Hũ gạo nuôi con chữ
Việc bỏ học vì đói đã không còn là chuyện lạ với những học sinh nghèo các tỉnh Tây Bắc. Chính vì vậy việc hỗ trợ gạo cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn đang là giải pháp thiết thực, hiệu quả và rất nhân văn.
Bỏ học vì đói
Với những học sinh nghèo các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang… việc bỏ học vì đói đã trở thành chuyện không có gì lạ. Nhiều trường vùng cao, cứ đến mùa giáp hạt là cán bộ, giáo viên lo ngay ngáy học sinh bỏ học. “Mỗi ngày đến lớp, đưa mắt nhìn một lượt, thấy học sinh đủ mặt mới yên tâm. Ở vùng cao, việc duy trì được sĩ số ổn định từ đầu đến cuối năm học vẫn là một thách thức. Nguyên nhân của khó khăn đó nằm ngay trong sự đói nghèo” – một giáo viên ở vùng cao Sơn La tâm sự.
Còn với tỉnh Yên Bái thì hàng năm, nhất là trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng, tỉnh phải hỗ trợ tiền, gạo để các em bám lớp với mong muốn rất đau lòng: Đừng em nào phải bỏ thi vì đói, vì nghèo – một mong muốn rất đặc trưng của giáo dục vùng cao.
Cái đói đang đeo đuổi nhiều học sinh ở vùng cao Sơn La
Video đang HOT
Với học sinh nghèo ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, hũ gạo tình thương của các cựu chiến binh Phong Thổ đã giúp hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên, tiếp tục bám lớp. Ông Phàn A Lử – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Thổ cho biết: Xuất phát từ thực tế khó khăn của học sinh các dân tộc trong vùng, 5 năm qua, chúng tôi xây dựng “Hũ gạo nuôi con chữ” theo kiểu tiết kiệm, hàng ngày mỗi cựu chiến binh bỏ ra một nắm gạo, đến nay đã giúp đỡ hàng trăm học sinh vượt qua khó khăn, tiếp tục theo đuổi học chữ. Nhưng chúng tôi vẫn đau đáu một điều: Số học sinh được giúp đỡ còn ít quá so với nhu cầu thực tế; điều đó có nghĩa là vẫn còn nhiều cháu chẳng thể tiếp tục cắp sách đến trường vì đói nghèo.
Một quyết định nhân văn
“Quyết định hỗ trợ gạo ăn cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp cả trăm ngàn học sinh khó khăn ở các vùng miền tiếp tục thực hiện ước mơ học tập vì tương lai của chính mình, gia đình mình và của đất nước”.
Bà Điêu Thị Duy – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La.
Với một địa phương đặc biệt khó khăn như Sơn La, hiện đang có tới gần 40% số hộ nghèo và cận nghèo, thì việc lo miếng ăn hàng ngày cho học sinh vẫn là một gánh nặng quá lớn với mỗi gia đình cũng như thực lực của tỉnh. “Quyết định hỗ trợ gạo ăn cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ là một giải pháp thiết thực, hiệu quả và nhân văn, vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Bởi thế ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát, thống kê số lượng học sinh, sinh viên cần hỗ trợ lương thực để có kế hoạch trình Thủ tướng xem xét” – bà Điêu Thị Duy – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La bảo vậy.
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ đã đến rất kịp thời và thiết thực. “Có những chính sách hỗ trợ đồng loạt như vậy quả là một sự tháo gỡ rất lớn đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói riêng và tương lai của đất nước, của dân tộc nói chung” – ông Phàn A Lử phấn khởi nói.
Theo 24h
Thư viện của bà giáo nơi phố núi
Nhìn thấy các cháu chơi bóng, cầu lông dưới lòng lề đường, ham mê điện tử do thiếu sân chơi, hay nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách, truyện đọc giải trí ngoài giờ, nên vợ chồng tôi đã quyết định mở thư viện sách miễn phí này...
"Nhìn thấy các cháu chơi bóng, cầu lông dưới lòng lề đường, ham mê điện tử do thiếu sân chơi, hay nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách, truyện đọc giải trí ngoài giờ, nên vợ chồng tôi đã quyết định mở thư viện sách miễn phí này. Ngoài việc có nơi sinh hoạt bổ ích cho các cháu, đây cũng chính là nơi giúp cho mọi người tạo thói quen đọc sách, từ đó góp phần duy trì phát triển văn hóa đọc. Tôi làm việc này xuất phát từ tấm lòng, không vì vụ lợi cá nhân gì cả. Mặc dù thư viện không lớn, nhưng tôi luôn mong muốn mọi người sẽ thường xuyên đến với thư viện hơn, đặc biệt là đối với các cháu nhỏ". Đây chính là lời bộc bạch của bà Lưu Thị Nguyệt Minh - chủ thư viện sách miễn phí Minh Ân, tổ 57, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái ( tỉnh Yên Bái).
Vốn là một giáo viên ngữ văn có hàng chục năm đứng trên bục giảng, nay đã về hưu, nên bà Minh luôn coi sách như một người bạn thân thiết. Với bà, đọc sách và sưu tầm sách là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Trong những năm tháng theo nghề dạy học, bà đã sưu tầm được khá nhiều đầu sách, tủ sách của bà cứ dày theo năm tháng, bà Minh thường mời mọi người tới đọc. Ấp ủ về một thư viện miễn phí của bà đến tháng 10/2009 mới thành hiện thực. Tháng 4/2010 thư viện có quyết định của Phòng văn hóa và thể thao thành phố Yên Bái cho phép được hoạt động chính thức với tên gọi Thư viện Minh Ân (Tên ghép giữa bà Minh với ông Ân - chồng bà).
Từ 500 quyển sách và vài bộ bàn ghế nhựa ban đầu, đến đầu năm 2013, thư viện đã có 12.000 đầu sách với đầy đủ các lĩnh vực về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, sách chuyên đề, truyện tranh... Đạt được kết quả như vậy là do gia đình bà Minh đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng, bằng tiền lương hưu, tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, ngoài ra còn có sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Học sinh đang đọc sách tại "Thư viện bà Minh" - Ảnh: Báo Công an
Giữa thời buổi kinh tế thị trường hiện nay khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu thì việc bỏ công, bỏ của để thành lập được một thư viện miễn phí phục vụ cộng đồng như nhà giáo đã nghỉ hưu Nguyệt Minh là việc không phải ai cũng làm được. Hàng tháng bà vẫn thường xuyên trích từ 1- 2 triệu đồng từ tiền lương hưu để mua sách mới. Đến nay, người dân phố Trung Tâm, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái và những phường xã xung quanh đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, luôn cặm cụi bên những cuốn sách tại thư viện miễn phí của mình.
Em Phạm Thị Thu - học sinh trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái cho biết: "Ngoài giờ học, em và các bạn cùng lớp thường xuyên đến đây đọc sách, ở đây có rất nhiều thể loại cho em lựa chọn, bên cạnh việc hướng dẫn chúng em đọc loại sách nào cho phù hợp với lứa tuổi của mình, bà Minh còn dạy bảo chúng em những điều hay lẽ phải để chúng em trưởng thành hơn, em cũng như các bạn cảm ơn bà Minh rất nhiều!".
Không chỉ trẻ em, với các độc giả lớn tuổi, thư viện của bà Minh cũng là nơi giao lưu với mọi người và được bổ sung, nâng cao kiến thức. Thư viện của bà ngày càng đông hơn, trẻ em, người già thường xuyên tới. Đối với những người không có nhiều thời gian đến đọc, bà Minh còn cho họ mượn sách về nhà.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: "Phường Đồng Tâm rất tự hào vì có thư viện miễn phí của bà Minh, không chỉ có người già và trẻ em trong khu phố đến đọc sách, mà tôi thấy nhiều người ở nơi khác cũng đến với thư viện. Tôi nghĩ việc làm của bà Minh cần được ủng hộ và nhân rộng đến các địa phương khác trong tỉnh Yên Bái và các tỉnh bạn".
Lặng lẽ tìm niềm vui trong những việc làm có ý nghĩa, tấm lòng nhân hậu với cộng đồng của bà Lưu Thị Nguyệt Minh thật đáng trân trọng. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ với đủ các loại sách báo trên mạng khiến con người luôn cảm thấy dư thừa thông tin, văn hóa đọc đang ngày mai một, việc mở một thư viện miễn phí cho mọi người tới đọc là một việc làm đáng quý góp phần duy trì thói quen đọc và yêu quý sách cho người dân thành phố. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi có những tấm lòng vàng như vậy.
Theo 24h
Tuyển dụng giáo viên công tác tại Trường Sa Sở GD-ĐT Khánh Hòa vừa có thông báo tuyển dụng giáo viên tiểu học giảng dạy tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa. Theo đó sẽ tuyển dụng 6 giáo viên dưới hình thức xét tuyển mới và xét chuyển công tác giáo viên đang giảng dạy tại các trường trong toàn tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của...