Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa): Vô vàn khó khăn trước thềm năm học mới
Sau 4 ngày bị trận lũ khủng khiếp quét qua, người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn ( Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng. Những người mất tích, hiện nay mới tìm thấy 2 thi thể, trong đó có 1 học sinh. Vẫn còn 8 người “bặt vô âm tín”.
Điểm trường khu Son, Tiểu học Na Mèo thiệt hại nặng khi lũ đi qua
“Nhà cháu không còn gì cả”!
Ở đầu bản, cháu Nguyễn Thị Dược, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Na Mèo, khóc thút thít. Khi nghe chúng tôi hỏi đến chuyện học hành, bé Dược bảo: “Nhà cháu không còn gì cả! Lũ cuốn hết sạch rồi. Cháu cũng không có sách, vở hay đồ dùng học tập để chuẩn bị đi khai giảng năm học mới nữa”.
Chị Hà Thị Pấm (mẹ cháu Dược), mắt đỏ hoe: “Khổ lắm các bác ơi. Lũ cướp hết tài sản của nhà cháu rồi! May mà hôm đó, cả gia đình nhanh chân chạy được. Bây giờ, nhà không còn gì cả, trong khi cháu Dược bị bệnh, cứ hai tháng phải đi truyền máu một lần”. Chị Pấm bưng mặt khóc.
Còn em Ngân Việt Hùng (14 tuổi), năm nay vào lớp 9, cũng ở Sa Ná thẫn thờ kể: “Bao nhiều đồ đạc, tài sản trong nhà cháu bị trôi hết cả. Cháu cũng không còn sách vở, đồ dùng học tập để đi học. Bố mẹ và anh em cháu đang phải lên ở nhờ nhà ông ngoại”.
Gia cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên dạy hợp đồng của Trường Mầm non Na Mèo cũng vô cùng đáng thương. Hôm lũ đổ về, đứa con trai của cô Tiếm mới được 3 tháng tuổi đã bị nước cuốn mất tích. Chồng cô bị nước cuốn làm gãy xương sườn, dập thận nặng, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Trận lũ quét qua Sa Ná cũng đã cướp đi sinh mạng em Hà Văn Quỳnh, học sinh lớp 4. Em Hà Văn Chấn, học sinh lớp 2 cũng đang mất tích. Còn em Thao Anh Xuân, học sinh lớp 3, ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy cũng bị nước cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy.
Điểm trường Mầm non khu Son (Na Mèo) bị lũ cuốn tan hoang
Ngành Giáo dục thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo nhanh từ Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, trận mưa lũ vừa qua đã khiến hệ thống cơ sở vật chất một số trường học trên địa bàn huyện thiệt hại nặng nề. Trong đó, khu trường bản Son đã bị lũ cuốn toàn bộ, gồm: 4 phòng học xây cấp 4; 80 bộ bàn ghế học sinh, 5 bộ bàn ghế giáo viên, 6 bảng chống lóa; 1 nhà ở giáo viên (3 gian bằng gỗ gồm có 1 phòng chờ của giáo viên và 2 phòng ở), tivi, máy vi tính, máy in, máy lọc nước, sách giáo khoa, tài liệu, trang thiết bị dạy học và giường tủ đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên, học sinh.
Còn tại điểm trường Mầm non Sa Ná, sau khi lũ tràn qua đã bị nứt và thấm dột, không còn khả năng sử dụng trong năm học mới… Ước tính ban đầu, tổng số thiệt hại từ các nhà trường trên địa bàn huyện đã lên tới gần chục tỷ đồng.
Ông Lê Đình Xuân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (phải) đi kiểm tra thực trạng trường học tại Na Mèo sau lũ
Video đang HOT
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đình Xuân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, cho hay: Để ổn định công tác dạy và học tại các điểm trường bị thiệt hại do thiên tai, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo các đơn vị báo cáo với địa phương, lên phương án khắc phục hậu quả để bảo đảm điều kiện dạy và học được ổn định ngay trước khi bước vào năm học mới.
“Đối với điểm trường Sa Ná – Trường Mầm non Na Mèo, trước mắt nhà trường và địa phương khắc phục thấm dột để có phòng học cho học sinh. Còn điểm trường khu Son – Trường Tiểu học Na Mèo, toàn bộ cơ sở vật chất đã bị lũ cuốn trôi. Do vậy, để có nơi tổ chức dạy học cho học sinh, nhà trường mượn tạm nhà dân và sử dụng bàn ghế của các đơn vị hỗ trợ.
Điểm trường khu Chè – Trường Mầm non Trung Tiến cũng bị sập, không sử dụng được, nhà trường sẽ phải mượn tạm phòng học của Trường Tiểu học Trung Tiến, tạm thời bố trí học sinh học 2 ca. Đối với các trường hợp học sinh bị mất tích, Phòng GD&ĐT cùng các nhà trường đến thăm hỏi, động viên cả về tinh thần và vật chất. Đồng thời, kêu gọi các nhà trường trong huyện, các nhà hảo tâm hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra”, ông Xuân nói.
Cũng theo ông Xuân, để có cơ sở vật chất cho việc dạy và học ở những điểm trường bị hư hại, Phòng GD&ĐT huyện đã làm văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư kinh phí, để xây mới 5 phòng học, 3 phòng nhà ở giáo viên và các công trình phụ trợ (cổng, tường rào, nhà vệ sinh…); cấp trang thiết bị, bàn ghế và đồ dùng dạy học ở điểm trường khu Son. Xây mới 4 phòng học, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, trang cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Chè. Xây mới 5 phòng học, 2 phòng nhà ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Sa Ná.
Năm học mới đang đến gần, thế nhưng thiên tai ập xuống đã cướp đi nhiều sinh mạng học sinh, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân, cơ sở vật chất của ngành Giáo dục. Mong rằng, sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành sẽ sớm hỗ trợ cho ngành Giáo dục vùng biên giới Na Mèo sớm ổn định, để thầy và trò các nhà trường yên tâm bước vào năm học mới.
Thế Lượng
Theo giaoducthoidai
Những ngày hè nhiều niềm vui, tiếng cười của trẻ
Các em được rèn thể chất, tính kiên nhẫn, tình đồng đội, nạp năng lượng cho năm học mới... sau những ngày luyện tập Vovinam, Aerobic, bóng rổ, bơi lội.
Ngày hè của một số em ở TP HCM đầy màu sắc khi được cùng bố mẹ có chuyến đi thực tế, vận động hết mình trong những môn thể thao, tranh tài ở sàn đấu không chuyên nhưng đầy thú vị.
Chiếc huy chương ghi dấu nỗ lực
Đã tròn 4 năm từ ngày Nguyễn Đoan Trang (sinh năm 2002, Khánh Hòa) biết đến bộ môn Vovinam. Từ lúc làm quen cho đến khi quyết tâm theo đuổi, nhiều người bảo Trang "là con gái, đánh đấm không hợp đâu". Thế nhưng, em vẫn kiên trì với niềm đam mê của mình.
Trái ngược với lời trêu ghẹo học võ mất hết nữ tính, Trang tự nhận thấy sau khi luyện tập, em học được sự điềm tĩnh, biết nhìn nhận đúng - sai và bản thân trưởng thành hơn rất nhiều. Mùa hè năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt, em nhận thêm cho mình nhiều huy chương vàng khi tham gia các giải đấu tại địa phương. Mỗi chiếc huy chương đều được em trân trọng, bởi nó ghi dấu sự trưởng thành, tiến bộ phía sau mỗi giọt mồ hôi trên sàn đấu. Đó cũng là cách để Trang tự nhắc nhở mình: đừng bao giờ bỏ cuộc.
Cùng chung đội tuyển với Trang là cô bé Võ Nguyễn Diễm Quỳnh (sinh năm 2003). Quỳnh vốn nhỏ người nên được bố mẹ cho tham gia học võ để khỏe mạnh, biết tự vệ. Đến nay, Quỳnh đã có 6 năm theo đuổi Vovinam, nhưng hiếm khi em bỏ một bữa tập nào.
Nguyễn Đoan Trang (phải) và Nguyễn Diễm Quỳnh (trái).
Điều thay đổi lớn nhất của Quỳnh là từ cô gái cộc tính, em đã trở nên điềm tĩnh hơn. Bởi mỗi bài học võ thuật đều được truyền tải cùng những câu chuyện làm người, rèn đạo đức.
Cũng nhờ học võ, em chững chạc, được nhiều người yêu mến. Cũng như Trang, mùa hè năm 2019 đánh dấu cột mốc Quỳnh nhận được loạt huy chương ở nhiều hạng mục, trưởng thành ở cả tính cách lẫn chặng đường học võ. Cảm nhận được "trái ngọt" sau chuỗi ngày khổ luyện, với Quỳnh, không gì có thể sánh bằng.
Lần đầu so tài Aerobic
Mùa hè của Nguyễn Thị Tường Vy (Bình Chánh, TP HCM) đọng lại bằng những tiếng cười khi lần đầu được so tài ở bộ môn Aerobic. Vốn thần tượng chị gái - cũng đam mê thể dục nhịp điệu, Vy quyết tâm phải học bằng được bộ môn này để mặc đồ đẹp, trang điểm xinh như chị.
Tháng hè vừa qua cũng là lúc ước mơ được đứng trên sân khấu biểu diễn của Vy thành hiện thực. Em cùng đồng đội tập luyện gần như không mệt mỏi, mỗi ngày đều quyết tâm làm sao thực hiện động tác đều nhau, đẹp nhất.
Những ngày luyện tập, dù vất vả đến đâu, Vy cũng chưa từng muốn bỏ cuộc. Dù có những lần mệt đến nỗi thở hồng hộc, động tác đòi hỏi kỹ thuật cao, uốn, gập chưa quen nên bị đau cơ... em vẫn cười rất tươi, hào hứng kể về những trải nghiệm đặc biệt này với mẹ. Thậm chí có những lúc té ngã, đau quá, em òa khóc lên. Nhưng khóc xong lại nghiêm túc cùng đồng đội tập luyện.
Lần đầu lên sàn đấu, đối diện với nhiều đội thi tài năng khác, Tường Vy phần nào áp lực. Nhưng bằng niềm đam mê cùng quyết tâm của tập thể, Vy đã cùng các bạn hoàn thành phần diễn. Một mùa hè đáng nhớ khép lại, nhưng tình yêu với Aerobic chỉ mới viết được chương đầu và sẽ có thêm những cột mốc ấn tượng với Tường Vy trong chặng đường tập luyện Aerobic sắp tới.
Cũng như Tường Vy, Phan Bảo Giang(Bình Chánh, TP HCM) đã có một năm tập luyện Aerobic. Mùa hè 2019 đánh dấu sự kiện em cùng đội tuyển của mình trình diễn trước đông người như vậy. Những tiếng reo hò cùng áp lực của cuộc thi dường như không tạo nỗi lo lắng cho em, mà ngược lại, trở thành nguồn động lực lạ kỳ để em thực hiện các bước nhảy thanh thoát, động tác mềm dẻo hơn.
Nhớ lại những ngày đầu làm quen với bộ môn này, Giang không thể đếm được bao nhiêu vết bầm tím trên người vì phải làm quen với các bài tập. Với những động tác khó em phải dốc hết sức để luyện tập, một lần không được thì 10 lần, trăm lần, cho đến lúc thành thạo.
Đam mê đến mức sau mỗi buổi tập, Giang không chịu về ngay, mà năn nỉ thầy cô chỉ thêm cho mình vài động tác, có lúc tập thêm 1-2 tiếng. Thầy cô yêu quý Giang vì sự chăm chỉ và năng khiếu, thế nên bố mẹ mà bận việc, chính các huấn luyện viên sẽ đón em đến phòng tập.
Ước mơ của Giang là từ bước đệm của mùa hè này, em sẽ có thêm nhiều lần lên sân khấu hơn nữa, được tranh tài cùng các bạn trong bộ môn thể thao mà em đã đam mê và nỗ lực, quyết tâm theo đuổi.
Trưởng thành và tự lập sau 2 tháng mùa hè
Mùa hè không chỉ để vui chơi và trải nghiệm, mà chính từ những bài học không có trong sách vở đó, các em có cơ hội rèn giũa tính cách, trưởng thành hơn so với ngày hôm qua.
Mỗi khi đồng hành cùng con tham gia lớp học bóng rổ ở Trại hè Năng lượng, chị Nguyễn Thị Thu Hà (Tân Bình, TP HCM) có thể cảm nhận rõ hơn cô con gái của mình đã thêm chín chắn. Người ta bảo con gái thì phải học nhạc, nghệ thuật, ai lại chọn bóng rổ bao giờ. Nhưng con thích, nên chị cũng gật đầu. Cái gật đầu ấy, qua mùa hè này, lại càng khiến chị cảm thấy không hối hận.
Con cao vượt trội, luôn nằm trong top những người cao nhất lớp. Tỷ lệ thuận với điều đó là sự năng động, tự tin của con. Mà đáng quý nhất, con học được tinh thần đồng đội, biết cảm thông và suy nghĩ cho người khác. Ở trong một tập thể, con hiểu phải đối xử với mọi người ra sao, làm việc thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Ở trên sân bóng rổ ghi điểm, trên lớp học hay trong cuộc sống, con cũng học tốt và trưởng thành hơn.
Mùa hè năng động giúp con trưởng thành cũng là khoảnh khắc khó quên trong 2 tháng vừa qua của chị Trần Thị Phương Thảo (TP HCM). Nếu ngày trước, cô con gái 6 tuổi của chị biếng ăn, tìm mọi cách đều không thể "dụ", thì chỉ sau vài tháng hè học bơi, em đã hoàn toàn thay đổi.
Bơi về mệt nhoài, thế nên thấy cơm là em mừng lắm. Em biết tự giác lấy cơm, ngồi ăn một cách ngon lành, mẹ chẳng cần dỗ dành, kể chuyện hay suy nghĩ phần thưởng. Gánh nặng trong lòng chị Thảo được trút đi khi con gái ngày một rắn rỏi, khỏe mạnh. Hết một mùa hè, con tăng 2 kg và có thêm nhiều người bạn mới, tinh thần thì luôn vui vẻ, tự tin.
Cùng con tham gia ngày hội được tổ chức trong trại hè, chị Thảo cùng nhiều phụ huynh khác còn được chuyên gia tư vấn xây dựng khẩu phần dinh dưỡng tốt nhất theo từng độ tuổi.
Bà Bùi Thị Tuyết An, chuyên gia dinh dưỡng Trung tâm y tế quận 11 với hơn 10 năm kinh nghiệmcho biết trẻ cần được ăn đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Những ngày hè nắng nóng, trẻ cần tăng cường thêm trái cây có nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Trẻ cũng cần uống đủ 1-1,5 lít cho những ngày bình thường và 2-2,5 lít cho những ngày vận động nhiều. Nếu bé vận động và chơi thể thao nhiều, mẹ có thể chọn các thực phẩm dinh dưỡng cho bữa xế.
Phụ huynh được tư vấn nên cho bé tự do lựa chọn điều mình thích. Mùa hè vui chơi, rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi, thư giãn cũng quan trọng đối với con. Con được gặp gỡ bạn bè, có thêm bài học về tinh thần đoàn kết, tự tin, trải nghiệm, khi tham gia các sân chơi bổ ích. Từ những ngày hè nhiều niềm vui, trẻ như được nạp lại năng lượng, sẵn sàng hơn cho một năm học mới sắp đến.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Thiếu giáo viên trong năm học mới Ngày 6.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ điều hành hội nghị. Tại hội nghị, vấn đề giáo viên, quy hoạch mạng lưới trường lớp...