Họp phụ huynh
Cuối tuần vừa rồi, tại Hà Nội có nhiều trường phổ thông tổ chức họp phụ huynh để nhà trường thông báo kết quả học tập của các cháu. Do biết trước lịch họp nên nhiều học sinh rất lo lắng.
Vô tình nghe được câu chuyện của những đứa trẻ đang học THPT cùng với con, mới thấy chúng áp lực trước cuộc họp ấy đến thế nào.
Ảnh minh họa
Một đứa già dặn nhất trong đám lên tiếng: Sau cuộc họp bố tớ sẽ làm ầm lên cho mà xem vì điểm Toán của tớ năm nay hơi thấp. Một đứa khác nói: Tớ mới lo này, hôm trước có bày tỏ quan điểm trước lớp với cô dạy Văn là không đồng ý làm bài theo mẫu, bị cô ghi vào sổ đầu bài và đề nghị cô chủ nhiệm trao đổi lại với phụ huynh… Đến lượt con nhà tôi lo lắng: Điểm môn Quốc phòng của tớ thấp quá, tớ cũng trót cãi thầy là không phải ai cũng giỏi tháo lắp súng, thày có thể không bắt các học sinh phải đạt đến một chuẩn giống nhau được không…?
Thực ra chuyện chưa hài lòng với kết quả học tập của con, âu cũng là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng rõ ràng, nếu sự kỳ vọng càng lớn, trong khi con không chạm tới ngưỡng như mong đợi, sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực.
Nhiều thày cô giáo chia sẻ, do xu hướng xét tuyển ĐH bằng học bạ ngày càng phổ biến, giờ đây nhiều trường THPT cũng đã siết chặt hơn kết quả thực học của học sinh. Dẫu thế “bệnh thành tích” trong học đường và ngoài xã hội không giảm, có nguyên nhân từ chính nhiều phụ huynh, bởi họ luôn đòi hỏi kết quả, thứ hạng học tập của con. Không phải ai cũng đạt đến độ dũng cảm đề nghị với giáo viên chủ nhiệm rằng không cho con đạt học sinh giỏi nếu điểm môn này, môn kia còn chưa đủ. Ngược lại, đa phần đều muốn các thày cô vớt vát, nương tay trong chấm điểm với con mình.
Sự ám ảnh về điểm số khiến nhiều phụ huynh không có nhu cầu nghe con em của họ giãi bày, rằng vì sao chúng chỉ đạt được kết quả như thế. Đôi khi kết quả học tập của học sinh sa sút đến từ những lý do khách quan, nghe có vẻ không liên quan, nhưng lại rất có lý. Đơn cử như việc giữa học kỳ I nhà trường thay cô giáo dạy Toán, cô rất khó tính, cách dạy của cô không dễ hiểu như thày giáo cũ. Hoặc do giáo viên chủ nhiệm sắp xếp lại chỗ ngồi, học sinh phải ngồi cạnh một bạn học không thiện chí, rất khó tập trung trong việc tiếp thu bài…
Những ngày qua, mạng xã hội cũng đang lan truyền những đoạn tin nhắn giữa giáo viên chủ nhiệm ở một trường THPT tại Hà Nội tới các giáo viên. Cuộc nói chuyện xảy ra sau khi buổi họp phụ huynh kết thúc. Vì không hài lòng với kết quả học tập của con em mình mà nhiều phụ huynh về nhà đã quát mắng, chì chiết con. Nhiều em vì không chịu được đã nhắn tin tâm sự với cô giáo. Sau khi biết được tình trạng của học trò, cô giáo chủ nhiệm đã quyết định gửi “tâm thư” của mình đến các bậc phụ huynh và đề nghị các ông bố bà mẹ không nên chì chiết, gây áp lực lên con em mình.
Những phản ứng thái quá từ phụ huynh có thể làm hỏng tinh thần của một cuộc họp phụ huynh. Giờ đây mô hình học sinh được làm chủ trong các cuộc họp phụ huynh đã được nhiều trường tư thục tại Hà Nội áp dụng. Các em tự mình tổ chức, báo cáo kết quả học tập và nói lên suy nghĩ của mình với bố mẹ, thày cô.
Video đang HOT
Có lẽ đây cũng nên là xu hướng cần được áp dụng, nhân rộng ở cả các trường công lập. Họp phụ huynh nên là một buổi đối thoại, trong đó lấy học sinh làm trung tâm, các em ở đó để được tự tin, tự khẳng định mình khi dám nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình trước đám đông; làm chủ bản thân khi biết mình cần gì, muốn gì thông qua hệ thống các kỹ năng, giá trị đã được học; kế hoạch cụ thể do chính mình đề ra.
Vi Cầm
Theo daidoanket
Bệnh thành tích rất khó chữa!
Chính vì nặng về thành tích nên các nhà trường vẫn áp chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, giáo viên ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới.
Bệnh thành tích trong ngành giáo dục rất khó chữa bởi nó liên quan đến rất nhiều ban ngành, nhiều vấn đề hiện nay. Từ thành tích thi đua của địa phương, của ngành giáo dục, của các nhà trường, giáo viên...
Thậm chí trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng có những yêu cầu về chất lượng giáo dục như tỉ lệ phổ cập, tỉ lệ học sinh bỏ học, tỉ lệ học sinh đậu tuyển sinh 10...Chính vì thế, chữa được "căn bệnh" này còn khó hơn cả hái sao ở trên trời vậy.
Dù biết rõ "bệnh thành tích" nhưng không dễ dàng "chữa" được căn bệnh này (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Lãnh đạo Sở, Phòng sợ Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện
Muốn đẩy lùi được căn bệnh thành tích thì phải bắt đầu từ những người làm công tác trong ngành giáo dục nhưng lãnh đạo ngành giáo dục lại sợ những lãnh đạo trực tiếp của mình nên bệnh thành tích vẫn hoành hành khắp nơi.
Mấy năm trước, chúng tôi được điều động đi ra đề thi tuyển sinh 10 và được tiếp cận rất nhiều thông tin từ lãnh đạo của mình. Vị trưởng Hội đồng ra đề thi là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu những thành viên ra đề như sau:
"Các thầy ra đề làm sao để học sinh phải đạt được từ 6 điểm/ môn trở lên. Bởi đề ra khó thì học sinh không làm được là Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quở trách, các trường Trung học phổ thông sẽ than đầu vào thấp".
Tất nhiên, khi lãnh đạo đã chỉ đạo như vậy thì chúng tôi phải tuân thủ và làm theo để đề thi phải "phù hợp" với tất cả các đối tượng học trò, nhất là đối với những học trò yếu cũng phải có điểm trung bình.
Thực tế, sau mỗi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10 thì tất cả các số liệu được chuyển về các địa phương. Tất nhiên, khi họp Ủy ban thì lãnh đạo ngành giáo dục sẽ phải báo cáo các số liệu này với lãnh đạo của mình.
Kết quả, chất lượng kỳ thi mà cao thì không sao nhưng nếu điểm thi thấp, chất lượng thấp thì đương nhiên lãnh đạo ngành giáo dục sẽ bị các Ủy ban nhân dân quở trách.
Một khi lãnh đạo Sở, Phòng bị quở trách, phê bình thì họ lại quở trách hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường phổ thông và khi về trường thì Ban giám hiệu lại quở trách lại giáo viên của trường mình. Điệp khúc ấy cứ luẩn quẩn, lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác và chưa thấy có sự thay đổi.
Giáo viên phải tìm cách đối phó với chỉ tiêu
Chính vì nặng về thành tích nên các nhà trường vẫn áp chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, giáo viên ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới. Một khi đã phân bổ chỉ tiêu về chất lượng giáo dục thì tất nhiên là giáo viên phải cố gắng để hoàn thành.
Học sinh học tốt sẽ đạt được điểm tổng kết cao là điều đương nhiên nhưng nhiều lớp, nhiều học sinh học chưa tốt mà một số thầy cô vẫn phải nâng điểm lên cho học trò để đạt được chỉ tiêu đã được nhà trường giao đầu năm.
Tất nhiên, việc nâng điểm này nó cũng có những mặt trái và tiêu cực khi mà học sinh học tập chưa tốt, kết quả không cao mà giáo viên kéo lên mặt bằng khá giỏi để phù hợp.
Trong trường phổ thông, kiểm tra học kỳ được xem là kỳ kiểm tra nghiêm túc nhất trong các nhà trường bởi đây là kỳ kiểm tra có sự vào cuộc của tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị đều tham gia.
Ban giám hiệu, nhân viên nhà trường thì làm những công việc gián tiếp. Giáo viên là người trực tiếp ra đề (đối với môn Sở, Phòng không ra đề), gác kiểm tra và chấm bài cho học trò.
Một số giáo viên làm việc nghiêm túc nhưng cũng có những giáo viên làm hời hợt vì thương học trò trong trường nên đề kiểm tra thì đã "ôn trọng tâm" nội dung đề bài, gác kiểm tra thì đôi lúc vẫn để cho học trò quay cóp, trao đổi bài với nhau.
Chính vì vậy, phần lớn học trò đạt điểm cao nếu trong phòng kiểm tra có vài em học sinh có học lực khá, giỏi. Đó là chưa kể một số môn học mà học sinh đi học thêm thì được thầy cô đã ôn các dạng bài tập giống với đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ nhiều lần. Ngày kiểm tra thì học sinh chỉ cần thay đổi số liệu (các môn tự nhiên) là ra kết quả.
Một số giáo viên thì rất hào phóng khi chấm điểm cho học trò với quan niệm cho điểm cao để học sinh thích học, chứ cho điểm thấp thì học sinh khiếp sợ nên điểm tổng kết thường cao một cách bất thường.
Sau mỗi học kỳ, các trường phải báo cáo điểm thống kê điểm trung bình cho Phòng, Sở và Phòng, Sở tổng hợp, so sánh xong lại gửi ngược về các trường và chúng ta đều thấy tỉ lệ học sinh khá, giỏi bây giờ nhiều vô kể.
Chính vì thế, những trường có điểm thấp thì Ban giám hiệu lại so sánh với trường điểm cao. Lại nhấn mạnh vì sao mà trường họ dạy tốt, học tốt còn trường mình kết quả lại thấp hơn trường bạn.
Bởi, nhìn vào điểm thống kê chung trên địa bàn huyện, tỉnh thì có những môn học có tỉ lệ học lực giỏi lên đến 70-80% học sinh. Trong khi, quy luật chung là năm sau phải cao hơn năm trước, ít ra cũng phải bằng với kết quả năm trước nên kết quả học tập của học sinh trên giấy tờ bây giờ thấy hãi lắm.
"Bệnh thành tích" của ngành giáo dục vì thế mà không thể thuyên giảm được- đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều thầy cô giáo, của xã hội khi nói về "căn bệnh" lâu năm của ngành.
THANH AN
The giaoduc.net
Thử thách với "Pi" khi mang toán học tới học sinh khiếm thính "Pi" tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, khuyến khích học sinh THCS, THPT tìm hiểu toán học và khoa học. Năm 2020, chương trình sẽ được triển khai tại trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội. Đây là một trường liên cấp (gồm có cấp tiểu học và THCS) đặc biệt, bởi có nhiều học sinh là trẻ khiếm thính....