Hương vị quê hương: Canh ‘rau biển’ giữa ngày đông tháng giá
Canh rong mứt ngào ngạt thơm từ bếp xuống mâm, từ mâm thơm ra chén rồi từ chén thơm vào các giác quan có chức năng “thẩm định” hương vị ẩm thực.
Canh rong mứt ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
“ Rau biển” là cách nói ví von của dân chài, để chỉ loài rong mứt ngon nức tiếng so với các loài rong biển khác. Không ngon sao cô gái làng hát ghẹo anh chàng “lữ thứ” đi ngang nhà mình như này: “Vô đây huớ bạn vô đây/ Canh rong nóng hổi em đã bày ra mâm”.
Người ta cũng hay gọi rong mứt là “rau đá” hoặc “mầm đá” vì “rau” mọc trên đá. Điều kiện tự nhiên để “rau” phát triển là độ ẩm của đá, độ mặn của bọt biển và độ lạnh của thời tiết.
Giờ trong gian bếp ấm, rong mứt chín trong canh, vẫn nghe được cái mùi bọt sóng, mùi biển khơi, mùi của những tảng đá ẩm ướt
Video đang HOT
Mùa đông năm nay, mấy đợt lạnh liên tiếp khiến miền Trung đã “eo” giờ như “teo” thêm. Lạnh 14 – 15 độ C làm người ta nhớ bếp lửa. Nhưng nhiều người khác lại nhớ mùa rong mứt. Ngoài gành, rong mứt đang phủ dày lên những tảng đá ướt sũng. Chỉ với tấm áo mưa phong phanh, một mảnh kim loại mỏng để nạo rong, một cái xô đựng “chiến lợi phẩm”, người ta rủ nhau ra gành nạo rong mứt. Đa số người làm việc này là phụ nữ vì hầu hết đàn ông đang ở ngoài khơi.
Nói rong mứt là “chiến lợi phẩm” của họ quả không ngoa tí nào. Đúng là “chiến” thật đấy. Khi nạo rong, họ ngồi trên mỏm đá nhoài ra mé biển. Phiến đá nào cũng trơn nhẵn, lại còn chênh vênh, chuyện trượt té có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã hết đâu? Những ngọn sóng cao bất ngờ xô vào người nạo rong. Biết né đường nào? Chỉ còn cách dùng ngón tay, ngón chân bám chặt vào đá, ngồi thu lu, cúi đầu chịu trận và nghĩ đến vị thần may mắn.
Khổ một cái, tảng đá nào càng gần chân sóng, càng cheo leo thì càng có nhiều rong hơn. Nạo rong ở “tọa độ” này… ớn lắm. Nhưng mà sướng.
Nạo chưa hết tiếng đồng hồ đã đầy một xô lớn. Với cái giá 300.000 đồng một ký rong tươi, hơn 2 triệu đồng một ký rong khô, những người nạo rong mứt chấp nhận đối mặt với nguy hiểm. Bởi lẽ tiền từ rong mứt sẽ biến thành sách vở, quần áo, cơm gạo, tết nhứt… cho cả gia đình.
Rong mứt thường được chế biến thành món xào với thịt ba chỉ hoặc bóp gỏi với nấm rơm và thịt bằm. Nhưng được ưa chuộng hơn cả là món canh nấu với tôm (khô hoặc tươi). Rong mứt mua về, chỉ cần rửa qua nước lạnh vài dạo để xả chất mặn rồi để ráo là có thể chế biến được rồi. Tôm rửa sạch, lột vỏ, giã dập. Phi dầu với tỏi cho thơm rồi trút tôm vào đảo nhẹ cho thịt tôm săn lại. Cho một lượng nước vừa đủ dùng vào nồi, nước sôi, tôm chín thì trút rong mứt vào, canh lửa nhỏ và chờ nước sôi lại rồi nêm nếm tùy khẩu vị. Đập một quả trứng gà đựng trong chén, dùng đũa đảo vài vòng cho lòng trắng hòa vào lòng đỏ rồi trút vào nồi canh; vừa trút vừa khuấy nhẹ để dung dịch trứng gà tạo thành những sợi mảnh mai, lan tỏa đều khắp nồi canh. Lúc này bắc nồi xuống, rắc một ít ngò và tiêu nữa là múc canh ra tô thưởng thức.
Canh rong mứt ngào ngạt thơm từ bếp xuống mâm, từ mâm thơm ra chén rồi từ chén thơm vào các giác quan có chức năng “thẩm định” hương vị ẩm thực. Khi còn sống ngoài gành, rong mứt thơm một cách “hoang dại” trong cái lạnh của khí trời. Giờ trong gian bếp ấm, rong mứt chín trong canh, vẫn nghe được cái mùi bọt sóng, mùi biển khơi, mùi của những tảng đá ẩm ướt. Đó là vị đặc trưng, độc đáo, làm nên bản sắc không thể lẫn của canh rong mứt. Vì vậy, người lần đầu thưởng thức đã thấy ấn tượng ngay. Còn người đã từng “duyên” với rong mứt thì có cảm giác hân hoan như lâu ngày gặp lại người bạn thân, là “sứ giả” của biển vào thăm đất liền.
Dù chan với cơm nóng hay dùng riêng như món súp, người ăn vẫn nghe từng sợi rong mứt mềm mại, sừn sựt, giòn giòn. Mùi thịt tôm chan hòa với rong mứt nghe “xuôi” cái lưỡi lắm. Cũng không thể không nhắc tới hương “chìm” của rau ngò, hương “nổi” của những “bé hạt tiêu”. Tất cả đều đồng điệu để làm nên nồi canh “rau biển” ấm áp giữa ngày đông tháng giá.
Hương vị quê hương: Thanh mát canh rong mứt ngày hè
Ở làng bãi ngang Phổ Châu (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), dân nạo rong mứt có câu vè nghe... thân phận lắm: "Cũng vì rong mứt ngọt lành/Mà anh té hố ngã gành bao phen".
Canh rong mứt ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
"Rong mứt đứng nhứt trong các loài rong biển". Tất nhiên đây không phải là xếp hạng của tổ chức nào, mà chỉ là đánh giá dựa trên trải nghiệm bao đời ăn rong mứt của cư dân vùng biển. Cứ cho rằng đánh giá đó là cảm tính nhưng nghe rất cảm tình. Đời rong mà, "danh hiệu" một chút cũng phải thôi. Với lại chuyện ẩm thực vốn không có chừng có mực. Cũng món đó nhưng kẻ khen người chê. Phân tích rạch ròi, chi li đôi khi... phi ẩm thực.
Rong mứt hay lập làng lập xóm trên những gành đá dọc theo chân sóng. Thời điểm nạo loại rong này thường là mùa đông mưa dầm gió bấc. Những bãi đá gập ghềnh, cheo leo, hang hố hiểm hóc là nơi rong mứt mọc nhiều. Với miếng nhôm mỏng và cái giỏ tre mang trên lưng, người đi nạo rong mứt coi cái té nhẹ tựa lông hồng vì phải đi trên đá ẩm ướt. Trơn trượt hoặc sóng bổ bất ngờ, người nạo rong nào cũng trải qua. Mình mẩy xây xước, u đầu mẻ trán cũng là chuyện thường. Biết vậy nhưng tới tháng 9 tháng 10 ta, nghe rong mứt "gọi" dưới mé gành là xách giỏ đi ngay.
Người nạo rong mứt để bán thì cơm đùm cơm bới đem theo, đi từ sáng tới xế chiều mới về. Còn nạo rong mứt kiểu "văn nghệ" như mấy ông xóm tôi thì nhẹ hều. Cũng mang tơi đội nón, cũng miếng nhôm "chuyên nghiệp" và cái giỏ tre lủng lẳng như ai, nhưng nạo áng chừng đủ nồi canh thì quay sang bắt thêm mấy con cua, con ốc nữa là quay về, ưỡn ngực trước thềm nhận lời khen "anh xã tuyệt vời" của vợ.
Xưa giờ, canh rong mứt là món canh trong mùa đông và của mùa đông. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm trước. Còn bây giờ, dân làng chài đã biết ăn biết để. Ngoài ăn tươi rong mứt, họ đã sấy khô, ép thành từng bánh, cấp đông để dành ăn dần. Bằng cách này, họ đã đưa rong mứt từ chỗ chỉ loanh quanh trong mùa đông "chu du" khắp ba mùa còn lại. Nhà nào trữ nhiều, mùa du lịch có thể bày ra trước hiên nhà bán cho khách vãng lai, khoảng 300.000 đồng/kg. Người làng với nhau, nghe thèm canh rong mứt thì "chia" lại từ hàng xóm với giá mềm, kiểu vừa bán vừa cho. Vậy nên những bữa cơm giữa mùa hè oi bức vẫn nghe mùi canh rong mứt dậy lên.
Canh rong mứt có nhiều "thể loại" lắm. Nó có thể "phối" với tôm (tươi hoặc khô), cua, thịt, hàu, hến, trứng gà, trứng cút... Cách nấu cũng đơn giản thôi. Một chút dầu ăn phi với hành tỏi cho thơm rồi tao sơ với một trong những nguyên liệu vừa kể. Đổ nước vào nồi, nấu cho sôi rồi trút một chén rong mứt vào đảo nhẹ. Chờ sôi lại thì nêm nếm gia vị, nên thêm vài lát gừng tươi. Đấy là nấu với rong mứt tươi. Còn rong mứt khô thì phải ngâm nước âm ấm cỡ mười phút cho mềm trước khi nấu.
Với những gia đình nghèo khó thì món "ruột" là rong mứt nấu canh với rau tập tàng. Gọi là "rau tập tàng" vì đó là tập hợp các loại rau mọc sẵn trong vườn như rau má, rau dền, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, ngò tàu... Nồi canh "toàn lá" này không cần dầu mỡ gì, chỉ cần nêm chút xíu muối sống là "chồng chan vợ húp, gật gù khen ngon". Rau tập tàng cùng rong mứt đã mềm trong canh, chấm với mắm ớt tỏi cũng đủ ngon líu lưỡi. Cái này đã thành nỗi nhớ của những ai sinh ra trong các vùng quê "đất cày lên sỏi đá".
Dù nấu với thực phẩm nào thì rong mứt vẫn ấn tượng ở cái vị chua thoang thoảng, thơm dìu dịu, ngọt nhẹ nhàng, mằn mặn vừa đủ "cảm giác biển". Ăn rong mứt nhớ nhứt là... cái điệu sừn sựt khi nhai. Bữa cơm ngày hè nóng bức, canh rong mứt cho cả nhà cái cảm giác thanh mát, ngọt lành.
Ký ức cơm cháy Bao năm rồi tôi vẫn không quên được mùi vị ấy, mùi của khói củi rừng, lá cây khô, vị của lúa gạo đồng quê, nắng mưa quyện hòa trong miếng cơm cháy vàng giòn của tuổi thơ thôn dã. Giữa nhịp sống đủ đầy tiện nghi, đôi lúc lòng quay quắt thèm hương vị chất phác của những năm tháng bếp than...