Hướng nghiệp cho học sinh lớp 9: Cần cách làm mới
Để đáp ứng nhu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS (lớp 9), ngành Giáo dục đã chủ trương đưa nội dung dạy học hướng nghiệp vào chương trình giáo dục hiện hành.
Học sinh cần được tiếp cận với các chương trình hướng nghiệp thực tế và phù hợp với lứa tuổi. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, công tác dạy học hướng nghiệp cho học sinh ở các trường hiện nay vẫn còn nhiều bất cập từ nội dung đến cách định hướng của giáo viên, nhà trường. Những hạn chế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong những năm học tới, nhất là việc đổi mới toàn diện giáo dục cần phải có một góc nhìn và cách làm thấu đáo hơn về vấn đề này.
Chủ trương đúng đắn…
Có thể khẳng định, việc đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông là cần thiết. Đó là chủ trương đúng đắn, hợp xu thế và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bởi việc trang bị kiến thức nghề cho các em học sinh lớp 9 chính là đem đến những nét mới trong tư duy người học. Các em có cái nhìn thấu đáo, đa chiều và thực tế hơn: Nghề đơn giản là hoạt động tạo ra thu nhập chính đáng chứ không phải là cái gì đó cao xa, xa rời thực tế.
Tuy nhiên, đôi lúc, không ít giáo viên lại có quan niệm dạy học sinh học cho giỏi sau này làm kĩ sư, bác sĩ. Kiểu dạy đó hiện nay đôi khi trở thành thiếu thực tế. Xã hội phát triển có nhiều nghề mới được sinh ra… và mỗi chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một nghề phù hợp. Đó chính là cách tiếp cận thực tế phù hợp với tư duy con người.
Chính nhờ chủ trương đúng đắn, định hướng ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp nhiều em chọn cho mình hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp THCS. Nhiều em dù năng lực học khá nhưng nhận thấy điều kiện gia đình không cho phép đã chọn vừa học bổ túc vừa học nghề, sau đó tìm kiếm cho mình những cơ hội việc làm theo nhu cầu.
Hay có em vì nhận thấy lực học hạn chế đã chọn học nghề sửa chữa ô tô, điện lạnh, cơ khí… sau khi tốt nghiệp THCS. Sau khi học nghề, các em vẫn có việc làm ổn định và thu nhập đủ nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Đó chính là kết quả đạt được của chủ trương giáo dục, định hướng nghề nghiệp trong trường học.
Ảnh minh họa/ INT
Video đang HOT
Còn nhiều bất cập
Dù biết dạy hướng nghiệp là chủ trương đúng nhưng việc dạy học chương trình này những năm qua vẫn còn rất hạn chế.
Trước hết, số tiết dành cho nội dung này chưa nhiều. Theo khung chương trình hiện hành, nội dung hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 chỉ được dạy 1 chủ đề (tương đương 1 tiết) trong một tháng, quá ít so với nội dung dạy văn hóa của nhiều môn học khác. Thêm nữa, vì để đủ số tiết theo quy định, việc dạy hướng nghiệp thường được đại diện Bam giám hiệu (hiệu trưởng hoặc hiệu phó) dạy chung cho cả khối 9 trong trường.
Các em được tập trung ra sân trường rồi thầy cô trao đổi với vài ba câu hỏi trong vòng 45 phút. Việc dạy theo kiều “cho đủ” chương trình làm mất đi tính hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp vì cùng lúc học sinh học quá đông khó để quản lí lớp học và nâng cao được tính hiệu quả thực tế.
Cũng có trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp trực tiếp giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có những hiểu biết căn bản về nghề nghiệp để định hướng cho học sinh. Theo yêu cầu, việc giáo dục hướng nghiệp cần gắn với thực tế địa phương. Nghĩa là địa phương nào có những làng nghề hay các cơ sở sản xuất, hoạt động nghề nghiệp chủ yếu thì cần cho các em tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên để làm được việc này ở các trường học là rất khó, bởi đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan khác nhau. Do vậy, việc giáo dục hướng nghiệp thông qua trải nghiệm thực tế không được mấy trường tiến hành, có chăng cũng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” cho có để báo cáo, chưa phát huy được tính hiệu quả thực tế và cũng không thể đáp ứng được nhu cầu nghề của học sinh hiện nay.
Cần một hướng đi mới
Làm gì để việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 phát huy hiệu quả. Thiết nghĩ đó không hẳn là chủ trương nữa mà cần xem là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động giáo dục. Chỉ khi nào xem giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cơ sở GD thì việc dạy mới thiết thực được.
Trước hết, nên tăng tiết dạy học hướng nghiệp từ 1 tiết hiện hành lên 4 – 5 tiết một tháng, tương đương 1 tiết trong một tuần. Nội dung dạy học cần gắn với khu vực, địa phương. Thậm chí nếu được, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã định hướng biên soạn và áp dụng chung cho các trường trong địa bàn mình quản lí, phụ trách. Cần tăng cướng phối hợp giữa các cơ sở sản xuất, các trung tâm dạy nghề (hầu hết huyện thị nào cũng có trung tâm dạy nghề) địa phương trong việc dạy và định hướng nghề cho học sinh nhằm giúp các em có cơ hội trải nghiệm thực tế khi học nghề.
Nên hỗ trợ thêm cho giáo viên phụ trách dạy hướng nghiệp. Theo quy định hiện chỉ tính theo chế độ định mức tiết hiện hành thì giáo viên dạy chỉ hưởng 1 tiết trong một tháng. Chế độ đó chưa thật sự phù hợp và tương xứng với công sức mà giáo viên bỏ ra để dạy nghề nghiệp. Các trường cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các buổi tư vấn hướng nghiệp với các trường nghề địa phương, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo… để tạo thêm sân chơi và sự lựa chọn cho học sinh.
Để việc giáo dục nghề nghiệp phát huy được tính hiệu quả, rất cần cái nhìn mới, cách làm mới của cả cộng đồng xã hội nhất là ngành Giáo dục trong thời gian tới.
Lê Sĩ Đông
Theo giaoducthoidai
Phân luồng học sinh: Gắn với thực tiễn địa phương
Là chủ nhiệm đề tài "Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS", PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) có những phân tích cụ thể về phân luồng học sinh (HS) trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giúp nhà quản lý, giáo viên phổ thông nhìn nhận tổng quát về vấn đề này khi thực hiện chương trình; từ đó, thay đổi nhận thức và có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, góp phần làm tốt công tác phân luồng HS.
Phân luồng học sinh trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới thông qua nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường. Ảnh: NT
Quán triệt phân luồng từ mục tiêu, cấu trúc đến nội dung từng môn học
Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, vấn đề phân luồng HS thể hiện trong chương trình GDPT được xem xét chủ yếu theo 3 khía cạnh: Giáo dục hướng nghiệp (đặc biệt ở THCS và THPT); Tạo cơ hội cho HS tự chọn (môn học, các chủ đề/chuyên đề học tập) đáp ứng nhu cầu, sở thích, định hướng nghề nghiệp của HS; Thực hiện quan điểm chương trình mở, tăng quyền cho địa phương, nhà trường trong việc xây dựng và lập kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương, nhà trường, HS. Qua đó, góp phần thực hiện phân luồng gắn với nhu cầu, thực tiễn địa phương.
Làm rõ hơn, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho biết: Phân luồng HS được thể hiện trong các thành tố, cấu trúc của Chương trình GDPT mới. Theo đó, mục tiêu của Chương trình GDPT mới đã chú trọng đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của HS. Tự định hướng nghề nghiệp là một năng lực thành phần của năng lực tự chủ và tự học trong hệ thống các năng lực chung cốt lõi.
Giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở cấp THCS; các môn học ở THPT và Hoạt động trải nghiệm cùng với nội dung giáo dục của địa phương. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Ngoài ra, trong Chương trình GDPT mới, cả hai giai đoạn (giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp) đều có các môn học tự chọn. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có thêm các môn học và chuyên đề học tập được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi HS.
Trong nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. Như vậy, qua tăng quyền cho các địa phương, nhà trường trong việc tham gia vào phát triển chương trình mà tạo điều kiện cho việc giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn địa phương; cũng như tạo cho HS cơ hội lựa chọn các nội dung học tập có liên quan tới nhu cầu và thực tiễn địa phương tốt hơn - qua đó góp phần thực hiện phân luồng hiệu quả hơn.
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan
Chương trình của lớp 10, 11, 12 gồm 9 học phần, trong đó HS được chọn 5 học phần để học tập theo sở thích, nhu cầu và định hướng ngành nghề. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế nhà trường có những hướng dẫn cụ thể cho HS, để họ có sự lựa chọn một cách phù hợp. Các trường có thể xây dựng thời khóa biểu luân phiên giữa các khối, lớp để thuận lợi trong tổ chức hoạt động dạy học theo các học phần và phù hợp với đặc thù của môn học (ví dụ: Tối thiểu 2 tiết học liên tục/buổi học/lớp).
Bên cạnh đó, trong quan điểm xây dựng chương trình nêu rõ: Chương trình GDPT được xây dựng theo hướng mở. Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Hoạt động ngoại khóa hấp dẫn học sinh. Ảnh minh họa/ INT
Cần chuẩn bị tốt các điều kiện
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan khẳng định: Phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Làm tốt phân luồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho mỗi HS có cơ hội học tập suốt đời, lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp để phát huy tiềm năng, phát triển tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Từ đó, góp phần điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước, nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực và xây dựng xã hội học tập.
Mặc dù chủ trương phân luồng HS được chỉ đạo thực hiện từ rất lâu, nhưng theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, cho đến nay thực tế triển khai còn nhiều bất cập, vẫn là một vấn đề khó và "nóng" thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có lẽ một nguyên nhân chính là do công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chương trình GDPT với yêu cầu phải tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
Nhận định vấn đề hướng nghiệp và phân luồng HS được quan tâm và quán triệt từ mục tiêu, cấu trúc của chương trình đến nội dung của từng môn học trong chương trình GDPT mới, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này, cần chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm. Trong đó có yêu cầu về đội ngũ giáo viên cho các môn học có tính chất hướng nghiệp, thực nghiệp, kỹ thuật công nghệ cao hơn, có năng lực giảng dạy tích hợp một số môn.
Đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với các năng lực cốt lõi để hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải được xem là một tiêu chí xếp loại HS, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học. PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cũng nhấn mạnh việc cần huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương vào công tác định hướng nghề nghiệp cho HS, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước.
Phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Làm tốt phân luồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho mỗi HS có cơ hội học tập suốt đời, lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp để phát huy tiềm năng, phát triển tới đỉnh cao của nghề nghiệp.
Thảo Đan
Theo giaoducthoidai
Hoạt động hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mực Đặc biệt, việc chọn ngành nghề hầu hết phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh hay độ hot của ngành trong thời điểm hiện tại, dẫn tới cơ hội để sinh viên tiếp xúc để hiểu rõ về ngành nghề rất hạn chế. Chính vì quan niệm đại học vẫn là cánh cửa duy nhất để thành công, không có định hướng...