Hướng nghiệp tương lai: Hài hòa giữa năng lực và nhu cầu
Chương trình GDPT mới được xây dựng trên quan điểm giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ, “ Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”.
Vì vậy, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) hướng đến sự sáng tạo, giúp học sinh có những hướng đi thực tế trong hành trang tương lai của mình.
Học sinh tham quan khu nông nghiệp công nghệ tại Củ Chi. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Dựa trên năng lực
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa chia sẻ: Với sự phát triển của xã hội, trường học không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà phải là nơi định hướng, chuẩn bị hành trang trong tương lai, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các em học sinh.
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THPT không nhất thiết tất cả các em phải đi học tại các trường đại học, bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình thực tế và sức học của học sinh, nhà trường định hướng nhiều em sau khi tốt nghiệp THPT sẽ chuyển qua học nghề tại các trường cao đẳng và trung cấp.
Xung quanh địa bàn có một số khu công nghiệp như Cái Răng, Hậu Giang, học sinh sau khi học nghề sẽ có điều kiện vào làm việc tại các khu công nghiệp này. Điều này giải quyết được thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, cũng như bài toán kinh tế, tạo công ăn việc làm cho học sinh sau khi học xong, nâng cao đời sống kinh tế tại các gia đình. Việc định hướng nghề cho các em được dựa trên cơ sở năng lực bản thân, nhu cầu xã hội và gia đình.
“Năm học 2019 – 2020, Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 32 lớp học với 1.185 học sinh. Đa phần các em có học lực trung bình và khá nên nhà trường luôn xác định: Bên cạnh vấn đề trang bị kiến thức môn học, việc định hướng nghề nghiệp cho các em hết sức quan trọng. Vì vậy, hàng năm nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại các khối lớp, trong đó có tư vấn tuyển sinh đối với học sinh lớp 12.
Cụ thể, tổ chức cho HS tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp với các trường: ĐH Cần Thơ, ĐH FPT Cần Thơ, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng nghề Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ… Điều này giúp các em tiếp cận, tìm hiểu nhiều ngành nghề, từ đó sẽ cảm nhận mình yêu thích và phù hợp với những ngành nghề nào”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho biết thêm.
Video đang HOT
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: INT
Hướng tới sở thích của học sinh
Thầy Lâm Nhựt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, phụ trách công tác hướng nghiệp cho biết: Ngay từ đầu năm học, BGH nhà trường và các thầy cô giáo đã xây dựng định hướng nghề nghiệp cho học sinh các khối lớp. Để hoạt động hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh thực sự hiệu quả, nhà trường đã nghiên cứu và tổ chức giảng dạy chương trình nghề phổ thông cho HS lớp 11 với 2 ngành nghề phù hợp với tình hình kinh tế địa phương.
Đó là nghề điện dân dụng và nuôi cá nước ngọt. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên bộ môn hướng dẫn HS tham quan học tập một số điểm nuôi cá trong địa bàn quận Cái Răng, khoa Thuỷ sản Trường ĐH Cần Thơ, cũng như tham quan các khu công nghiệp, trường nghề đóng trên địa bàn.
Trong các buổi hướng nghiệp về nghề nuôi cá, học sinh được các thầy cô cho đi tham quan tại khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, các ao nuôi cá để tìm hiểu quy trình ươm giống cũng như quá trình nuôi cá như thế nào. Tại đây, học sinh hình dung và tìm hiểu về nghề thủy sản, có khá nhiều em mong muốn sau này được phát triển nghề nuôi cá tại địa phương.
Với nghề điện dân dụng, các em cũng được đi tham quan Nhà máy Nhiệt điện ở Trà Vinh. Bắt tay vào thực tế, thầy cô cho các em tiếp cận và sửa chữa, lắp ráp những thiết bị điện đơn giản tại trường. Việc hướng nghiệp định hướng nghề rất thiết thực với học sinh THPT. Quá trình tìm hiểu học tập về các ngành nghề giúp các em hiểu được mong muốn riêng để từ đó định hướng phấn đấu cho bản thân.
Em Huỳnh Thị Thảo Vân học sinh lớp 11A3 cho biết: Ngoài việc học văn hóa tại trường, chúng em được tham gia nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp về nghề. Điều này giúp chúng em hiểu về từng ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt với một số nghề chúng em còn được trải nghiệm thực tế. Những kiến thức thực tế là cơ hội quý báu để em hiểu được sở thích và năng lực của mình.
Năm học 2018 – 2019, em được tham gia trải nghiệm thực tế làm hướng dẫn viên du lịch trên Chợ nổi Cái Răng. Tại đây em đã giới thiệu cho khách tham quan trong đó có rất nhiều khách nước ngoài về đặc điểm cuộc sống, tập quán sinh hoạt cũng như văn hóa, ẩm thực trên quê hương. Em thấy mình rất thích công việc này.
Em Lê Thiện Chí, học sinh lớp 12A2, quê huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại có ước mơ giản dị. “Xuất thân từ gia đình bố mẹ gắn bó với nghề nông nên em mong tiếp tục được làm việc trên chính quê hương mình. Em tâm sự, nhà em trồng rất nhiều các loại cây ăn trái như chanh, xoài, ổi… nên em muốn học tập nắm bắt khoa học kỹ thuật cao hơn. Trường THPT Trần Đại Nghĩa có mô hình trồng rau thủy canh.
Em rất thích mô hình này nên đã tham gia tích cực. So với phương pháp trồng cây truyền thống, mô hình này kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nên cho năng suất cao hơn. Ngoài giờ học, chúng em được học và trải nghiệm việc trồng rau thủy canh ngay tại nhà lưới của trường. Rau của chúng em trồng được thu hoạch thường xuyên bảo đảm an toàn và sạch sẽ. Nhờ mô hình học tập này mà học sinh có thêm những sáng tạo và ước mơ khi suy nghĩ về công việc trong tương lai của mình”.
Ngay từ đầu năm học, BGH nhà trường và các thầy cô giáo đã xây dựng định hướng nghề nghiệp cho các em từ lớp 10. Nhà trường kết hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của thành phố Cần Thơ, giới thiệu các ngành nghề và việc làm cho học sinh lớp 10. HS lớp 12 được tham gia trải nghiệm các buổi hướng nghiệp thực tế tại địa phương; Tổ chức các buổi hướng nghiệp tại trường với sự tham gia của các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn để tư vấn giới thiệu về các ngành nghề, giúp HS hiểu và có thể lựa chọn được nghề nghiệp trong tương lai của mình.
Minh Châu
Theo GDTĐ
Tiêu chí chọn trường cấp 3 cho con
Ngôi trường tốt là nơi giúp con vận dụng kiến thức vào thực tế, hứng thú trong học tập, phát triển kỹ năng mềm, được hướng nghiệp...
Mỗi năm đến mùa tuyển sinh, không ít phụ huynh "đau đầu" với việc chọn trường, lớp học, đặc biệt là khi con ở giai đoạn chuyển cấp - bước ngoặt quan trọng quyết định tương lai.
Lựa chọn một ngôi trường phù hợp không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức hay cơ hội sau khi tốt nghiệp, mà còn tác động tới cả quãng đường trưởng thành về mặt tâm sinh lý sau này. Một đứa trẻ nếu được định hướng tốt ở ngưỡng cửa trưởng thành sẽ lựa chọn chính xác hơn lĩnh vực nghề nghiệp mình mong muốn theo đuổi.
Theo một số chuyên gia tâm lý và giáo dục, môi trường học tập lý tưởng là nơi hội tụ được các tiêu chí: trẻ được sống hết mình với những đam mê, sở thích; bên cạnh việc học kiến thức còn cần phải được thực hành, vận dụng thực tế.
Học đi đôi với hành giúp phát triển toàn diện
Kiến thức đi đôi với thực hành giúp việc học tập hiệu quả hơn. Một yếu tố không thể thiếu trong chương trình học là những hoạt động ngoại khóa giúp phát triển kỹ năng mềm.
Chương trình học kết hợp với các hoạt động thể chất sẽ giúp các em tránh được những áp lực về kết quả học tập, tạo niềm vui và hứng thú. Hoạt động lành mạnh này cũng sẽ giúp các em tự tin, hòa đồng hơn, tăng khả năng giao tiếp và có cơ hội kết bạn nhiều hơn.
Các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh tránh được áp lực học tập.
Định hướng nghề nghiệp từ trung học phổ thông
Trước ngưỡng cửa cấp 3, việc định hướng nghề nghiệp tương lai cũng là yếu tố cần phải có của một môi trường chuẩn. Để các em có thể tự quyết định được chuyên ngành đại học của bản thân, phụ huynh có thể lựa chọn những ngôi trường cấp ba thường xuyên tổ chức những chương trình hướng nghiệp chất lượng. Tránh tình trạng đến lớp 12, con vẫn chưa biết mình muốn gì, cần gì cho tương lai, không có sự chuẩn bị, phó mặc việc chọn nghề, chọn trường cho bố mẹ.
Một buổi hướng nghiệp cho học sinh với chủ đề Marketing tại trường Trung học phổ thông FPT.
Học nội trú - một lựa chọn để con trưởng thành
Phụ huynh có thể lựa chọn hình thức nội trú để các em rèn luyện tính tự lập. Sống trong môi trường mà mọi hoạt động, sinh hoạt hàng ngày đều phải tự mình rèn luyện, con cái sẽ trở nên rắn rỏi, sẵn sàng đối mặt với mọi vấn đề trong tương lai. Không gian tập thể cũng giúp trẻ hòa đồng, thân thiện và dễ dàng kết nối với mọi người hơn.
Chị Phương Lan (TP HCM) cho rằng để trưởng thành, con cái cần một môi trường thực tế như vậy. Con trai chị đang bước sang lớp 12 tại trường Trung học phổ thông FPT và gia đình khá yên tâm vì dù đã sống xa ba mẹ gần 3 năm nhưng con vấn rất tự giác, chủ động.
Con cũng tập được cách sống trách nhiệm hơn và dần tự đưa những quyết định cho tương lai. "Bây giờ con có thể tự mình quyết định được rất nhiều việc mà không phải dựa vào bố mẹ, có chăng con cũng sẽ hỏi ý kiến khi cần thôi", chị Lan nói.
Trường nội trú là nơi có không gian để con rèn luyện tính độc lập.
Trong thời gian tới, trường trung học phổ thông có mô hình đào tạo kết hợp đầy đủ những tiêu chí trên sẽ được ra mắt tại thành phố Cần Thơ, mang đến lựa chọn thích hợp cho phụ huynh và các em học sinh.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Trường THCS Dân tộc nội trú Quan Sơn đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, hội phụ huynh cùng lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" của đội ngũ cán bộ, giáo viên và tinh thần hiếu học của học sinh (HS), nhiều năm qua, Trường THCS Dân tộc nội trú Quan Sơn không ngừng vươn lên về mọi mặt, từng bước nâng cao...