đạo các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục triển khai đánh giá công nhận các cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong giai đoạn 2011 - 2015 có 90% số cơ sở được đánh giá ngoài.
Tổng nguồn lực tài chính để triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trong giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến là 98.867 triệu đồng. Trong đó, kinh phí chi trả cho các hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở GDĐH - TCCN là 5.500 triệu đồng và kính phí chi trả cho các hoạt động đánh giá ngoài là 84.560 triệu đồng. Nguồn chi cho nội dung này lấy từ nguồn thu của các cơ sở GDĐH - TCCN. Kinh phí để chi trả cho các hoạt động của Bộ liên quan đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục là 3.984 triệu đồng, nguồn để chi cho nội dung này lấy từ Ngân sách nhà nước. Kinh phí để chi trả cho các hoạt động định kỳ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chuyên gia đánh giá ngoài của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ước tính là 4.800 triệu đồng, nguồn chi này lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Hồng Hạnh
Theo Dân Trí
Tuyển sinh năm 2011: Đâu là giải pháp mới? Với mục tiêu tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực nên ngay sau khi mùa tuyển sinh 2010 kết thúc, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những dự định nhằm thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh năm 2011. Ảnh minh họa Những ý tưởng "kì lạ" Tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010,...