Hy hữu: Cứu sống kịp thời mẹ con sản phụ có nhịp tim ’siêu nhanh’ 200 lần/phút
Các bác sĩ ở Cần Thơ vừa cứu sống kịp thời sản phụ và em bé sau khi sản phụ đột nhiên bị cơn nhịp tim nhanh kịch phát 200 lần/phút.
Sản phụ có nhịp tim kịch phát đã được các bác sĩ mổ bắt con cứu sống kịp thời cả mẹ và con – ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Chiều 23.2, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật cứu sống kịp thời 2 trường hợp sản khoa kèm bệnh lý tim mạch nặng; trong đó có một sản phụ mang thai 34 tuần bị cơn nhịp tim nhanh kịch phát trên thất.
Cứu sống kịp lúc mẹ con sản phụ có nhịp tim “siêu nhanh” 200 lần/phút
Trước đó, sản phụ H.N.T.U (27 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: nhịp nhanh kịch phát trên thất, thai 34 tuần. Tiền sử không ghi nhận bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, trong thai kỳ từ tuần thứ 19, bệnh nhân thường xuyên mệt nhiều, tim đập nhanh, đánh trống ngực, tái phát nhiều lần.
Theo người nhà bệnh nhân, trước khi có thai, bệnh nhân đã từng bị một vài lần bị tăng nhịp tim nhưng chỉ diễn ra trong khoảng 30 giây. Tới tháng mang thai thứ 4, bệnh nhân bị một lần tăng nhịp tim kéo dài khoảng 20 phút. Đến khoảng tháng thứ 8 của thai kỳ thì thường xuyên bị tăng nhịp tim.
Đặc biệt, khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột bị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất với tần số nhịp tim 200 lần/phút, tình trạng tái phát nhiều lần, đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Ngay sau khi điều trị cắt cơn nhịp nhanh cho bệnh nhân thành công, các bác sĩ tiến hành hội chẩn quyết định mổ bắt thai. Ê kíp BS.CK2 Ngũ Quốc Vĩ và BS.CK2 Thái Đắc Vinh, Phó khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, đã tiến hành mổ bắt con cứu sống kịp thời sản phụ và giúp một bé trai chào đời an toàn.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân – ẢNH ĐÌNH TUYỂN
Hiện tại, sản phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, vết mổ khô, còn em bé ổn định, bú tốt đang được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Theo Ths. BS Thân Hoàng Minh (Khoa Nội tim mạch – Khớp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), hướng điều trị sắp tới cho sản phụ sẽ là khảo sát, xem xét, có thể áp dụng phương pháp cắt đốt điện sinh lý để điều trị triệt để bệnh nhịp nhanh kịch phát cho bệnh nhân.
“Qua những trường hợp này cũng cho thấy trên một phụ nữ khi đã phát hiện bệnh tim hay như trường hợp có nhịp nhanh như trên khi muốn mang thai phải hết sức thận trọng. Bệnh nhân nên đi tầm soát, điều trị triệt để bệnh nhịp nhanh trước khi mang thai để đảm bảo mức độ an toàn khi mang thai”, Ths.BS Thân Hoàng Minh khuyến cáo.
Trước đó, cũng tại bệnh viện này, các bác sĩ cũng cứu sống kịp thời thai phụ (19 tuổi, ngụ An Giang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thai ngoài tử cung, tăng áp động mạch phổi nặng, suy tim độ 2; đau bụng quằn quại, âm đạo ra huyết sậm, huyết áp thấp, ngón tay dùi trống, tiền sử bệnh tim rất nặng.
Sau khi được phẫu thuật kịp thời hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Suýt mất mạng vì hóc xương cá
Nữ bệnh nhân 64 tuổi bị hóc xương cá dứa nhập viện cấp cứu trong tình trạng ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Ê-kíp bác sĩ khẩn trương phẫu thuật cứu sống bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài 120 phút
Chiều 28/1, thông tin từ Bs.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị áp xe cổ lan xuống trung thất nghiêm trọng do hóc xương cá.
Hình ảnh xương cá trước phẫu thuật.
Bệnh nhân là nữ, tên T.T.H., sinh năm 1957, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 15h16 ngày 19/1 với tình trạng đau nhiều vùng cổ.
Qua tìm hiểu, cách nhập viện 3 ngày, sau ăn cá dứa, bệnh nhân H. nuốt phải xương cá, cảm giác vướng ở vùng họng. Bệnh nhân cố nuốt cơm và sau đó móc họng 4-5 lần, cổ đau ngày càng tăng, sưng to nên đến bệnh viện địa phương khám sau đó được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Bệnh nhân được thực hiện chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ có tiêm thuốc cản quang. Hội chẩn liên khoa với chẩn đoán: Áp xe cổ lan trung thất/Đái tháo đường týp 2- dị vật. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ê-kíp do Bs.CK2 Trầm Công Chất - Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bs.CK2 Thái Đắc Vinh - Phó Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện. Sau 120 phút phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ bóc tách vào ổ áp xe dọc động mạch cảnh - thực quản và khí quản thấy có nhiều mũ, lấy mũ làm kháng sinh đồ. Hút ra 500 ml mủ đục hôi, bơm rửa dịch mủ vùng cổ và trung thất trên. Vùng áp xe cổ trái lấy ra dị vật xương cá.
Hình ảnh xương cá được lấy ra sau phẫu thuật.
Hiện, bệnh nhân đã cải thiện, phục hồi tốt, hết sốt, tỉnh táo, sinh tồn ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu.
Có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời
Theo Bs.CK2 Trầm Công Chất: Trung thất chứa các tạng rất quan trọng như các mạch máu lớn, tim, phổi... áp xe trung thất là căn bệnh nguy hiểm nếu không xử lý đúng cách và kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do khối mủ lan rộng vỡ vào khoang lồng ngực, gây tổn thương mạch máu, vỡ vào màng tim.
Mặc dù có những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh... nhưng áp xe trung thất gây tỷ lệ tử vong còn cao, tỷ lệ tử vong trên thế giới khoảng 20%.
Sức khỏe bệnh nhân H. đã ổn định sau phẫu thuật.
Nhiều người khi bị hóc xương cá thường dùng tay để móc họng, nuốt cục cơm nóng, uống nước. Tuy nhiên, cách làm này rất nguy hiểm, bởi dễ khiến xương cá trôi sâu hơn hoặc đâm vào làm tổn thương, có thể gây thủng thực quản.
Nếu chẳng may bị hóc xương cá, không nên cố nuốt mà hãy cố gắng nôn oẹ càng sớm càng tốt. Chú ý không móc họng vì sẽ gây nôn nhiều, có thể gây phù nề hoặc khiến khó thở.
Để tránh bị hóc xương trong khi ăn uống tại nhà, tốt nhất nên lọc thịt riêng, xương riêng, không nên để xương thịt lẫn lộn. Trong khi ăn nên tập trung, tránh vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa. Hãy ăn chậm, nhai kỹ, không ăn nhanh, ăn vội vàng. Nếu cho trẻ nhỏ hay người già ăn cá nên gỡ kỹ xương, kiểm tra thật kỹ thức ăn trước khi cho trẻ ăn, nên chọn cá ít xương dăm tránh gây hóc xương cho trẻ.
Ăn cá hóc xương là tai nạn mà không ai mong muốn, nếu chẳng may bị hóc xương cá, hóc xương gà nên khạc ra thay vì nuốt vào. Nếu không may hóc phải xương to, xương bị mắc quá sâu nên đến bác sĩ kiểm tra để xử lý kịp thời.
Uống ít nhất một tách cà phê mỗi ngày có thể ngăn ngừa suy tim Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng uống một đến ba tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến sức khỏe tim mạch tốt hơn. Uống cà phê có chứa caffein mỗi ngày giúp giảm nguy cơ suy tim Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Circulation: Heart Failure cho biết, uống...