Họp báo thi THPT quốc gia: Bộ GD&ĐT thừa nhận đính chính đề Vật lý
Chiều 24/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Theo số liệu thống kê, 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Bộ GD&ĐT thừa nhận có sai sót, đính chính đề Vật lý.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, đại diện PA83, Bộ Công an… tham dự buổi họp báo.
Số thí sinh, giám thị bị đình chỉ giảm
Mở đầu, thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định với đề thi THPT quốc gia, thí sinh không thể quay cóp khi có 24 mã đề thi khác nhau.
Trong kỳ thi này, Bộ GD&ĐT đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Các địa phương quán triệt sâu sắc nghị định của Chính phủ, các cơ quan đã phối hợp hỗ trợ công tác thi tổ chức thành công.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại buổi họp báo chiều 24/6.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Con số này ở năm 2016 là 328 em. Năm nay, kỳ thi cũng chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.
Đánh giá về con số này, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng do hình thức thi được đổi mới. Cụ thể, có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài không kéo dài, mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng nên việc gian lận giảm.
Bên cạnh đó, việc điều 50% số giám thị coi thi ở các trường ĐH phối hợp địa phương nên tính khách quan cũng được đảm bảo.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc đổi mới kỳ thi với những giải pháp kỹ thuật đã giảm tiêu cực đáng kể cho tiêu cực, đảm bảo thông tin khách quan, tin cậy.
Video đang HOT
Liên quan kỷ luật phòng thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết mỗi phòng thi đều có sự tham gia của giáo viên phổ thông và giảng viên đại học. Số thí sinh bị đình chỉ, vi phạm quy chế giảm mạnh, đây là cơ sở để khẳng định kỳ thi được tổ chức tốt hơn.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – chia sẻ số lượng thí sinh vi phạm quy chế năm nay giảm khẳng định kỳ thi đã tổ chức an toàn. Một kỳ thi không thể có chữ tuyệt đối, ĐH Bách khoa Hà Nội yên tâm về độ tin cậy với các thí sinh tham gia và có cơ sở xét tuyển vào đại học.
Xây dựng đề thi trắc nghiệm theo kinh nghiệm của Mỹ
Ông Sái Công Hồng – Phó cụ trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết sự tranh cãi của dư luận về đề thi THPT quốc gia sẽ được ban đề thi lưu ý, rút kinh nghiệm để đề thi ngày càng tốt hơn.
Theo đó, để xây dựng được các mã đề thi, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, sẽ chia ra thành các giai đoạn và thử nghiệm với học sinh lớp 12.
Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5, Bộ GD&ĐT đã chọn mẫu chuẩn hóa thử nghiệm cân bằng độ khó giữa các câu trong đề thi. Với đề thi trắc nghiệm khách quan, Bộ GD&ĐT xây dựng 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không quy định điều này, mà chỉ quy định mỗi đề thi có 24 mã đề khác nhau.
Ông Sái Công Hồng – Phó cụ trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT – phát biểu tại họp báo chiều nay.
Mỗi đề thi có 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao… Hội đồng thi sẽ rút các câu hỏi trong ngân hàng ma trận đề, trên cơ sở đó chọn đề thi gốc để đọc và thẩm định.
Đề thi trắc nghiệm THPT quốc gia có sự chuẩn hóa theo kinh nghiệm của Mỹ – nơi đã có nhiều kinh nghiệm làm thi trắc nghiệm. Vì vậy, việc hoàn thiện cách làm sẽ không thể trong một sớm, một chiều.
Ông Sái Công Hồng cho biết chỉ có thể so sánh độ vênh của toàn đề thi với nhau chứ không thể so sánh độ vênh của các câu hỏi, điều này là khập khiễng. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của mã bài thi sau khi có kết quả mới có thể chứng minh được về độ khó của các đề thi khác nhau có tương đương hay không.
Thừa nhận sai sót, đính chính đề thi Vật lý
Giải thích về việc đề thi Vật lý có tới 7 mã đề bị sai và phải đính chính, ông Sái Công Hồng cho biết có ít thời gian để chuẩn bị đề thi nên không thể tránh sai sót.
Thực tế, Bộ GD&ĐT chỉ có 2 tuần để chuẩn bị đề thi. Một tuần chuyển tới quy trình rà soát, kiểm định đề, gửi đi in sao ở các cơ sở. Trong tuần cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã phát hiện có sai sót và bổ sung đính chính, gắn vào các mã đề để thể hiện sự minh bạch, chặt chẽ trong các khâu của quá trình ra đề.
Về các ý kiến trái chiều trong việc đề thi môn Vật lý có độ khó không đồng đều, nên thí sinh thấy không công bằng, đó là do các em học chưa toàn diện, kiến thức chưa đồng đều thì không thể trách ai.
Bộ GD&ĐT khẳng định đề Ngữ văn không sai
Cũng theo ông Hồng, Bộ GD&ĐT khẳng định không sai trong đề thi Ngữ văn. Cụ thể, phần Đọc hiểu của bài thi Ngữ văn với mục đích là đọc hiểu, còn đọc hiểu điều gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí lấy ngữ liệu như thế nào thuộc về quy trình làm đề thi, ma trận đề thi. Điều này phải được bảo mật.
Trước đó, từ “thấu cảm” trong câu Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) gây tranh cãi.
TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nêu quan điểm: “Thấu cảm” chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cắt – ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Chỉ trở về khởi thủy, tạm hiểu theo cách chiết tự với hai yếu tố là hiểu và cảm.
Theo nữ tiến sĩ, đoạn văn của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó “thấu cảm” được bởi không thể “nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ” được. Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông.
Thứ hai, càng không thể “hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó”, thậm chí đó là điều không tưởng với chính mình. Thêm nữa, theo TS Trịnh Thu Tuyết, đây là đoạn văn thiếu logic, không chặt chẽ và chủ quan.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đổi mới, diễn ra từ ngày 22 đến 24/6 ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước.
Thí sinh thi tất cả các môn bằng hình thức trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Lần đầu tiên có tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và môn Toán thi trắc nghiệm.
Theo Zing
'Thí sinh còn đi thi, tôi còn nấu cơm miễn phí cho tụi nhỏ'
Bốn năm liền, ông Phạm Anh Tài và hội phụ huynh trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM, nấu ăn, phục vụ bữa trưa miễn phí cho thí sinh.
Những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều phụ huynh trường THPT Giồng Ông Tố đến khoảng sân nhà ông Phạm Anh Tài (quận 2, TP.HCM) nấu cơm trưa miễn phí cho các thí sinh dự thi tại trường THPT Giồng Ông Tố và THPT Thủ Thiêm.
Đều đặn 4 năm nay, năm nào, ông Tài cũng hợp sức với các phụ huynh khác đi chợ, nấu ăn, chia phần cơm, phân phát cho các thí sinh dự thi CĐ, ĐH và bây giờ là kỳ thi THPT quốc gia. Người đàn ông này nói: "Khi nào còn thí sinh ở trường này đi thi, tôi vẫn còn nấu ăn cho tụi nhỏ".
Ông Tài phát cơm miễn phí cho thí sinh. Ảnh: Minh Nhật.
Ông Tài cho biết một vài năm trước đây, kỳ thi CĐ, ĐH rất căng thẳng, nhiều phụ huynh, sĩ tử từ các tỉnh khăn gói lên thành phố thi. Họ ở lại trường, ăn uống tạm bợ, không hợp vệ sinh.
"Thấy vậy, tôi cũng xót cho các thí sinh, ngày thi đã căng thẳng mệt mỏi, ăn uống lại không đảm bảo thì làm sao đủ sức làm bài cho tốt", ông Tài tâm sự.
Phụ huynh này đề xuất với hội phụ huynh trường THPT Giồng Ông Tố cùng nấu cơm trưa phục vụ miễn phí cho thí sinh và người nhà. Nhiều người vui vẻ hưởng ứng đề xuất của ông Tài.
Bất cứ thí sinh nào cảm thấy cần, chỉ cần đăng ký với trường trước ngày thi, hội phụ huynh sẽ lo tất cả, thậm chí còn giao cơm đến tận nơi.
Thí sinh Ngô Trâm Anh (THPT Giồng Ông Tố) cho hay: "Năm nay, em thi ở trường cũ, nên đi một mình. Cha mẹ đều đi làm không nấu cơm trưa. Nhờ suất cơm này, em yên tâm ăn uống, khỏi lo ăn hàng quán bên ngoài không đảm bảo vệ sinh".
Theo Zing
Trắng đêm chữa cháy, chàng lính cứu hỏa vẫn đến trường thi đúng giờ Sau một đêm làm nhiệm vụ đến hơn 5h, chàng lính cứu hỏa 21 tuổi đến trường thi làm bài tổ hợp Khoa học tự nhiên vào sáng 23/6. Chàng trai cho biết làm bài trên mức trung bình. Tối 22/6, một trận cháy lớn xảy ra tại Cảng Sài Gòn (quận 4, TP.HCM). Theo lời kể của người dân địa phương, lửa...