Hương vị quê hương: Thanh mát canh rong mứt ngày hè
Ở làng bãi ngang Phổ Châu (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), dân nạo rong mứt có câu vè nghe… thân phận lắm: “Cũng vì rong mứt ngọt lành/Mà anh té hố ngã gành bao phen”.
Canh rong mứt ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
“Rong mứt đứng nhứt trong các loài rong biển”. Tất nhiên đây không phải là xếp hạng của tổ chức nào, mà chỉ là đánh giá dựa trên trải nghiệm bao đời ăn rong mứt của cư dân vùng biển. Cứ cho rằng đánh giá đó là cảm tính nhưng nghe rất cảm tình. Đời rong mà, “danh hiệu” một chút cũng phải thôi. Với lại chuyện ẩm thực vốn không có chừng có mực. Cũng món đó nhưng kẻ khen người chê. Phân tích rạch ròi, chi li đôi khi… phi ẩm thực.
Video đang HOT
Rong mứt hay lập làng lập xóm trên những gành đá dọc theo chân sóng. Thời điểm nạo loại rong này thường là mùa đông mưa dầm gió bấc. Những bãi đá gập ghềnh, cheo leo, hang hố hiểm hóc là nơi rong mứt mọc nhiều. Với miếng nhôm mỏng và cái giỏ tre mang trên lưng, người đi nạo rong mứt coi cái té nhẹ tựa lông hồng vì phải đi trên đá ẩm ướt. Trơn trượt hoặc sóng bổ bất ngờ, người nạo rong nào cũng trải qua. Mình mẩy xây xước, u đầu mẻ trán cũng là chuyện thường. Biết vậy nhưng tới tháng 9 tháng 10 ta, nghe rong mứt “gọi” dưới mé gành là xách giỏ đi ngay.
Người nạo rong mứt để bán thì cơm đùm cơm bới đem theo, đi từ sáng tới xế chiều mới về. Còn nạo rong mứt kiểu “văn nghệ” như mấy ông xóm tôi thì nhẹ hều. Cũng mang tơi đội nón, cũng miếng nhôm “chuyên nghiệp” và cái giỏ tre lủng lẳng như ai, nhưng nạo áng chừng đủ nồi canh thì quay sang bắt thêm mấy con cua, con ốc nữa là quay về, ưỡn ngực trước thềm nhận lời khen “anh xã tuyệt vời” của vợ.
Xưa giờ, canh rong mứt là món canh trong mùa đông và của mùa đông. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm trước. Còn bây giờ, dân làng chài đã biết ăn biết để. Ngoài ăn tươi rong mứt, họ đã sấy khô, ép thành từng bánh, cấp đông để dành ăn dần. Bằng cách này, họ đã đưa rong mứt từ chỗ chỉ loanh quanh trong mùa đông “chu du” khắp ba mùa còn lại. Nhà nào trữ nhiều, mùa du lịch có thể bày ra trước hiên nhà bán cho khách vãng lai, khoảng 300.000 đồng/kg. Người làng với nhau, nghe thèm canh rong mứt thì “chia” lại từ hàng xóm với giá mềm, kiểu vừa bán vừa cho. Vậy nên những bữa cơm giữa mùa hè oi bức vẫn nghe mùi canh rong mứt dậy lên.
Canh rong mứt có nhiều “thể loại” lắm. Nó có thể “phối” với tôm (tươi hoặc khô), cua, thịt, hàu, hến, trứng gà, trứng cút… Cách nấu cũng đơn giản thôi. Một chút dầu ăn phi với hành tỏi cho thơm rồi tao sơ với một trong những nguyên liệu vừa kể. Đổ nước vào nồi, nấu cho sôi rồi trút một chén rong mứt vào đảo nhẹ. Chờ sôi lại thì nêm nếm gia vị, nên thêm vài lát gừng tươi. Đấy là nấu với rong mứt tươi. Còn rong mứt khô thì phải ngâm nước âm ấm cỡ mười phút cho mềm trước khi nấu.
Với những gia đình nghèo khó thì món “ruột” là rong mứt nấu canh với rau tập tàng. Gọi là “rau tập tàng” vì đó là tập hợp các loại rau mọc sẵn trong vườn như rau má, rau dền, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, ngò tàu… Nồi canh “toàn lá” này không cần dầu mỡ gì, chỉ cần nêm chút xíu muối sống là “chồng chan vợ húp, gật gù khen ngon”. Rau tập tàng cùng rong mứt đã mềm trong canh, chấm với mắm ớt tỏi cũng đủ ngon líu lưỡi. Cái này đã thành nỗi nhớ của những ai sinh ra trong các vùng quê “đất cày lên sỏi đá”.
Dù nấu với thực phẩm nào thì rong mứt vẫn ấn tượng ở cái vị chua thoang thoảng, thơm dìu dịu, ngọt nhẹ nhàng, mằn mặn vừa đủ “cảm giác biển”. Ăn rong mứt nhớ nhứt là… cái điệu sừn sựt khi nhai. Bữa cơm ngày hè nóng bức, canh rong mứt cho cả nhà cái cảm giác thanh mát, ngọt lành.
Nhớ canh tập tàng mẹ nấu chiều mưa
Xa quê nhớ xóm nhớ làng/Nhớ canh tập tàng mẹ nấu chiều mưa. Không rõ, ở các vùng quê khác có lưu truyền câu ca dao trên không, nhưng ở quê tôi thì chẳng mấy ai lại không biết.
Biết và thuộc lòng, để rồi không ít người vì lý do nào đó phải xa quê, ngồi đọc thầm, nhớ về món rau độc đáo trong nỗi nhớ chung về xóm làng, mẹ cha, quê kiểng...
Tập tàng không phải là tên gọi của một loại rau cụ thể mà tập hợp từ nhiều loại rau. Điều này ai cũng biết, nhưng có lẽ chỉ những người từng sống ở làng quê mới có nhiều kỷ niệm với nó. Quê tôi là một vùng quê của miền Trung, mùa hè đến, nắng hạn, đất khô nứt nẻ, mùa đông tới, mưa lũ tràn về, ruộng đồng, vườn tược ngập úng. Vào những ngày như thế, trồng rau không phải dễ, vì vậy, để có món rau lụt hoặc canh rau, bọn nhỏ chúng tôi thường bưng rổ đi hái... rau tập tàng.
Những ngọn rau muống còn sót, mọc lẻ loi bên bờ ruộng hay những ngọn khoai lang còn tím màu nằm khuất trong đám cỏ ở góc vườn; những bụi rau sam, rau dền, rau má, những cây rau tàu bay mọc ven lối đi; những cọng rau hoang mảnh khảnh thuộc họ dây leo như lạc tiên, miên quy... bò trên bờ rào, đều được chúng tôi hái hết. Thậm chí những bông điên điển nở vàng trên những đám ruộng sâu, chúng tôi cũng rủ nhau xắn quần, bì bõm đi hái cho bằng được.
Rau tập tàng lụt đã ngon, canh rau tập tàng càng không thể chê vào đâu được, nhất là khi nấu với tôm tép, cua đồng hay cá bống. Có lẽ cũng vì thế mà ở quê tôi người ta hay hát ru con bằng mấy câu ca: Con bống còn ở trong hang/Cái rau tập tàng còn ở ruộng sâu/Ta về sắm cái cần câu/Câu lấy con bống nấu rau tập tàng/Mặc ai giàu có, cao sang/Mình rau tập tàng sớm tối có nhau/Mai sau dù đã bạc đầu/Chàng ơi, hãy nhớ món rau nghĩa tình...
Ngon, dân dã, và theo năm tháng, tập tàng đã trở thành nghĩa tình, hóa thân vào ca dao. Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp tham dự một cuộc hội thảo về văn học - nghệ thuật ở Tây Ninh. Buổi tối, một số anh em rủ nhau đi thưởng thức món bánh canh và bánh tráng phơi sương cuốn thịt theo cùng rau rừng nổi tiếng ở Trảng Bàng. Nhìn đĩa rau ngồn ngộn lá tím, lá xanh mà theo lời chủ quán toàn là loại lá mọc hoang với những cái tên rất lạ như: sao nhái, trâm ổi, đọt chọi..., chúng tôi ai nấy vô cùng ngạc nhiên, bàn tán. Hôm ấy, trong bàn ăn, số anh em người của các địa phương thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam đều có đủ. Bàn về rau rừng Tây Ninh, sau đó ai nấy sôi nổi nói về món canh rau tập tàng ở quê mình. Hóa ra, cả ba miền nước ta nơi nào cũng có món canh rau tập tàng. Một anh bạn là nhà văn, quê ở Huế giải thích, ở quê anh, người ta cho rằng, tập tàng là do đọc trại từ chữ thập toàn. Nói rồi anh còn đọc cho mọi người nghe một câu ca dao ở quê mình: Tập tàng nấu với mắm tôm/Vợ chồng hú hí sớm hôm ai bằng...
Loại rau mọc dại nay thành hàng "hot" vì nấu canh ăn ngon lại mát Ở loại rau đặc biệt này, người ta tìm thấy vị thanh dịu, chua nhẹ, một màu đỏ tía đặc trưng của thân khiến cho rau sam không lẫn vào đâu được. Mùa hè là mùa nắng nóng nhưng cũng là mùa của rất nhiều loại rau củ quả tươi ngon. Trong mùa nóng bức như thế này, có rất nhiều người ưa...