Hồng Kông: Học sinh được học kiến trúc để phát triển tư duy phản biện
Những lớp học như thế được thực hiện bởi tổ chức Architecture for Children, đây cũng là nơi mà kiến trúc sư Chan đã dạy các kỹ năng thiết kế và kiến trúc cho học sinh trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, ông Chan không có ý định hướng các em học sinh trở thành kiến trúc sư tương lai hoặc cố gắng thuyết phục chúng lấy được tấm bằng trong lĩnh vực này.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin CityLab, ông đã giải thích rằng cách giảng dạy của mình rèn cho học sinh lối tư duy phản biện và có lý trí, đồng thời dạy học sinh các khía cạnh quan trọng của việc ra quyết định.
Ông Chan nói: “Trong lớp toán hoặc khoa học, bạn học cách giải một bài toán theo công thức. Nhưng bạn có thể không học cách phân tích vấn đề. Phân tích là rất quan trọng đối với mỗi người. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thiết kế dạy cho các em lập luận, tranh luận và đưa ra lý lẽ một cách sáng tạo”.
Tại trường tiểu học ở Hồng Kông, trẻ em 9 tuổi có cơ hội học về kiến trúc, thiết kế và quy hoạch đô thị. (Ảnh: Freepik)
Ông Chan hiện đang giảng dạy một khóa học kéo dài 18 tuần cho các học sinh lớp bốn, năm, và sáu tại Trường tiểu học Chính phủ Kwun Tong, một trường tiểu học công lập ở quận Kwun Tong của Hồng Kông.
Ông được hiệu trưởng trường, cô Edith Tse, mời giảng dạy khóa học kiến trúc trong nỗ lực xây dựng một chương trình giảng dạy phù hợp, kéo dài năm năm, được thiết kế riêng dựa trên giáo dục STEM.
Cô ấy nói, “Bản chất của giáo dục STEM là gì? Chúng tôi nghĩ rằng đó là thiết kế (designing) và gây dựng (making). Thiết kế là quá trình ra quyết định và giải quyết vấn đề, cả hai quá trình này đều rất liên quan đến cuộc sống hàng ngày”.
Ông Chan giải thích: “Chúng tôi có một nhóm học sinh lên ý tưởng xây dựng một khách sạn trên đỉnh đồi gần trường, vì vị trí này có tầm nhìn tuyệt vời. Đó là một ý tưởng tốt. Nhưng tuần sau, họ nhận ra rằng việc xây dựng sẽ rất khó khăn và quyết định san bằng ngọn đồi! Tôi đã nói với các học sinh của mình rằng: “Đợi đã, tuần trước các em đều đồng ý rằng ngọn đồi này là vị trí rất lý tưởng cho khách sạn cơ mà”.
Vậy nên, những gì cần làm luôn là hướng dẫn các bạn nhỏ cách hợp lý hóa quy trình và tiếp tục phát triển từ suy nghĩ ban đầu sang bước tiếp theo. Ngay cả khi những học sinh này không muốn đi vào lĩnh vực thiết kế, những kỹ năng tư duy này trong lĩnh vực này lại rất quan trọng”.
Video đang HOT
Một trong những lớp học về kiến trúc và quy hoạch đô thị tại Trường tiểu học Chính phủ Kwun Tong (Ảnh: Mary Hui)
Thêm vào đó, học sinh còn được học cách vẽ và trau dồi các kỹ năng máy móc của mình, điều mà Chan cảm thấy học sinh ngày nay thường yếu kém. Ông giải thích rằng: “Sinh viên nên học cách vẽ như một hình thức để diễn đạt.
Ngày nay, chúng ta bị bao quanh bởi iPhone và iPad, nhưng một số sinh viên thậm chí còn thiếu các kỹ năng máy móc đơn giản. Vì thế, tôi nghĩ dạy những kỹ năng thủ công như vẽ cũng là một cách để các em giải quyết vấn đề công nghệ sau này”.
Các học sinh cũng có thể xây dựng và làm mô hình. Các em được chia thành các đội nhỏ, mỗi đội sẽ phải chọn một khu vực để lên kế hoạch quy hoạch. Sau đó, các em tiếp tục xây dựng các mô hình bằng những tấm bìa cứng theo đề xuất của mình, ví dụ như tân trang lại một nhà xưởng cũ thành phòng thí nghiệm khoa học vũ trụ hay xây dựng một khách sạn sinh thái trên một mỏ đá cũ.
Học về quy hoạch đô thị từ nhỏ cũng dạy cho trẻ về sự bền vững. Mặc dù các em có thể quen thuộc với thuật ngữ này, nhưng có thể không hoàn toàn nắm bắt được hết ý nghĩa cho đến khi phải đối mặt với các kịch bản trong thế giới thực.
Ông Chan nói: “Chúng tôi cũng phải bắt đầu dạy về phát triển bền vững từ những học sinh nhỏ tuổi. Rất nhiều học sinh nghĩ rằng cho chai nhựa vào thùng rác tái chế là ý nghĩa của tính bền vững.
Nhưng có một cách rộng hơn để suy nghĩ về sự bền vững, chẳng hạn như, bạn nghĩ thế nào về các vận tải để giảm sử dụng xe hơi? Đây là chủ đề rất rộng và phức tạp, và chúng ta phải đơn giản hóa để học sinh có thể nhận ra thông điệp rằng để làm cho tương lai của các thành phố bền vững hơn, bạn thực sự phải suy nghĩ về rất nhiều yếu tố khác nhau”.
Những lớp học do ông Chan giảng dạy là một ví dụ tuyệt vời về cách các trường học có thể đổi mới khi dạy các kỹ năng quan trọng, thông qua các hình thức sáng tạo như nghệ thuật và thiết kế.
Thái Hằng
Theo Study International News
"Lùm xùm" đề thi học sinh giỏi quốc gia: Bộ Giáo dục nói gì?
Nhiều chuyên gia phản ánh, đề thi học sinh giỏi quốc gia 2019 vừa qua có chất lượng thấp. Đặc biệt, cách thức tổ chức vẫn theo lối mòn và tạo áp lực cho học sinh. Bộ GD&ĐT đã trả lời quanh "lùm xùm" này.
Trong các ngày 13-15/1, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT cho hơn 4.500 HS trên cả nước, ở 12 môn thi.
Sau cuộc thi, giới chuyên môn đã dấy lên nhiều cuộc bàn tán về đề thi các môn học, mà phần lớn chưa hài lòng về chất lượng đề thi. Trong đó đề thi môn Toán, Văn nhận nhiều ý kiến tranh cãi nhất.
Thẳng thắn bày tỏ với PV Dân trí ngay sau khi cuộc thi kết thúc, cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội cho rằng, đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm 2019 chưa thực sự hay.
Đặc biệt ở câu 2, bàn về cỗ máy biết viết văn, làm thơ, cô Thu cho rằng, ý kiến đưa ra trong đề thi để học sinh giỏi luận bàn là ở thì tương lai nên không thực tế trong thời điểm hiện tại.
"Học sinh phải lập luận, minh chứng những điều không tưởng. Trong khi, hiện nay đất nước ta có hàng trăm, hàng nghìn vấn đề đáng quan tâm luận bàn, thực tế lại không được đưa vào đề thi", cô Thu nói.
Đề thi môn Ngữ Văn, kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2019.
Về đề thi Toán, một số chuyên gia cũng cho rằng, đề thi HS giỏi quốc gia nhưng sao chép quá nhiều. Đáng ra phải có những bài toán hay, thì đề thi lợi thế cho học sinh giải bài nhiều và tạo ra cuộc đua "giải bài càng nhiều càng tốt".
Ngày 19/1, Bộ GD&ĐT đã có câu trả lời báo chí về vấn đề này. Theo đó, Bộ cho biết, đã giao Cục Quản lý chất lượng- đơn vị được giao chủ trì tổ chức Kỳ thi, tiến hành kiểm tra, rà soát các nội dung được phản ánh.
Quan điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
Về công tác đề thi, đơn vị này cho rằng, kỳ thi đáp ứng mục đích tổ chức thi nêu trên, được thực hiện với quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu cao.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình giáo dục phổ thông và nội dung dạy học các môn chuyên của trường trung học phổ thông chuyên do Bộ GD&ĐT ban hành,hướng dẫn.
Theo đó, đề phải đảm bảo tính chính xác khoa học, bao quát được nội dung dạy học; có độ tin cậy, độ giá trị, được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; đánh giá đúng năng lực học sinh giỏi và phân loại được thí sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, đánh giá chất lượng kỳ thi HS giỏi quốc gia thế nào, sau khi có kết quả chấm thi mới kết luận được. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Bộ GD&ĐT ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo về đề thi. Song, để đánh giá chính xác chất lượng đề thi, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho rằng, phải dựa vào phân tích thống kê kết quả thi sau khi chấm thi.
Được biết, Bộ GD&ĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan.
Đồng thời, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Nữ sinh trường Ams giành học bổng 6 tỷ đồng của ĐH Ivy League danh giá Nguyễn Minh Hà, cô gái xinh xắn trường Ams từng giành ngôi Á quân giải Vô địch Tranh biện Việt Nam 2017, Quán quân giải Tranh biện Hà Nội 2016 vừa xuất sắc nhận học bổng toàn phần trong đợt nộp hồ sơ sớm vào đại học Mỹ năm 2019 với mức học bổng 258. 000 USD cho 4 năm học. Tư duy...