Hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người
Theo Dự báo dân số thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc, tháng 11/2022, dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người.
Thời điểm thế giới chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết nhiều thách thức cấp bách nhân loại đang phải đối mặt.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN
Nhiều thành tựu
Năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người. Tuổi thọ trung bình toàn cầu cũng tăng lên. Cụ thể, vào năm 2019, tuổi thọ trung bình đạt 72,8 tuổi. Ở nhiều nước đang phát triển, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 64 tuổi) ngày càng tăng. Kết quả này có được là nhờ những tiến bộ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong y tế đã kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nước ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt gần 15 năm qua. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện rõ rệt.
Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng và đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% tổng dân số. Giai đoạn này dự kiến kéo dài khoảng 30 – 40 năm, tối đa là 45 năm.
Trong 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm, từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 tuổi (2020). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Thành công của công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình trong hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4). Năm 1999, Việt Nam được nhận giải thưởng về Dân số của Liên Hợp Quốc.
Không ít thách thức
Tuy đạt được nhiều thành tựu trong những thập kỷ qua nhưng công tác dân số trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, thời điểm dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người đặt ra nhiều thách thức cấp bách, có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như: Biến đổi khí hậu, xung đột và COVID-19… Đây là những vấn đề đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương.
Trên thế giới hiện nay, có hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học và Trung học có chất lượng… Phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình; thậm chí ở nhiều quốc gia đang có sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ.
Tại Việt Nam, công tác dân số đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Dù nước ta đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân của một phụ nữ là 2,1 con) từ năm 2006 và duy trì đến nay nhưng nước ta đang đối mặt với tình trạng mức sinh chêch lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng.
Hiện, nước ta có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 41 triệu người, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp có quy mô dân số là 38 triệu người. Vấn đề này gây tác động rất lớn đến phát triển nhanh và bền vững cho đất nước.
Mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam, thiếu nữ đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21, tuy diễn ra muộn hơn so với một số nước trong khu vực nhưng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống từ năm 2006 đến nay và ngày càng có xu hướng lan rộng, cả thành thị và nông thôn . Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ và gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội.
Video đang HOT
Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng (2 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người phụ thuộc) – chỉ diễn ra duy nhất trong lịch sử dân tộc và kéo dài 30-40 năm). Nếu không tận dụng tốt cơ hội, kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ gặp khó khăn, thách thức khi “dân số vàng” trở thành “dân số già” dự báo sau năm 2035.
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài…
Hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người
Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”.
Thế giới đang có dân số đông đảo và sự đa dạng nhân khẩu học hơn bao giờ hết. Để thích ứng được với sự thay đổi nhân khẩu học này, Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc cho rằng, cần bắt đầu bằng một cam kết, đó là: Không chỉ đếm số lượng người trên thế giới, mà còn cần nhận ra các cơ hội để phát triển và vượt qua thách thức. Việc chỉ tập trung hoàn toàn vào tổng dân số và tỷ lệ tăng trưởng là một thiếu sót, thường dẫn đến các biện pháp cưỡng chế và phản tác dụng, từ đó gây ảnh hưởng tới quyền con người. Trên thực tế, con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Khi các quyền và sự lựa chọn của tất cả người dân được bảo vệ để ai cũng được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, được trao quyền và cơ hội, thì nhân loại sẽ có được “chìa khóa vạn năng” giúp khai phá tiềm năng của tất cả mọi người; từ đó giải quyết những thách thức đang đe dọa xã hội và các vấn đề toàn cầu khác…
Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc kêu gọi thay đổi các chuẩn mực xã hội tạo ra phân biệt đối xử gây cản trở tới sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Điều này giúp xây dựng một nền kinh tế phù hợp cho tất cả mọi người, thay vì chỉ phù hợp với một số ít người và sử dụng hợp lý các nguồn lực để có thể giảm thiểu rủi ro và đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, các Chính phủ có thể thực hiện các chính sách dân số lấy người dân làm trọng tâm, cùng với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền làm cốt lõi. Khu vực tư nhân có thể phát triển các giải pháp sáng tạo, khai thác sức mạnh của sự đổi mới và công nghệ vì lợi ích toàn cầu…
Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn, mọi người đều được phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Công tác dân số của Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế của những thành tựu, vượt qua những khó khăn, thách thức để nâng cao chất lượng dân số; góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước khi có sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức trong nước và quốc tế.
Các quốc gia Đông Á đau đầu với thảm hoạ dân số vì xu hướng không sinh con
Nhật Bản từ lâu đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng dân số tồi tệ nhất. Giờ đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, trong khi tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn.
Theo tờ Korea Times, vào năm 2021, trung bình một phụ nữ Hàn Quốc sinh ra 0,81 đứa trẻ, mức thấp nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1970.
Trung Quốc không công bố tỷ lệ sinh chính thức vào năm 2021. Song theo ước tính từ một nhóm các nhà nhân khẩu học - bao gồm Liang Jianzhang, Ren Zeping và He Yafu - con số này là 1,15, giảm đáng kể so với mức 1,3 một năm trước đó.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp ở các quốc gia phát triển bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như mức sống, chất lượng giáo dục và quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở các nước chưa phát triển thường có xu hướng cao hơn, do các gia đình muốn có thêm lao động để kiếm tiền, cũng như có người phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu.
Tỷ lệ sinh thấp làm gia tăng tốc độ già hoá dân sốở Hàn Quốc
Dân số đang già hóa nhanh chóng do người dân Hàn Quốc không muốn sinh con, trong khi đó, tuổi thọ đang tăng lên đang khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình thế nguy cấp. Hàn Quốc đã trở thành xã hội già vào năm 2017, với trên 14% người dân trên 65 tuổi. Con số này được dự đoán sẽ đạt 37% vào năm 2045, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có dân số già nhất trên thế giới.
Dù đã cải thiện hệ thống việc làm ưu tiên cho việc chăm sóc trẻ em và nam giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình, nhưng vấn đề này vẫn được coi là chặng đường gian nan ở phía trước. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Hàn Quốc, khi dân số già hóa và suy giảm là dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động thu hẹp dần và nhu cầu nội địa giảm.
"Chồng tôi nói rằng có con sẽ hạn chế lựa chọn trong cuộc sống. Không chắc liệu con tôi sẽ có một tương lai hạnh phúc hay không khi môi trường tự nhiên và xã hội đang ngày càng tồi tệ, còn tôi cũng khó tiếp tục công việc khi vướng bận con cái", nhà thiết kế nội thất 34 tuổi người Hàn Quốc Han Jia cho biết.
Các nước láng giềng cũng trong tình trạng tương tự
Tại Nhật Bản, mối lo về tỷ lệ sinh của nước này bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1980. Tỷ lệ này đã chạm mức thấp nhất là 1,26 vào năm 2005, phục hồi nhẹ lên 1,45 vào năm 2015, nhưng đã giảm liên tục 6 năm qua, xuống mức 1,3 vào năm ngoái.
Nhật Bản đã ghi nhận 811.604 ca sinh vào năm 2021, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1899. Trong khi đó, số ca tử vong tăng lên trên 1,4 triệu ca, khiến tổng dân số giảm từ 628.205 người xuống còn 125 triệu người.
Trẻ em vui chơi tại một trường mẫu giáo ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.Ảnh: AFP
Trung Quốc hiện đang đối mặt với vấn đề tương tự, khi tỷ lệ sinh của quốc gia đông dân nhất thế giới giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 7,52 ca sinh/ 1.000 người vào năm 2021, từ con số 8,52 vào năm 2020. Nước này cũng là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Giới phân tích dự đoán năng suất từ lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh.
Felizia Yao, 27 tuổi, phụ nữ độc thân tại Thượng Hải, cho biết: "Sinh con không phải là điều bắt buộc trong cuộc sống của tôi. Tôi cũng chưa sẵn sàng vì nuôi dạy con cái là một thử thách phức tạp và tốn kém. Với tình hình tài chính hiện tại của tôi, gánh nặng nuôi con đồng nghĩa với việc phải hy sinh chất lượng cuộc sống của bản thân. Vì vậy, hiện tại, tôi không có lý do gì để sinh con".
Sự tương đồng về văn hóa - xã hội khiến tỷ lệ sinh thấp hơn
Theo nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu, phụ nữ ở Đông Á có thể ít muốn sinh con hơn vì họ thường là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc con nhỏ, điều này ảnh hưởng lớn, thậm chí gây bất lợi về sự nghiệp của họ.
Ông nói: "Trong văn hóa Đông Á, sau khi sinh con, phụ nữ phải cống hiến và hy sinh nhiều hơn, trong khi nam giới ít tham gia vào việc chăm sóc con cái hơn. Phụ nữ đã kết hôn và sinh con dễ bị phân biệt đối xử trong thị trường việc làm. Nhiều phụ nữ buộc phải lựa chọn sinh ít hoặc không có con để thăng tiến trong sự nghiệp".
Khung cảnh thủ đô Seoul. Ảnh: Newsis
Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết phụ nữ trong khu vực hiện đã nhận thức rõ hơn về bất bình đẳng giới, nhưng hệ thống xã hội vẫn chưa tạo điều kiện cho việc chăm sóc trẻ em, khiến phụ nữ ngày càng không muốn kết hôn và sinh con.
"Rất khó để duy trì sự nghiệp khi có con. Phụ nữ được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, song nơi tôi làm việc cũng kỳ vọng phụ nữ sẽ mang lại hiệu quả tương tự trong công việc",Kim, bác sĩ 39 tuổi, có con gái ba tuổi ở Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ.
Bên cạnh đó, chi phí nuôi dạy con cái ở Trung Quốc và Hàn Quốc cũng rất cao. Các bậc cha mẹ trung lưu đang có xu hướng đầu tư cho con cái được giáo dục trong môi trường tư nhân đắt đỏ. Đây cũng là yếu tố chung khiến người dân trong khu vực cân nhắc việc sinh con.
Ông Yuan Xin - Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nam Đài ở Thiên Tân - cho biết: "Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, dù là chi phí trực tiếp hay chi phí gián tiếp, đều rất cao so với các nước phát triển ở phương Tây, đặc biệt là chi phí gián tiếp, chẳng hạn chi tiền cho con học thêm".
ADVERTISING
00:00
Hàn Quốc và Trung Quốc cũng phải đối mặt với những vấn đề cơ bản tương tự ngăn cản nhiều người sinh con, đó là thị trường việc làm khó khăn và chi phí nhà ở đắt đỏ. Nhà nghiên cứu Lee Sang-lim cho biết thêm: "Tình trạng thiếu việc làm ổn định và những khó khăn trong thị trường việc làm, giá nhà ở cao và chi phí giáo dục tư nhân đắt đỏ là nguyên nhân của tình trạng này".
Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi coi trọng thành tích cá nhân và sự tự do hơn con đường truyền thống là kết hôn và sinh con. Reona Ding, một phụ nữ 33 tuổi đã kết hôn ở Trung Quốc, cho biết: "Tôi cần thời gian để đạt được mục tiêu và hoàn thiện bản thân trước khi nuôi con nhỏ".
Giải quyết thách thức
Giới trẻ Hàn Quốc không mặn mà với việc kết hôn và sinh con. Ảnh: Newsis
Từ nhiều thập kỷ trước, Hàn Quốc đã công bố loạt chính sách để giải quyết những thay đổi về nhân khẩu học, trong đó chú trọng đến việc tạo điều kiện và mở rộng thời gian nghỉ thai sản, phát triển các trung tâm chăm sóc - dịch vụ chăm sóc trẻ em, trợ cấp cho việc sinh con và chăm sóc con cái. Song những giải pháp này không có hiệu quả, vì chúng không đi kèm với việc giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề cơ bản.
Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp để giải quyết tỷ lệ sinh giảm mạnh. Năm ngoái, nước này đã cho phép các gia đình sinh con thứ ba, 5 năm sau khi áp đặt chính sách một con. Các chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực khuyến khích thế hệ trẻ sinh con bằng cách mở rộng chế độ nghỉ thai sản và áp dụng các quyền lợi về thuế.
Nhưng các chuyên gia đồng tình rằng những biện pháp này cần vượt khỏi vấn đề tài chính đơn thuần, hướng tới giải quyết các nguyên nhân cơ bản.
"Để tăng tỷ lệ sinh, đầu tiên cần xóa bỏ nạn phân biệt đối xử giới tính trong thị trường việc làm, cũng như đảm bảo quyền làm việc công bằng của phụ nữ. Thứ hai là rút ngắn thời gian làm việc một cách hợp lý. Thời gian làm việc ở các nước Đông Á quá dài, ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng sinh con của người dân", nhà nhân khẩu học He nhận định.
Cho anh vợ mượn đất mở cửa hàng, 4 năm sau muốn lấy lại đất thì vợ bất ngờ đưa ra một thứ khiến tôi chết đứng Chẳng hiểu sau đó anh đã nói chuyện gì với vợ tôi mà cô ấy ném vào mặt tôi tờ đơn ly hôn và yêu cầu ký vào. Vợ còn đưa ra bản photo sổ đỏ mảnh đất đó, đứng mỗi tên của cô ấy làm tôi ngẩn ngơ. Tại sao lại thế? Trước khi cưới, vợ chồng tôi có mua được một...