Huyện Hậu Lộc tích cực chuẩn bị năm học mới
Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã cơ bản chuẩn bị xong các điều kiện cho năm học mới 2021-2022.
Một năm học mà cả thầy và trò, ngành giáo dục cũng như chính quyền các cấp đều phải thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn: Vừa đảm bảo chất lượng dạy và học; vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Trường THCS Lê Hữu Lập sẵn sàng cho năm học mới.
Trong tiết trời xanh trong của những ngày thu tháng 8, chúng tôi về thăm Trường THCS Lê Hữu Lập – ngôi trường mang tên người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Từng dãy nhà, phòng học, từng ghế đá, hàng cây dường như đang khoác trên mình một màu tươi mới.
Để chuẩn bị tốt cho năm học này, nhà trường đã tích cực đầu tư sửa chữa 13 phòng học, lát gạch xung quanh sân trường, tu bổ hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, trồng cây bóng mát, chỉnh trang khuôn viên xanh – sạch – đẹp; gắn thêm các khẩu hiệu ở khuôn viên trường lớp; mở rộng nhà để xe cho giáo viên; xây mới khu nhà đa năng rộng 1.200m2 phục vụ giáo dục thể chất… Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đầu tư cho giáo dục chuyên sâu bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình, chất lượng bồi dưỡng các đội tuyển dự thi học sinh giỏi. Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Tích cực tham mưu với các cấp, ngành và huy động mọi nguồn lực xã hội, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Nhất là chuẩn bị tốt các điều kiện cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) ở lớp 6, với đầy đủ cơ sở vật chất, sách giáo khoa và công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường…
Thầy Trịnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hữu Lập, chia sẻ: Nhà trường hiện có ba dãy phòng học 2 tầng với 24 phòng. Trong đó có 13 phòng học, 4 phòng học bộ môn; có 8 phòng học có máy chiếu, 9 phòng có ti vi. Hệ thống điện, nước phục vụ học tập, sinh hoạt đầy đủ. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhà trường sẽ đổi mới phương pháp dạy học bằng hình thức dạy học trực tuyến, đảm bảo nội dung chương trình đề ra. Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tạo điều kiện để học sinh được học tập và trải nghiệm nhiều hơn. Bề dày truyền thống và thành tích đáng tự hào trong giảng dạy và học tập của nhà trường chính là động lực để thầy và trò Trường THCS Lê Hữu Lập bước vào năm học mới, với quyết tâm mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Đến thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất, để đón 515 học sinh vào năm học mới.
Theo kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Hậu Lộc có tổng số 1.160 lớp, với 35.131 học sinh. Cụ thể: Đối với giáo dục mầm non, huy động 108 lớp nhà trẻ với 1.688 cháu và 277 lớp mẫu giáo với 8.312 cháu. Đối với giáo dục phổ thông, cấp tiểu học huy động 500 lớp với 15.477 học sinh; THCS huy động 265 lớp với 9.236 học sinh; bổ túc THPT huy động 10 lớp với 418 học sinh.
Để chuẩn bị cho năm học mới, UBND huyện Hậu Lộc đã hỗ trợ một số trường trên địa bàn xây thêm các phòng học, đảm bảo cơ sở vật chất để đạt trường chuẩn như: Hỗ trợ Trường Tiểu học Đồng Lộc I xây mới 10 phòng học; Trường THCS Đồng Lộc 8 phòng học; Tiểu học và THCS Phong Lộc 1 nhà hiệu bộ; Trường Mầm non Phong Lộc 5 phòng học; Trường THCS Lê Hữu Lập 1 nhà đa năng; Trường THCS Cầu Lộc 1 nhà hiệu bộ và phòng bộ môn; Trường Tiểu học Đa Lộc 6 phòng học…
Ngoài kinh phí của UBND huyện hỗ trợ cho các trường xây mới các hạng mục nói trên thì các trường còn tham mưu cho UBND các xã hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa các phòng đã xuống cấp và tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, như: Mầm non Châu Lộc, THCS Triệu Lộc, Mầm non Tuy Lộc, Tiểu học Tuy Lộc… Năm học này, do tỷ lệ học sinh tăng nhẹ nên một số trường đã sử dụng các phòng chức năng như: phòng mỹ thuật, phòng âm nhạc… để tăng cường thêm phòng học. Đến nay, toàn huyện đã có 94,6% phòng học kiên cố, tổng kinh phí xây mới và sửa chữa khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Video đang HOT
Song hành với đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường học, ngành giáo dục huyện Hậu Lộc đã kịp thời triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 tới các trường. Theo đó, các trường đã cho cải tạo lại các khu rửa tay, ra quân tổng vệ sinh phun khử khuẩn, vệ sinh trường lớp học, chuẩn bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, yêu cầu giữ khoảng cách trong giờ ra chơi, thực hiện nghiêm quy định “5K” của ngành y tế trong môi trường học đường.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Hậu Lộc xác định mục tiêu là tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm học; đồng thời khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản về giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương. Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học. Xây dựng văn hóa học đường, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Ổn định quy mô trường lớp; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường. Đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Xây dựng xã hội học tập, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện.
Bà Chung Thị Đài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, cho biết: Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục – đào tạo. Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực trong công tác quản lý, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các trường trong toàn huyện.
Huy động nguồn lực để học trò khó khăn có đủ sách cho năm học mới
Trước thềm năm học 2021-2022, nhiều trường học trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) đang nỗ lực huy động nguồn hỗ trợ sách giáo khoa để học trò có đủ sách bước vào năm học mới.
Các trường trên địa bàn huyện Minh Hóa đang nỗ lực để học sinh có đủ sách bước vào năm học mới.
Khó khăn trước thềm năm học mới
Phần lớn học sinh các trường miền núi huyện Minh Hóa đều là con em người dân tộc thiểu số, bố mẹ các em quanh năm chỉ làm nương rẫy, thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Để mua được bộ sách mới với giá gần 300.000 đồng cho con học tập là một điều rất khó đối với các bậc phụ huynh.
Từ trước đến nay, để có đủ sách cho các em trong năm học mới, nhiều nhà trường đã phải nỗ lực kêu gọi nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, đơn vị, tổ chức, đồng thời phải bỏ thêm kinh phí để hỗ trợ.
Năm học mới đã cận kề và nỗi lo thiếu sách cho học trò khiến nhiều nhà trường hết sức trăn trở.
Thầy Cao Viết Hương - Hiệu trưởng trường phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trọng Hóa, cho biết, năm học 2021-2022, sau tuyển sinh lớp 6 nhà trường có tổng 507 học sinh, 100% là con em người dân tộc thiểu số.
Nhà trường sẽ đón các em Tiểu học bước vào năm học mới theo kế hoạch. Còn đối với các em THCS ở bán trú tại trường, dự kiến đầu tháng 9 các em sẽ trở lại trường.
"Do điều kiện kinh tế khó khăn nên khả năng mua sách của phụ huynh cho con em bước vào năm học mới là rất khó. Nhà trường buộc phải đặt mua trước 62 bộ sách lớp 2; 49 bộ sách lớp 6, còn đối với sách lớp 1, trường đang nỗ lực kêu gọi nguồn hỗ trợ. Băn khoăn lớn nhất đó là trường chưa có đủ kinh phí để thanh toán tiền sách đã đặt mua cho học sinh ở năm học 2021-2022" - thầy Hương cho biết.
Ngoài sự hỗ trợ của ngành giáo dục địa phương, nhà trường còn kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân để các em có đủ sách học tập.
Theo kế hoạch, sau khi số sách nhà trường đặt mua được đơn vị cung ứng chuyển về, nhà trường sẽ thông tin cho phụ huynh, vận động những gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khó khăn mua sách cho con em mình trong năm học mới. Số em còn lại thiếu sách không có khả năng mua, nhà trường sẽ phải kêu gọi và tìm mọi cách để hỗ trợ cho các em.
Nỗ lực để trò có đủ sách
Trước thềm năm học mới, ngoài nỗi lo về việc thiếu sách đối với khối lớp 2 và lớp 6 thì nhiều trường cũng lo lắng về số lượng sách ở các khối lớp để cho các em sử dụng trong năm học mới.
Bởi lẽ, những bộ sách cũ năm ngoái được nhà trường kêu gọi hỗ trợ và mua cho các em sử dụng, sau khi kết thúc năm học mặc dù các em đã trả lại cơ bản đầy đủ. Nhưng qua rà soát, nhiều cuốn sách đã hư hỏng mất trang, bị ướt, rách không thể sử dụng được nữa.
Sở GD&ĐT Quảng Bình đã phân bổ sách giáo khoa hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022.
Do các học sinh của trường hoàn cảnh còn khó khăn, cặp sách cũng như các túi bảo quản sách cũng không có, đường đi học thì suối đèo, lầy lội, vượt cả mấy cây số, nên sách thường bị ướt, bị bẩn, nhòe trang...
Cùng chung nỗi lo thiếu sách giáo khoa, thầy Nguyễn Văn Chương - Hiệu trưởng trường phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Dân Hóa cho hay dự kiến sau khi hoàn thiện tuyển sinh lớp 6, tổng học sinh toàn trường là 530 em, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 97%.
"Hiện tại nhà trường cũng đang lo lắng về việc các em thiếu sách trong năm học mới. Nhà trường đang cố gắng vận động những hộ gia đình đã thoát nghèo, khá giả mua sách cho con em. Các em gia đình khó khăn thì nhà trường sẽ nỗ lực kêu gọi và hỗ trợ để các em có đủ sách để học tập.", thầy Chương cho biết.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa, đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn nên phụ huynh không có khả năng mua sách cho con đến trường.
Được biết, căn cứ đề nghị của các phòng Giáo dục Đào tạo; sự hỗ trợ từ nhà sách, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã có quyết định về việc phân bổ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022. Các trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa được hỗ trợ 199 bộ sách giáo khoa, trong đó sách lớp 1 là 120 bộ; lớp 2 là 60 bộ; lớp 6 là 19 bộ ( dành cho trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa).
Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Minh Hóa cho biết: "Hiện tại, phòng đã tiếp nhận số sách hỗ trợ theo quyết định của Sở, sẽ tiến hành phân bổ về cho các trường để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó sẽ thông tin đến các trường để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các em, đảm bảo tất cả học sinh có đủ sách trong năm học mới."
Hiện nay nhiều trường học ở huyện Minh Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung, đang nỗ lực để đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh bước vào năm học mới, phục vụ tốt công tác dạy và học.
Giãn cách xã hội, phụ huynh chật vật tìm sách giáo khoa cho con Chưa đầy 2 tuần nữa là đến ngày học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới 2021-2022. Tại nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, việc đi mua SGK cho con của nhiều phụ huynh cũng gặp khó bởi tất cả các cửa hàng sách đều đóng cửa. Những năm học trước, vào đầu tháng 8, chị Nguyễn...