Hướng mới trong thu hút vốn ngoại
Bên cạnh việc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý những vướng mắc về nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa trong DN đại chúng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng cho biết, cơ quan quản lý đã và đang thực thi một số giải pháp kỹ thuật khác, nhằm cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cho phép công ty chứng khoán nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam, mở ra hướng mới trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Theo đó, UBCK sẽ xem xét cấp phép hoạt động cho chi nhánh tại Việt Nam của các công ty chứng khoán nước ngoài.
Chuyển động pháp lý này trở nên quan trọng, bởi theo đánh giá của UBCK, nhiều khách hàng của các công ty chứng khoán nước ngoài không muốn sử dụng dịch vụ của các công ty chứng khoán Việt Nam.
“Đằng sau các công ty chứng nước ngoài là các dòng tiền chuyên nghiệp. Do đó, triển khai cơ chế cho phép công ty chứng khoán nước ngoài lập chi nhánh hoạt động tại Việt Nam là một giải pháp có khả năng tăng sức hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK”, ông Bằng nói.
Đáng chú ý, để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần trong các đợt doanh nghiệp nhà nước chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Bộ Tài chính – với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, đã đề xuất phương thức mới trong bán cổ phần là phương thức dựng sổ (Book building).
Theo Ban soạn thảo, phương thức dựng sổ áp dụng phổ biến trên thế giới, nên cần được nghiên cứu để áp dụng trong quá trình cổ phần hóa. Phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.
Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.
“Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến phương thức dựng sổ. Khi Chính phủ cho phép triển khai phương thức mới này thì sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Dòng tiền lớn từ khối ngoại sẽ chảy vào thị trường”, ông Bằng dự báo.
Với những hướng tiếp cận trên, UBCK đang tiếp tục những nỗ lực thu hút làn sóng đầu tư gián tiếp vào TTCK. Tuy nhiên, vốn ngoại có vào TTCK hay không, giải pháp kỹ thuật không phải là yếu tố quyết định.
Điểm quyết định chính là sức hấp dẫn của các hàng hóa chào bán và sự kiên quyết của Chính phủ trong việc bán vốn Nhà nước tại các DN lớn, đang được nhà đầu tư quan tâm. Thông điệp của Chính phủ về việc bán vốn Nhà nước tại Vinamilk, Habeco, Sabeco đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại từ lâu và đang đặc biệt được chú ý khi Thủ tướng vừa có chỉ đạo cụ thể Bộ Công thương xây dựng phương án bán vốn tại các “ông lớn” này.
Sau thông điệp của Thủ tướng, chọn cách bán nào để cân bằng giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông hiện hữu và cổ đông tương lai là bài toán cần có lời giải thỏa đáng mới mong tạo động lực thực sự, thu hút vốn ngoại vào DN, vào TTCK Việt Nam.
Video đang HOT
Người quan sát
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Kiếm lãi trên thị trường con gấu
Một nhóm nhà đầu tư chứng khoán, đa phần là các chuyên gia phân tích và các môi giới làm việc tại các công ty chứng khoán lớn trên thị trường đã tổ chức gặp mặt vào cuối tuần trước.
Năm 2016 có nhiều thách thức cho TTCK, nhưng cũng sẽ có nhiều cơ hội để mua vào các cổ phiếu giá trị
Bên cạnh câu chuyện trà dư tửu hậu và hỏi thăm nhau về tình hình đầu tư của năm trước, chủ đề nóng nhất trong cuộc nói chuyện là bàn luận về dự báo TTCK trong năm 2016. Đã có nhà đầu tư nói đùa, đây là "đại hội Gấu", vì trong số 20 người tham gia thì có đến 19 người tỏ ra thận trọng với xu hướng TTCK năm 2016.
Kiếm lãi trên thị trường con gấu
Tâm lý thận trọng không phải là không có cơ sở khi trong 3 tháng qua, VN-Index có xu hướng lao dốc từ 615 điểm xuống 520 điểm, thậm chí có lúc rơi xuống 518 điểm. Nhiều cổ phiếu bị bán sàn khối lượng lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của cả nhà đầu tư lướt sóng và chuyên nghiệp.
Một nhà đầu tư không làm việc trong ngành chứng khoán, nhưng đã có thâm niên đầu tư trên thị trường hơn chục năm cho rằng, TTCK Việt Nam đã có 4 năm tăng liên tiếp (từ năm 2012) đến nay, lại đặt trong bối cảnh TTCK thế giới giảm điểm và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, nên tốt nhất lúc này là... đứng ngoài.
Theo dõi các tín hiệu phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư này chỉ đẩy mạnh mua vào cổ phiếu khi đường MA20 (đường trung bình động hiển thị giá đóng cửa trung bình trong 20 phiên) cắt lên trên đường MA50. Ở thời điểm hiện tại, đường MA20 đang ở dưới đường MA50 cho thấy, vẫn còn nhiều rủi ro.
Ở một câu chuyện khác, năm 2015, VN-Index tăng 6,2% còn HNX-Index giảm 4,4% và số lượng nhà đầu tư thua lỗ trong năm 2015 khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn có các cổ phiếu tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần trong một năm với thanh khoản và yếu tố cơ bản khá tốt, có thể kể tên các cổ phiếu này như VNM tăng 70%, BMP tăng 88%, VCS tăng 198%, CTD tăng 186%, HTL tăng 540%...
Với các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị và không muốn lướt sóng, nắm giữ các cổ phiếu này trong 1 năm đã chiến thắng hơn hẳn so với việc gửi tiết kiệm hay đầu tư vào các kênh khác.
Hai câu chuyện đặt gần nhau để thấy rằng, kể cả trong trường hợp thị trường giá xuống thì nhà đầu tư vẫn có thể tìm được cơ hội "xuống tiền" mà không cần để ý nhiều đến diễn biến của VN-Index, trường hợp này là đi ngược sóng.
Một số chuyên gia cho rằng, trong xu thế giảm điểm dài hạn thì tốt nhất là không tham gia thị trường, việc bắt đáy rất có thể sẽ bị... đứt tay. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư đã bắt đáy cổ phiếu GAS tuần trước, họ có được một cái Tết ấm no nếu chốt lãi lúc này.
Gần 1,9 triệu cổ phiếu GAS được bán ra ở vùng giá 30.000 đồng/CP vào hai ngày 20/1 và 21/1, sau 1 tuần giá cổ phiếu GAS giao dịch ở mức 36.700 đồng/CP với thanh khoản luôn duy trì ở mức gần 900.000 cổ phiếu/phiên trong 10 phiên gần đây.
Như vậy, với những nhà đầu tư bắt đáy GAS ở vùng giá 30.000 đồng/CP, họ đã có lời 22% trong vòng 1 tuần!
Trong khi VN-Index giảm 100 điểm trong 3 tháng thì cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam trên sàn UPCoM tăng từ 18.000 đồng/CP lên 26.000 đồng/CP (tăng 44%) trong gần 2 tháng; cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam tăng từ 10.000 đồng/CP lên 28.500 đồng/CP... Cơ hội kiếm lãi lớn luôn tiềm ẩn trên sàn, vấn đề là ai sẽ nhận ra những món hàng đặc biệt đó.
Năm 2016 sẽ là một năm thách thức của TTCK Việt Nam nhưng cũng sẽ là năm cơ hội để mua vào các cổ phiếu giá trị. Cổ phiếu là một loại hàng hóa đặc biệt, khi giá cổ phiếu giảm đến một mức độ nhất định sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hiện tại, khối ngoại bán ròng trên TTCK Việt Nam và các thị trường mới nổi, nhưng nếu xét về tổng thể, Việt Nam đang là điểm sáng so với TTCK khu vực, chưa kể khả năng những quỹ đầu tư vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng tỷ trọng vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn rất lớn, nếu Việt Nam có chính sách thu hút nguồn vốn quốc tế thì sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao.
Cơ hội đầu tư 2016
Báo cáo nhận định thị trường năm 2016 của các CTCK cũng đã có những nhận định không đồng nhất. Và vì không đồng nhất nên nó mới tạo ra sự hấp dẫn và thanh khoản cho TTCK, nơi có đông đảo người mua, người bán. Cơ hội lợi nhuận sẽ luôn xuất hiện, dù thị trường có xu hướng tăng hay giảm.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), năm 2016, VN-Index có thể đạt đến 660 điểm dựa trên tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường có thể đạt 8,8% so với năm trước và P/E của thị trường ở mức 12,5 lần.
Về ngắn hạn, SSI Research cho rằng, nhà đầu tư nên tránh cổ phiếu của các DN kinh doanh hàng hóa nguyên liệu cho đến hết giữa năm 2016 và các công ty có nợ nước ngoài cao. Những khoản đầu tư hấp dẫn là cổ phiếu của các công ty được hưởng lợi từ giá dầu thấp.
SSI cho rằng, ngành tăng trưởng trong năm 2016 sẽ là ngành hàng tiêu dùng (tăng 21,2%), sản xuất công nghiệp (tăng 18,2%) và bất động sản (17,8%), trong khi ngành dầu khí sẽ chỉ tăng 1,4%, mức thấp nhất trong các ngành. Cơ hội đầu tư trên UPCoM cũng rất hấp dẫn.
Theo CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), với 3 phương pháp tính toán để dự báo VN-Index, BSC dự báo điểm số mục tiêu VN-Index là 590 điểm, dao động từ tiêu cực 565 điểm đến tích cực 650 điểm. So với giá đóng cửa 2015, mức điểm nói trên dao động từ giảm 2,4% đến tăng 12,2%.
Vùng mục tiêu khá khiêm tốn so với những năm trước, điều này cũng cho thấy TTCK 2016 sẽ có nhiều khó khăn và ẩn số. BSC cho rằng, thị trường sẽ giảm mạnh trong tháng 1 và phục hồi trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 8, sau đó điều chỉnh từ tháng 9 đến tháng 12.
Đánh giá về triển vọng ngành, BSC cho rằng triển vọng khả quan sẽ đến với ngành bất động sản; ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghệ, cảng biển, dệt may, điện, sữa và phân bón; đánh giá trung lập với ngành nhựa, thép, mía đường và săm lốp. Công ty này hạ triển vọng từ khả quan xuống trung lập với các ngành xi măng, ô tô, bảo hiểm và ngân hàng...
Các cổ phiếu cụ thể, BSC cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét theo dõi các cổ phiếu blue-chips như VIC, VNM, FPT, MBB, DPM, GMD, REE, BMP, bắt đáy các cổ phiếu HPG, HSG, PVD, GAS, PVS, VCG, TCM, xem xét các cổ phiếu midcap như VSC, DXG, KDH, HBC, CMG, ITD, BFC, TNG, TCM, NT2, VNR, VGC, bắt đáy các cổ phiếu midcap như AAA, LCG, PVG, PGI, BCC, SAM, PPC, PTI, TNG...
CTCP Chứng khoán Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho rằng, TTCK Việt Nam năm 2016 nhiều khả năng sẽ giao dịch dưới giá trị nội tại của nó do dòng vốn nội yếu trong khi vốn ngoại được dự báo sẽ tiếp tục rút ra khỏi Việt Nam, ít nhất trong những tháng đầu năm 2016.
VPBS đưa ra 3 kịch bản thị trường, trong đó VN-Index có thể xuống mức thấp nhất trong nửa đầu năm 2016 tại 450 - 460 điểm với kịch bản tiêu cực và đạt mức cao nhất vào cuối năm 2016 tại 630 - 640 điểm với kịch bản tích cực. Trong kịch bản trung bình, VN-Index sẽ tạo đáy tại 520 - 530 điểm trước khi dao động trong biên độ từ 520 - 580 điểm. VPBS đánh giá lạc quan với ngành ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, hàng tiêu dùng, kho vận, phân bón.
Phương Mai
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Việt Nam đứng đầu về thu hút FDI trong các dự án đầu tư mới Tờ Finantial Times cho hay, Việt Nam đứng đầu danh sách các thị trường mới nôi vê thu hút vôn FDI trong các dự án đâu tư mới (greenfield). Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Thời báo Tài chính Mỹ (Financial Times) vừa đưa ra công bố, Việt Nam đứng đầu danh sách các thị trường mới nổi (EM) về thu...