Hướng đi mới cho sản phẩm làm từ sữa
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, ngụ thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 19 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò lấy sữa.
Thế nhưng, do đầu ra sản phẩm sữa bấp bênh, giá thường bị ép bán với giá rẻ nên ông đã mày mò, tìm hướng đi mới cho sản phẩm làm từ sữa bò và đến nay đã có chỗ đứng khá ổn định trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chăm sóc đàn bò sữa của gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn nhiệm, ông bắt đầu nghề trồng cỏ nuôi bò lấy sữa từ năm 2003 nhưng cũng chỉ được vài năm đầu thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định, càng về sau đầu ra của sản phẩm sữa bò của gia đình ông và hơn 10 hộ nuôi bò trên địa bàn xã Châu Pha ngày càng gặp nhiều khó khăn, công ty thu mua ép giá, mua với giá khá thấp khiến bà con nuôi bò rất bức xúc.
Nhiều hộ chăn nuôi đã có ý định bán bò bỏ nuôi đi làm nghề khác. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Nhiệm đã rất trăn trở, ông mong muốn gia đình mình và bà con nuôi bò lấy sữa tại địa phương có thu nhập ổn định từ nghề đã gắn bó nhiều năm này.
Nghĩ là làm, ông đi khăp các vùng chăn nuôi bò sữa lớn của cả nước như: Cần Thơ, Củ Chi hay ra cả ngoài các vùng chăn nuôi bò sữa lớn ngoài miền Trung, miền Bắc để học hỏi thêm kinh nghiệm làm ra các sản phẩm từ sữa bò.
Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi năm 2017, ông đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa… để thử nghiệm làm sữa chua và sữa thanh trùng từ sản phẩm sữa bò của gia đình. Vừa làm vừa học hỏi, vừa thử nghiệm thị hiếu của bà con xung quanh để tìm tòi ra công thức chuẩn cho ra sản phẩm ngon và được thị trường đón nhận.
Sau thời gian làm với nhiều lần thất bại, cuối cùng ông Nhiệm và gia đình đã thành công và cho ra thị trường các sản phẩm sữa chua dẻo, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu và sữa bò thanh trùng mang thương hiệu sữa chua ông Nhiệm, sữa thanh trùng ông Nhiệm.
Hiện, gia đình ông Nhiệm đang nuôi đàn bò với 30 con cho sữa, số lượng sữa thu hoạch trung bình mỗi ngày khoảng 200kg. Ông Nhiệm áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng. Đến nay, trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nhiệm đã được chứng nhận sản phẩm VietGAP.
Chăn nuôi bò theo quy trình an toàn khép kín đòi hỏi ông Nhiệm và gia đình phải có tâm huyết, yêu nghề mới thành công. Muốn có lượng sữa đạt cả về chất lượng và số lượng, gia đình ông Nhiệm tiến hành vắt sữa bò với ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Trước khi vắt, máy vắt và bầu sữa của bò được vệ sinh sạch sẽ. Sữa sau khi thu, được thanh trùng ngay ở nhiệt độ 75-80 độ C sau đó đem đóng chai hoặc chế biến thành các sản phẩm sữa chua.
Video đang HOT
Không những sản xuất sữa chua và sữa thanh trùng từ sản phẩm sữa bò của gia đình, đến nay cơ sở sản xuất của gia đình ông Nhiệm còn thu mua mỗi ngày khoảng 700 lít sữa bò cho 6 hộ gia đình nuôi bò sữa trên địa bàn xã Châu Pha, với giá cao hơn thị trường từ 2-3 ngàn đồng/lít.
Hiện nay, một tháng cơ sở sản xuất sữa chua, sữa thanh trùng của gia đình ông Nhiệm sản xuất khoảng 10 tấn sản phẩm thành phẩm tất cả đều đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm sữa chua, sữa thanh trùng của gia đình ông đã được thị trường từ miền Nam ra miền Bắc rất ưu chuộng, hiện sản phẩm đã có mặt tại hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Với cách làm này mỗi năm cho gia đình ông doanh thu khoảng trên 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho từ 25 đến 30 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (bên trái) kiểm tra quy trình nấu sữa bò tại cơ sở sản xuất sữa chua của gia đình.
Với những đóng góp tích cực, từ năm 2018 đến nay ông Nguyễn Văn Nhiệm liên tục được UBND tỉnh tặng bằng khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thành tích cao hơn nữa là trong năm 2020 ông được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Ông cũng đang được đề cử là công dân ưu tú của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022 và chuẩn bị đón nhận Huân Chương lao động của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha cho biết, ông Nhiệm là Chi hội trưởng thuộc Hội nông dân xã Châu Pha, ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia tốt hoạt động các phong trào nông dân ở địa phương, các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn nông dân trong vùng khi đến tham quan mô hình nuôi bò khép kín của ông.
Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Nhiệm được biết đến là nông dân nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa bò có tiếng ở địa phương được nhiều người yêu mến. Thương hiệu Bò sữa Ông Nhiệm là minh chứng cho nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.
Dư địa để Việt Nam phát triển ngành hàng sữa
Xã hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu về sữa của người tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước càng ngày càng cao vì thế thị trường sữa còn rất rộng, sôi động, đặc biệt về sữa tươi ở trong nước.
Đóng gói sản phẩm sữa chua tại cơ sở sản xuất của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Năm 2019, sản phẩm sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa tươi đóng chai của HTX đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Trong khi đó trên thế giới, Mỹ, Canada đang trong tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn cung sữa công thức cho trẻ em. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung trong một số mặt hàng nông sản vừa qua càng cho thấy, Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa và sản lượng sữa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước.
Từ chỗ không có bò sữa, đến nay Việt Nam đã có trên 28.000 trang trại và hộ nông dân nuôi bò sữa với tổng đàn bò sữa gần 375 ngàn con, sản lượng sữa tươi sản xuất đạt trên 1,2 triệu tấn, đáp ứng trên 42% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng, số còn lại, gần 60% phải nhập khẩu.
Theo ông Tống Xuân Chính, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng sữa bò nguyên liệu sản xuất trong nước góp phần quan trọng đối với an ninh sản phẩm sữa cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, tổng doanh thu ngành sữa ước năm 2021 đạt 119.385 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2015 -2021, tổng đàn bò sữa tăng trưởng bình quân 3,77%. Sản lượng sữa lỏng của cả nước năm 2021 ước đạt 1.770,1 triệu lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng sữa bột tính chung năm 2021 đạt 151,5 nghìn tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta phát triển tốt và đang dần tiệm cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2020 đạt trên 5.300 kg/con/năm. Con số này khá cao so với các nước có có điều kiện tương đương.
Một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Công ty Vinamilk, Công ty TH milk, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, năng suất sữa trung của đàn bò sữa đạt từ 24,5 - 28,3 kg/con/ngày, tương ứng khoảng từ 7.500 -8.600 kg/chu kỳ tiết sữa; cá biệt có nhiều con đạt 11.000 kg/chu kỳ tiết sữa (305 ngày).
Theo ông Tống Xuân Chinh, hiện nay chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, chế biến sữa. Tốc độ tăng về sản lượng luôn cao hơn tốc độ tăng quy mô đầu con, hiện năng suất bò sữa của Việt Nam đã vượt xa các nước trong khu vực.
Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được thành lập năm 2008, hiện có 17 hộ thành viên chăn nuôi 250 con bò sữa đang cho thu hoạch, mỗi ngày cung cấp 2.000kg sữa tươi nguyên liệu để chế biến các sản phẩm sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa tươi đóng chai phục vụ cho thị trường trong tỉnh và thành phố Hà Nội; Hợp tác xã tạo việc làm cho 70 lao động với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay. Từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, thị trường và giá cả sữa nhìn chung ổn định đảm bảo cho người chăn nuôi bò sữa có lãi. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn.
Bên cạnh việc từng bước đảm bảo cho tiêu dùng trong nước, ngành hàng sữa cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam ngày càng gia tăng về cả chủng loại, khối lượng và giá trị tới 48 nước trên thế giới, đặt kim ngạch xuất khẩu năm 2021 trên 300 triệu USD. Hiện nay, đã có 8 doanh nghiệp Việt Nam với 12 nhà máy sản xuất sữa đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sữa vào thị trường này.
PGS.TS. Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhận định, dư địa phát triển chăn nuôi bò sữa của nước ta rất lớn.
Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa được hình thành trong thời gian qua. Mới nhất, Vinamilk phối hợp tỉnh Sơn La triển khai xây dựng dự án "Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu". Dự án có tổng mức đầu tư 3.150 tỷ đồng, có quy mô đàn bò sữa 4.000 con, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm. Đây là một hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, hiện đại gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao.
Thực hiện dự án còn có Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu có diện tích 26 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày (giai đoạn 1) và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2.
Theo ông Hoàng Kim Giao, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phải hướng tới sự chuyên nghiệp hay chuyên môn hóa, quản lý theo chuỗi, các sản phẩm sữa từ trang trại bò sữa đến bàn ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong thời gian qua đã được ban hành; trong đó có chính sách về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ thiên tai, kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, các chính sách này đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sữa ở trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo nhiều động lực cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững; trong đó có chăn nuôi bò sữa.
Nhằm tăng nhanh đàn bò sữa, ngành chăn nuôi chủ trương đẩy nhanh, mạnh xây dựng và chuyển giao những tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất giống, chế biến thức ăn, bảo quản chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Theo ông Tống Xuân Chính, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung tích hợp chăn nuôi vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia, các tỉnh cần quy hoạch vùng theo lợi thế của từng địa phương: xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; chuyển đổi mạnh những diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp.
Bàn giải pháp giảm nghèo bền vững tại Hà Giang Ngày 6/6, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang". Tham dự có ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Chủ nhiệm đề tài; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh...