Hưng Yên: Trẻ 5 tuổi chưa đến trường?
Đã khai giảng được một tháng nhưng nhiều trẻ ở Văn Nhuệ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) vẫn chưa được đi học chỉ vì trường mầm non xã đóng cửa lớp 5 tuổi tại các thôn.Thay vào đó, muốn đi học các cháu phải đến lớp cách xa vài kilômét.
Đóng cửa, di dời sang thôn khác
Anh Đào Văn Tuấn, một phụ huynh có con 5 tuổi ở thôn Anh Nhuệ, xã Văn Nhuệ cho hay: “Muốn con được đi học tôi không còn cách nào khác là phải đưa cháu đến một điểm trường ở thôn khác cách xa nhà hơn 3 km, nhiều người nhà còn xa hơn. Chúng tôi là nông dân phải đi sớm về muộn nên việc đưa đón các cháu hoàn toàn nhờ ông bà nội ngoại. Nhưng đường xa nhiều người còn không biết đi xe đạp. Chưa kể, quãng đường đến điểm trường mới phải đi qua cánh đồng, rất không an toàn cho ông bà và các cháu”.
Chia sẻ của anh Tuấn cũng là bức xúc của đa số người dân thôn Anh Nhuệ. Khi phóng viên về đến thôn Anh Nhuệ, rất nhiều người dân đã tụ tập ngay trước cổng điểm trường tại thôn.
Khai giảng được gần một tháng rồi nhưng những trẻ em 5 tuổi ở thôn Anh Nhuệ, Ân Thi vẫn chưa được đi học
Hầu hết phụ huynh không hiểu tại sao con cháu bị dồn lên học ở điểm trường Quán Bạc một ngôi nhà hai tầng ở giữa đồng không mông quạnh, không có sân chơi, nằm ở rìa xã, cách xa với các thôn.
Nơi gần Quán Bạc nhất là thôn Văn Nhuệ (trung tâm hành chính của xã), cách 2,5 km. Nơi xa nhất là thôn Hoàng Xuyên, cách 4 – 5 km.
Video đang HOT
Được biết trường Mầm non Văn Nhuệ hiện nay chưa có trụ sở chính mà chỉ có 5 điểm trường tại 5 thôn (kể cả điểm trường mới ở Quán Bạc), trong đó điểm trường Anh Nhuệ có nhiều phòng học và cũng nhiều học sinh nhất, thậm chí còn dư một phòng cho trường Tiểu học Văn Nhuệ mượn.
Nghèo nhưng chơi trội?
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã cho biết tất cả các cháu 5 tuổi của xã đều phải dồn lên điểm trường ở Cống Bạt. Ông Phiến giải thích xã làm thế là để “thực hiện chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị ban hành từ tháng 12-2011 về phổ cập mầm non 5 tuổi”.
Theo cô Trương Thị Tảng, hiệu trưởng trường Mầm non Văn Nhuệ, năm nay học sinh 5 tuổi các thôn đều ít nên không đủ điều kiện thành lập lớp riêng.
Hơn nữa phòng học ở các thôn đều là phòng cấp 4, không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đạt chuẩn phổ cập 5 tuổi. Đó là lý do trường tập trung các cháu về điểm trường Quản Bạc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Văn Nhuệ đã được công nhận là cơ sở đạt chuẩn phổ cập từ tháng 5-2012 dù năm học 2011 – 2012 học sinh 5 tuổi vẫn học tại hai điểm trường thôn Anh Nhuệ và Văn Nhuệ.
Trong biên bản kiểm tra đánh giá phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Ban chỉ đạo phổ cập GD huyện Ân Thi lập ngày 25/4/2012 thì cơ sở vật chất của trường đạt tiêu chuẩn phổ cập.
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi cho rằng sở dĩ Văn Nhuệ được đánh giá đạt vì năm đầu tiên làm phổ cập, ngành GD&ĐT huyện đánh giá “mềm hoá” để động viên cơ sở.
Theo bà Lan, các xã khác người ta vẫn phải đi 4km mà có thắc mắc đâu, chỉ có người dân Văn Nhuệ là không đồng tình.
Theo tiền phong
Đà Nẵng: "Vỡ" bán trú, các trường tốp trên vẫn quá tải đầu vào
Mặc dù ngành Giáo dục TP Đà Nẵng đã yêu cầu không tổ chức bán trú cho học sinh lớp 1 nhằm giảm tải cho các điểm trường nóng về tình trạng quá tải đầu vào ở trung tâm thành phố song "nước vẫn cứ chảy về chỗ trũng".
Học sinh nhập học gấp 4 lần điều tra phổ cập!
Theo số liệu thống kê điều tra phổ cập giáo dục tiểu học tại địa bàn thì năm học 2012 - 2013 có 146 học sinh (HS) vào lớp 1 Trường tiểu học Phù Đổng (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Số trên đã bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 vào 2 lớp tăng cường tiếng Pháp (dành cho HS toàn thành phố). Thế nhưng thực tế năm nay, có hơn 600 HS vào lớp 1 trường này, số lượng lớn hơn gấp 4 lần so với số liệu điều tra phổ cập. Theo quy định của ngành, sĩ số lớp học bậc tiểu học được giãn đến 42 HS/lớp, nhiều hơn 7 HS so với sĩ số chuẩn (35 HS/lớp), năm học mới, Trường tiểu học Phù Đổng vẫn có đến 16 lớp 1, tăng hơn 1 lớp so với năm học trước.
Tình trạng quá tải tuyển sinh đầu vào cũng tiếp tục tái diễn như những năm học trước ở 2 trường tốp trên còn lại ở Q. Hải Châu - quận trung tâm TP Đà Nẵng, đó là Trường tiểu học Phan Thanh và Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Theo điều tra phổ cập thì chỉ có 112 HS trong tuyến đúng độ tuổi vào lớp 1 Trường tiểu học Phan Thanh, những "kết sổ" tuyển sinh lớp 1 trường này năm nay, có đến hơn 280 HS vào lớp 1. Ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, số HS vào lớp 1 năm nay (316 HS) cũng gần gấp 3 lần so với số liệu điều tra phổ cập (126 HS).
Theo thống kê của các trường, ngoài số HS là con em CB, CNV làm việc tại Trung tâm TP., thì phần lớn số HS ngoài danh sách điều tra phổ cập tuy không sinh sống tại địa bàn nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Theo Luật Cư trú thì những HS này đủ điều kiện đăng ký vào trường. Một cán bộ quản lý giáo dục ở Q. Hải Châu cho biết: tình trạng "chạy trường" bằng hộ khẩu là thực trạng nhiều năm nay. Nhưng kiểm soát, khống chế tình trạng này là việc ngoài tầm của ngành giáo dục.
Dù không tổ chức bán trú cho HS lớp 1, song năm nay, các trường tốp trên ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng vẫn quá tải.
Không tổ chức bán trú, hồ sơ HS vẫn ùn ùn nộp vào
Hệ quả của việc quá tải tiếp diễn đã thấy rõ từ năm học 2012 - 2013, cả 3 trường kể trên đều phải treo bảng không tổ chức bán trú cho HS lớp 1. Lý do là cơ sở vật chất của nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng. Số lớp cứ tăng lên, trong khi số phòng học của mỗi trường vẫn vậy, hoặc chỉ được mở rộng không đáng kể thì vỡ bán trú là điều tất yếu.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Cao Hữu Công - hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: "Không đợi tới năm nay mà việc vỡ bán trú đã sớm dự liệu. Như năm ngoái, để đáp ứng nhu cầu bán trú cho HS, nhà trường đã tận dụng cả các phòng chức năng, thậm chí là phòng Hội đồng của giáo viên. Nhưng không thể cứ để tình trạng như vậy được. Năm nay, ngay từ khi nhận hồ sơ đăng ký vào lớp 1, nhà trường đã thông báo đến phụ huynh HS về việc trường không tổ chức bán trú".
Cả Trường tiểu học Phù Đổng và Trường tiểu học Phan Thanh cũng thông báo không tổ chức bán trú cho HS lớp 1 trong năm học mới 2012 - 2013 này. Đây cũng là yêu cầu của ngành GD TP Đà Nẵng đối với 3 điểm trường nóng về tình trạng quá tải này. Mục đích của giải pháp này là để phụ huynh cân nhắc hơn, có thể chọn cho con em học ở các trường có tổ chức bán trú để giảm tải cho 3 trường trên. Thế nhưng, trên thực tế, như ông Nguyễn Hồng Tân - hiệu trưởng trường tiểu học Phan Thanh cho biết: "Thông báo không tổ chức bán trú rồi, nhưng hồ sơ HS vẫn cứ ùn ùn nộp vào trường".
Việc các trường tốp trên "hút" HS khiến phụ huynh tìm mọi cách để con em vào học các trường này, ngoài thuận lợi điểm trường nằm ở trung tâm thành phố, còn do chất lượng đào tạo của các trường cao. "Nước chảy về chổ trũng" là tất yếu. Thử tìm giải pháp giảm tải, lãnh đạo các trường đều cho rằng cần mở rộng cơ sở trường học, tăng số lượng phòng học. Hoặc phải mở thêm trường ở khu vực trung tâm TP, với điều kiện phải tạo thương hiệu uy tín cho các trường mới ngay từ đầu để "hút" HS.
Khánh Hiền
Theo dân trí
Nỗi buồn trường học ở khu tái định cư Năm học mới đã bắt đầu, thế nhưng nhiều điểm trường Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng và đìu hiu học sinh đến nhập trường. Hành trình đi tìm con chữ ở đây vẫn còn nhiều nhọc nhằn. Trong không khí các trường ở Nghệ An đang...