Hướng truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội
Hội thảo khoa học quốc tế “ Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” vừa được tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội.
Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức.
Tham dự Hội thảo có ông Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng hơn 100 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giảng viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí, chuyên gia báo chí-truyền thông của Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vi Quang Đạo – Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho hay:
Để chính sách sát với thực tiễn cuộc sống, được cuộc sống đón nhận, thể hiện được sự đồng thuận giữa cơ quan ban hành và đối tượng thụ hưởng thì ngoài những yếu tố không thể thiếu như năng lực, trình độ, nhận thức… của những người trực tiếp soạn thảo chính sách thì ngày nay, việc truyền thông về chính sách đang ngày càng có vai trò quan trọng.
Thực tiễn đã chứng minh truyền thông tham gia chặt chẽ vào mọi khâu liên quan đến chính sách, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi, điều chỉnh chính sách.
Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” vừa được tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh)
“Ở Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chú ý đến công tác truyền thông chính sách.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định.
Quan điểm này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, hướng vào phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Vi Quang Đạo nhấn mạnh.
Tham luận đề dẫn hội thảo, Phó giáo sư Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định:
Video đang HOT
“Truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách.
Hiệu quả của truyền thông chính sách không chỉ quyết định sự thành công của từng chính sách riêng lẻ mà còn góp phần bảo đảm năng lực điều hành của Chính phủ cũng như năng lực cầm quyền của Đảng.
Việc nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách càng có ý nghĩa hơn khi Chính phủ đương nhiệm làm việc quyết liệt với tinh thần kiến tạo và hành động”.
Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông chính sách tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Uhm Seung Yong – Giám đốc Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc cho biết:
Chính phủ Hàn Quốc áp dụng quy chế hoạt động của truyền thông chính sách quốc gia dưới dạng nghị định với tất cả các hoạt động truyền thông của các cơ sở của Chính phủ, từ việc trưng cầu dân ý đến việc thông báo các chính sách của Chính phủ.
Cũng theo Tiến sĩ Uhm Seung Yong, vốn xã hội là nhân tố chính tạo nên hiệu quả của truyền thông chính sách và góp phần xây dựng niềm tin của người dân với chính phủ.
Nếu như những kết quả cụ thể của chính sách có thể là mục tiêu của truyền thông chính sách trong ngắn hạn thì việc xây dựng niềm tin của người dân với chính phủ phải là kết quả của truyền thông chính sách trong dài hạn.
Niềm tin của người dân là yếu tố quan trọng trong việc ổn định chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công. Nếu không có mối quan hệ tin cậy giữa người dân và chính phủ, truyền thông chính sách không thể thực hiện tốt.
Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông chính sách trong việc tạo ra sự đồng thuận xã hội;
Nêu ra những bài học kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc về truyền thông chính sách và kiến nghị các giải pháp để xây dựng mô hình truyền thông chính sách phù hợp cho chính phủ kiến tạo của Việt Nam.
Theo GDVN
Muốn tinh giản biên chế hiệu quả phải đánh giá được đội ngũ cán bộ
"Muốn tinh giản phải dựa trên cơ sở đánh giá thực chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Còn như cắt giảm theo con số cơ học 10-15% sẽ thiếu cơ sở khoa học, có khi không đáp ứng được yêu cầu của đất nước hiện nay", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nói khi trao đổi với Dân Việt.
Hôm nay (30.10), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng.
Khi nghiên cứu về báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ông thấy nổi lên vấn đề gì?
- Qua nghiên cứu tôi thấy báo cáo đó chưa đưa ra được đánh giá về chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức hiện nay. Đây là vấn đề tôi quan tâm có thể sẽ có phát biểu trước Quốc hội.
Tôi cho rằng muốn cải cách, tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là con người. Nếu như chất lượng của đội ngũ cán bộ không đảm bảo thì tinh giản sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy. Muốn tinh giản phải dựa trên cơ sở đánh giá thực chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Còn như cắt giảm theo con số cơ học 10-15% sẽ thiếu cơ sở khoa học, có khi không đáp ứng được yêu cầu của đất nước hiện nay.
Tại sao trong tổ chức bộ máy của chúng ta phải sinh ra nhiều bộ phận, nhiều cục, nhiều đơn vị, nhiều tầng nấc trung gian?
- Thực ra việc này là do xuất phát từ thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Trong một số lĩnh vực hiện nay khi bàn thảo chúng ta vẫn đặt vấn đề cần phải có con người, có bộ máy mới thực hiện được việc đó. Ví dụ như sắp tới Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng. Đây là vấn đề rất mới, muốn bảo vệ an ninh mạng thì phải có lực lượng để làm nhiệm vụ. Lực lượng này được tổ chức như thế nào, đòi hỏi chất lượng ra sao, tuyển chọn con người như thế nào đó là những vấn đề phải bàn.
Quan điểm của tôi là tinh giản biên chế tùy từng chỗ, từng lĩnh vực chứ không phải tinh giản đại trà. Muốn tinh giản một cách thực chất thì phải đánh giá được đội ngũ cán bộ, tinh giản phải đi liền với cơ cấu tổ chức lại bộ máy.
Theo thống kê trong bộ máy hành chính của chúng ta tỷ lệ người có bằng tiến sĩ khá lớn. Tuy nhiên có thể thấy ở một số bộ, ngành có tỷ lệ cán bộ là tiến sĩ lớn như vậy nhưng trong lĩnh vực đó lại vẫn tồn tại nhiều bức xúc, hoạt động chưa đạt được yêu cầu đạt ra.
Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là tình trạng trong một cơ quan, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, nhiều cấp phó, rồi chuyện bổ nhiệm người thân nhưng không đủ tiêu chuẩn, báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều không thưa ông?
- Trong số liệu thấy chỉ có một số bộ ngành, địa phương có nhiều lãnh đạo, nhiều cấp phó chứ không phải tất cả. Chuyện phát sinh số lượng cấp phó là do sáp nhập một số ngành, đơn vị vào với nhau. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề đặt ra khi chúng ta tổ chức bộ máy phải tiến hành sắp xếp ngay lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm sao đảm bảo hoạt động đúng theo quy định, đồng thời tránh công việc phân ra nhiều người phụ trách. Như vậy sẽ không có sự kết nối, khi xử lý công việc phải qua nhiều bộ phận làm ảnh hưởng đến hoạt động của lĩnh vực đó.
Ban chấp hành T.Ư lần thứ 6 khóa XII đã ra Nghị quyết về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng điều quan trọng phải sớm được thể chế hóa thưa ông?
- Tất nhiên việc đầu tiên phải thể chế hóa Nghị quyết của Ban chấp hành T.Ư trong hoạt động lập pháp, từ đó triển khai tổ chức mô hình bộ máy cho phù hợp với cải cách hành chính theo tinh thần Chính phủ kiến tạo. Điều đó có nghĩa là chuyển từ Nhà nước điều hành theo kiểu trực tiếp như trước đây sang tạo môi trường, tạo thể chế cho các lĩnh vực hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường sự giám sát, sự kiểm tra nhưng không can thiệp quá sâu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tôi nghĩ cách làm phải hết sức thận trọng, phải có giải pháp cụ thể bởi như Tổng Bí thư nói đây là vấn đề rất khó, rất nhạy cảm. Không thể ngay một lúc chúng ta tổ chức, sắp xếp được bộ máy theo yêu cầu đề ra. Cần phải làm thận trọng, khách quan. Nhìn dưới góc độ quốc phòng, an ninh thì đây là vấn đề dễ gây bức xúc xã hội, dễ gây phát sinh ra những vấn đề mâu thuẫn, chính vì thế cần phải có sự quan tâm làm sao tạo được sự đồng thuận lớn, tránh những chuyện người dân bức xúc có phản ứng tiêu cực. Từ đó, kẻ xấu sẽ lợi dụng xuyên tạc, chống phá làm ảnh hưởng đến việc tổ chức lại bộ máy của chúng ta.
Trên cơ sở của cuộc giám sát lần này Quốc hội sẽ đưa ra Nghị quyết, tuy nhiên còn phải bàn thảo nhiều để đi tới sự thống nhất. Khi có Nghị quyết của Quốc hội, đi cùng với đó là rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung một số luật để thực hiện mục tiêu và yêu cầu như Ban chấp hành T.Ư đề ra. Tôi nghĩ việc này phải làm quyết liệt nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng đất nước trong tình hình mới khi mà chúng ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế hiệu quả, theo ông cần phải chú trọng vào vấn đề gì?
- Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn liền với trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Lâu nay chúng ta nói cải cách bộ máy nhưng bộ máy càng phình ra, chính là chúng ta chưa xác định được trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong tổ chức, quản lý bộ máy. Chính vì thế mới phát sinh ra chuyện thừa biên chế, biên chế không đúng cơ cấu, đội ngũ cán bộ không đáp ứng được yêu cầu.
Gắn liền với sắp xếp, tổ chức bộ máy điều rất quan trọng là xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó mới xác định được số lượng công chức, viên chức trong bộ máy thế nào. Tôi rất tâm đắc với quan điểm của chúng ta hiện nay, một việc chỉ do một cơ quan đảm nhiệm, một cơ quan có thể đảm nhận nhiều việc, một công chức, viên chức có thể đảm nhận và làm được nhiều việc. Từ yêu cầu đó đòi hỏi việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, so sánh thời điểm 2011 với tháng 12.2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5. Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7.
Theo Danviet
Khai giảng khóa II chương trình cử nhân quốc tế truyền thông và quảng cáo Ngày 26/10, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền tổ chức lễ khai giảng khóa II, chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông. Đây là chương trình được thực hiện theo phương thức nhượng quyền giữa Đại học Middlesex, Vương quốc Anh và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và là chương trình đào...