Họp phụ huynh, bố mẹ so kè từng điểm số
Có lẽ những buổi họp phụ huynh luôn trở thành tiêu điểm để bố mẹ so kè điểm số của các con. Tôi cũng không phải ngoại lệ.
Khi con học lớp 1, lần đầu tiên đi họp phụ huynh cho con, tôi khá hồi hộp chờ xem điểm thi cuối kỳ, lo không biết con có đạt 9, 10 không? Tất nhiên là phải í ới với mấy chị hàng xóm có con học cùng, con đi thi về là hỏi han con tới tấp: Con có làm hết bài không, bài có khó không? Con làm được bài thì khoe rối rít, không làm được bài thì trả lời lý nhí, sợ sệt.
Tôi chạy ngay sang nhà cô bé học cùng xem con mình ở lớp có mắc lỗi gì không, bé nhà tôi thường bị cô nhắc nhở liên tục vì tội nói chuyện riêng, học kém.
Thế là tôi cũng đặt mục tiêu hàng ngày, hàng tuần con phải đạt điểm tốt, con mà kém điểm bạn Long, bạn Quỳnh thì cứ liệu hồn. Con học vì sợ mẹ đánh đòn chứ không phải vì thích học.
Một giờ học thảo luận nhóm của học sinh tiểu học. Ảnh: VietNamNet.
Có hôm bố đến đón, mấy bạn ùa ra mách tội: “Bạn Minh hôm nay nói leo, nhìn bài của bạn, cô cho đứng xó”. Hôm đó, con trai tôi bị một trận đòn đau vì tội “bố nhắc con mãi mà con không chừa”.
Con trai tôi nghịch ngợm, học hành chấp chới nên đi họp phụ huynh tôi khá căng thẳng. Thể nào cô cũng bêu tên con, thế thì xấu hổ quá. Nhưng rất may, cô giáo của cháu đứng lớp đã hơn 20 năm, buổi họp phụ huynh mà cô chủ trì diễn ra nhẹ nhàng và êm thấm.
Cô nêu tình hình học chung của các con, khen ngợi những con có tố chất thông minh, ngoan ngoãn đồng thời cũng nhắc chung một số em còn nghịch ngợm, học hành chểnh mảng.
Cô cũng tế nhị khi phê bình các con, cô nêu tên một số em cá biệt và đề nghị phụ huynh quan tâm con em sát sao hơn, “cháu học chậm hoặc có lỗi gì, tôi đều đã ghi vào vở học, sổ liên lạc của các cháu. Các bác về xem và uốn nắn con”.
Cô kể về những trò nghịch ngợm của lũ trẻ khiến phụ huynh ồ lên cười, không khí buổi họp phụ huynh trở nên gần gũi khi cô chia sẻ những khó khăn trong việc quản trẻ giờ học, giờ ăn, giờ ngủ với phụ huynh.
Video đang HOT
Ban phụ huynh của lớp cũng rất công khai thông báo thu chi tài chính và mức đóng góp quỹ hàng năm cho các con ở mức trung bình, phụ huynh đều đồng tình. Có năm tổ chức ngày Tết trung thu và Noel cho các con bị hụt quỹ, các anh chị cũng nêu rõ ràng và mọi người sẵn sàng đóng góp thêm vài chục ngàn để buổi liên hoan của các con được tươm tất, phong phú hơn. Quỹ phụ huynh đóng góp dao động từ 200 đến 300 nghìn/năm. Theo tôi, ở một trường thị trấn, mức đóng góp này là thỏa đáng và hợp lý.
Đoán chắc con trai thuộc nhóm học sinh cá biệt của lớp, cuối buổi họp phụ huynh tôi thường nán lại hỏi han cô chủ nhiệm.
Cô cười rất tươi: “Bạn Minh nghịch lắm, hay nói leo, hay nói chuyện, học còn chậm em à”. Tôi dẹp ngay “món thở than”, “món đánh đập” mà chuyển sang “món tâm tình”, “món nhẫn nại” khi học cùng cậu con trai siêu quậy.
Khi mẹ không la hét, không chạy ngược chạy xuôi hỏi điểm, hỏi lỗi của con từ các bạn trong khu tập thể, con trai tôi đã chăm chú và tự giác học hơn.
Thậm chí, sau buổi họp kỳ 1 năm lớp 2, nhận kết quả điểm toán 9, tiếng việt 8, tôi còn ra sức an ủi động viên con: “Mẹ con mình còn cả kỳ 2 để cố gắng, con chăm học hơn một chút là được”. Con trai tôi tự tin và chịu khó ngồi vào bàn học khi được mẹ thường xuyên động viên, khen ngợi.
Tôi cho rằng, để buổi họp phụ huynh không trở thành “cơn ác mộng” thì mỗi phụ huynh cũng cần bớt đi tính ăn thua, sĩ diện.
Nói dễ làm khó, ai cũng sẽ thốt lên như thế. Tôi từng được nghe một chị cạnh nhà bực bội kể, cô giáo phê bình con gái chị trước buổi họp phụ huynh.
Cô bé và bạn có chút mâu thuẫn cãi cọ nhau, con gái chị xúc phạm bạn rằng”mẹ mày chỉ đi bán bánh rán ở chợ” khiến bạn khóc nức nở.
Chị ấy bảo giận con đến phát khóc, mình đã là gì đâu mà sao con mình nó dám phát ngôn như thế, cô giáo thì bảo làm nghề gì cũng đều đáng quý. Tôi nghĩ cô giáo xử lý tình huống này nóng vội và thiếu tế nhị.
Cô giáo nên trao đổi riêng với phụ huynh chứ đừng làm phụ huynh bẽ mặt ngay trong cuộc họp.
Tôi dám chắc một điều, chị ấy sẽ cho con một trận đòn nên thân kèm theo vô số lời giáo huấn nặng nề ngay khi trở về nhà.
Mỗi cuộc họp phụ huynh đối với tôi là dịp để trao đổi thẳng thắn với cô chủ nhiệm về tình hình học tập cũng như tính cách của con.
Những lời nhận xét của cô luôn giúp tôi kịp thời uốn nắn, bảo ban con để con tiến bộ hơn.
Không hề a dua, chạy đuổi theo điểm số, thành tích nên mỗi lần đi họp phụ huynh, tôi đều vui vẻ, thoải mái.
Theo Mỹ Đức/VietNamNet
Tờ giấy khen loại khá duy nhất của em tôi
Chuyện buồn của một gia đình bắt nguồn từ tờ giấy khen kết quả học tập đạt loại khá của đứa con trai.
Mẹ nói con nghe cái này, thiệt buồn dễ sợ. Biết em con kỳ này xếp học lực loại gì không? Loại khá đó, nó bị mắc kẹt môn tiếng Anh. Thiệt, mẹ thất vọng quá!"...
Mẹ nói một tràng với tôi, rồi cúp máy cái rụp, thở dài đánh thượt, như thể em tôi vừa gây ra chuyện gì động trời lắm vậy. Học kỳ này em chỉ xếp loại học lực khá, khi môn tiếng Anh không đủ 6,5. Mà bị ảnh hưởng một môn thì chắc chắn phải xếp loại khá rồi, dù tổng điểm trung bình có cao mấy đi chăng nữa.
Tranh minh họa: Tuổi Trẻ.
Trước giờ tôi hay nghe mẹ than phiền rằng, em tôi có phần ham chơi, chuyện học hành không được chăm chỉ như tôi ngày trước. Thật ra em trai tôi rất thông minh. Toán, tôi dạy một lần là nó hiểu. Văn, tôi gợi ý một chút là nó viết được một bài, dù không hay như văn mẫu nhưng ít ra cũng có cái ý riêng của nó.
Việc học tập ở lớp, em tôi không phải đứa giỏi nhất. Nhưng nhìn cách nó sáng tạo ra mấy món đồ chơi, nào là súng bằng cây trúc, nào là chế lại chiếc máy bay đồ chơi từ mấy món đồ cũ..., tôi biết em tôi thích mấy môn khoa học sáng tạo. Có lần nó còn giúp mẹ thay bóng đèn tròn bị hư điện. Tôi không nghĩ em tôi - thằng nhóc 12 tuổi - làm được điều đó chỉ với mấy cái sơ đồ đơn giản về điện trong sách vật lý.
Là con trai, nét chữ cũng có phần cẩu thả, vì vậy không ít lần em tôi bị điểm thấp vì bị trừ điểm. Và lần nào mẹ cũng buồn rầu, gọi điện cho tôi trách tội thằng nhỏ. Cũng chẳng thể trách mẹ được. Nhà tôi nghèo, may mắn thay tôi học giỏi nên mẹ lúc nào cũng muốn em trai tôi giỏi như tôi. Tự bao giờ tôi trở thành tấm gương và cũng là gánh nặng cho thằng nhỏ.
Mười hai năm đèn sách, năm nào tôi cũng đạt học sinh giỏi. Chưa kể còn đạt giải thưởng vài cuộc thi nho nhỏ cấp huyện, cấp tỉnh. Mẹ lấy làm tự hào vì điều đó lắm. Gia cảnh nghèo mà con học giỏi thì ai mà không tự hào cho được. Nhưng mẹ đâu biết được rằng để có được thành tích đẹp đó, tôi đã phải chịu nhiều áp lực. Mẹ cũng không biết rằng trong số 24 tờ giấy khen mẹ cất giữ thiếu 1 tờ. Đó là tờ giấy khen học kỳ 1 năm lớp 8 - tờ giấy khen loại khá duy nhất của tôi.
"Tôi tự hỏi rằng bao giờ thì những bậc phụ huynh mới hiểu ra thành tích là thứ áp lực, chứ không phải kết quả của sự học tập đàng hoàng? Bao giờ thì trẻ em được học những gì các em muốn, mà không màng đến tờ giấy khen loại khá hay giỏi?".
Năm đó, cũng vì môn Toán và Văn không trên 8,0 nên tôi bị xếp loại khá. Thầy cô tiếc nuối, bạn bè ngỡ ngàng, còn tôi thì vô cùng lo sợ. Tôi sợ không biết phải giải thích với mẹ thế nào. Tôi không sợ mẹ mắng, tôi chỉ sợ mẹ thất vọng, y như cái cách mẹ thất vọng về em tôi bây giờ. Vì thế tôi giấu nhẹm tờ giấy khen đó, và cả phần quà dành cho học sinh khá.
Suốt thời gian đó tôi sống trong khủng hoảng. Tôi sợ ba mẹ của mấy đứa bạn trong xóm hỏi thăm. Tôi sợ mẹ phát hiện ra sự thật. Nhiều lần tôi muốn thú nhận với mẹ "tội lỗi" đó, nhưng không cách nào nói ra được. Tôi đành cất nó trong lòng, âm thầm nỗ lực học tập để không phải nhận thêm bất kỳ tờ giấy khen loại khá nào nữa.
Từ đó, lúc nào tôi cũng mang cảm giác cạnh tranh với bạn bè trong lớp, so đo từng điểm số. Thậm chí, nếu lỡ có bài kiểm tra nào điểm thấp, tôi sẽ tự phạt mình bằng cách nhịn ăn quà hôm đó, xem như một cách chuộc lỗi với sự kỳ vọng của mẹ. Với tôi, điểm thấp nhất mà tôi cho phép mình đạt được là con điểm 8. Có lẽ vì sự nghiêm khắc với bản thân mà từ đó đến khi học hết lớp 12 tôi đều nhận những tờ giấy khen loại giỏi.
Tôi vào đại học và sắp ra trường. Nhưng giờ đây, chuyện về em trai tôi lần nữa khiến tôi băn khoăn. Nhiều lần tôi cố giải thích với mẹ, rằng đừng quá tạo áp lực cho em tôi, muốn khuyên mẹ đừng đặt nặng hai chữ thành tích lên em tôi nữa nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu.
Suy cho cùng, người mẹ nghèo của tôi có quyền hi vọng con mình học thật giỏi, thành đạt trong xã hội, vì mẹ đã hi sinh hơn nửa đời người để nuôi chị em tôi ăn học.
Sinh ra trong gia đình nghèo đã là một áp lực, nhưng hãy để trẻ em học tập trước hết là vì say mê kiến thức, sau đó mới là khát vọng đổi đời.
Theo Minh Anh/Tuổi Trẻ
'Bạn Trinh giành mất hạng xuất sắc, con sẽ bị ăn đòn' Vì thành tích, không ít bà mẹ dặn con phải "quan tâm đặc biệt" đến những bạn sẽ là đối thủ cạnh tranh vị trí với con mình. Buổi họp phụ huynh kết thúc, dù đã nói kỹ việc học sinh được khen thưởng năm nay có những điểm thay đổi, nhưng tôi vẫn liên tục phải giải thích hết người này đến...