Hơn một triệu người chết vì Covid-19 toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn một triệu người chết vì nCoV trong hơn 33,2 triệu người nhiễm, nhiều nước châu Âu áp đặt hạn chế khi dịch tái bùng phát.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 33.290.641 ca nhiễm và 1.001.970 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 255.611 và 3.884 ca sau 24 giờ, trong khi 24.609.019 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.319.656 ca nhiễm và 209.446 người chết, tăng lần lượt 35.306 và 291 ca so với một ngày trước đó. Số liệu mới cho thấy ca tử vong hàng ngày giảm đáng kể tại Mỹ.
Bang New York, từng là tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, hôm 26/9 ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ 5/6. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình New York vẫn được cải thiện kể từ đỉnh dịch hồi đầu năm. Các nhà hàng ở thành phố New York, hiện phục vụ khách ngoài trời, sẽ được phép phục vụ khách trong nhà từ 30/9 với công suất 25%.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho tất cả người dân vào tháng 4/2021, tuy nhiên giới chuyên gia y tế tỏ ra thận trong hơn, cho rằng kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn chỉ có thể xảy ra sớm nhất vào giữa năm sau.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 23/9 kêu gọi người dân ở nhà vào dịp Halloween và tổ chức các bữa tiệc bằng hình thức trực tuyến. “Nhiều hoạt động Halloween truyền thống có thể có nguy cơ lây lan virus cao”, CDC viết, khuyến cáo không nên tổ chức các bữa tiệc hóa trang đông người trong nhà hoặc cho trẻ em đi xin kẹo.
Thống đốc Florida Ron DeSantis ngày 25/9 dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh, cho phép nhà hàng và quán bar hoạt động hết công suất. Ông nói rằng mối đe dọa đã giảm đến mức đủ để cho phép bang này bước vào giai đoạn mở cửa cuối cùng. Phòng tập gym, cơ sở giải trí và chăm sóc cá nhân sẽ được phép hoạt động hết công suất trong giai đoạn cuối.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 82.767 ca nhiễm và 1.040 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.073.348 và 95.574. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.
Ấn Độ tuần qua mở cửa trở lại đền Taj Mahal sau 6 tháng ngừng đón khách du lịch. Số người tham quan mỗi ngày được giới hạn ở mức 5.000, so với trung bình 20.000 trước đại dịch. Vé vào đền chỉ được bán online, có khoảng 300 vé được bán ra trong ngày đầu mở cửa. Khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt và phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách với những người khác.
Sinh viên năm nhất đeo khẩu trang trong lễ khai giảng tại Đại học Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 26/9. Ảnh: AFP.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 300 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 141.741. Số người nhiễm nCoV tăng 14.194 trong 24 giờ qua, lên 4.732.309.
Video đang HOT
Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Nga báo cáo thêm 99 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 20.324. Số ca nhiễm tăng 7.867, lên 1.151.438. Nga đã nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.
Nga đang đàm phán và đã nhận được yêu cầu cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Đây là một bước tiến có thể mang tới cho Nga đòn bẩy kinh tế và chính trị vô cùng giá trị trên trường quốc tế.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/9 đề nghị tiêm miễn phí vaccine Sputnik-V cho các nhân viên Liên Hợp Quốc. Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cảm ơn và cho biết họ sẽ nghiên cứu đề xuất này.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 670.766 ca nhiễm và 16.398 ca tử vong, tăng lần lượt 1.268 và 22. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.
Các hạn chế về di chuyển và kinh doanh đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6, nhưng nước này vẫn đóng biên để tránh ca ngoại nhập. Tổng thống Nam Phi thông báo dỡ bỏ hầu hết hạn chế từ 20/9 và sẽ mở biên với hầu hết quốc gia từ 1/10.
Ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 11.123 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 538.569, trong đó 31.727 người chết, tăng 27 trường hợp.
Các quán bar và nhà hàng ở Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp phải đóng cửa từ 23/9. 8 thành phố lớn khác, gồm thủ đô Paris, sẽ ban hành hạn chế mới như giới hạn tụ tập ở nơi công cộng dưới 10 người và áp giờ đóng cửa sớm hơn với quán bar.
Anh, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, ghi nhận 434.969 ca nhiễm và 41.988 ca tử vong, tăng lần lượt 5.693 và 17 trường hợp. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ Anh ước tính mỗi ngày có chưa đến 10.000 người nhiễm mới, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 ca mới/ngày mà nước này dự đoán vào giai đoạn cao điểm.
Năng lực xét nghiệm của Anh đã tăng đáng kể từ sau đợt dịch đầu tiên, nhưng vẫn đang bị quá tải khi nhiều người dân không thể xét nghiệm hoặc phải vượt quãng đường rất xa để đến nơi có thể xét nghiệm, kết quả trả về cũng bị chậm trễ. Điều này dẫn tới nhiều chỉ trích nhằm vào hệ thống y tế Anh.
Iran báo cáo 25.589 người chết, tăng 195, tổng số ca nhiễm là 446.448, tăng 3.362. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại nước này đang có xu hướng gia tăng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng hồi đầu tháng 9. Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi hồi giữa tháng cảnh báo về “sự trỗi dậy” của nCoV tại một số vùng của đất nước, do mức độ tuân thủ các biện pháp y tế giảm sút.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 304.226 ca nhiễm và 5.344 ca tử vong, tăng lần lượt 2.995 và 60 ca.
Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, bày tỏ lạc quan nước này sẽ “trở lại bình thường” vào tháng 12.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 275.213 ca nhiễm, tăng 3.874 so với hôm trước, trong đó 10.386 người chết, tăng 78 ca. Thủ đô Jakarta đang siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.700 người nhiễm, tăng 15 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.
Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.
WHO cảnh báo ngày 25/9 rằng số ca tử vong do nCoV có thể lên đến hai triệu nếu các biện pháp chống dịch không được duy trì.
“Một triệu là con số khủng khiếp và chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó trước khi nghĩ đến nguy cơ sẽ có thêm một triệu người nữa tử vong”, giám đốc mảng trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói. “Chúng ta có cùng nhau chuẩn bị những gì cần thiết để tránh con số đó không? Nếu chúng ta không thực hiện những hành động đó, điều đáng buồn là con số sẽ cao hơn nhiều”.
WHO cảnh báo 2 triệu người có thể chết vì Covid-19
WHO cảnh báo số người chết vì Covid-19 có thể tăng gấp đôi lên hai triệu nếu các biện pháp chống dịch không được duy trì, khi ca nhiễm ở châu Âu tăng mạnh.
"Một triệu là con số khủng khiếp và chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó trước khi nghĩ đến nguy cơ sẽ có thêm một triệu người nữa tử vong", giám đốc mảng tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói hôm 25/9.
"Chúng ta có cùng nhau chuẩn bị những gì cần thiết để tránh con số đó không?", ông nói. "Nếu chúng ta không thực hiện những hành động đó, điều đáng buồn là con số sẽ cao hơn nhiều".
Covid-19 xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,2 triệu người nhiễm và hơn 985.000 người tử vong. Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nhất, với hơn 7 triệu ca nhiễm, chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới.
WHO đưa ra cảnh báo trong bối cảnh châu Âu đang thắt chặt các biện pháp hạn chế mới. Chính quyền Tây Ban Nha mở rộng lệnh phong tỏa ở trong và xung quanh thành phố Madrid, áp dụng lên một triệu người.
Cơ quan y tế Madrid cho hay lệnh mới nhằm cấm hàng chục nghìn người rời khỏi khu vực sinh sống, ngoài 850.000 người đang sống dưới quy định hạn chế tương tự và sẽ có hiệu lực từ 28/9.
Tượng "siêu nhân viên y tế" cao 6 mét tại Madrid bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã chiến đấu chống Covid-19. Ảnh: AFP.
Khắp châu Âu, làn sóng nhiễm mới đang bùng lên, khi Phần Lan và Pháp ghi nhận các con số kỷ lục mới. Số ca nhiễm theo ngày của Pháp lần đầu vọt lên 16.000, dấu hiệu rõ ràng cho thấy Covid-19 đang hồi sinh trong bối cảnh chính phủ Pháp đối mặt với sự phản đối của ngành khách sạn khi chuẩn bị đưa ra quy định hạn chế mới.
Các chủ nhà hàng và quán bar ở Marseille đã tụ tập ngoài tòa án thương mại thành phố để phản đối việc phải đóng cửa bắt đầu từ tối 27/9 bởi "chúng tôi có thể phải tuyên bố phá sản", Bernard Marty, chủ tịch hiệp hội khách sạn khu vực, nói.
Các quán bar ở thủ đô Paris và một loạt thành phố khác sẽ bị cắt giờ làm việc nhưng không đóng cửa hoàn toàn.
Tại nước Anh, các nhà chức trách công bố mở rộng lệnh hạn chế tới 1/4 dân số đất nước, trong khi hai chuỗi siêu thị cho hay đang giới hạn lượng mua hàng hóa nhất định để kiềm chế tình trạng mua hàng tràn lan vì hoảng loạn.
Moskva yêu cầu những người dễ bị tổn thương tránh lây nhiễm bằng cách ở nhà, trong khi Israel tăng cường lệnh phong tỏa bằng cách ngăn người dân bay ra nước ngoài.
Ở Brazil, quốc gia ghi nhận hơn 140.000 ca tử vong, cao thứ hai thế giới sau Mỹ, đang vật lột để kiểm soát Covid-19. Các lễ hội hóa trang nổi tiếng thế giới ở Rio de Janeiro bị hoãn vô thời hạn.
Đông Âu nổi lên như một điểm nóng khác trong tuần này, khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo số ca tử vong và nhập viện đang gia tăng báo động tại những quốc gia dễ bị tổn thương như Bulgaria, Czech và Romania.
Ba Lan, quốc gia không nằm trong khối EU, ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi từ hơn 700 người vào 22/9 lên hơn 1.500 người vào 25/9.
Với số ca bệnh và số ca nhập viện tăng cao trong một khoa chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Madrid, Diana Llorens, người làm việc trong khoa, cho hay tình trạng này khiến nhiều người làm việc trong ngành y tế cảm thấy "thất vọng, mệt mỏi".
Hơn 32,7 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu Thế giới ghi nhận hơn 992.000 người chết vì nCoV trong hơn 32,7 triệu người nhiễm, nhiều nước châu Âu áp đặt các hạn chế khi dịch tái bùng phát. 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 32.718.131 ca nhiễm và 992.126 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 335.927 và 5.286 ca sau 24 giờ, trong khi 24.145.803 người...