Hướng nghiệp và… tự tử
Hai khái niệm tưởng như cách nhau xa lắc chẳng thể có liên quan nào dù chỉ là liên tưởng vu vơ nhất.
Một là để mở đầu cho cuộc đời dài lâu, một là để kết thúc nó thật chóng vánh. Sao vừa khởi đầu lại vội vàng kết thúc đau lòng. Vậy mà chúng gần đây xuất hiện như một cặp sinh đối ngẫu trên các trang chuyên mục của nhiều tờ báo: Mục tuyển sinh năm 2016 tới hoặc mục GD&ĐT hoặc mục kỹ năng sống.
Hướng nghiệp luôn là vấn đề đau đầu của mỗi gia đình và cả xã hội.
Tuần rồi đã bắt đầu bán, tặng các cẩm nang tuyển sinh, mở màn các ngày hội tuyển sinh. Các trường nghề, cao đẳng và đại học đăng ký các gian hàng của mình để chào bán, tiếp thị các sản phẩm dịch vụ GD&ĐT tới các “thượng đế tiềm năng” là khoảng một triệu học sinh cùng hơn hai triệu phụ huynh của họ (giả định rằng em nào cũng có cha và mẹ thực tế – Bởi trên khai sinh và về mặt sinh học thì em nào cũng đủ cả!).
Nghe hơi tàn bạo, cái tàn bạo lạnh lùng của kinh tế thị trường nhưng nghĩ vậy thiết thực và cụ thể hơn các khẩu hiệu chung chung: Tiên học gì hậu học gì? Tất cả vì con em chung của cả nước! Các triết lý suông về giáo dục khai phóng hay công cụ hóa con người cùng những sơ đồ xanh đỏ các khung bậc đào tạo, phân luồng tầm nhìn đến tận 2035.
2-3 năm học nghề/cao đẳng, 3-4 năm đại học, 2 năm thạc sĩ, 3-4 năm tiến sĩ còn hậu tiến sĩ thì tùy. Đoạn này của cuộc đời với mỗi em dài từ 2 tới 13 năm chứ không ít. Ra đi làm trẻ nhất là 18 tuổi và già nhất là trên 30. Một lợi thế lớn là về dân số học Việt Nam đang có tỷ lệ vàng đến 60% trong độ tuổi dưới 30. Có tới 2 người đi làm để nuôi một người chưa/không đi làm.
Điều đó khiến cho chất lượng học hành, cơ cấu ngành học, thời gian học của mỗi người trẻ trở thành quốc gia đại sự thường trực số một. Thầy designer uy tín N.T.P.Đ, làm việc và giảng dạy design ở Việt Nam và Mỹ nói với các thí sinh “phân luồng năng khiếu” rằng: Năng khiếu ở hướng này hay hướng khác hầu như ai cũng có. Quan trọng nhưng phải có đam mê. Đam mê rồi cũng chưa đủ. Không phải ai có tai nhạc, mê nhạc, có mắt mỹ thuật, mê vẽ đều (có thể/ nên) thành nhạc/ họa sĩ.
Design là cụm ngành nghề mênh mông, nóng hổi nhất của thời đại phải có kiến thức liên ngành, tích hợp tự nhiên, nhân văn, xã hội và nhất là óc thực tế.
Bạn định học design ư? Nó gồm hàng trăm chuyên môn bạn định làm cái gì cụ thể: Bao bì, quảng cáo design sản phẩm to như cái tàu bay, cái ô tô hay nhỏ như đồ chơi cái thìa đôi đũa… Ai, ở đâu người ta có thể dạy bạn tốt nhất và ai ở đâu người ta sẽ cho bạn việc làm hay bạn có thể khởi nghiệm sau 5 năm nữa? Bạn sẽ phải đầu tư cho khóa học này bao nhiêu tiền, khả năng “thu hồi vốn” sau mấy năm…
Bạn sẽ lập một danh mục hàng trăm câu hỏi và cố đưa ra những câu trả lời cụ thể nhất, phải có mấy bản như vậy để so sánh lợi thế trước khi quyết định chọn ngành mình sẽ theo học. Song tiền và công sức chưa đáng quý bằng thời gian vài năm hay một thập kỷ bạn sẽ “chi” cho quá trình học nghề này. Đó là những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người, thời gian quyết định nhất hình thành con người chính bạn. Thành công hay thất bại chưa chắc đã quan trọng bằng những trải nghiệm, sự trưởng thành và những niềm hạnh phúc trong quãng thời gian đó…
Video đang HOT
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập là thước đo đầu tiên của một trường tốt. Nghe ù tai đấy nhưng bạn còn phải trông vào may rủi nữa. Tình hình là các trường chưa thể đảm bảo chất lượng đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu thực tế kinh tế xã hội luôn luôn biến động và bạn cũng không có thông tin dự báo về chỗ làm việc của các ngành nghề trên thị trường lao động…
80% các bạn hết THPT khó có thể nói cụ thể bạn muốn học ngành nào, theo nghiệp gì, gọi tên ham muốn sở thích của mình ở tuổi 16-18 không dễ, nhiều khi thành khổ sở vô vọng. Bạn không thể design (thiết kế) quãng đời đẹp nhất của mình! Số phận sẽ design nó và bạn phải chấp nhận thách thức, dũng cảm vui sống thôi!
Tôi không tin vào con số hơn 16% học sinh muốn tự tử và 20% học sinh có bệnh lý tâm thần vì nó quá sốc, quá lớn so với cảm nhận trực tiếp của một người dạy học, gần sát với các em.
Tự tử tất nhiên có lý do trực tiếp từ tâm thần. Đạo Ki-tô cấm tự tử dù thực tế khó ngăn được. Ở Nhật từng có tục tự mổ bụng của Samurai và tục người già lên núi chết để đỡ gánh nặng cho con cái. Ở Hàn Quốc hiện có các cuộc vận động chống nạn tự tử của người trẻ.
Có nhiều loại tự tử: vì ý chí cực đoan như quân cảm tử, khủng bố tự sát, tử đạo, vì mất danh dự như cách doanh nhân thua lỗ nhảy lầu, quan chức tham nhũng bị tù tội, những tội đồ đại ác muốn chấm dứt tội lỗi của mình, tự tử vì tình và vì tuyệt vọng trong các mối quan hệ gia đình xã hội.
“Nạn tự tử” trong học sinh sinh viên thuộc loại sau cùng. Có vài em tự tử vì bố mẹ gây áp lực áp đặt hướng nghiệp, kỳ vọng quá lớn vào con. Có vài vụ vì bị bôi xấu trên mạng, bị bắt nạt, bạo lực gia đình học đường…
Tuy con số thực tế chắc nhỏ hơn rất nhiều so với con số điều tra nêu trên bởi từ ý định tự tử đến hành vi tự tử là khá xa. Cái nguy là độ tuổi có khuynh hướng tự tử cao nhất cũng là độ tuổi bình minh của đời người hướng nghiệp, khởi nghiệp dưới 30 nên trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường, y tế và xã hội đối với cụm vần để hướng nghiệp, khởi nghiệp – tự tử là lớn và sẽ ngày càng quan trọng ở nước ta.
Theo Nguyễn Bình Quân/Lao Động
'Hội chứng con vịt'
Trước căng thẳng, dồn ép của áp lực học tập, nhiều học sinh phải nỗ lực, đấu tranh với chính mình, rồi dằn vặt, tổn thương tâm lý, xuất hiện ý nghĩ tự sát, giải thoát âm thầm.
Con vịt bơi trên mặt nước có vẻ thảnh thơi, nhưng bên dưới đôi chân nó phải đạp liên hồi thì mới có thể nổi trên mặt nước. Tương tự như vậy, các em học sinh của chúng ta cũng đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn để học tốt, học theo kỳ vọng của gia đình, nhà trường.
Người ta gọi hiện tượng này là "Hội chứng con vịt" (Duck syndrome). Tranh minh họa:Tuổi Trẻ.
Cha mẹ quá kỳ vọng
Một bộ phận không nhỏ cha mẹ luôn kỳ vọng quá lớn vào con mình. Sự kỳ vọng này có nhiều nguyên nhân: Kỳ vọng do áp lực thành tích và kỳ vọng do ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho con.
Trước hết, kỳ vọng do áp lực thành tích, đây là hiện tượng khá phổ biến, nhất là với các em học sinh ở thành thị. Phần lớn cha mẹ muốn con phải đạt được thành tích bằng bạn bè, không bao giờ để con mình thua kém bạn bè. Hơn nữa, do hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan ở thành thị nên cha mẹ cũng phải dốc toàn lực để con mình có cơ hội học được thật nhiều.
Thậm chí, có không ít bậc cha mẹ còn bị chi phối tâm lý bởi các bậc phụ huynh khác. Hằng ngày họ phải chịu sức ép của dư luận, nào là bàn luận về chuyện con mình học trường nào, môn nào, cô thầy nào dạy hay nhất, uy tín nhất...
Thử nghĩ, làm sao họ có thể chấp nhận để con ở nhà tự học? Ước mơ, hoài bão để giúp con cái trưởng thành sau này, đó là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, thực tế có rất ít cha mẹ đánh giá đúng được con cái mình đang sở hữu cái gì, tiềm năng của con đến đâu.
Phần lớn sở thích, nguyện vọng, năng khiếu, lý tưởng, hoài bão... của con, cha mẹ chưa hiểu được một cách đầy đủ. Vì vậy, kỳ vọng của cha mẹ vượt quá giới hạn của con, từ đó con cái họ luôn bị áp lực. Nếu không được giải tỏa kịp thời thì áp lực tiếp tục đè nặng đứa trẻ và rất dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
> Học sinh, sinh viên tự tử vì áp lực học tập
Tham vấn học đường còn hời hợt
Tham vấn học đường là hoạt động trợ giúp tất cả học sinh nâng cao năng lực tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, quan hệ xã hội; định hướng nghề nghiệp; phát hiện sớm và phát triển các chương trình phòng ngừa, can thiệp thích hợp trong nhà trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tham vấn học đường vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, những nghiên cứu về vấn đề này còn rất ít. Công tác tham vấn học đường ở nước ta mới được các cấp ngành có liên quan lưu tâm trong vòng vài năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ tham vấn học đường còn mỏng và còn nhiều thiếu hụt về kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng tham vấn.
Trong khi đó, học sinh của chúng ta nói chung còn khá non nơt vê kinh nghiêm sông va ky năng ưng pho vơi nhưng tac đông tư bên ngoai. Đa số cac em co rất nhiều khúc mắc về tâm sinh lý, trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè... nhưng không thể tự giải quyết được.
Một bộ phận không nhỏ trong số đó đã rơi vào trạng thái dồn nén, căng thẳng, lo âu, rối loạn tâm lý, thậm chí còn có ý định tự tử vì không chịu đựng được áp lực quá lớn từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.
Vì thế, về lâu dài cần quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ thống tham vấn trong nhà trường để hệ thống này đủ mạnh, đủ sâu. Đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng tham vấn cho cán bộ, giáo viên, để mỗi thầy cô vừa là người truyền thụ tri thức, giáo dục nhân cách, vừa là người bạn, người đồng hành tư vấn, định hướng tâm lý của học sinh.
Học sinh thiếu kỹ năng sống
Thực tế hiện nay có quá nhiều áp lực nặng nề từ việc học kiến thức, đòi hỏi bản thân các em học sinh phải được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tự vượt qua được. Những kỹ năng như kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân, kỹ năng hòa đồng tập thể... thật sự rất cần thiết.
Nhưng hiện tại những kỹ năng đó vẫn chỉ mang tính lý thuyết, học sinh rất khó vận dụng vào thực tế. Phải giúp học sinh thể hiện thuần thục các kỹ năng như làm chủ cảm xúc và hành vi bản thân, từ đó mới có thể hình thành năng lực làm chủ hành vi và điều khiển, điều chỉnh hành vi phù hợp trong quá trình học tập.
Quan trọng hơn hết là hướng dẫn học sinh cách giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả những căng thẳng nảy sinh trong quá trình học tập, trong các mối quan hệ. Song, cần lưu ý rằng việc hình thành kỹ năng cho học sinh không phải là việc làm một sớm một chiều, mà phải là cả một quá trình thường xuyên, liên tục.
Có thể nói áp lực trong học tập ở mức độ nhất định là cần thiết, nhưng áp lực vượt ngưỡng thì lại phản giáo dục. Mong rằng người lớn cần thay đổi tư duy tích cực. Mỗi phụ huynh cần suy nghĩ rằng: con mình mạnh khỏe, biết chia sẻ, đồng cảm, mạnh dạn, tự tin, học hành tiến bộ, có được những kỹ năng sống cơ bản... đó là điều hạnh phúc nhất.
Còn ở trường, thầy cô giáo phải thật sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các em học sinh, họ chính là người định hướng, tháo gỡ áp lực tinh thần, luôn đồng hành trong sự phát triển của học trò.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Công
Giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ
Theo Tuổi Trẻ
Sự vô cảm "tiếp tay" cho bạo lực học đường "Nhà trường không đơn thuần chỉ thông báo kỉ luật học sinh mà phải có ý kiến, lên án để những người đứng xem thấy được thiếu sót của mình, người đánh nhau vì sao làm như vậy và người thản nhiên đứng quay clip là vô cảm", Tiến sĩ Tùng Lâm nói. "Tiếp tay" cho tình trạng bạo lực Vài ngày gần...