Hồng Ánh: Tiền bán vé vở kịch chỉ cần hòa vốn là đã rất mừng
Khao khát tìm nguồn cảm hứng mới cho bản thân, cho kịch nói và chứng kiến sự trở lại của một nhân tài làng kịch – đạo diễn Đoàn Khoa, Hồng Ánh bỏ tiền đầu tư, sản xuất vở kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình.
Trò chuyện với Thanh Niên, Hồng Ánh thổ lộ chị và các cộng sự xác định đây là một “phép thử”, tiền bán vé chỉ cần hòa vốn là đã rất mừng.
Vừa trở về từ Liên hoan phim AIFFA 2023 ở Malaysia cuối tuần trước, Hồng Ánh lại tiếp tục lao vào ráp sân khấu, chuẩn bị những khâu cuối cùng để kịp ra mắt vở kịch thể nghiệm Mình kể chuyện mình vào tối 11.8. Với vở kịch này, Hồng Ánh không chỉ tham gia diễn xuất mà còn gánh vác trọng trách của một nhà sản xuất.
Hồng Ánh hoạt động sôi nổi ở cả ba lĩnh vực: điện ảnh, truyền hình lẫn sân khấu. NSX
Biết rõ thách thức và những rủi ro về mặt doanh thu mà một vở kịch thể nghiệm có thể đem tới, Hồng Ánh vẫn quyết tâm đi đến cùng với dự án để được thỏa đam mê cùng các cộng sự, được gửi đi một tín hiệu về tinh thần đương đại và nỗ lực đổi mới của nghệ thuật sân khấu. “Vở kịch hiện chỉ có 3 suất diễn, khán phòng không quá rộng, vì là thể nghiệm nên sẽ có nhiều thứ lạ lẫm với khán giả nên trước hết chúng tôi cũng muốn thăm dò phản ứng của mọi người trước. Lần này, nếu hòa vốn là ê kíp đã rất mừng chứ chưa tính đến chuyện có lời”, Hồng Ánh nói.
Mình kể chuyện mình là mối duyên giữa Hồng Ánh và đạo diễn Đoàn Khoa. Trong một lần tình cờ hội ngộ tại một… đám tang, Hồng Ánh và Đoàn Khoa có dịp ngồi xuống để chiêm nghiệm và nói về phận người, về đại dịch, về những sang chấn, trầm cảm và tổn thương khó giãi bày của con người trong xã hội hiện đại. Vốn trân quý tài năng của người anh lớn đã “ở ẩn” khá lâu, Hồng Ánh “rủ rê” Đoàn Khoa trở lại làm kịch. Từ đó, họ cùng nhau “bắt tay” để làm một vở kịch về thân phận con người và những câu chuyện mà họ không thể nói với nhau.
Kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình quy tụ những tên tuổi kỳ cựu của làng kịch nói phía nam. NSX
Video đang HOT
Sân khấu Mình kể chuyện mình được dàn dựng tối giản, mang tính ước lệ. NSX
Cùng mong mỏi mang đến một điều gì đó mới mẻ cho bản thân lẫn bầu không khí chung của kịch nói Sài Gòn, Hồng Ánh và Đoàn Khoa quyết định dàn dựng và kể câu chuyện của mình theo phong cách thể nghiệm, không có cấu trúc ba hồi, không có cốt truyện cụ thể, sân khấu tối giản, có nhân vật còn chẳng có tên. Nhưng họ đều tin vào sức mạnh của những mảnh đời, mẩu chuyện và sự thấu cảm giữa người với người.
Khi được hỏi vì sao hoạt động sân khấu thời nay kém sôi động hơn hẳn so với các loại hình nghệ thuật khác, Hồng Ánh nhận định: “Ở các môn nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, tôi thấy về mặt kỹ thuật, cơ sở vật chất, Việt Nam không có sự chênh lệch quá nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng với sân khấu thì lại chênh quá lớn, chúng ta đang thiếu hụt nhiều sự sáng tạo, về mặt thể hiện, dàn dựng”.
“Nhiều năm như thế đã trôi qua, sân khấu an toàn và khán giả cũng quen với sự an toàn đó nên họ mất đi sự tò mò, thắc mắc và hứng khởi. Đó là chưa kể những loại hình khác đang liên tục có sự đổi mới, có vô số sự lựa chọn các loại hình nghệ thuật, giải trí từ trực tiếp cho đến online. Nhân lực mới của ngành không thiếu, nhưng hầu hết đều ở lại trong bộ khung an toàn. Cũng thật khó cho những người làm sân khấu vì họ còn phải cân đối việc kinh doanh, làm mới quá thì cũng sợ không ai tiếp nhận”.
Hồng Ánh và đạo diễn Đoàn Khoa mong muốn vở Mình nói chuyện mình có nhiều nét mới mẻ trong cách kể chuyện, dàn dựng nhưng vẫn phải gần với đời thường. NSX
Mình nói chuyện mình được đạo diễn bởi Đoàn Khoa, anh từng ghi dấu ấn khi đạo diễn vở Tiếng hát thiên nga, Người mua hạnh phúc, Thương hoài ngàn năm. Đạo diễn Đoàn Khoa từng có thời gian dài gắn bó với sân khấu kịch IDECAF, cũng từng nắm giữ vai trò tổng đạo diễn của 2 mùa Duyên dáng Việt Nam. NSX
Bên cạnh đó, Hồng Ánh cho rằng muốn có sự thay đổi tích cực cho bầu không khí chung của ngành sân khấu, nỗ lực phải đến từ cả nghệ sĩ lẫn khán giả. Nữ diễn viên nói: “Nhìn vào giá vé sân khấu hiện nay, đôi khi tôi buồn và thấy sao quá phi lý. Ra nước ngoài, khi đi xem kịch nói, Broadway hay thậm chí những sân khấu thể nghiệm nhỏ nhưng giá vé bao giờ cũng mắc hơn 5, thậm chí 10 lần giá vé xem phim. Ở Việt Nam, vé xem ca nhạc tầm 1 triệu mọi người sẵn lòng mua, nhưng nếu đó là giá vé của một vở kịch thì họ lại đắn đo ngay. Phần nào có lẽ vì họ không chắc chắn về giá trị mà họ sẽ nhận lại, nó không đủ mạnh, nó không đồng đều. Mong muốn đổi mới, nguồn cơn sáng tạo phải đến từ cả hai phía nghệ sĩ lẫn khán giả, chúng phải gặp nhau. Nghệ sĩ cần kiên trì vì kết quả của việc đổi mới không thể thấy được ngay. Thể nghiệm cái mới luôn tốt nhưng nó cũng phải chạm đến đời sống. Phía khán giả cũng phải đến với những thể nghiệm nghệ thuật bằng tâm thế rộng mở, phóng khoáng. Có thể thích, có thể không, có thể không hiểu tức thì nhưng cũng được kích thích để về tìm hiểu thêm. Còn nếu nghe gì đó mới mà đã từ chối ngay lập tức thì sẽ thật khó khăn. Chỉ như vậy, ta mới có thể cùng nhau xóa bỏ sự đơn điệu và an toàn. Tôi mong qua vở kịch này, chúng tôi có thể tạo nên một nguồn cảm hứng mới cho khán giả và cho các đồng nghiệp. Như vậy là đã mừng lắm rồi”.
Bên cạnh Hồng Ánh, Đoàn Khoa, Mình nói chuyện mình còn có sự góp mặt của NSND Kim Xuân, Quang Thảo và Huỳnh Ly. Vở kịch sẽ được trình diễn tại Nhà hát thực nghiệm – Trường múa TP.HCM vào hai đêm 11 và 12.8.2023.
NSND Kim Xuân: Đóng kịch thể nghiệm, tôi như được 'chơi' với nghề
Trò chuyện với Thanh Niên, NSND Kim Xuân không giấu được sự vui thích khi chia sẻ về vở kịch thể nghiệm mà bà tham gia - Mình nói chuyện mình, sắp ra mắt khán giả vào ngày 10.8.
NSND Kim Xuân hội ngộ khán giả kịch nói với vở Mình nói chuyện mình. Tác phẩm do Đoàn Khoa làm đạo diễn, có sự góp mặt của Hồng Ánh, Quang Thảo, Huỳnh Ly. POSTER KỊCH
Hơn 50 năm cống hiến cho diễn xuất, NSND Kim Xuân là một trong số ít các diễn viên thành công ở cả ba mảng kịch nói, truyền hình và điện ảnh. Những năm gần đây, khán giả thường xuyên thấy sao phim Mùi ngò gai xuất hiện trong nhiều dự án phim ảnh, một số cho rằng bà không còn quá mặn mà với sân khấu.
Về điều này, nữ nghệ sĩ phủ nhận: "Thật ra hàng tuần tôi vẫn xuất hiện ở sân khấu IDECAF diễn vở Ngôi nhà không có đàn ông, hoặc nửa tháng thì tôi lại diễn Người lạ, người thương, rồi người dưng - những tác phẩm của đạo diễn Vũ Minh. Có lẽ những tác phẩm phim ảnh tạo được tiếng vang lớn nên khán giả chú ý nhiều, ví dụ như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Nhà không bán và gần nhất là Hạnh phúc máu. Đầu năm nay tôi cũng xuất hiện trên phim truyền hình Nhà mình lạ lắm. Vậy nên nhiều người nghĩ Kim Xuân tập trung mảng điện ảnh, truyền hình nhiều hơn sân khấu, nhưng thật ra tôi vẫn về làm việc với sân khấu".
Bên cạnh mảng điện ảnh, truyền hình, NSND Kim Xuân vẫn đều đặn tham gia đóng kịch tại sân khấu hàng tuần. NSX
Nói đến cơ duyên tham gia vở Mình nói chuyện mình, diễn viên Dù gió có thổi cho biết bà không nghĩ sẽ có dự án này của Hồng Ánh, hơi đột xuất trong thời điểm này. "Hồng Ánh gọi điện nói chị ơi em có dự án này thuộc dạng kịch thể nghiệm, của đạo diễn Đoàn Khoa. Đầu tiên, nghe tên Đoàn Khoa, tôi biết rằng lâu lâu Đoàn Khoa mới làm, khi mà Khoa làm sẽ thú vị. TP.HCM là một nơi hết sức phong phú về nhiều mặt, nhiều loại hình nghệ thuật và giải trí, cần thể loại nào cũng có từ kịch bình dân đến kịch mang hơi hướng nhân văn. Tôi nghĩ loại kịch thể nghiệm mà Hồng Ánh sản xuất sẽ thêm một món ăn lạ cho người Sài Gòn, để người ta thấy rằng ngoài phòng trà, sân khấu ca nhạc, cải lương, chúng ta còn có sân khấu kịch, đặc biệt là thêm dạng thể nghiệm này", bà chia sẻ.
Theo NSND Kim Xuân, có thể khi nghe đến dạng kịch thể nghiệm, nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy lạ lẫm nhưng thể loại này đã có ở TP.HCM từ lâu. Bà kể ngày trước, nói đến kịch thể nghiệm, sân khấu 5B là một điểm rực sáng. "Nó sáng đến mức mà bản thân tôi đã đóng những vở thể nghiệm tương tác trực tiếp với khán giả luôn. Dạ cổ hoài lang cũng là một dạng thể nghiệm, tức là chỉ có một cái bục ở giữa, khán giả sẽ ngồi vòng quanh. Ở bên đó ngày trước còn không có micro nữa, người diễn viên phải dùng lực thật của mình", nghệ sĩ 5X nhớ lại.
Theo NSND Kim Xuân, kịch thể nghiệm đã xuất hiện tại TP.HCM từ lâu. Đây là một thể loại kịch độc đáo, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập trung về đài từ. Đôi khi sân khấu chỉ là một cái bục có ánh đèn, khán giả ngồi xung quanh, phải suy nghĩ liên tục và có tương tác trực tiếp với diễn viên. NSX
Bà tâm sự mình đã quen với dòng kịch này từ lâu, nhưng giới trẻ thời đó bây giờ đã thành người trung niên. Vậy nên, nếu nhiều bạn trẻ cảm thấy xa lạ thì những người có trách nhiệm phải xin lỗi, vì đã không duy trì được thể loại này để khán giả được thưởng thức.
"Ở nước ngoài, sân khấu thể nghiệm rất nhiều, trong một thành phố có vài sân khấu lớn, còn lại có đến mấy trăm sân khấu thể nghiệm, có những nơi chỉ có vài chục ghế. Ở đó, người ta diễn Romeo và Juliet, Hamlet và các vở nổi tiếng theo một kiểu khác, với suy nghĩ riêng của đạo diễn, khi xem, não của khán giả phải làm việc liên tục. Bởi vậy tôi thương Sài Gòn lắm, nó có nhiều thứ nhưng đôi khi người ta tưởng nó đi theo sau thôi. Thể nghiệm đã có ở đây mấy chục năm rồi, lâu lâu Đoàn Khoa muốn khơi lại thì chúng tôi rất hào hứng để gửi đến khán giả", NSND Kim Xuân nói.
Ngôi sao 5X không giấu được sự vui thích khi được thỏa sức diễn xuất với Mình nói chuyện mình. NSX
Ngôi sao kỳ cựu cho rằng đối với kịch thể nghiệm, tiếng nói sân khấu là yếu tố cực kỳ quan trọng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải trau chuốt về đài từ, thậm chí khiến các diễn viên đã từng tham gia sân khấu kịch phải coi lại về đài từ. Nữ nghệ sĩ khẳng định: "Tham gia kịch thể nghiệm, tôi giống như cá gặp nước. Mình như được "chơi" với nghề, đúng là lao động thì phải vất vả nhưng tôi cảm thấy sung sướng trong sự lao động ấy, đó là niềm đam mê của tôi".
Đề cập đến câu chuyện nhiều sân khấu phải đóng cửa sau đại dịch, đồng thời một số sân khấu mới cũng đang "rục rịch" tiếp cận khán giả, NSND Kim Xuân không ngần ngại bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã và đang cố gắng duy trì loại hình nghệ thuật này. Bà nói: "Tôi muốn nói một câu thế này: Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, những ai làm sân khấu, những diễn viên cộng tác với sân khấu, những tác giả viết kịch cho sân khấu, những người mà đem sân khấu đến khán giả...".
NSND Kim Xuân bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã và đang cống hiến hết mình để duy trì sân khấu kịch. NSX
Bà bộc bạch cơ sở vật chất ở sân khấu không có nhiều. Khán giả cũng thừa biết điện ảnh, phim truyền hình, quảng cáo, sitcom... đem lại lợi nhuận nhanh chóng. "Trong khi ở sân khấu phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, hà cớ gì một cô giám đốc sản xuất như Hồng Ánh phải bỏ số tiền không nhỏ để làm một vở này, nó chỉ có tính thời vụ, chúng tôi sẽ diễn có 4-5 buổi thôi và cũng không có một sân khấu cố định. Vấn đề là muốn cho khán giả nhìn thấy những điều mà mình cảm thấy thích, thú vị, muốn khán giả cũng đón nhận được điều đó. Tôi cảm ơn vô cùng những người đang công tác trong ngành sân khấu", NSND Kim Xuân nói.
Việt Trinh, Hồng Ánh tưởng nhớ cố đạo diễn Lê Cung Bắc Việt Trinh, Hồng Ánh cùng nhiều nghệ sĩ khác: NSND Đào Bá Sơn, NSND Kim Xuân, biên kịch Châu Thổ, đạo diễn Trần Ngọc Phong, diễn viên Trường Thịnh... tụ hội tại lễ đại tường và ra mắt hồi ký "Bụi cát chân mây" của NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc. Sự kiện diễn ra ngày 13-6 tại TP HCM. Tại buổi...