Huawei ra mắt chipset thế hệ tiếp theo cho các máy chủ với mục tiêu trở thành 1 trong 5 nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu
Huawei đặt tham vọng trở thành một trong những thế lực mới trong lĩnh vực đám mây.
Hôm nay (thứ Hai), Huawei đã giới thiệu chipset thế hệ tiếp theo dành cho máy chủ. Chipset này có khả năng cạnh tranh với AMD, ngay cả trong hoàn cảnh gã khổng lồ Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với ảnh hưởng từ các “cơn gió chính trị” từ khắp nơi trên thế giới.
Huawei giới thiệu chip mới dành cho máy chủ và đám mây
Chipset mới, được gọi là Kunpeng 920, được thiết kế để trang bị cho các trung tâm dữ liệu và sẽ cung cấp sức mạnh xử lí cho máy chủ Tai TaiShan của công ty (cũng ra mắt ngày hôm nay).
Huawei rất muốn chứng tỏ rằng họ đang tiến lên phía trước với việc kinh doanh bất chấp những cơn gió chính trị lớn, bao gồm cả việc bắt giữ CFO của họ ở Canada và các cáo buộc liên tiếp từ Hoa Kỳ và nhiều nước khác cho rằng thiết bị của công ty có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng như một cửa hậu để theo dõi công dân.
Trả lời câu hỏi của CNBC về việc liệu áp lực chính trị có thể ảnh hưởng đến doanh số của máy chủ mới hay không, William Xu, giám đốc tiếp thị chiến lược của Huawei cho biết công ty hy vọng thu hút được khách hàng bằng cách tạo ra sản phẩm tốt.
Xu nói: “Chỉ bằng cách tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, chúng tôi mới có thể giành được khách hàng của mình. Chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp cùng các hạn chế tại thị trường bản địa và cuối cùng tạo ra các sản phẩm được khách hàng công nhận và hoan nghênh”.
Video đang HOT
CPU mới của Huawei được thiết kế bởi công ty và dựa trên kiến trúc chipset được tạo bởi ARM, công ty có trụ sở tại Anh thuộc sở hữu của SoftBank.
Kunpeng 920 là một con chip 7 nanomet – công nghệ mới nhất rong ngành công nghiệp bán dẫn, nó cho phép tạo ra các thành phần nhỏ hơn, mạnh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn so với thế hệ chip tiền nhiệm.
Huawei cho biết các máy chủ mới của họ với Kunpeng 920 được thiết kế để giúp xử lý và lưu trữ lượng lớn dữ liệu.
Các chipset nhân ARM đã rất quen thuộc với thị trường di động nhưng hiện tại họ đang cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình ở mảng máy chủ và đám mây. Huawei không phải là công ty duy nhất có chipset 7 nanomet được thiết kế cho các máy chủ. AMD cũng đã ra mắt một sản phẩm riêng hồi năm ngoái. Động thái mới nhất của Huawei đặt họ vào vị thế cạnh tranh với các công ty bán dẫn và NVIDIA.
Kunpeng 920 cũng không phải là chipset 7nm đầu tiên của Huawei. Trước đó, công ty có Kirin 980, được thiết kế cho smartphone của riêng hãng và Ascend 910 – con chip được tạo ra ể xử lý các ứng dụng trí tuệ nhân tạo chạy trên đám mây. Ascend 910 cũng được thiết kế cho các trung tâm dữ liệu, nhưng phục vụ một chức năng khác so với Kunpeng 920 mới.
Nhắm đến top dẫn đầu của thị trường đám mây
Huawei kiếm phần lớn tiền từ việc bán thiết bị viễn thông. Nhưng công ty đang tìm kiếm con đường tăng trưởng mới như điện tử tiêu dùng và điện toán đám mây. Huawei đang hy vọng các máy chủ TaiShan sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh sau này.
Huawei giới thiệu chip mới dành cho máy chủ và đám mây
Gã khổng lồ công nghệ đã làm việc với Intel trong nhiều năm về lĩnh vực bán dẫn cho máy chủ của mình nhưng Kungpeng 920 dựa trên kiến trúc ARM. Xu cho biết Huawei sẽ tiếp tục mối quan hệ với Intel nhưng họ chọn tùy chọn tốt nhất cho từng trường hợp sử dụng.
Xu nói với CNBC: “Huawei Huawei và Intel là đối tác chiến lược lâu dài, trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Mặc dù chúng tôi có sự khác biệt về cấu trúc CPU, các sản phẩm của chúng tôi bổ sung cho nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng CPU Intel trong các lĩnh vực mà chúng hoạt động tốt hơn và sử dụng CPU dựa trên ARM trong các khu vực như đám mây và máy chủ”.
Đây được xem là một động thái mới của các công ty công nghệ Trung Quốc nhằm để loại bỏ công nghệ Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. Huawei đã sử dụng rộng rãi con chip cây nhà lá vườn của mình cho smartphone và máy chủ. Công ty hi vọng với sự đầu tư mạnh mẽ, cuối cùng họ sẽ trở thành một trong những thế lực dẫn đầu trên thị trường đám mây thế giới.
Xu nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ làm cho dịch vụ đám mây của mình – cùng với đối tác của chúng tôi – trở thành một trong 5 dịch vụ đám mây hàng đầu trên thế giới”.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Synergy Research, các công ty điện toán đám mây hàng đầu hiện nay là Amazon, Microsoft, IBM, Google và Alibaba.
Tham khảo: CNBC
Snapdragon 8cx (hoặc các đời sau) có thể là lựa chọn của Apple cho MacBook
Chúng ta đã nghe râm ran chuyện Apple tự phát triển chip ARM dành cho laptop của mình để thay thế CPU Intel, và ngày đó đang tới gần.
Với sự xuất hiện của Snapdragon 8cx, hiệu năng của vi xử lý ARM đã được đưa lên một tầm cao mới, và nó đã rất sát với dòng CPU tiết kiệm điện của Intel. Đây lại là phân khúc chip đang được dùng chủ yếu cho laptop mỏng nhỏ nhẹ, ví dụ như MacBook 12" hay MacBook Air, vậy nên có thể một ngày nào đó Apple sẽ chuyển sang dùng vi xử lý của Qualcomm chẳng hạn.
Giữa Apple và Qualcomm thời gian qua có nhiều căng thẳng về pháp lý, tuy nhiên cả hai có thể hòa giải và chuyện hai bên gây lộn nhau nhưng vẫn hợp tác là chuyện bình thường, ví dụ như Apple với Samsung chẳng hạn. Những công ty dạng này rất thực dụng, cái gì tốt và có lợi là họ làm với nhau thôi.
Điều này cũng có nghĩa là Apple sẽ phải chuyển từ sự phụ thuộc Intel sang phụ thuộc Qualcomm, nhưng biết đâu trong thời gian chờ đợi phát triển chip của riêng mình thì Snapdragon 8cx hay các thế hệ sau đó lại là lựa chọn hợp lý. Snapdragon 8cx lại hỗ trợ sẵn sàng cho Windows và tất cả ứng dụng / nền tảng quen thuộc nên tính năng Bootcamp để chạy Win trên Mac vẫn sẽ hoạt động được. Ồ, Snapdragon 8cx lại chẳng cần quạt tản nhiệt nữa chứ.
Một trường hợp khác, ngay cả khi Apple không hợp tác với Qualcomm đi nữa thì sự xuất hiện của Snapdragon 8cx cũng chứng minh rằng chip ARM giờ đã không còn như xưa. Không còn là những con chip di động yếu, không còn là những sản phẩm bị khinh rẻ trong thị trường PC. Snapdragon 8cx và những CPU ARM dành cho máy tính sau này sẽ ngày càng mạnh lên, và nếu Intel không thay đổi kịp thì họ sẽ chỉ còn đứng được ở phân khúc cao cấp với CPU 4-8 nhân hiệu năng cao. Mảnh đất laptop mỏng nhẹ lại là mảng dễ kiếm tiền hơn và có số lượng khách hàng tiềm năng lớn hơn nhiều, việc rớt khỏi thị trường này để vào tay Qualcomm hay mất đi đơn đặt hàng của Apple cũng đều nguy hiểm với Intel.
Để chuyển sang kiến trúc vi xử lý mới, Apple sẽ phải làm nhiều việc nhằm đảm bảo macOS tương thích với ARM, nhưng đây không phải lần đầu Apple làm như thế. Hãng đã từng 2 lần đổi kiến trúc CPU, và với công nghệ thời nay cùng với lực lượng nhân sự tốt thì biết đâu macOS giờ đã hỗ trợ ARM rồi mà chúng ta không biết đấy thôi. Apple cũng đã làm việc với nhân ARM từ lâu (iPhone, iPad đấy) nên chẳng có gì cản trở họ cả. Các ứng dụng bên thứ ba thì có thể nhờ vào sự hỗ trợ của macOS để chạy trên CPU ARM mà không gặp khó khăn gì.
Nếu Apple có dùng CPU ARM cho máy tính xách tay của mình, mình đoán dòng đầu tiên sử dụng sẽ là MacBook 12" và sau đó là MacBook Air. Cả hai dòng máy nói trên đều nhắm tới nhỏ, nhẹ, pin lâu và người dùng thì không cần hiệu năng quá cao nên cực kì phù hợp với CPU ARM. MacBook Air có thời gian dùng pin lên đến 12 tiếng, và với ARM có thể nó sẽ lên được vài ngày nếu mọi thứ diễn ra đúng như những gì Qualcomm nói trên sân khấu. Và máy thậm chí có thể trở nên mỏng hơn nữa do không cần quạt tản nhiệt (MacBook 12" không có quạt, Air có 1 cái).
Còn nhiều điều thú vị về CPU ARM lắm, chúng ta hãy chờ xem sao.
Theo Tinh Te
Huawei Honor 8 'lọt' danh sách 8 điện thoại gây hại cho sức khỏe người sử dụng Trong danh sách 8 mẫu điện thoại được đánh giá có mức độ hấp thụ sóng radio của cơ thể người vượt mức quy định mới được nhà chức trách Pháp nêu tên có Huawei Honor 8. Trong nửa đầu 2018, ANFR, cơ quan Quản lý tần số quốc gia Pháp (ANFR) đã kiểm tra 51 thiết bị và 43 thiết bị được...