Hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho học sinh THPT
Việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 1665. Do đó tinh thần cần được hun đúc ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ảnh minh họa/internet
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (Novaedu) – khi tham gia vào hành trình Khởi nghiệp, học sinh THPT sẽ có được Kỹ năng Toàn diện, để ngày càng hoàn thiện bản thân.
Có nhận thức về tương lai của bản thân, có “ tinh thần của người khởi nghiệp”. Từ đó bắt tay vào việc xây dựng ý tưởng và hình thành các dự án khởi nghiệp.
Trên tinh thần ấy, việc xây dựng các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh THPT là điều cần thiết. Các hoạt động sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho học sinh.
Đào tạo nâng cao tư duy và tinh thần của người khởi nghiệp. Xây dựng môi trường là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có thể nghiên cứu và sáng tạo khởi nghiệp.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (Novaedu).
Ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh THPT cần tập trung vào các nội dung như: Cung cấp kiến thức, kỹ năng về chủ đề khởi nghiệp; Đào tạo nâng cao tư duy và tinh thần khởi nghiệp; xây dựng môi trường là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp.
Khuyến khích học sinh tham gia hoạt động của Đề án 1665, chuyên gia Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: Cần xây dựng, cung cấp công cụ triển khai như bộ tài liệu chính thức về khởi nghiệp trong phạm vi do Bộ GD&ĐT phê duyệt…
Đồng thời phổ biến tuyên truyền trực tiếp cho học sinh THPT trong phạm vi toàn trường về Đề án 1665 và các câu chuyện thực tế xoay quanh chủ đề này. Chẳng hạn, có thể là các câu chuyện về tấm gương thành đạt trong nước, quốc tế, các bài học kinh tế cuộc sống….
Mặt khác, tổ chức các cuộc thi và thể hiện ý tưởng. Mỗi trường có thể phát động cuộc thi và khuyến khích mỗi tháng có 1 ý tưởng về giải pháp cho các vấn đề kinh tế – xã hội. Cố định phần thưởng từ phía nhà trường hàng tháng, tuyên dương khen thưởng cho các cá nhân, tập thể trong giờ chào cờ trước toàn trường.
Ngoài ra, xây dựng môi trường và đầu mối triển khai thông qua việc hình thành mỗi trường có 1 Câu lạc bộ khởi nghiệp, giao cho Đoàn trường phụ trách. Tổ chức hoạt động định kỳ hàng tuần trong câu lạc bộ để học sinh tự nguyện tham gia. Kết hợp tích hợp các hoạt động tự đào tạo kỹ năng, văn nghệ,…. tùy vào tình hình thực tế của từng trường.
Đặc biệt, hàng tháng cần tổ chức trải nghiệm thực tiễn, đưa học sinh đi tham quan trải nghiệm các trường Đại học, Cao đẳng, các Doanh nghiệp khác nhau.
Ông Bùi Tiến Dũng – Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác HSSV.
Nhấn mạnh vai trò của Nhà trường đối với việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của học sinh THPT, ông Bùi Tiến Dũng – Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các nhà trường cần tăng cường truyền thông về khởi nghiệp. Hình thành lý tưởng sống cho học sinh.
Đồng thời, thúc đẩy hoạt động câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM; hỗ trợ học sinh các khóa đào tạo về khởi nghiệp; Tạo điều kiện cho học sinh tham quan tại các doanh nghiệp; Hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp.
Mục tiêu Đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025:
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp;
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Minh Phong
Theo GDTĐ
Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học - Kinh nghiệm của Israel
Từ quốc gia khởi nghiệp đi lên từ chiến tranh và nghèo khó, Israel trở thành một quốc gia có khả năng sáng tạo và đổi mới nhiều nhất trên thế giới. Hiếm có đất nước nào có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lại nhiều và phát triển nhanh chóng thần kỳ đến thế.
Để làm được điều đó, vai trò của hệ thống giáo dục, chính sách giáo dục, mô hình giáo dục đóng vai trò không nhỏ.
Mô hình quản lý thúc đẩy các trường đại học sáng tạo tối đa
Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Israel về đổi mới, sáng tạo trong phương pháp quản lý, giảng dạy, nghiên cứu cho cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ phụ trách đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và giảng viên tại các trường đại học, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học - kinh nghiệm của Israel" vào ngày 18/4 tại Hà Nội.
Là một người tham gia khóa học trải nghiệm giáo dục tại đất nước Israel, PGS.TS Vũ Cường - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, đặc trưng giáo dục của Israel là giáo dục khai phóng, giáo dục sáng tạo.
Quan điểm phát triển giáo dục đại học của Israel đặt trọng tâm vào phát triển con người sáng tạo. Con người là tài nguyên lớn nhất bởi vậy giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Hệ thống giáo dục đặt trọng tâm vào khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Để đảm bảo mức độ tự chủ rất cao của các trường, Israel trao quyền sáng tạo rất lớn cho hiệu trưởng, hiệu trưởng như một doanh nhân khởi nghiệp. Hệ thống quản lý hỗ trợ tối đa, trên nguyên tắc cạnh tranh và tôn trọng quyền tự chủ của các trường.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu mở đầu hội thảo.
Xét về hệ thống quản lý giáo dục, Israel có những điểm tương đồng và khác biệt so với Việt Nam. Bộ Giáo dục của Israel có vai trò quản lý giáo dục phổ thông.
Riêng hệ thống các trường đại học, nước này có Hội đồng Giáo dục Đại học riêng - tổ chức này hoạt động ngang cấp Bộ. Song có một điểm khác là các thành viên ở tổ chức này hoạt động chuyên môn nhiều hơn là quản lý hành chính.
Ngoài ra, Hội đồng này có một Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách cấp tiền cho các trường đại học nghiên cứu (chủ yếu là nghiên cứu cơ bản). Các nghiên cứu ứng dụng của đại học có thể tìm nguồn tài trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Các trường phải chứng minh khả năng ứng dụng nghiên cứu của mình để có thể được cấp vốn từ Bộ này.
Ủy ban này lập kế hoạch phát triển giáo dục đại học (GDĐH) ở cấp quốc gia, gắn với nhu cầu học tập và thị trường lao động. Sau đó, họ thảo luận với Bộ Tài chính về ngân sách trung hạn dành cho GDĐH nhằm phân bổ ngân sách cho các trường dựa trên kết quả hoạt động, đảm bảo cân đối trong phân bổ ngân sách giữa các trường.
"Chúng tôi đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao hội đồng Giáo dục Đại học này không nhập luôn với Bộ Giáo dục mà phải tách riêng như vậy? Một người bạn Israel giải thích, quan điểm của Israel rằng giáo dục phổ thông và đại học khác nhau về tính chất.
Giáo dục đại học là giáo dục khai phóng cho nên cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo cao nhất, bởi vậy nếu đặt giáo dục đại học dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước mang tính hành chính cao thì quy trình, thủ tục rườm rà sẽ thủ tiêu mất sự sáng tạo. Israel xác định một tổ chức tương đối độc lập và có quyền lớn", PGS.TS Vũ Cường chia sẻ.
PGS.TS Vũ Cường cho rằng, mô hình quản lý giáo dục của Israel là mô hình hay, chúng ta có thể tham khảo học hỏi về một tổ chức đệm nhằm thúc đẩy tính thuận tiện về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đại học sáng tạo.
Mô hình quản lý thúc đẩy các trường đại học sáng tạo tối đa của Israel
Các trường cao đẳng không được nhà nước cấp ngân sách nghiên cứu nhưng vẫn có quyền đấu thầu cạnh tranh nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hệ thống giáo dục Đại học ở Israel gồm 300,000 sinh viên theo học ở 62 trường đại học. Trong đó có 9 trường ĐH công lập (8 đại học định hướng nghiên cứu và 1 đại học mở), 53 trường cao đẳng (32 trường ngoài sư phạm (20 công, 12 tư) và 21 trường sư phạm (công lập).
"Nhìn vào cơ cấu này dễ thấy, Israel rất coi trọng đào tạo giảng viên với 21/53 trường cao đẳng là trường sư phạm. Đổi mới sáng tạo trong trường đại học đầu tiên là đổi mới phương pháp sư phạm trong các trường đại học", ông Cường nhận định.
PGS.TS Vũ Cương - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ về mô hình giáo dục đại học ở Israel.
Đáng chú ý, một kế hoạch dài hạn với cam kết chắc chắn về nguồn lực tạo động lực để các trường đầu tư nghiên cứu. Theo đó, Israel xác định GDĐH là lĩnh vực nhận ngân sách nhà nước lớn thứ 6 của quốc gia, ngân sách được cam kết trong 6 năm. Bởi lẽ, các nghiên cứu cơ bản ở trường cần thời gian dài và khi có nguồn lực thì trường đại học sẽ tự tin để tập trung nghiên cứu.
Các đại học tập trung quốc tế hoá, hạ tầng nghiên cứu trong kỷ nguyên công nghệ đám mây, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, củng cố và kiện toàn hệ thống, ưu tiên quốc gia và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Phương pháp sư phạm mới trong giáo dục đại học
TS. Bùi Thanh Hương - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia khóa học 20 ngày tại Israel gồm 22 đại diện trên toàn thế giới nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Chị Hương cho biết, khi tiếp xúc với học sinh ở Israel có thể cảm nhận thấy các em học tập rất say mê nhưng để phục vụ trước nhất cuộc sống của mình chứ không phải học tập vì mục đích hàn lâm hay mục tiêu lấy giải thưởng nobel.
Giáo viên ở Israel đứng trên bục giảng với phương châm "dạy học gắn liền với cuộc sống" và "dạy học trò biết cách yêu thương". Chương trình học tập ở đây gắn liền với công nghệ. Thầy cô chú trọng áp dụng STEM vào giảng dạy.
"Israel thu hút các công ty công nghệ lớn Facebook, Google, Microsoft đến đầu tư tại các trường đại học Israel rất nhiều, thậm chí lớn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ. Và đầu tư chủ yếu ở đây là cho đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong các trường đại học", TS. Bùi Thanh Hương chia sẻ.
TS. Bùi Thanh Hương - giảng viên Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chị Hương cũng nhấn mạnh đến tư duy giáo dục coi trọng tính độc lập, sáng tạo của Israel. Đáng chú ý, những trường đại học ở quốc gia này có các trung tâm, đơn vị khởi nghiệp và chính những đơn vị đó thu hút vốn đầu tư mạo hiểm không chỉ ở trong nước và trên khắp thế giới nhiều nhất hiện nay .
Phát biểu tại hội thảo, ông Doron Lebovich - Phó Đại sứ - Đại sứ quán Israel tại Việt Nam khẳng định hiệu quả từ chủ trương khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường học của Israel.
Để trở thành nước phát triển, phát triển sản xuất công nghiệp không phải con đường duy nhất. Israel đã phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ dựa vào tri thức, khẳng định vai trò dẫn dắt của kinh tế tri thức, phát huy năng lực đổi mới sáng tạo để làm giàu. Vai trò của giáo dục đại học thực hiện đồng thời chức năng sáng tạo tri thức, truyền đạt tri thức và ứng dụng tri thức.
Ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam.
"Các trường đại học ở nước chúng tôi tập trung vào hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng. Các viện nghiên cứu và các trung tâm y tế tìm cách tiến hành nghiên cứu ứng dụng, xây dựng nó dựa trên nghiên cứu cơ bản.
Các nghiên cứu mang tính đổi mới sáng tạo thường sẽ được áp dụng vào thực tiễn các ngành công nghiệp ở Israel nhằm mang lại giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, người có ý tưởng kết hợp với nhau để thương mại hóa ý tưởng và tạo ra những công việc kinh doanh có giá trị cao", Phó Đại sứ - Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tiết lộ về bí quyết thúc đẩy sáng tạo của nền giáo dục Israel.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Cựu Phó Thủ tướng Đức: Một quốc gia phát triển là nhờ vào sự sáng tạo và trí tuệ Không phải nguồn tài nguyên hay cơ sở vật chất thuận lợi mà sự phát triển của một quốc gia chính là nhờ vào sự sáng tạo, trí tuệ của con người - đặc biệt là những sáng kiến đổi mới trong các lĩnh vực kinh doanh. Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ Philipp Roseler, Cựu Phó Thủ tướng Đức -...