Giải quyết những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Ngày 21/4, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị hoàn thiện để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Công Thử/TTXVN
Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã vượt 12,4% số xã đạt chuẩn so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 – 2020. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết sau 10 năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề trong giai đoạn 2021-2025.
Sáu chương trình chuyên đề gồm: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025. Bộ Công an đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025″.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện thủ tục ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, về huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025… dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2025 cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Có khoảng từ 17 – 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu trên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục thực hiện 11 nội dung thành phần bao gồm 54 chỉ tiêu cụ thể; trong đó có sự phân công rõ trách nhiệm của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương.
Video đang HOT
Các chỉ tiêu phấn đấu, nội dung thực hiện được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở thực tiễn 10 năm triển khai Chương trình và được cụ thể hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo các mức độ và thực hiện ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Cụ thể: đạt chuẩn nông thôn mới cho các địa phương chưa đạt chuẩn phấn đấu đạt chuẩn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo; đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lựa chọn các lĩnh vực nổi trội, thế mạnh, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình giai đoạn 2021-2205, tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng.
Trong giai đoạn tới, đặc biệt ngay từ năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ và địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung và các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Uỷ ban Dân tộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn bố trí thực hiện các dự án thành phần của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là mục tiêu không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 5 năm và hàng năm. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các địa phương chủ động cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội, ưu tiên Chương trình OCOP, áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ, môi trường và nước sạch nông thôn; vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình.
Trên cơ sở điều kiện thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo công khai, minh bạch về quản lý đầu tư.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 10 năm thực hiện, đến hết năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao.
Tính đến ngày 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 34,1%; có 16 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể OCOP, đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm.
Hà Nội: Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Đến nay, 100% số xã của thành phố Hà Nội đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 18 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình 04) tổ chức ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong xây dựng nông thôn mới đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quyết tâm đạt được mục tiêu trong lĩnh vực này, bởi đây chính là một trong những khâu yếu của chương trình.
Khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: XL/Báo Tin tức
Bên cạnh đó, các sở, ngành và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch vùng huyện và phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các xã trên địa bàn thành phố để làm cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các mục tiêu chương trình đề ra.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các quận tiếp tục nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ các huyện của Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa... Từ đó, phấn đấu năm 2022, có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, việc phát triển nông thôn mới cần gắn với xây dựng đô thị xanh, văn minh và hiện đại.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong quý I/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thành phố; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch COVID-19, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy.
Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên đến nay, đời sống nông dân đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 75 triệu đồng, Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng, Chương Mỹ 62,5 triệu đồng,... Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
Đến nay, 100% số xã của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 18 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đánh giá, phân hạng được thêm 595 sản phẩm, đưa tổng số sản phẩm OCOP của thành phố đến nay có 1.649 sản phẩm.
Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất, đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.
Đến nay, Hà Nội có 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,29%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 91,5%. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Đó là nhiều tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới thiếu bền vững, hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh...
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp theo mức độ, trong đó nhiều chỉ tiêu, tiêu chí giao cho các Bộ, ngành trung ương do vậy chưa hoàn thiện được Bộ tiêu chí của thành phố, dẫn đến việc triển khai thực hiện tại cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thành phố cần quan tâm phát triển làng hoa đào Nhật Tân thành thương hiệu du lịch của Tây Hồ. Cùng với dự án cải tạo khu công viên nước hồ Tây, xây dựng đường Trịnh Công Sơn thành những địa điểm vui chơi, giải trí tiêu biểu của Thủ đô, việc phát triển làng đào Nhật Tân sẽ góp phần giúp quận Tây Hồ gìn giữ và phát triển làng hoa truyền thống của Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, đại diện Huyện ủy Mỹ Đức đề nghị thành phố quan tâm đầu tư phát triển công nghệ cao; quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước sạch cho người dân..., qua đó hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 3 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Tổng Bí thư: Việc hỗ trợ người dân trong đại dịch có hiệu quả thiết thực "Các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân", Tổng Bí thư nói. Ngày 5/1/2022, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, Tổng...