Hướng dẫn chi tiết tuyển sinh 2013
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký công văn gửi các trường về phương hướng tuyển sinh 2013.
Theo đó, ngoài việc đưa ra một số điều chỉnh như phải nộp bản gốc chứng nhận kết quả thi để xét tuyển, điểm chuẩn xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước, bổ sung 23 huyện nghèo có học sinh được ưu tiên xét tuyển… phương hướng tuyển sinh còn đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho thí sinh trong việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển.
Học sinh trường nào, nộp hồ sơ ở đó
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm: một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (phiếu số 1 do sở giáo dục và đào tạo lưu giữ, phiếu số 2 do thí sinh giữ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết); 3 ảnh chân dung cỡ 4×6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của thí sinh và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2012 – Ảnh: Như Hùng
Riêng thí sinh có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các ĐH thì cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.
Bộ cũng yêu cầu học sinh đang học lớp 12 (THPT) tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT (kể cả thí sinh dự thi liên thông), lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do sở GD-ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.
Có quyền rút hồ sơ xét tuyển
Một thay đổi lớn của mùa tuyển sinh năm nay là thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi dùng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi, không được dùng bản sao như đăng ký vào một số trường như năm trước.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) gồm: giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT cũng quy định hằng ngày, các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh. Đặc biệt, bộ lưu ý thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Thí sinh dự thi CĐ chỉ được tham gia ĐKXT vào các trường CĐ khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn cao đẳng theo quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0).
Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không được thấp hơn điểm sàn
Đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các trường khi xác định điểm chuẩn sẽ phải căn cứ vào điểm sàn, bảo đảm điểm chuẩn khi chưa nhân hệ số môn thi. Căn cứ kết quả thi của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối thi, Bộ GD&ĐT sẽ xác định và công bố điểm sàn hệ ĐH, hệ CĐ đối với từng khối thi A, A1, B, C, D. Thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung.
Các trường chủ động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc: điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước, xét tuyển thí sinh có kết quả thi từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu và chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm (trừ các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có quy định riêng).
Bộ cũng cho phép các trường có thể xác định điểm trúng tuyển theo khối thi, theo ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung.
Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
Học viện Dân tộc: Mũi nhọn phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số
Năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ GD-ĐT ưu tiên xét tuyển thí sinh dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu 3 năm trở lên tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a vào học tại các trường đại học, cao đẳng.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương khẳng định, năm 2013, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng Học viện Dân tộc, phấn đấu tới năm 2015, sẽ đi vào hoạt động, trở thành mũi nhọn trong công tác phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương.
Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, theo thông lệ trước mỗi dịp đầu xuân, năm mới, các bộ, ngành thường điểm lại những hoạt động tiêu biểu của bộ, ngành mình trong một năm đã qua. Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động tiêu biểu nhất trong công tác dân tộc năm 2012?
Có thể điểm qua 5 sự kiện tiêu biểu trong công tác Dân tộc năm 2012 như sau:
Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng dân tộc Quốc hội đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình 135 giai đoạn 3, xây dựng được một số chính sách mới như Đề án Hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (núi đá, lũ quét, lũ ống, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai), Đề án Phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số, miền núi...
Thứ hai, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức Cuộc thi Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu. Đây là hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 12-HD/BTGTW ngày 27/7/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời hướng tới kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác. Cuộc thi nhằm tiếp tục tuyên truyền về tình yêu thương của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tình cảm tôn kính của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ.
Thứ ba, Thành lập Vụ Dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam.
Thứ tư, năm 2012, Ủy ban Dân tộc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Nga, Anh, Indonesia... chủ động hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm của thế giới về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công tác dân tộc; tiếp tục hợp tác, kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ năm, Ủy ban Dân tộc đã bảo vệ thành công tại Diễn đàn Liên Hợp quốc lần thứ 5 về nhân quyền tại Geneve, Thụy Sỹ việc Việt Nam nỗ lực thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Riêng đối với những địa phương vùng cao chịu nhiều thiên tai, bão lũ trong năm vừa qua, Ủy ban Dân tộc có kế hoạch như thế nào giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và được vui xuân, đón Tết?
Bà con dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở miền núi, địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên bị lũ ống, lũ quét, sự biến đổi khí hậu tác động mạnh. Do đó, có thể nói vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng chịu nhiều thiên tai nhất. Năm vừa qua, 15 tỉnh trong số 52 tỉnh của nước ta có đồng bào dân tộc thiểu số đã phải hứng chịu thiên tai hết sức nặng nề.
Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ hỗ trợ lương thực, thăm nom, hỗ trợ tới từng hộ gia đình, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra Ủy ban Dân tộc cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên tinh thần bà con. Đặc biệt, năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng được Đề án hỗ trợ đồng bào ở vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ quyét, hạn hán. Đề án được triển khai sẽ là sự giúp đỡ cơ bản nhất giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Trong dịp Tết, Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ hỗ trợ lương thực những vùng giáp hạt, vùng thiếu đói, kiên quyết không để đồng bào nào bị thiếu ăn trong dịp Tết; Tổ chức đoàn công tác của các bộ, ngành, của Ủy ban Dân tộc tới trao quà ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để người dân có điều kiện đón Tết cổ truyền dân tộc.
Năm 2012, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương đã trao tặng các em học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc những tấm chăn ấm.
Thưa Thứ trưởng, trong một bài phỏng vấn trước đây, Thứ trưởng có nhấn mạnh "Vấn đề cần phải ưu tiên số một đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là giáo dục-đào tạo". Vậy trong năm tới, Ủy ban Dân tộc dự kiến có những chương trình gì nhằm thúc đẩy công tác giáo dục vùng cao phát triển?
Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực dân tộc thiểu số còn thấp. Chừng nào chưa giải được bài toán nguồn nhân lực thì chừng ấy sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Vì thế trong định hướng phát triển, Ủy ban Dân tộc đã có một chuyển hướng trong nhận thức rất lớn. Năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ và các bộ, ngành tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả sự nghiệp giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ và công tác dạy nghề ở khu vực dân tộc thiểu số.
Bằng các giải pháp, bắt đầu từ năm 2012-2013, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, Bộ Giáo dục & Đào tạo thống nhất cho phép thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; Tăng cường công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số; Đổi mới, nâng cao chất lượng đề án dạy nghề vùng nông thôn, trong đó có ưu tiên vùng dân tộc thiểu số.
Và một giải pháp có ý nghĩa hết sức cốt lõi đó là Ủy ban Dân tộc đã xin ý kiến Chính phủ thành lập Học viện Dân tộc.
Năm 2013, Ủy ban Dân tộc dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như sau: Trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược về công tác dân tộc với tầm nhìn dài hạn đến năm 2020. Trong chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm nhất chính là phát triển nguồn nhân lực. Nhiệm vụ đầu tiên về phát triển nguồn nhân lực là khảo sát, đánh giá lại mục tiêu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước để tăng cường các khoa dự bị, tăng cường chỉ tiêu thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Đối với học sinh dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa chưa đạt chuẩn, Bộ Giáo dục & Đào tạo giao cho hiệu trưởng các trường được quyền quyết định tổ chức, bồi dưỡng để các em đạt chuẩn, sau đó các em mới được vào học chính thức.
Xin Thứ trưởng cho biết thêm về Đề án xây dựng Học viện Dân tộc?
Học viện Dân tộc có 3 nhiệm vụ chính, đó là đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nghiên cứu lý luận và bồi dưỡng nghiệp vụ với đa ngành đào tạo, những ngành sát thực với đồng bào, phát huy được sở trường, năng lực của các em học sinh. Ví dụ như dạy về nông nghiệp đã có trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội 1, tuy nhiên để những kiến thức trở nên gần gũi với đời sống của đồng bào thì sắp tới Học viện Dân tộc sẽ mở chuyên ngành đào tạo sâu về phát triển kinh tế nông nghiệp miền núi. Về Y - Dược sẽ có chuyên ngành phát triển các cây thuốc cổ truyền dân tộc, gần gũi với bà con vùng cao. Dự kiến năm 2015, Học viện Dân tộc sẽ đi vào hoạt động.
Thưa Thứ trưởng, qua báo Dân trí, Thứ trưởng có gửi gắm điều gì tới các em học sinh ở vùng cao nhân dịp xuân mới?
Qua báo Dân trí, tờ báo có đóng góp to lớn vào sự nghiệp nâng cao dân trí của bạn đọc nói chung và đặc biệt là bạn đọc là người dân tộc thiểu số nói riêng, trước tiên tôi mong muốn con em các dân tộc thiểu số phải tích cực học song ngữ. Bên cạnh yêu cầu thiết yếu phải tăng cường vốn tiếng Việt, các em cần phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình, từ đó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thứ hai, tôi mong các em học thật giỏi để trở thành hạt nhân quan trọng đưa vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển, thu hẹp dần khoảng cách để đạt được mặt bằng phát triển chung của cả nước. Các em học sinh dân tộc thiểu số thân mến, khuôn mặt của các em chính là hạnh phúc, tươi sáng, là nguồn hi vọng của các bác, các chú, các anh làm công tác dân tộc.
Phương Nhung
Theo dân trí
Tuyển sinh 2013, thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi Điểm mới trong tuyển sinh 2013 là thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Các trường sẽ không nhận bản đăng ký xét tuyển photo như năm 2012 mà chỉ nhận bản gốc. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm nay Bộ quyết định thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi...