Hy vọng hòa bình của Mỹ hứng thêm đòn giáng mạnh sau vụ nổ máy nhắn tin ở Liban
Vụ tấn công kích nổ máy nhắn tin của Hezbollah ở Liban khiến lực lượng này giận dữ và tuyên bố trả thù Israel.
Sự kiện này một lần nữa làm tan vỡ hy vọng ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông.
Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Liban để điều trị. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ The Guardian ngày 17/9, đối với ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông, vụ tấn công khiến hàng trăm máy nhắn tin phát nổ cùng lúc ở Liban không thể đến vào thời điểm kém may mắn hơn. Sự việc có thể còn kích động một cuộc leo thang mà Mỹ đã cố gắng tránh bằng mọi giá.
Một ngày trước vụ phá hoại này, ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã có mặt tại Israel để kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác ở Israel không leo thang căng thẳng ở Liban. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng đã cảnh báo rằng thời gian để tìm ra giải pháp thương lượng giữa Israel và Hezbollah đang dần cạn kiệt.
Điều vẫn cần phải theo dõi là liệu vụ tấn công máy nhắn tin này có phải là tiền đề cho một chiến dịch lớn hơn của lực lượng Israel nhằm vào Hezbollah hay không. Israel có thể lợi dụng thời điểm hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn thành viên Hezbollah đang bị thương do nổ máy nhắn tin.
Vụ tấn công có thể đã làm gián đoạn liên lạc của tổ chức này. Hezbollah đã mua máy nhắn tin để dùng thay cho điện thoại di động nhằm giảm nguy cơ bị theo dõi, giúp liên lạc từ xa mà không lo bị thiết bị bay không người lái Israel tấn công.
Thông tin trên báo chí Israel cho rằng chiến dịch tấn công máy nhắn tin này là kết quả của một vụ xâm nhập chuỗi cung ứng, trong đó các đặc vụ cơ quan tình báo Israel Mossad cài chất nổ vào các máy nhắn tin trước khi chúng được bán cho Hezbollah.
Sau khi lộ rõ kế hoạch của mình, quân đội Israel có thể quyết định tận dụng tình trạng rối loạn của Hezbollah trước khi phong trào này có cơ hội tái tổ chức.
Video đang HOT
Trước đó, Chính phủ Israel đã thông báo rằng họ sẽ mở rộng mục tiêu chiến tranh, đặt ra thêm cả mục tiêu đưa hàng chục nghìn thường dân trở lại khu vực biên giới giáp Liban. Điều này có thể trao cho ông Netanyahu một lý do để phát động cuộc tấn công trên bộ vào Liban mà một số quan chức Israel và Mỹ lo sợ rằng ông sẽ thực hiện.
Mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng hòa bình dọc biên giới phía Bắc Israel với Liban sẽ đạt được nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhưng thỏa thuận đó đã tỏ ra khó khăn và dường như chưa có kết quả. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Trung Đông ngày 17/9 để thảo luận về thỏa thuận này với Ai Cập, một trung gian của Hamas, nhưng sẽ không ghé qua Israel vì phiên bản mới nhất của thỏa thuận vẫn chưa sẵn sàng.
Mỹ cũng đang đối mặt với khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant bị thay thế vì bất đồng với Thủ tướng Netanyahu. Ông Gallant là một nhân vật trung gian quan trọng trong quá trình đàm phán.
Nhà Trắng đã hy vọng rằng một khoảng thời gian yên tĩnh xung quanh Israel sẽ giúp các nhà đàm phán đạt được bước đột phá về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Các nhân vật làm trung gian đang liên lạc với Hamas và Israel để giải quyết các yêu cầu phức tạp của cả hai bên liên quan đến việc trao đổi con tin và các yêu sách lãnh thổ.
Tuy nhiên, khoảng thời gian yên tĩnh đó đã bị phá vỡ bằng vụ tấn công bất ngờ này và Hezbollah đã cam kết sẽ trả đũa.
Khi cả Hamas và Hezbollah đều đang chịu áp lực rất lớn, Mỹ đã cảnh báo Iran không leo thang căng thẳng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: “Chúng tôi khuyến cáo Iran không lợi dụng sự cố nào để cố gắng gây thêm bất ổn và tăng căng thẳng trong khu vực”.
Về phần mình, ngày 17/9, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araghchi đã lên án mạnh mẽ các vụ nổ máy nhắn tin gây thương vong ở Liban, gọi đây là “hành động khủng bố của Israel”. Ông Araghchi đã bày tỏ tinh thần đoàn kết và chia buồn với Liban, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ điều trị cho những người bị thương hoặc chuyển họ đến Tehran.
Trong khi đó, dù không thừa nhận thực hiện vụ tấn công máy nhắn tin ở Liban, nhưng Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã họp đánh giá tình hình an ninh sau vụ việc. Nội dung cuộc họp của Israel nhằm tập trung xây dựng các kịch bản nước này có thể phản ứng trong trường hợp leo thang căng thẳng sau vụ việc trên. Trước đó ít giờ, chính quyền các địa phương ở miền Bắc Israel đã yêu cầu người dân ở gần nơi trú ẩn và đã gia cố các phòng an toàn, viện dẫn lo ngại về khả năng leo thang.
Theo thống kê của Bộ Y tế Liban, các vụ nổ máy nhắn tin đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 2.800 người bị thương, bao gồm cả thành viên của Hezbollah.
Công ty sản xuất máy nhắn tin đưa phản hồi bất ngờ sau vụ nổ hàng loạt tại Liban
Ông chủ thương hiệu máy nhắn tin mà lực lượng Hezbollah sử dụng đã đưa ra phản hồi bất ngờ về loạt sản phẩm vừa gây ra các vụ nổ hàng loạt khiến khoảng 3.000 người thương vong ở Liban.
Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Liban để điều trị. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Nhà sáng lập công ty Gold Apollo của Đài Loan (Trung Quốc), ông Hsu Ching-Kuang nói với các phóng viên rằng công ty này không sản xuất các máy nhắn tin trong vụ nổ ở Liban ngày 17/9.
Trước đó, hình ảnh máy nhắn tin bị phá hủy mà hãng tin Reuters phân tích cho thấy định dạng và nhãn dán ở mặt sau giống với máy nhắn tin do Gold Apollo sản xuất. Một nguồn tin an ninh cấp cao của Liban nói với Reuters rằng Hezbollah đã đặt hàng 5.000 máy nhắn tin từ công ty Gold Apollo có trụ sở tại Đài Loan.
Tuy nhiên, trong phản hồi mới nhất, ông Hsu Ching-Kuang cho biết máy nhắn tin gây ra loạt vụ nổ kinh hoàng ở Liban là do một công ty ở châu Âu sản xuất, công ty này có quyền sử dụng thương hiệu của công ty Đài Loan.
"Sản phẩm không phải của chúng tôi. Chỉ là nó có thương hiệu của chúng tôi trên đó", ông Hsu nói.
Ông không nêu tên công ty mà ông cho biết đã sản xuất máy nhắn tin, đồng thời nói thêm rằng Gold Apollo cũng là nạn nhân của vụ việc.
"Chúng tôi là một công ty có trách nhiệm. Điều này rất đáng xấu hổ", ông Hsu Ching-Kuang nói.
Ngày 17/9, hàng loạt máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah đã phát nổ trên khắp Liban, khiến gần 3.000 người bị thương, 9 người thiệt mạng.
Những vụ nổ đầu tiên diễn ra vào khoảng 15h45 theo giờ địa phương (20h45 giờ Hà Nội). Làn sóng các vụ nổ sau đó kéo dài khoảng một giờ, diễn ra tại nhiều khu vực trên khắp Liban, đặc biệt là Dahiyeh, khu ngoại ô phía nam thủ đô Beirut được coi là thành trì của Hezbollah. Tình trạng này cũng xảy ra với máy nhắn tin của một số tay súng Hezbollah ở Syria.
Hiện chưa rõ các thiết bị được kích nổ như thế nào. Ba nguồn tin nói rằng các máy nhắn tin này là mẫu mới nhất mà Hezbollah sử dụng trong những tháng gần đây.
Sau vụ việc gây rúng động, đã xuất hiện nhiều giả thuyết về việc các thiết bị di động được coi là lỗi thời trên thế giới lại biến thành vũ khí nguy hiểm.
Đài CNN dẫn nguồn tin nói rằng Israel có thể đứng đằng sau vụ tấn công khiến hàng nghìn máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah đồng loạt phát nổ. Theo nguồn tin, chiến dịch này được cho là kết quả giữa sự hợp tác của cơ quan tình báo Israel, Mossad và quân đội nước này.
Trong khi đó, tờ New York Times dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ nói rằng, Israel bị nghi ngờ đã đặt vật liệu nổ vào một lô máy nhắn tin do Đài Loan sản xuất, được nhập khẩu vào Liban để Hezbollah sử dụng.
Israel chưa bình luận về những thông tin này. Trong khi đó, Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và thề trả đũa nhưng họ vẫn chưa nêu rõ lỗ hổng nào đã biến những chiếc máy nhắn tin trở thành vũ khí tấn công hàng loạt.
Theo hãng tin Bloomberg, phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào khả năng chuỗi cung ứng cho các thiết bị nhắn tin đã bị xâm nhập. Một giả thuyết phổ biến là máy nhắn tin đã được thiết kế sao cho pin của chúng có thể nóng lên cho đến khi thiết bị phát nổ. Tuy nhiên, một chuyên gia an ninh mạng, ông Robert Graham, đã bác bỏ giả thuyết đó. Ông cho rằng việc chế tạo được viên pin nóng đến mức phát nổ hàng loạt là không dễ thực hiện. "Điều hợp lý hơn nhiều là ai đó đã cài thuốc nổ đồng loạt vào những chiếc máy này", ông này bình luận.
Một số giả thuyết khác lại cho rằng, tín hiệu điện tử là thứ đã gây ra vụ nổ. Ông Mark Montgomery, một đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định: "Tôi nghi ngờ đó là một khiếm khuyết trên máy nhắn tin có chủ ý được kích hoạt bởi tín hiệu mạng hoặc tần số vô tuyến".
Trong khi đó, quan chức Hezbollah Ibrahim Mousawi cáo buộc Israel đã kích hoạt những máy nhắn tin này "bằng công nghệ cao".
Bà Deepa Kundur, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Toronto (Canada), cho biết bà nghi ngờ đây là một kế hoạch tấn công từ chuỗi cung ứng sản xuất. Theo bà, với giả thuyết này, phía tấn công sẽ tìm cách xâm nhập vào quy trình sản xuất máy nhắn tin để cài thuốc nổ vào một trong những bộ phận của máy nhắn tin. Bộ phận nổ có thể nằm trong máy nhắn tin nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bị kích hoạt phát nổ đồng loạt.
Trước đó, Hezbollah đã chuyển từ điện thoại sang dùng máy nhắn tin, thiết bị tương đối lỗi thời. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ hoạt động giao tiếp giữa các thành viên bị tình báo Israel nghe lén, hoặc định vị được địa điểm chính xác.
Lý do thành viên Hezbollah đồng loạt đổi sang dùng máy nhắn tin Các máy nhắn tin phát nổ hàng loạt ở Liban và Syria được cho là nằm trong đợt mua hàng mà Hezbollah đặt sau khi khi thủ lĩnh của phong trào này Hassan Nasrallah ra lệnh cho các thành viên ngừng sử dụng điện thoại di động hồi tháng 2, cảnh báo điện thoại có thể bị tình báo Israel theo dõi. Một...