HTC – chú cá bé bị Apple, Samsung kìm kẹp
Trên thị trường smartphone, HTC được ví như chú cá bé nhỏ bị những con cá lớn hơn như Apple, Samsung kìm kẹp mà không có cách nào thoát ra được.
Vào thời điểm 2010, khi nền tảng Android cho các thiết bị di động mới chỉ xuất hiện trên thị trường, HTC là một trong những nhà sản xuất smartphone Android lớn nhất trên toàn thế giới. Năm năm sau, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh đối với công ty smartphone Đài Loan. Thị phần liên tiếp bị mất về tay đối thủ. Doanh thu và lợi nhuận vì vậy cũng tự động tuột dốc.
Không phải bây giờ, sự đi xuống của HTC mới lần đầu tiên được nói đến; nhưng có thể nói tình hình hiện tại của công ty smartphone Đài Loan đang xấu đi hơn bao giờ hết. Giá cổ phiếu trượt tới mức thấp kỷ lục xuống chỉ còn 3 USD/cổ phiếu. Công ty cũng vừa cắt giảm dự báo doanh thu quý II/2015 và khuyến cáo các nhà đầu tư rằng rất có thể một quý làm ăn thua lỗ đang ở ngay trước mắt. Trong quý này, HTC chỉ kỳ vọng đạt doanh thu từ 1,06 tỷ USD đến 1,16 tỷ USD, giảm so với mức dự đoán 1,48 tỷ USD đến 1,56 tỷ USD trước đó. HTC cũng dự đoán sẽ lỗ từ 31 cent đến 32 cent/cổ phiếu trong quý này.
Giữa hai vòng kìm kẹp
Khó khăn của HTC cho thấy các thương hiệu smartphone nhỏ đang bị “nghẹt thở” giữa sự kìm kẹp của những thương hiệu lớn hơn, đặc biệt ở phân khúc điện thoại cao cấp. Không thể phủ nhận những chiếc smartphone Android đỉnh bảng mà HTC sản xuất có chất lượng phần cứng tốt. Chúng được đánh giá cao về thiết kế, chất liệu. Trước khi Galaxy S6/6 Edge ra mắt, những chiếc điện thoại vỏ nhôm của HTC luôn cho cảm giác cầm cao cấp hơn hẳn so với smartphone vỏ nhựa của Samsung.
Vậy nhưng, HTC vẫn phải núp dưới cái bóng của Samsung, Apple, và thậm chí là LG – những thương hiệu smartphone lớn và được biết đến nhiều hơn. Samsung đang là nhà sản xuất Android lớn nhất thế giới với hàng loạt model thuộc mọi phân khúc, từ cao cấp đến giá rẻ; trong khi Apple là thương hiệu đắt giá nhất hành tinh nhờ chiếc smartphone cách mạng iPhone.
Video đang HOT
Sự yếu thế của HTC còn nằm ở chỗ hãng không làm chủ được công nghệ như Samsung, LG. Nếu như cả LG, Samsung đều tự làm được các linh kiện như chip xử lý, RAM, màn hình…thì tất tật mọi linh kiện HTC đều phải phụ thuộc vào bên thứ ba. Họ phải mua chip từ Qualcomm hoặc MediaTek, mua màn hình (được đồn là từ AU Optronics – AUO)…Hậu quả là khi chip của Qualcomm Snapdragon 810 bị đồn đoán chạy quá nóng, HTC không có cách nào khác vẫn phải sử dụng nó cho One M9 để kịp thời gian ra mắt. Ở chiều ngược lại, nhờ tự chủ được linh kiện này (với dòng chip Exynos tự sản xuất được), Samsung đã không còn dùng chip Qualcomm cho Galaxy S6 như họ làm trước đây với Galaxy S5.
Sự phụ thuộc về công nghệ, đi kèm với việc quá chú trọng vào thiết kế và chất liệu, khiến sản phẩm của HTC luôn bị chê là có giá quá cao so với cấu hình. HTC cũng cố gắng cải thiện tình hình bằng việc sản xuất nhiều hơn các model giá rẻ và tầm trung.Thế nhưng họ lại đụng phải những bức tường thành khác. Các công ty smartphone mới nổi đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo…mới là kẻ làm chủ phân khúc này, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Tội đồ Peter Chou?
Trong câu chuyện sa sút của HTC, cựu CEO Peter Chou là một nhân vật đáng chú ý. Sinh ra tại Myanmar và theo học kỹ sư điện tại Đài Loan, Chou gia nhập HTC năm 1997. Đồng nghiệp mô tả ông là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và có sự ám ảnh lớn đối với thiết kế phần cứng.
Tính đến ngày từ chức (20/3/2015), Peter Chou làm CEO của HTC trong 12 năm. Công trạng của ông là rất lớn, nhưng “tội” cũng không ít. Theo những ghi chép của trang Reuters sau những cuộc phỏng vấn với hàng tá cựu cũng như lãnh đạo hiện hành của HTC, Chou được nhận định là người có khả năng đưa ra những quyết định nhanh chóng. Khi HTC tung ra chiếc Sensation XL vào tháng 10/2011, toàn bộ kế hoạch về thiết kế, giá bán, ngày ra mắt đã được Chou phác thảo ra chỉ ba tháng trước đó.
Cả hai đặc điểm đó của ông rõ ràng đã giúp đỡ HTC trong thị trường smartphone, cho phép công ty nhanh chóng chuyển đổi chiến lược để tạo ra một dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ nội bộ HTC, nhiều người trong công ty xem đó là rào cản của sự phát triển. Những đặc tính của Chou chỉ giúp HTC thích ứng với thị trường ở những thời điểm ban đầu. Về sau, họ nhanh chóng các đối thủ kịp bắt nhịp. “Tính tỉ mẩn, khả năng đưa ra quyết định nhanh của Chou từng là một thế mạnh, nhưng giờ đây nó lại là điểm yếu bởi họ không có một định hướng rõ ràng cho tương lai” – một nguồn tin nội bộ giấu tên từ HTC cho biết.
Con đường mới
Cher Wang – Đồng sáng lập và là CEO mới của HTC.
Thị trường smartphone vốn đã khắc nghiệt thì nay lại càng khó khăn hơn bởi sự xuất hiện của dấu hiệu bão hòa. Theo dự đoán của IDC, thị trường sẽ chỉ tăng trưởng được 11,3% trong 2015, thay vì 27,6% của 2014. Thực tế này lại càng khiến HTC gặp nhiều thách thức bởi họ được xem là hãng chỉ chuyên sản xuất smartphone thay vì kinh doanh đa lĩnh vực như nhiều công ty khác.
Thế nhưng, hãng vẫn sẽ phải tìm hướng đi mới nếu muốn tồn tại. Thiết bị thực tế ảo và vòng đeo theo dõi sức khỏe là hai dòng sản phẩm mới được lựa chọn thử nghiệm. Cùng với smartwatch, đây được xem là những thiết bị của tương lai. Với thực tế ảo, HTC hợp tác với nhà phát triển game nổi tiếng Valve để phát triển. Với thiết bị sức khỏe, hãng bắt tay cùng Under Armour cho ra mắt chiếc HTC Grip hồi tháng 3/2015 (sự kiện MWC).
Họ cũng đã có người lãnh đạo mới thay Peter Chou, nghĩa là các yếu tố được cho là cản trở sự phát triển trước đây đã bị loại bỏ. Nhưng liệu HTC sẽ làm được gì khi mà ở thị trường nào cũng là những “chiến trường” thực sự. Kính thực tế ảo có sự tham gia của những ông lớn như Facebook (với việc mua lại Oculus), Samsung, Google; trên thị trường cũng đã có hàng tá các thiết bị theo dõi sức khỏe khác, chưa kể chiếc smartwatch của Apple cũng được trang bị chức năng này. Thành công hay thất bại của HTC ở sân chơi mới vẫn phải chờ thời gian mới có câu trả lời, còn với smartphone, tình trạng báo động đã ở cận kề hơn bao giờ hết.
Theo Minh Thống/ICTNews
Thẻ nhớ dần biến mất ở smartphone vì lợi nhuận nhà sản xuất
Nhiều lý do kỹ thuật được các nhà sản xuất đưa ra để giải thích vì sao smartphone của họ không hỗ trợ thẻ nhớ. Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận có lẽ là lý do dễ hiểu nhất.
Trước đây, các hãng điện thoại sản xuất thiết bị hỗ trợ thẻ nhớ để người dùng lưu trữ được nhiều dữ liệu hơn, bù cho bộ nhớ trong eo hẹp. Dù vậy, ngày nay thời thế đã thay đổi khi ngày càng nhiều hãng đặt mục tiêu lợi nhuận lên trước lợi ích của người dùng.
Trên blog công nghệ Engadget, nhà sản xuất Trung Quốc Xiaomi lý giải vì sao các smartphone cao cấp không nên dùng thẻ nhớ. Phó Chủ tịch Hugo Barra cho rằng đưa thẻ nhớ lên điện thoại là ý tưởng tồi. "Với các thiết bị hiệu suất cao, về cơ bản chúng tôi phản đối khe cắm thẻ micro SD". "Cựu tướng" Google đánh giá các loại thẻ nhớ có chất lượng thấp, chậm chạp, đôi khi ngừng hoạt động, mang đến nhiều vấn đề lớn như ứng dụng không ổn định, mất dữ liệu, khiến người dùng khó chịu... Trong khi đó, Matias Duarte, Phó Chủ tịch Thiết kế của Google, cũng có ý kiến tương tự.
Ảnh minh họa.
Song nhiều người dùng thẻ nhớ cho rằng điều đó không có thực. Nguyên nhân các hãng loại bỏ khe cắm thẻ nhớ micro SD trên sản phẩm, đặc biệt là hàng cao cấp, chính là tiền. Thay vì để người dùng mua thẻ nhớ giá rẻ để tăng dung lượng lưu trữ, họ có thể tính thêm cả trăm USD cho vài GB bộ nhớ tăng thêm.
Những gì Apple làm với iPhone đang được các đối thủ "học hỏi" bài bản. Từ góc độ lợi nhuận, đây quả thực là một món hời. Chẳng hạn, iPhone 6 dung lượng 128GB có giá đắt hơn 200 USD so với bản 16GB nhưng chi phí Apple bỏ ra là chưa đầy 50 USD. Với người dùng, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải cân đo đong đếm nhu cầu sử dụng dữ liệu cả hiện tại lẫn tương lai.
Nếu có khe cắm thẻ SD, nhiều người sẽ chọn mua loại rẻ nhất (dung lượng thấp nhất) và dùng thẻ nhớ để có thêm dung lượng. Các công ty điện thoại giá rẻ thường không dám đánh đổi chi tiết này lấy lợi nhuận vì người dùng không sẵn sàng chi nhiều tiền như vậy cho thiết bị tầm thấp. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn tiếp tục được dùng thẻ nhớ trên các mẫu máy bình dân hơn.
Theo Du Lam/Ictnews/Zing
BlackBerry tiếp tục sản xuất điện thoại vì có lợi nhuận John Chen cho biết, công ty tiếp tục sản xuất smartphone dù đang tập trung vào nhóm phần mềm bảo mật. John Chen - người điều hành BlackBerry trong 18 tháng vừa có cuộc phỏng vấn với Fox News. Chen cho biết, vấn đề ưu tiên hàng đầu của BlackBerry là tạo ra lợi nhuận. Ông cũng chia sẻ công ty sẽ chuyển...