HS lớp 10 “điên đầu” vì 2 cô Tấm trong SGK
Bên cạnh tranh luận về cái kết của câu chuyện Tấm Cám, điều khiến nhiều người quan tâm đó là vấn đề trong quá trình biên soạn SGK hiện nay.
Sách chuẩn “đá” sách nâng cao
Hiện nay, ở cấp THPT có hai bộ sách: một phục vụ cho chương trình chuẩn, một cho nâng cao. Trong đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình nâng cao phải dựa vào chương trình chuẩn.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, cùng là truyện cổ tích Tấm Cám nhưng ở sách chuẩn và sách nâng cao thì lại có 2 kết thúc khác nhau.
Cụ thể, đoạn kết truyện Tấm Cám trong SGK chuẩn, dựa theo Nguyễn Đổng Chi, có nội dung: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết…”.
Trong khi đó ở sách nâng cao, dựa theo Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế, lại viết: “Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một hố thật sâu và xuống ngồi dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo”.
Từ cái kết trên, sẽ có hai cách đánh giá khác nhau về tính cách của Tấm.
Theo phản ánh của các giáo viên Văn ở hầu hết cấp THPT đều cho rằng, với hai cái kết như trên sẽ khiến các giáo viên cảm thấy khó khăn trong quá trình giảng dạy, cách tiếp cận của các em cũng khác nhau.
Video đang HOT
“Không thể có hai nhân vật Tấm trong chương trình dạy. Chương trình dạy khác nhau, dẫn đến cách giảng và cách học không thống nhất”, chị Phan Thu Ngọc, giáo viên một trường cấp 3 ở Hà Nội lo lắng.
Một giáo viên khác nói: “Nhiều em học sinh còn bàn tán nhau, cho rằng cô giáo dạy sai, phải hiểu là theo cô Tâm ở sách nâng cao mới đúng, nhiều lúc chúng tôi không biết thế nào mà giải thích cho các em”.
Em Cao Trần Lực (THPT Kim Liên, Hà Nội) phàn nàn: “Đã là truyện cổ tích thì bao nhiêu dị bản cũng được, nhưng khi đã đưa vào sách thì người soạn sách phải thống nhất chứ? Bọn em học đã đành, đến lúc thi tốt nghiệp, thi ĐH thì sao? chương trình không thống nhất thì sẽ chỉ làm khổ học sinh chúng em thôi!”
Hội đồng thẩm định cũng “bó tay”
Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi đã tìm gặp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ môn ngữ văn.
Theo GS Thuyết: “Khi thẩm định hai bộ SGK (theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) môn ngữ văn lớp 10, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu cả hai bộ sách thống nhất lấy dị bản tác phẩm Tấm Cám của Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học dân gian Chu Xuân Diên.
Tuy nhiên, sau khi bộ SGK Ngữ văn 10 theo chương trình chuẩn in ra thì chúng tôi mới phát hiện là tác giả của bộ sách không làm đúng yêu cầu của Hội đồng thẩm định, đã lấy dị bản khác, chỉ có sách nâng cao lấy dị bản của Giáo sư Chu Xuân Diên.
Sau khi phát hiện, tôi đã trao đổi ngay với Tổng chủ biên và phản ánh điều này với NXB Giáo dục. Nhưng cho đến nay, sách vẫn chưa được sửa.
Ông giải thích: “Truyện dân gian thường có nhiều dị bản. Lời kể có chi tiết Tấm dội nước sôi giết Cám rồi làm mắm, gửi cho mẹ Cám cũng chỉ là một dị bản thôi. Hội đồng thẩm định SGK nhận thấy dị bản mà Giáo sư Chu Xuân Diên chép có cái kết chừng mực, phù hợp với yêu cầu giáo dục hơn, nên đã quyết định chọn dị bản đó để đưa vào giảng dạy.
Theo BĐVN
Đừng đòi cô Tấm thánh thiện
"Kết thúc truyện Tấm Cám là một kết thúc bác học và hợp lý. Nó kéo câu chuyện gần với con người hơn, đời thường hơn, sâu sắc và ý nghĩa hơn" - bạn Võ Thị Quý đã viết khi tham gia diễn đàn "Sửa đoạn kết truyện Tấm Cám".
Bạn đọc Võ Thị Quý viết như vậy trong bài viết "Tấm Cám, một triết lý nhân sinh thuần Việt" tham gia diễn đàn "Sửa đoạn kết truyện Tấm Cám".
Một câu chuyện cổ tích có cái kết không giống như cổ tích, nhiều người có thể cho rằng đó là một cái kết không cần thay đổi. Tuy nhiên, với cái nhìn rất riêng của mình, tớ cho rằng Tấm Cám có một cái kết hoàn toàn hợp lí, bởi ngoài tính nhân văn và giáo dục sâu sắc (xin nhấn mạnh là sâu sắc). Tấm Cám còn mang đậm màu sắc của triết lý Phương Đông. Triết lí ấy được "ngộ ra" trong đoạn kết - nếu thay đổi đoạn kết, với tớ, truyện Tấm Cám chẳng còn gì hay!
Tấm Cám nằm trong kho tàng truyện cổ tích của Việt Nam, nhưng tớ không cho rằng Tấm Cám đơn thuần chỉ là một câu chuyện cổ tích. Nó là một truyện ngắn dân gian mang dáng dấp cổ tích - một câu chuyện dân gian của đời thường, của cuộc sống thực tế không mơ mộng!
Đứng ở góc độ đời thường đó, một cách công bằng, chúng ta không có quyền đòi hỏi một nàng Tấm thánh thiện và hoàn hảo về mọi mặt (mặc dù nhân vật của chúng ta đúng là một con người như thế thật)...
Xét về bối cảnh lịch sử, Tấm trước hết là một nhân vật xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội, Tấm có số phận của một con người yếu đuối bị chà đạp và theo tớ, Tấm chỉ là một hình tượng nghệ thuật, một điển hình được khái quát mà thôi.
Nhân vật Tấm chính là hiện thân của cái đẹp, cái đẹp ấy được hiểu, được ước tính theo một chuẩn mực chung nhất là vẻ đẹp thoát ra từ bên trong tâm hồn của con người và cho dù các tác giả dân gian chưa từng đề cập đến ngoại hình của Tấm. Chắc ai trong chúng ta cũng có thể hình dung ra Tấm trong một chân dung với nét đẹp hoàn mĩ theo quan niệm của người Á Đông: làn da trắng, nụ cười xinh và khuôn mặt trái xoan đoan trang, thùy mị.
Nhưng xin được nhấn mạnh một lần nữa, đằng sau bức chân dung hoàn hảo của tạo vật đó là một cuộc đời, một số phận với những nỗi cay đắng, nhọc nhằn và cốt lõi của cái đẹp là nằm ở đây: ở bản năng sống mạnh mẽ đến kỳ diệu, ở sự không đầu hàng số phận, ở sự đấu tranh không bao giờ biết mỏi để giành lấy lẽ phải và công bằng.
Đó là sức sống của con người Việt Nam, sức sống của những cây "sống đời" khát ánh nắng, bất cứ một sự huỷ diệt nào cũng là mầm mống của sự hồi sinh.
Riêng với Tấm, người đã chết rồi sống lại đến bốn lần và ở lần thứ bốn mới biến thành một trái thị thơm lừng. Nếu chúng ta để ý một chút thì sẽ thấy được đó là cả một ý đồ nghệ thuật mang tính triết lý sâu sắc: Hãy ngoảnh lại và nhìn về quá khứ, lúc ấy Tấm đang ở nhà dì ghẻ, ở cái lần Tấm đi mò cua cùng Cám, bị Cám lừa trút hết giỏ cá... Tấm chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Sau đó, nuôi bống lớn lên bị bắt ăn thịt... Tấm chỉ biết ngồi ôm mặt khóc rồi không được đi xem hội... Tấm cũng chỉ biết ngồi ôm mặt khóc.
Nhưng cho đến lần hồi sinh thứ nhất, trong con người Tấm đã xuất hiện một nhân tố mới, đó là sự phản kháng: "Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch, giặt mà không sạch tao vạch mặt ra", "Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao".
Đến lần thứ hai, thứ ba: "Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị chị khoét mắt ra". Rõ ràng đã có một sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật, một sự phát triển, hoàn thiện dần ở khía cạnh con người.
Và đỉnh điểm của sự phát triển đó là Tấm - một trái thị thơm lừng. Hương thơm ấy đã một phần nào nói lên được những khía cạnh tốt đẹp bên trong con người Tấm nhưng cũng xin nói thêm rằng, ở thời điểm này, Tấm là một nhân vật hoàn thiện về mọi mặt - hoàn thiện trên danh nghĩa của một con người phàm tục (không phải một cô tiên).
Vì thế, ở góc độ khác của cái nhìn, bên kia là cái tốt, bên này sẽ là cái xấu, bên kia là cái thiện, bên này sẽ là cái ác. Tính triết lí biểu hiện ở đó: Con người chỉ hoàn thiện khi vượt qua thử thách và là hoàn thiện khi nào thôi cam chịu, biết vùng lên đấu tranh như một bản năng tất yếu của sự sinh tồn.
Chúng ta sẽ không thấy có vấn đề gì với kết thúc của câu chuyện nữa. Theo tớ, đó là một kết thúc bác học và hợp lý. Nó kéo câu chuyện về gần với con người hơn, đời thường hơn, sâu sắc và ý nghĩa hơn...
Theo VNN